[CĐO] Báo Tuổi trẻ dạo này nhạt! đi đâu cũng nghe bạn bè nói thế, mà ngay cả mẹ tôi người chỉ lẩn quẩn ở quanh nhà cũng nói: “Dạo này sa...
[CĐO] Báo Tuổi trẻ dạo này nhạt! đi đâu cũng nghe bạn bè nói thế, mà ngay cả mẹ tôi người chỉ lẩn quẩn ở quanh nhà cũng nói: “Dạo này sao tao chẳng thấy có tin gì hay ở Tuổi Trẻ”. Sau cái thời những bài viết về năng lượng của anh Nguyễn Đạt Ân thì báo Tuổi Trẻ cuối tuần (TTCN ngày trước) cũng chẳng có bài viết học thuật giá trị hoặc phản biện xã hội. Dạo gần đây ở trang cuối cùng Tuổi Trẻ Cuối Tuần có xuất hiện một số bài viết khá hay, đó là một chuyên mục mới mà tôi nghĩ Tuổi Trẻ nên duy trì để giữ chân độc giả. Tôi xin trích đăng một bài viết mà tôi rất tâm đắc “những người mù” – mù nhưng minh triết!
Thiếu thời, khi học chữ Hán tôi thường hỏi chuyện một bà già người Hoa gốc Quảng Đông, nhưng té ra bà chỉ biết nghe - nói mà không biết chữ. Bà bảo tiếng Việt học ba tháng là đọc được, còn chữ Hán không như thế, học chữ nào biết chữ ấy, người Trung Quốc mù chữ là bình thường.
Tuy vậy bà cũng đọc được một số chữ chỉ đồ vật và động vật do bán hàng cả ngày, ví dụ như chữ quy là con rùa khá nhiều nét. Bà bảo cũng chẳng biết có bao nhiêu nét nhưng trông nó giống con rùa. Bà cho tôi một cuốn sách nhan đề Tôi đi học, tự truyện của một nhà văn nông dân Trung Hoa xưa, anh đi làm đầy tớ cho những con nhà địa chủ đi học, rồi qua đó học lỏm mà biết chữ. Thầy giáo rất yêu quý anh nhưng đành đuổi anh ra khỏi lớp theo yêu cầu của đám nhà giàu. Câu chuyện thật cảm động.
Đi sơ tán, tôi sống với nhiều gia đình nông dân, hầu hết bà cụ đều mù chữ nhưng lại là những cây tiếu lâm và truyện thơ dân gian. Cứ tối đến là có tiết mục bóp chân vì tê thấp và đọc truyện thơ Trương Chi, Nhị độ mai và Kiều. Trong tản văn Phủ Quốc, tôi từng viết những người thầy văn chương đầu tiên của tôi lại là những người mù chữ.
Nhiều năm sau tôi tập dưỡng sinh với một người thầy thông tuệ, ông có thể bịt mắt mà vẫn sinh hoạt bình thường, và thường nhật tôi không thấy ông ăn cơm bao giờ ngoài hai cốc bia. Ông đem năng lực này của mình dạy cho người mù. Lúc đó tôi đã cùng ông sống trong trường mù cả mấy tháng trời.
Thông thường khi ăn, người ta xới một bát cơm đầy rồi chất thức ăn vào đó cho người mù, nhưng thầy tôi chỉ xới vơi và gắp thức ăn cho họ vừa phải. Đây là lần đầu tiên họ được cư xử như thế. Họ nói: “Chỉ có thầy là người sáng nên biết chúng tôi mù như thế nào”. Nửa năm sau khi tập, đại bộ phận người mù đã tự gắp được thức ăn trên bàn, tự xới cơm và đổ rác, song họ nhìn theo kiểu gì tôi không biết.
Ở chùa, bà vãi và anh quét chùa đều mù chữ cả. Nhưng một người thì không câu ca nào không hay, gặp việc thất vọng bà ngâm nga: Anh tưởng cái giếng sâu/ Anh nối dây gầu dài/ Ai ngờ cái giếng cạn/ Anh tiếc hoài sợi dây. Người biết đọc biết viết chưa chắc đã tinh tế như vậy. Còn người kia có thể gánh một tạ thóc, quét ngôi chùa mênh mông từ chập tối đến mười hai giờ đêm, hàng chục năm liền không ngày nào nghỉ. Đến nỗi sư cụ phải nói: “Chắc người này lên Niết bàn trước chúng ta”.
Bà cụ họ hàng xa của tôi có người cháu ruột nhất định đòi đi học thạc sĩ, tiến sĩ chứ không theo nghiệp buôn bán của gia đình, bà buồn lắm. Sau đó lại đòi lấy cô vợ mà cả gia đình không ưng, đến một ngày cơm canh không ngọt, ý muốn ly dị bèn đến hỏi bà. Bà cụ nói thế này: “Chúng mày nhắm mắt vào mà đi học, nhắm mắt vào mà lấy nhau, bây giờ lại nhắm mắt vào đòi bỏ nhau, có gì mà hỏi”. Thật là lời minh triết của người chưa từng đi học.
Nhiều sự vật trôi qua mắt ta mà ta không nhìn thấy, nhiều sự vật ta nhìn thấy mà không hiểu, nhiều sự vật ta hiểu mà hiểu không đúng. Nên mỹ học Ấn Độ cho rằng khi hai người đẹp đánh nhau, chẳng ai nhìn thấy ai đẹp cả.
Phan Cẩm Thượng
BÌNH LUẬN