Công tác phục hồi một bức tượng cổ nổi tiếng của Phật giáo ở Tây Nam Trung Quốc đang diễn ra thuận lợi và sẽ hoàn thành vào năm 2014, cơ qua...
Công tác phục hồi một bức tượng cổ nổi tiếng của Phật giáo ở Tây Nam Trung Quốc đang diễn ra thuận lợi và sẽ hoàn thành vào năm 2014, cơ quan văn hóa địa phương cho biết hôm thứ tư (9-11).
Tác phẩm điêu khắc Thiên Thủ Quan Âm được khắc cách đây 800 năm trong triều Nam Tống (1127-1279) trên núi Bảo Định, huyện Đại Túc thuộc thành phố Trùng Khánh (ảnh).
Bức tượng Quan Âm này có 1.007 cánh tay, trong mỗi lòng bàn tay đều có khắc một con mắt. Hang động, nơi có bức tượng, cao 7,7 mét và rộng 12,5 mét.
Qua nhiều thế kỷ, màu sắc của tác phẩm điêu khắc đã bị mờ, một số chỗ mạ vàng lá đã bị bong tróc, vết nứt đã xuất hiện, và trong năm 2007 nhiều ngón tay trên bức tượng đã bị gãy rụng.
Dự án phục hồi, được đặt tên là "Dự án bảo tồn di sản đá số 1 của Trung Quốc", bắt đầu vào tháng tư và dự kiến sẽ tiêu tốn 40 triệu nhân dân tệ (6,35 triệu USD).
Có hơn 50.000 bức chạm khắc đá nằm trong các hang động tại Đại Túc. Các hang động tạo tác này có từ đầu triều đại nhà Đường (618-907). Tất cả được liệt kê vào di sản thế giới lớn của UNESCO vào năm 1999.
Văn Công Hưng
(Theo GNO)
BÌNH LUẬN