Từ thuở Vua Ưu Điền vì thương nhớ Đức Phật, nên tạo tượng của của Đức Phật để chiêm ngưỡng, đó là khởi điểm cội nguồn của pháp tạc tượng Đức...
Từ thuở Vua Ưu Điền vì thương nhớ Đức Phật, nên tạo tượng của của Đức Phật để chiêm ngưỡng, đó là khởi điểm cội nguồn của pháp tạc tượng Đức Phật tôn thờ chiêm ngưỡng ở nhân gian. Trong Kinh Đại Thừa Tạo Tượng Công Đức chép: “khi Vua Ưu Đà Diên tạc tượng Phật... Phật dạy ông đã làm việc vô lượng lợi ích công đức, là người đầu tiên tạo nên phép tắc này, người đời sau sẽ học theo ông, tạo hình tượng Phật, để được phước đức vô cùng to lớn...”.
Tạo tượng Phật để chiêm ngưỡng cung kính cúng dường là truyền thống văn hóa của Phật Giáo. Đức Phật được tôn tạo theo ý niệm một trong ba thân của Phật. Phật có Ba thân theo trong Luận Duy Thức có dạy: “...Pháp thân, Hóa thân, Ứng hóa thân. Pháp thân vô tướng, thể biến khắp hư không, cùng hết thảy các pháp mà thành tựu, không có hình tướng nhất định. Báo thân hữu tướng, ứng theo phước báo của chư Phật mà hiện diệu tướng đoan nghiêm, thanh tịnh thù thắng. Ứng thân tức là tùy theo căn cơ của chúng sanh để hiện tướng, tướng này có thỉ có chung, không thường hằng trụ trên thế gian...”.
Vì nhân duyên độ chúng tu hành ở thế gian, cho nên các bậc truyền giáo độ sanh muốn chúng sanh được chiêm ngưỡng, lễ bái, cúng dường Đức Phật, tu hành theo Phật, nên tạo hình tướng của Phật theo quan niệm ứng hóa thân để làm pháp bảo cho chúng sanh nương vào bảo tượng để tu hành, trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh dạy: “Vì do quán thân Phật, nên thấy được Phật tâm. Phật tâm là đại từ bi, lấy vô duyên từ mà nhiếp hết thảy chúng sanh”.
Vì nhân duyên tạo tượng công đức thù thắng như vậy, cho nên trãi qua bao nhiêu sự thăng trầm của thời gian, biến thiên của lịch sử Đạo Phật truyền đến đâu, thì nơi ấy có lập chùa tạo tượng, và không có triều đại nào, thế hệ nào của các nước có Phật Giáo mà không có dấu tích của hình tượng Đức Phật được tạo dựng trên nhân gian, chính vì vậy dần dần hình tượng của Đức Phật được tạo dựng theo ý niệm của lịch sử từng đất nước, theo tập tục văn hóa về vẻ đẹp của từng vùng miền, hình thành nét đẹp văn hóa nghệ thuật, tổng hợp thanh tịnh thuần khiết của nhân loại chỉ có trong Phật Giáo, nét đẹp của Pháp Giới Tạng Thân, đâu cũng là Phật của tư tưởng Đại thừa.
Phật Giáo truyền vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ 6, do các vị truyền giáo đại sư người Hàn Quốc và sau đó là các vị Tăng Trung Quốc, cho nên nghệ thuật điếu khắc, hội họa và kiến trúc của Phật Giáo Nhật Bản chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Phật Giáo của hai nước này, nhất là văn hóa Phật Giáo Bắc Truyền Trung Quốc đời nhà Đường, nhiều nghệ nhân và Tăng sĩ Nhật Bản sang Trung Quốc học hỏi và mang các tranh tượng cũng như văn bản về Nhật Bản, sau đó chính họ là những con người nền móng, hình thành và phát triển thành nghệ thuật Phật Giáo Nhật Bản.
Thời kỳ nhà Đường, nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc mang nặng ảnh hưởng của vương triều Cấp-đa (sa.gupta) tại Ấn Độ, và vì vậy, ảnh hưởng này cũng được truyền sang Nhật Bản. Đây cũng chính là dòng nghệ thuật chính tạo nên phong cách nghệ thuật văn hóa Phật Giáo Nhật Bản.
Nghệ thuật điêu khắc tượng Phật của Phật Giáo Nhật Bản đã đạt đến trình độ nghệ thuật rất là cao, có thể nói là nhất nhì thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực tạc tượng, các nghệ nhân đã hoàn tất nhiều bức tượng đặc biệt tả chân bằng gỗ, thường được tô họa và trang trí với cặp mắt bằng thủy tinh, đồng thời nụ cười mỉm trong các gương mặt đã nhường chỗ cho nét mặt yên tĩnh, hiền dịu. Từ thế kỉ thứ 8, nghệ thuật Phật Giáo Nhật Bản bắt đầu khác biệt phong cách của các nước láng giềng với kĩ thuật sơn đặc biệt của người Nhật.
Nghệ thuật điêu khắc tôn giáo nhất là tượng Phật của Phật Giáo, ngoài trình độ chuyên môn về nghệ thuật thẩm mỹ ra người thợ điêu khắc còn cần sự hợp nhất về tâm của chính mình vào tượng Phật, để làm sao đưa được lòng từ của Phật, trí tuệ của Phật và Phước báo của Phật vào tượng, để khi chiêm ngưỡng lễ bái người và tượng như tương ưng được với nhau "cảm ứng đạo giao", như vậy mới là đạt đến sơ quả của điêu khắc tượng Phật, và các nghệ nhân Nhật Bản thể hiện được việc này rất tốt vì vậy nét đặc trưng tượng Phật của Nhật Bản được thể hiện rõ ràng và không thể lẫn lộn với tượng của các tượng Phật của nước khác. Đây chính là điểm chính của nghệ thuật tượng Phật Nhật Bản.
Bạn đọc thích tìm hiểu nghiên cứu thưởng thức cái đẹp xin tải về trọn bộ hình ảnh điêu khắc Tượng Phật A Di Đà Nhật Bản hoặc có thể xem trực tiếp một số ảnh đẹp minh họa bên dưới
Thích Tâm Mãn – Thích Minh Thông
(nguồn Chùa Minh Thành)
BÌNH LUẬN