Đạo Phật là gì ? Danh từ Phật xuất phát từ chữ phạn बुद्धा, đọc là buddhā, và là một động từ quá khứ của động từ căn बुध (budh-), có nghĩa l...
Đạo Phật là gì ? Danh từ Phật xuất phát từ chữ phạn बुद्धा, đọc là buddhā, và là một động từ quá khứ của động từ căn बुध (budh-), có nghĩa là "tỉnh thức" và sự tỉnh thức này khởi nguyên từ một kinh nghiệm thực chứng của Ngài Sĩ Đạt Đa Cồ Đàm, được biết như một vị Phật, đã tự mình giác ngộ.
Giáo lý Nguyên thủy của Đức Phật là sự quan tâm của Ngài đến tất cả các vấn đề đạo đức trong xã hội con người, bằng những cách hướng thiện mà chính Ngài đã thể nghiệm và thực chứng, để làm cách sống cho chính mình cũng như cho người, cùng nhau đưa đến việc tỉnh thức, giải thoát. Bởi vì trong việc tu đạo, điều quan trọng là diệt trừ phiền não, để làm cho cái tâm trở lại thể tính thanh tịnh sẵn có của nó trong mỗi người.
Theo chiều dài của lịch sử cho đến ngày hôm nay có khoảng hơn 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới đã đi theo bước chân của Ngài, để đạt đến trạng thái lý tưởng của sự hoàn thiện về tri thức lẫn đạo đức, bằng những phương tiện hoàn toàn nhân bản, và đồng thời làm lớn mạnh lòng từ bi nhân ái, hầu giúp cho chính mình có thể trở thành một người bạn chân thành đối với tất cả nhân loại.
Đạo Phật gồm có ba phương diện, giáo lý hay pháp học (Pariyatti), pháp hành (Patipatti) và chứng đắc hay pháp thành (Pariyatti) cả ba tuỳ thuộc và tương quan lẫn nhau. Đạo Phật không phải chỉ đơn thuần lưu giữ trong kinh sách, và cũng không phải là một đề tài để mọi người nghiên cứu trên quan điểm văn chương và lịch sử. Trước tiên cần phải nghiên cứu, thực hành, mới đạt được sự chứng đắc, và sự tự chứng này mới chính là mục tiêu cuối cùng của đạo Phật.
Đạo Phật không phải là một hệ thống của đức tin và thờ phượng, và cũng không đòi hỏi sự tin tưởng mù quáng, mà cần đặt niềm tin dựa trên trí hiểu biết về sự thực. Người Phật tử đặt niềm tin nơi Ðức Phật, bởi vì Ngài là người đã khám phá ra con đường giải thoát. Cũng giống như người bệnh tin dùng toa thuốc mà thầy thuốc đã cho để uống được lành bệnh.
Do đó khởi điểm của đạo Phật là trí hay sự hiểu biết và đi từ chánh kiến. Ðức Phật dạy : "Không nên tin điều gì chỉ do đồn đại, không nên tin bất cứ điều gì vì điều đó thuộc về truyền thống hay chỉ vì đó là tập tục lâu đời được truyền xuống qua bao thế hệ, không nên tin vào bất cứ điều gì do người khác nói, không nên tin chỉ vì đó là xác chứng văn bản của một hiền giả xa xưa nào đó trình bày đến ta, không nên tin điều gì, bởi vì phong tục nhiều năm khiến ta phải xem nó như sự thực, không nên tin điều gì chỉ vì thẩm quyền của bậc thầy hay giáo sĩ của mình. Theo kinh nghiệm riêng của ta, và sau khi đã thẩm xét đầy đủ, bất luận điều gì hợp với chân lý và đem lại lợi ích cho bản thân cũng như mọi người, các ông hãy chấp nhận đó là sự thực và sống hợp theo điều ấy".
Đức Phật đã dạy những phương pháp đa dạng, đơn giản, bởi vì trình độ của con người vô cùng khác biệt. Không phải mỗi người đều suy nghĩ trong cùng một cách. Do đó chúng ta cần thường xuyên, tự chiêm nghiệm và thực hành một cách nghiêm túc, từng giờ, từng phút, từng giây, từng khắc... để đạt được hạnh phúc hiện tại ngay bây giờ.
Đạo Phật đang thích nghi bằng sự nhấn mạnh một sự tiếp cận dựa trên lý trí và có chừng mực với khoa học. Đạo Phật có một sự giải thích rõ ràng về kinh nghiệm cuộc sống mang đến như thế nào và đối phó với chúng như thế nào trong một hình thức khả dĩ nhất, mà Tứ Diệu Đế là điều chứng minh một cách rất cụ thể.
Đạo Phật nói rằng đừng chấp nhận bất cứ điều gì trong sự tín ngưỡng mù quáng : hãy tự suy nghĩ, thẩm tra nó và để thấy nếu nó thực sự có ý nghĩa và hợp lý hay không.
Ngày hôm nay con người đi mua vật gì mà không thử nó trước, cũng như thế, họ sẽ không chuyển đổi sang một tôn giáo hay một triết lý của đời sống mà không kiểm nghiệm nó. Đạo Phật cởi mở với sự khảo sát của khoa học và mời thỉnh mọi người thẩm tra nó để hiểu một cách rõ ràng.
Đức Phật không phải là đấng thần linh ban cho ta sự thay đổi hoàn cảnh hay tình trạng khốn đốn của mình. Đức Phật đã nói: " Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được ". Công trình khơi mở kho tàng tri kiến Phật là công trình của mỗi cá nhân.
Trong Trường A Hàm I có ghi, con đường tự lực ấy được Đức Phật dạy như sau: " Này các Thầy, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên vơí một pháp nào khác. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác ".
Đạo Phật đưa ra chánh đạo để con người tìm về phần tối linh trong tự thân, đó là Phật tính. Trong vũ trụ không có gì là tối linh ngoài cái tối linh trong tâm ta. Giáo lý về Phật tính sẽ góp phần nâng cao tầm nhận thức để con người xác lập được một thế giới quan và một nhân sinh quan khoan dung, thấm nhuần hương vị giác ngộ và từ bi của đạo Phật. Chỉ những nền đạo lý xuất phát từ cội nguồn sâu thẳm của tâm linh mới có thể tác động sâu xa đến xã hội được.
Kể từ khi ánh sáng giác ngộ từ Tuệ trí siêu việt của đức Phật bừng lên dưới gốc cây Bồ Đề, cho đến nay nó vẫn tiếp tục tỏa sáng những chân trời tư tưởng và tâm linh của nhân loại. Trong những thời buổi điên đảo như hiện nay, thì ánh sáng linh nghiệm này lại càng cần thiết hơn cho xã hội, cho toàn nhân loại.
Từ xưa, tiếng chuông chùa đã đồng vọng như một sức mạnh tâm linh trong lòng người con Việt, thì bây giờ, người con Việt vẫn cần những tiếng chuông này, càng vang vọng thêm hơn nữa để thức tỉnh con người ra khỏi bến mê, trở về hướng thiện và cùng nhau xây dựng lại những gì đã đổ vỡ, bằng bốn chữ : Từ, Bi, Hỷ, Xả, đang có trong mỗi người.
Kính bút
TS Huệ Dân
BÌNH LUẬN