CĐO - Hai bạn trẻ Nguyễn Hàn Dũng và Nguyễn Thị Như Quỳnh, sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đoạt giải I - Giải thưởng sinh viên ngh...
CĐO - Hai bạn trẻ Nguyễn Hàn Dũng và Nguyễn Thị Như Quỳnh, sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đoạt giải I - Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2011 với đề tài nghiên cứu: “Sản xuất một vài loại nhang thân thuộc với môi trường”.
Dũng và Quỳnh lãnh giải I- Euréka năm 2011
Để thực hiện đề tài, hai bạn đã mất hơn một năm để đi thực tế, nghiên cứu, có cơ sở thực tiễn đi vào sản xuất, trong đó Dũng và Quỳnh đã bỏ ra khá nhiều thời gian để đi khảo sát 31 ngôi chùa, 3 ngôi nhà có tang sử dụng nhang tại TP.HCM và gởi phiếu thăm dò tại 420 hộ gia đình ở 6 quận: 3, 6, 8, Thủ Đức, Gò Vấp và Bình Tân.
Qua khảo sát, thí nghiệm, phân tích thành phần trên mẫu sản phẩm nhang hiện bán trên thị trường, hai bạn Dũng và Quỳnh đã phát hiện, ngoài nhang trầm thật có giá thành rất đắc (hơn 300.000 đồng/thẻ) thì các loại nhang sản xuất trong và ngoài nước khác có hương liệu rất độc hại, có chất gây ung thư, gây hại cho sức khỏe con người và môi trường.
Sau quá trình mày mò nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm nhang trên các nguyên liệu: bùn, xơ dừa, vỏ trấu, quả óc chó, so sánh độ mịn đẹp về mặt hình thức, độ cháy lâu, và chất độc hại sau khi đốt… Kết quả cho thấy nhang dùng nguyên liệu bằng vỏ cây óc chó có độ mịn đẹp, nguyên liệu rẻ, dễ tìm, cháy tốt, sản xuất nguyên liệu vỏ cây này có thể giảm một lượng chất thải rắn ra môi trường.
Hạt và vỏ hạt óc chó
Sản phẩm nhang mới có tên "Hương Xanh" không độc hại, không mùi có thành phần gồm có bột đá, keo nhang và vỏ cây óc chó. Cây Hương Xanh thân thiện với môi trường, không mùi, có kích thước nhỏ gọn bằng ½ cây nhang thường. Đặc biệt, cây nhang này không có chân để giảm tối thiểu nguyên liệu, hóa chất trong quá trình sản xuất và lượng tro tàn của chân nhang còn lại sau khi đốt.
Ưu điểm của Hương Xanh là giá thành rẻ, nguyên liệu sản xuất được dùng trong thực phẩm không có chất độc hại, lượng chất thải ra như chân nhang là không có, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất độc gây hại cho sức khỏe con người và lượng tro thải ra ngoài ít hơn rất nhiều so với nhang thường.
Theo tính toán của nhóm, lượng chất thải rắn của cây nhang mới thải ra cũng ít hơn so với cây nhang ban đầu 0,085g. Nếu cùng đem đốt 10g thì loại nhang làm từ vỏ quả óc chó thải ra 0,168g, còn loại nhang thường sẽ thải ra 0,253g. Các thông số như CO2 – một trong những nhân tố chính gây hiệu ứng nhà kính, benzen và toluene – những chất có thể gây ung thư – của nhang mới đều ít hơn so với nhang thường. Ước tính của Dũng và Quỳnh nếu nếu sử dụng sản phẩm nhang mới đến năm 2020 sẽ tiết kiệm được khoảng 800 tỷ VNĐ.
Được biết giải thưởng Euréka lần thứ 13 có 34 trường tham gia với 2.008 đề tài cấp trường. Trong số 596 đề tài tham gia giải thưởng sinh viên nghiên cứu cấp thành phố, có 118 đề tài dự thi giải thưởng khóa luận tốt nghiệp xuất sắc và 478 đề tài dự thi giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học. Vòng bán kết Euréka lần thứ 13 có 86 đề tài ở 11 lĩnh vực, trong đó có 15 đề tài khóa luận tốt nghiệp xuất sắc và 71 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học.
(CĐO tổng hợp)
BÌNH LUẬN