Đã có một số cách giải thích về sự kiện Đề-bà Đạt-đa âm mưu sát hại đức Thế Tôn. Những cách giải thích đó thường chỉ liên hệ đến nhân quả ...
Đã có một số cách giải thích về sự kiện Đề-bà Đạt-đa âm mưu sát hại đức Thế Tôn. Những cách giải thích đó thường chỉ liên hệ đến nhân quả nghiệp báo trong nhiều kiếp trước giữa Đề-bà Đạt-đa và đức Thế Tôn. Tuy nhiên, âm mưu sát hại đức Phật của Đề-bà Đạt-đa có liên hệ đến âm mưu sát hại vua cha của A-xà-thế. Vì vậy, ở đây, chúng tôi thử đặt hai sự kiện có liên quan này trong bối cảnh chính trị và tôn giáo lúc bấy giờ để đưa ra thêm một cách giải thích mang tính gợi mở nhằm bổ sung thêm các cách giải thích trên.
Xin đưa ra lời giải thích tổng quát ngay từ đầu là, theo chúng tôi, rất có thể, kế hoạch sát hại đức Phật của Đề-bà Đạt-đa và sát hại vua Tần-bà-sa-la của A-xà-thế có liên quan đến một mưu đồ chính trị. Đó là âm mưu liên kết hai thế lực: thế quyền và thần quyền. Thế quyền là vương quyền của đất nước Ma-kiệt-đà. Và thần quyền là sự ảnh hưởng lớn mạnh của Phật giáo trong các vương quốc Ấn Độ cổ đại. Dưới đây chúng tôi sẽ trình bày những sử liệu hay thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến kế hoạch bạo ngược này.
Nói là sẽ trình bày sử liệu hay thông tin liên quan đến sự kiện này, nhưng cũng chỉ là những sử liệu hay những thông tin được nhiều người chấp nhận. Trong các nguồn sử liệu, thông tin liên quan đến gia thế của Đề-bà Đạt-đa có khác nhau, nhưng thông tin liên quan đến tham vọng lãnh đạo Tăng đoàn và âm mưu sát hại đức Phật của ông, trên đại thể, là giống nhau. Do đó, chúng tôi không đi vào phân tích hay so sánh những sử liệu liên quan khác nhau còn lưu lại trong văn liệu của các truyền thống Phật giáo như thường thấy khi đề cập đến bất kỳ sự kiện nào liên quan đến Phật giáo Ấn Độ nói riêng và lịch sử Ấn Độ nói chung. Và vì những thông tin lịch sử được trình bày đã phổ biến nên chúng tôi không ghi nguồn trích dẫn.
Trước hết, chúng tôi thưa là Đề-bà Đạt-đa không sát hại được đức Phật và không ai có thể sát hại được một đức Phật Thế Tôn. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ tìm hiểu nguyên nhân đã thúc giục Tỳ-kheo Đề-đa Đạt-đa và Hoàng tử A-xà-thế thực hiện âm mưu giết thầy và giết cha của họ.
Theo nguồn sử liệu phương Bắc, Hoàng tử Đề-bà Đạt-đa là anh em chú bác với Thái tử Tất-đạt-đa, con Bạch Phạn vương. Ông là anh trai của Tôn giả A-nan, xuất gia theo Phật cùng với một số hoàng thân nước Ca-tỳ-la-vệ. Sau khi xuất gia, Đề-bà Đạt-đa tu tập tinh tấn, chứng đạt một số thần lực, được bạn đạo quý mến, quần chúng Phật tử thành Vương Xá kính trọng. Nhưng không dừng lại ở đó, ông có tham vọng nắm giữ vai trò lãnh đạo Tăng-đoàn Phật giáo. Để thực hiện tham vọng này, Đề-bà Đạt-đa sử dụng thần lực, nhiếp phục Thái tử A-xà-thế và xúi giục A-xà-thế sát hại vua cha để lên ngôi, trong khi ông sát hại đức Phật để nắm giữ vai trò lãnh đạo tôn giáo nhiều ảnh hưởng này.
A-xà-thế thực hiện thành công âm mưu sát hại vua Tần-bà-sa-la và nắm quyền cai trị vương quốc Ma-kiệt-đà. Còn Đề-bà Đạt-đa, sau khi trực tiếp yêu cầu đức Thế Tôn giao phó Tăng đoàn cho mình lãnh đạo không thành, ông phải mượn thế lực của vua A-xà-thế để thực hiện âm mưu sát hại đức Phật. Đề-bà Đạt-đa tinh tuyển 16 sát thủ từ trong cung của vua A-xà-thế để tiến hành kế hoạch ám sát đức Phật. Theo kế hoạch, đầu tiên, ông sai hai sát thủ tiếp cận đức Thế Tôn và ra tay hạ sát Ngài. Rồi ông sai hai sát thủ khác sẽ chặn đường về và thủ tiêu hai sát thủ trực tiếp sát hại đức Phật. Cứ hai sát thủ sau sẽ chặn đường và thủ tiêu hai sát thủ trước. Tất cả chỉ vì không để lộ kẻ chủ mưu. Nhưng hai sát thủ đầu tiên đã được đức Phật giáo hóa. Họ không thể ra tay sát hại đức Phật. Thế là kế hoạch sát hại đức Phật này không thành.
Sai người thì sợ người bị đức Phật hóa phục. Đề-bà Đạt-đa nghĩ, thú dữ sẽ không thể bị hóa phục. Vì vậy, Đề-bà Đạt-đa mượn những con voi hung dữ của vua A-xà-thế. Chúng là con voi luôn phải nhốt trong chuồng, chỉ sử dụng khi lâm trận trên chiến trường. Sử ghi lại rằng trong lúc đức Thế Tôn cùng các thầy Tỳ-kheo đang trên đường vào thành Vương Xá khất thực, Đề-bà Đạt-đa ra lệnh thả những con voi hung dữ kia xông đến tấn công đức Phật. Nhưng bậc Đại giác đã hóa phục chúng với tâm đại từ. Chúng không hại đức Thế Tôn. Người và vật, không ai có thể sát hại đức Thế Tôn. Đề-bà Đạt-đa không tin là không thể sát hại được đức Phật. Ông đích thân mai phục trên một góc đỉnh núi, đợi lúc đức Phật đi qua sẽ lăn những tảng đá lớn từ trên đỉnh núi xuống và tin chắc những tảng đá lớn vô tri sẽ sát hại được đức Phật. Nhưng những tảng đá vô tri kia chỉ lăn xuống và dừng lại dưới chân đức Phật, làm tổn thương nhẹ chân Ngài.
Một người nhiều lần gây ra tội ác như vậy lẽ ra phải bị xử phạt nặng. Nhưng không, đức Phật cũng chẳng xử phạt gì Đề-bà Đạt-đa. Ngài chỉ nói với Tăng chúng là Đề-bà Đạt-đà không còn là thành viên của Tăng đoàn nữa. Và Ngài nói với Tôn giả Xá-lợi-phất thông báo cho quần chúng Phật tử để họ biết Đề-bà Đạt-đa không còn là một Tỳ-kheo đệ tử Phật, tất cả lời nói và việc làm của Đề-bà Đạt-đa không đại diện hay phản ánh bất kỳ quan điểm hay tư tưởng nào của chúng Tỳ-kheo đệ tử Phật nữa. Nhưng không chịu ăn năn hối cải, Đề-bà Đạt-đa nghĩ ra 5 điều của các nhà khổ hạnh để lôi kéo những Tỳ-kheo nhẹ dạ và mới tu. Và ông đã lôi kéo được 500 Tỳ-kheo. Khi có được 500 Tỳ-kheo theo mình, Đề-bà Đạt-đa ly khai giáo đoàn Tỳ-kheo đệ tử Phật, thành lập một giáo đoàn khác do ông lãnh đạo. Nhưng cuối cùng 500 Tỳ-kheo theo Đề-bà Đạt-đa cũng tỉnh ngộ và quay về với giáo đoàn Tỳ-kheo đệ tử Phật. Đề-bà Đạt-đa uất hận mà chết.
Về A-xà-thế, thường khi giải thích về sự kiện ngỗ nghịch của A-xà-thế, thì chỉ được giải thích là do ân oán từ nhiều đời trước giữa A-xà-thế và vua Tần-bà-sa-la. Và theo cách giải thích này, khi mới sanh, các nhà tướng số đã thưa với vua Tần-bà-sa-la, lớn lên A-xà-thế sẽ là đứa con ngỗ ngược, cần loại bỏ từ nhỏ. Nhưng vua Tần-bà-sa-la không quan tâm đến lời tiên đoán của các nhà tướng số. Vua Tần-bà-sa-la vẫn hết mực thương yêu Hoàng tử A-xà-thế. Thậm chí, khi biết kế hoạch sát hại vua cha của A-xà-thế, vua Tần-bà-sa-la không những không xử phạt mà còn sẵn sàng nhường ngôi cho A-xà-thế. Tần-bà-sa-la là vị vua nhân từ của vương quốc Ma-kiệt-đà và là đệ tử thân tín của đức Phật. Nhưng với bản tính bạo ngược và đầy tham vọng của mình, A-xà-thế đã giam hãm vua cha vào ngục tối và bỏ đói cho đến chết. Sử liệu chỉ nhắc đến yếu tố tham muốn ngôi vị của vua cha, ngôi vị mà trước sau gì cũng thuộc về A-xà-thế.
Nhưng A-xà-thế là một nhà lãnh đạo nhiều tham vọng. Ông luôn muốn mở rộng lãnh thổ của ông. Tham vọng của ông có thể được thấy trong lần ông sai quan đại thần Vassakāra đến hỏi đức Phật về kế hoạch xâm lược nước cộng hòa thuộc bộ tộc Vajjian. Nhân đó đức Phật gọi Tôn giả A-nan và chỉ dạy về bảy pháp mà chúng Tỳ-kheo cần tuân thủ để giữ vững một Tăng-đoàn hòa hợp và thanh tịnh. Đức Phật dạy Tôn giả A-nan, nhưng cũng để nói với quan đại thần đó biết là không ai có thể xâm lược một quốc gia hòa hợp như Vajjian. Nghe đức Phật phân tích sức mạnh có được do sự hòa hợp của bộ tộc Vajjian, A-xà-thế không đem quân xâm lược quốc gia có nền cộng hòa đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ này. Nhưng sau khi đức Phật niết-bàn một thời gian, sử liệu còn ghi lại, vua A-xà-thế đã tiến quân xâm lược thành Tỳ-xá-ly thuộc bộ tộc Vajjian và nhiều lân quốc khác. Cũng cần nói thêm, địa chính trị của vương quốc Ma-kiệt-đà do vua A-xà-thế cai trị rất thuận lợi trong việc xâm lăng mở rộng bờ cõi. Về sau, thế kỷ thứ IV và thứ III trước Tây lịch, cũng từ nước Ma-kiệt-đà, các hoàng đế của vương triều Maurya tiếp tục chinh phạt các nước lân bang, mở rộng bờ cõi trải dài khắp quốc gia rộng lớn Ấn Độ ngày nay, trong số họ, nổi bật nhất là vua A-dục, một Phật tử thuần thành, sau khi quy y theo Phật giáo, ông từ bỏ chiến tranh xâm lược, đem chánh pháp truyền rộng đến thần dân trong cả nước và nhiều nước lân bang.
Xin thưa thêm rằng, Đề-bà Đạt-đa xuất gia là vì động cơ chân chánh, không phải ông vì ganh tỵ với đức Phật hay vì một mưu đồ gì mà xuất gia. Chính Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đã từng khen ngợi Đề-bà Đạt-đa với quần chúng Phật tử thành Vương Xá. Tuy xuất gia chân chánh, nhưng chưa chứng đắc các thánh quả, nên tâm ông chưa nhu nhuyến, chưa thuần tịnh. Tâm chưa nhu nhuyến, thuần tịnh thì vẫn còn có thể bị danh, bị lợi, bị quyền, bị thế chi phối và che lấp thiện tâm. Trong trường hợp này, có thể vì tham vọng lãnh đạo một tôn giáo lớn và ảnh hưởng nhất xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ mà ông đánh mất lý tưởng xuất gia chân chánh của mình. Và cộng thêm yếu tố xuất thân từ giai cấp tướng lĩnh, Đề-bà Đạt-đa có thể có tham vọng không ngừng lại ở vai trò lãnh đạo Tăng-đoàn Phật giáo mang bản chất Sa-môn, mà còn muốn liên minh với thế lực chính trị để thực hiện âm mưu cuồng loạn của mình.
Sử liệu ghi là vua A-xà-thế bị Đề-bà Đạt-đa xúi giục và không đề cập đến âm mưu liên kết hai thế lực này. Nhưng với bản tính bạo ngược và nhiều tham vọng của mình, Thái tử A-xà-thế khó có thể đơn thuần chỉ vì lời xúi giục của Đề-bà Đạt-đa hay vì bị Đề-bà Đạt-đa dùng phép thuật mê hoặc mà sát hại vua cha. A-xà-thế có thể vì một mưu đồ chính trị lớn hơn.
Một câu hỏi được đặt ra là, nếu vua A-xà-thế đã hậu thuẫn cho Đề-bà Đạt-đa thực hiện kế hoạch bằng mọi cách để nắm giữ vai trò lãnh đạo Tăng đoàn nhằm liên kết hai thế lực này, thì tại sao, sau nhiều lần Đề-bà Đạt-đa thực hiện không thành công kế hoạch đó, A-xà-thế không trực tiếp sử dụng đến quyền lực của mình, thậm chí có thể sử dụng vũ lực để sát hại đức Phật và giúp Đề-bà Đạt-đa lên nắm quyền lãnh đạo Tăng đoàn? A-xà-thế không thể làm vậy. Bởi vì, A-xà-thế biết rõ rằng công khai làm thân Phật tổn thương hay sát hại Phật sẽ lãnh lấy nghiệp quả nghiêm trọng. Nghiệp quả nghiêm trọng ở đây không có ý nói đến nghiệp quả phải lãnh lấy trong những đời sau trong nghĩa nhân quả nghiệp báo. Chắc chắn A-xà-thế không tin nhân quả nghiệp báo. Nhưng ông tin chắc rằng, một khi đức Thế Tôn bị ông sát hại, các nhà lãnh đạo và nhân dân các nước lân bang (những người đệ tử Phật) sẽ đem quân hỏi tội ông và một số quốc gia khác sẽ lấy lý do đó xâm lược Ma-kiệt-đà. Khi đó ông khó bề chống đỡ. Như chúng ta biết, một số nguồn sử liệu còn ghi lại, sau khi đức Thế Tôn niết-bàn, các quốc gia đã đem quân đến thành Câu-thi-na để tranh chấp về việc phân chia xá-lợi của Ngài. Sự tranh chấp này đã được giải quyết trong tinh thần ôn hòa và tương kính. Chỉ vì mong muốn có được xá-lợi của đức Thế Tôn để tôn thờ mà họ đã sử dụng đến quân đội, huống chi trong trường hợp Ngài bị sát hại. Chính bản thân Đề-bà Đạt-đà nhiều lần sát hại đức Phật cũng chỉ sát hại trong sự bí mật. Trong kế hoạch cuối cùng để thực hiện tham vọng lãnh đạo Tăng đoàn, Đề-bà Đạt-đa cũng đã đề xuất những giới điều nghe có vẻ rất nghiêm ngặt trong việc tu tập để gây áp lực lên đức Phật. Chính đức Phật cũng không phê phán tất cả nội dung của những giới điều đó. Nhưng Ngài cũng không quy định các thầy Tỳ-kheo phải tuân giữ nó. Chắc chắn, cả hai, Đề-bà Đạt-đà và vua A-xà-thế không muốn để dân chúng và Phật tử biết kế hoạch bạo ngược của họ. Kế hoạch của họ được thực hiện trong phạm vi bí mật.
Trong cách giải thích của chúng tôi, chúng tôi đặt kế hoạch của A-xà-thế và Đề-bà Đạt-đa trong bối cảnh chính trị và tôn giáo Ấn Độ lúc bấy giờ.
Về chính trị, trong những thế kỷ trước khi đức Thế Tôn hiện thế, trung tâm chính trị của Ấn Độ cổ đại tập trung quanh lưu vực sông Indus, thuộc Tây Bắc Ấn. Trong thời gian này, Bà-la-môn giáo, đại diện cho nó là các giáo sĩ, nắm giữ vai trò lãnh đạo tinh thần của toàn xã hội. Họ có quyền lực lớn hơn cả các tầng lớp tướng lĩnh cai trị các quốc gia Bà-la-môn giáo này. Trong thời kỳ này, chúng ta thấy có sự liên kết giữa thần quyền, cụ thể là quyền lực xã hội của các giáo sĩ Bà-la-môn, với thế quyền, quyền lực cai trị bằng quân sự của giai cấp tướng lĩnh. Hai thế lực này liên kết để thống trị toàn xã hội. Nhưng đến thế kỷ thứ VI, thứ V trước Tây lịch, một số quốc gia mới nổi lên, lấy hạ lưu sông Hằng, thuộc Đông Bắc Ấn làm trung tâm chính trị. Ma-kiệt-đà của vua Tần-bà-sa-la là một trong hai quốc gia hùng mạnh nhất trong số các quốc gia thuộc Đông Bắc Ấn. Các quốc gia mới này vượt trội hơn các quốc gia thuộc lưu vực sông Indus, phía Tây Bắc Ấn Độ. Lãnh đạo các quốc gia mới không chấp nhận uy quyền tối cao của tầng lớp giáo sĩ Bà-la-môn và không lấy Bà-la-môn giáo làm quốc giáo. Họ có xu hướng ủng hộ các tôn giáo mới. Sự ủng hộ này, ngoài yếu tố tâm linh và tinh thần, còn có một phần yếu tố là họ muốn dựa vào các tôn giáo mới này làm thế đối trọng với quyền uy của Bà-la-môn giáo và thế lực của các vương quốc phía Tây Bắc Ấn Độ.
Về tôn giáo, các tôn giáo mới thuộc hạ lưu sông Hằng không chấp nhận giáo quyền của thánh điển Vệ-đà. Trong số các tôn giáo không thuộc Bà-la-môn giáo, được gọi chung là các đoàn Sa-môn, Phật giáo là tôn giáo vượt trội và nhiều ảnh hưởng nhất trong xã hội. Ảnh hưởng của Phật giáo lan rộng khắp 16 quốc gia đang phát triển thuộc hạ lưu sông Hằng. Đệ tử xuất gia theo Phật phần nhiều là những người xuất thân từ tầng lớp quý tộc, trí thức và thương nhân có nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Đệ tử tại gia của đức Phật gồm nhiều thành phần xã hội từ vua quan, thương nhân, trí thức cho đến những người cùng đinh khốn khổ, mà đông nhất là những tầng lớp có nhiều ảnh hưởng trong xã hội như vua quan, trí thức và thương gia. Trong số họ, có cả hai vị vua trị vì hai vương quốc hùng mạnh nhất là: vua Tần-bà-sa-la lãnh đạo nước Ma-kiệt-đà và vua Ba-tư-nặc, lãnh đạo nước Kiều-tát-la.
Kế hoạch sát hại vua cha của A-xà-thế và âm mưu sát hại đức Phật của Đề-bà Đạt-đa xảy ra trong bối cảnh chính trị và tôn giáo lấy hạ lưu sông Hằng làm trung tâm, mà trong đó, về chính trị Ma-kiệt-đà là một trong hai quốc gia hùng mạnh nhất và về tôn giáo, Phật giáo là tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong tất cả các quốc gia đang phát triển đó, cho phép chúng tôi đưa ra một giả thuyết về âm mưu sát hại thầy và cha của Đề-bà Đạt-đa và A-xà-thế có liên quan đến mưu đồ chính trị nhằm liên kết hai thế lực thế quyền và thần quyền. Nếu giả sử, Đề-bà Đạt-đa lên nắm giữ vai trò lãnh đạo Tăng-đoàn Phật giáo, ông sẽ hậu thuẫn cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của vua A-xà-thế bằng cách ủng hộ những cuộc xâm lược núp đằng sau chính sách ngoại giao. Và đáp trả lại, A-xà-thế sẽ ủng hộ Tăng-đoàn Phật giáo do Đề-bà Đạt-đa lãnh đạo và mở rộng Phật giáo cùng với đạo quân xâm lược của mình. Cách truyền bá tôn giáo như vậy đã thấy nhiều trong lịch sử tôn giáo thế giới.
Giải thích này cho phép chúng tôi nghĩ rằng đức Thế Tôn rõ biết sự liên kết giữa thế quyền và thần quyền có thể sẽ xảy ra. Liên minh này có thể gây ra rất nhiều nguy hại cho Phật giáo và cho quốc gia, nếu những người lãnh đạo trong các liên minh ấy không phải là minh quân, không phải là minh sư. Bản tính con người là tham lam, nên khi nắm giữ nhiều quyền lực mà không bị kiểm soát, họ có thể bị quyền lực sai khiến và dễ lạm quyền. Vì vậy, theo kinh Niết-bàn, trước khi đức Thế Tôn niết-bàn, Tôn giả A-nan thưa hỏi đức Phật, chúng Tăng sẽ nương vào đâu và vào ai để tu tập, có nghĩa là ai sẽ là người lãnh đạo Phật giáo sau khi đức Phật niết-bàn. Ngài dạy rằng, không ai lãnh đạo các Thầy Tỳ-kheo cả, các Thầy Tỳ-kheo phải tự nương tựa vào chính mình, lấy giáo pháp và giới luật đức Phật đã nhiều năm giảng dạy mà nương tựa tu tập.
Nếu đức Phật mà giao phó Tăng-đoàn cho một thầy Tỳ-kheo nào đó quản lý thì Phật giáo đã theo mô hình trung ương tập quyền. Nhưng, nhiều lần đức Phật khen ngợi cách quản lý theo kiểu cộng hòa nghị sự của bộ tộc Vajjian. Và thể chế chính trị của vương quốc Ca-tỳ-la-vệ cũng theo mô hình cộng hòa nghị sự. Tăng-đoàn Phật giáo cũng theo mô hình này. Nghĩa là tất cả phận việc của Tăng đều phải thông qua biểu quyết của số đông, biểu quyết này được thực hiện bằng hình thức Đại Tăng yết-ma. Cộng đồng Tỳ-kheo y cứ vào giới luật đức Phật đã quy định mà bầu và chọn người đại diện cho Tăng-đoàn trông lo những Phật sự liên đới trong từng khu vực. Không ai lãnh đạo Tăng-đoàn Phật giáo, chỉ có người được Tăng sai trông lo các Phật sự của Phật giáo. Người được Tăng sai không phải là người lãnh đạo có quyền uy tối cao như một số tôn giáo khác. Quyết định của Tăng là quyết định cao nhất và có giá trị nhất. Quyết định ấy được thực hiện qua hình thức yết-ma và phải y cứ vào giới luật đức Phật đã định chế. Hiểu theo nghĩa hiện đại, đó là hình thức bầu cử dân chủ nghị viện và được thực hiện trong tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
Thay lời kết: Có thể cách giải thích của chúng tôi có người không đồng tình hoặc phê phán. Trong ý niệm của mình, khi viết bài viết này, chúng tôi chỉ mong muốn tìm hiểu thêm lý do vì sao đức Phật không thiết lập mô hình quản lý Tăng tín đồ Phật giáo theo cách một tôn giáo có lãnh đạo tối cao, có cơ quan trung ương nhiều quyền lực như các tôn giáo khác. Phải chăng sự kiện Đề-bà Đạt-đa âm mưu sát hại đức Phật là một trong những lý do có liên quan đến vấn đề đức Phật không giao phó Tăng-đoàn cho một thầy Tỳ-kheo nào đó lãnh đạo? Và như vậy mô hình nào là mô hình quản lý phù hợp nhất và tối ưu nhất đối với Phật giáo hiện đại, một tôn giáo vẫn luôn lấy mục đích giải thoát khổ đau và sanh tử cho mình và người làm mục đích chính yếu? Mô hình ấy đức Phật đã chỉ dạy. Vấn đề chỉ ở chỗ, tùy theo mỗi quốc gia Phật giáo có cách điều chỉnh mô hình đó sao cho phù hợp nhất. ■
Nguyên Lộc
Ý tưởng tổng quát này không phải của người viết. Người viết nghe được trong một buổi giảng của một Thầy giáo thọ. Thấy ý tưởng hay, nên thử đưa ra bàn luận.
BÌNH LUẬN