Hành trình ngày hôm nay đã thiếu vắng rất nhiều thành viên, vì việc học, đã cuối kỳ rồi nên bây giờ chính là thời điểm thi cử, rồi cuối năm ...
Hành trình ngày hôm nay đã thiếu vắng rất nhiều thành viên, vì việc học, đã cuối kỳ rồi nên bây giờ chính là thời điểm thi cử, rồi cuối năm nên công việc ở các cty cũng nhiều hơn. Tuy là có ít hơn, nhưng tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ đã thắng được mọi nghịch duyên để đưa các thành viên vượt một chặng đường khá xa để được an tịnh trong đạo tràng, được lắng nghe từng thời Pháp vi diệu của thầy chủ nhiệm. Thân người đã khó được, mà để được nghe Pháp thì lại càng khó hơn chúng ta thật may mắn khi được làm thân người và hơn bao nhiêu người khác là được nghe Pháp, nhìn vào hiện tại thì biết ngay tiền kiếp chúng ta đã gieo nhân gì để hôm nay được tề tụ về đây trong đạo tràng này để được học Phật Pháp.
Mở đầu bài Pháp thoại là một số chia sẻ của thầy với các thành viên lớp học về tinh thần, cũng như mục đích của thành lập lớp học Phật Pháp chúng ta, để các bạn có một suy nghĩ được chính chắn hơn tránh những suy nghĩ lệch lạc làm xấu đi cái hình ảnh chung của Phật Pháp. Bởi vì tin Phật mà không hiểu Phật là mê tín, cao hơn nữa là cuồng tín. Đó là những chia sẻ trước khi vào bài học chính thức của thầy.
Có “danh” thì sẽ có “phận”, mà có “phận” thì phải có “bổn phận” với cái danh đó, với một số ví dụ đơn giản để các bạn dễ nắm bắt. Cái danh là “giám đốc” thì có phận của giám đốc, và bổn phận của một ông giám đốc với cty mình như thế nào, càng nhiều danh thì lại càng nhiều bổn phận. Nên làm tròn bổn phận của mình đừng nên ôm tham gì cái danh cho nhiều rồi không làm tròn được bổn phận của cái danh đó, để gọi là hư danh là háo danh.
Đề tài của chúng ta Bổn phận người Phật tử tại gia, thì có ba cái bổn phận chính đó là “người – Phật tử - tại gia”. Về bổn phận làm người, thầy khuyên chúng ta phải biết quý trọng thân người, vì thân người là khó được, con người mới có trí óc không như con vật và cần cảm ơn những ai đã cho ta có được thân người. Có bạn hỏi vậy thì nếu chẳng may mà mình sinh ra không toàn vẹn như bao người khác thì mình có phải cảm ơn không? Chắc chắn một điều là phải cảm ơn, vì sao? Vì con người còn hơn con vật, còn có trí óc, có suy nghĩ, có thể tu được, có thể làm việc thiện được… còn về cái khiếm khuyết của mình thì do tiền kiếp chúng ta gieo nhân gì bây giờ phải chịu như vậy thôi, chứ không có cha mẹ nào muốn sinh con mình ra mà tật nguyền cả. Với bổn phận đối với tự thân này thầy còn khuyên chúng ta nếu ai chưa Quy Y thì nên Quy y để thọ trì 5 giới, hành thập thiện, chuyên tâm niệm Phật và phát tâm Từ bi…
Tiếp theo là bổn phận đối với những người thân trong gia đình, bổn phận của con cái đối với cha mẹ, cha mẹ với con, vợ chồng, chủ và người giúp việc. Mỗi khía cạnh đều có 5 bổn phận nhỏ mà chúng ta cần phải lưu tâm. Nhưng cái trước tiên cần nói đến ở đây là Bổn phận của con cái đối với cha mẹ, vì sao vì chữ Hiếu trong đạo Phật luôn được đặt lên hàng đầu “Tâm Hiếu là tâm Phật, Hạnh Hiếu là Hạnh Phật”. con cái cần có 4 bổn phận chính đối với cha mẹ là:
- Hiếu tâm: phải nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ…
- Hiếu dưỡng: phai phụng dưỡng cha mẹ, lúc già yếu, lo tang chế…
- Hiếu hạnh: làm những việc thiện để cha mẹ được hảnh diện về đức hạnh của mình…
- Hiếu đạo: khuyên cha mẹ ăn chay, niệm Phật, tu trì, làm việc thiện…
Tiếp theo là những chia sẻ với những bổn phận khác đối với người ngoài gia đình đó là các vị Tăng già, thầy, thiện hữu tri thức…phương diện này cũng có 3 khía cạnh để chúng ta tìm hiểu, bổn phận của trò đối với thầy, thầy với trò và của người Phật tử với các vị Tăng. Cần thật thà, cung kính đối với các vị Tăng vì Tăng là hình ảnh của Phật trong thời kỳ không có Phật, phải chăm chỉ nghe lời thầy dạy bảo nhưng không phải nghe không thôi mà cần thẩm xét cho kỷ rồi mới tu hành.
Kết thúc bài Pháp là cách xưng hô và một số nghi thức mà người Phật tử cần phải biết, tiếng “Thầy” là một cách gọi thân thiện và gần gũi nhất nó bao hàm rất nhiều, không nên quá lạm dụng “Đại Đức” hay “Thượng Tọa”… Vì các bạn đều là người trẻ mới tìm hiểu Phật Pháp cho nên các bạn cũng chưa rõ về một số oai nghi nghi thức trong Phật giáo, các bạn được thầy hướng dẫn chắp tay hoa sen sao cho đúng, lạy như thế nào cho đúng… Có ý kiến cho rằng hình thức không quan trọng, chỉ cần tu tâm là được. Nhưng cái tâm là gì thì chắc không ai có thể nói được nó như thế nào; cũng như bạn muốn qua sông thì phải cần đò, nhưng qua tới bờ kia rồi thì mình bỏ đò lại chứ có mang đò theo đâu, cái hình thức như là con đò vậy đó, nó là phương tiện để giúp ta đến với bờ giải thoát. Một ví dụ thật là đơn giản nhưng đã giải đáp được khá nhiều vướng mắc cho các bạn. Và đến đây thì chúng ta đã kết thúc thời pháp, và không quên hồi hướng công đức đến cho tất cả.
BÌNH LUẬN