Đón giao thừa tại Tu viện Pháp Vương. Hai phong pháo nổ giòn tan trên đỉnh đồi, bên cạnh điện Phật Ngọc. Bốn con lân múa đẹp trong tiếng trố...
Đón giao thừa tại Tu viện Pháp Vương. Hai phong pháo nổ giòn tan trên đỉnh đồi, bên cạnh điện Phật Ngọc. Bốn con lân múa đẹp trong tiếng trống dồn, sinh động. Người người hoan hỷ cười vui giữa phút thiêng. Sau lễ, mọi người thay nhau lễ bái, chụp hình, nhiễu quanh điện Phật Ngọc. Gọi điện về quê hương, thăm mẹ già những phút đầu năm. Chúc mẹ trường thọ an vui cùng con cháu. Mong sẽ được thăm mẹ một ngày rất gần nơi ngôi nhà cổ kính hơn trăm tuổi ấy. Mùi pháo hòa lẫn với hương hoa và trầm hương đêm giao thừa. Đức Phật mỉm cười.
Suốt nhiều giờ sau đó, thầy trụ trì đứng phát lộc cho người hành hương lễ bái đầu năm. Tiếng người cười, nói, chúc Tết, rộn ràng, râm ran. Đến hai giờ khuya mới thưa thớt khách, rồi dần dần im vắng. Kẻ cùng tử bắt đầu ngủ êm trong một phòng bên cạnh chánh điện. Ba giờ khuya thức dậy, một mình mon men đến trước Phật đài. Sương đổ xuống đồi trong niềm tịch lặng của đêm sâu. Trầm hương phảng phất. Cây cỏ rung nhẹ những tấu khúc êm đềm trong gió khuya. Hai ngọn nến lung lay, chập chờn, rồi đọng lắng ánh vàng ấm áp. Trong vùng sáng huyền ảo của điện ngọc, những cành hoa xuân rực rỡ vươn lên. Cùng tử đứng lặng. Như cây khô trải bao mùa nắng quái khốc liệt của sa mạc cuộc đời. Đã từng có khi cây không còn lá, không còn hoa. Đã từng có khi cả thân cây đổ gập xuống bên đường. Đã từng có khi như gỗ mục trôi theo dòng nước lũ. Đã từng có khi như ngọn đuốc cháy ngụt giữa đồng hoang. Những lúc như vậy, đớn đau cùng tận, nào biết nói với ai; giả như có nói, cũng không lời nào tả xiết. Nỗi đau và sự chết, âu lo và sợ hãi, là những khách không mời nhưng luôn có mặt trong cuộc sống, dù là cuộc sống bạt mạng của cùng tử, hay cuộc sống nghiêm túc mô phạm của kẻ sĩ tại gia. Ngạo nghễ khinh bạc trước khổ đau chẳng qua chỉ là cách tự dối mình để tạm thời vượt qua nó. Bên dưới các chiến thắng vẻ vang là những xác khô chồng chất của hoài bão khôn nguôi, của những mơ ước chưa thành, và ngay cả những niềm đau chưa thể gột rửa. Những xác khô ấy vẫn còn đó, mục ủ trong sương móc thời gian, sinh sôi thành những men đời khổ lụy khác.
Kẻ cùng tử đứng đây, lòng rưng rức một nỗi gì mơ hồ. Một nỗi buồn, hay một nỗi oan. Một lầm lỡ, hay niềm tiếc nuối. Đôi mắt viễn thị không mang kiếng, chẳng nhìn rõ được dung nhan cha lành. Chỉ thấy được nụ cười từ bi mở ra nơi đôi môi sơn đỏ như trái tim, nổi bật trên khuôn mặt phết màu vàng nhũ. Người ngồi đó, tự tại an nhiên. Tôi, một cùng tử đi hoang, nhọc nhằn trên từng dặm đường trần gian. Thăng-trầm, vinh-nhục đã có đủ. Bụi bặm chưa phủi hết. Râu tóc bạc phơ hơn nửa đời giong ruổi. Trán cằn khô những vết hằn tháng năm. Đuôi mắt chân chim dẫm mòn những con đường mịt mù sương khói. Một mình đối trước người, chẳng biết phải làm gì, nói gì. Đứng lặng giữa đêm đen. Người là ai? Tôi là ai? Người ta nói đã có hào quang tỏa chiếu từ nơi người vào những ngày trước. Người ta nói có thiên hoa mạn-đà-la rải xuống nơi này. Mắt trần cùng tử nhìn không thấy. Đôi mắt này, đã từng rơi những giọt lệ cho con người, cho cuộc đời thống khổ, và rơi cho những niềm đau cùng tột của mình. Nay muốn khóc dưới chân người mà lệ khô đi, không khóc được. Đôi mắt này, đã đục lờ. Muốn nhìn thấu những hảo tướng trang nghiêm của người cũng không được. Ngước lên, lúc thì thấy một khối ngọc bích tinh tuyền, lúc thì thấy dung nghi một bậc đại hùng đại lực đại từ bi. Là tượng ngọc hay là tượng Phật? Là Phật hay là ngọc? Là Phật hay là tượng? Đức Phật mỉm cười.
Cùng tử vẫn ngông nghênh lặng đứng giữa đêm trường. Vẫn thắc mắc. Vẫn đầy những nghi vấn. Người là ai? Là trời, là đất, là gió, là lửa, là nước, là mây, là trăng, là sao, là ngọc, là kim cương? hay chỉ là một thoáng chớp lòe của ánh sáng, của cơn ba động vô hình vô tích trong vũ trụ bao la?Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai... Không thể dùng mắt để thấy người, không thể dùng tai để nghe người. Vậy thì ai đối diện gã cùng tử này? Cha lành và ngọc bích, là một hay là hai? Nếu là một, sao không cử động, nói năng? Nếu là hai, sao uy nghiêm rạng rỡ, từ bi vô lượng khiến cho mọi người tôn kính cúi lạy? Đức Phật mỉm cười.
Bước tới, bước tới. Gã cùng tử bước đến gần hơn. Vẫn lặng lẽ. Ngước nhìn người. Ồ, đúng là tôn tượng một bậc giác ngộ. Người đẹp quá. Một biểu tượng. Không phải một vị Phật bằng xương bằng thịt; nhưng là một biểu tượng thật đẹp. Đừng nhìn người bằng cái nhìn của nhãn căn. Đừng nghe người bằng âm thanh từ nhĩ căn. Đừng để tâm vọng động, rung cảm, lung lay bởi những lời đồn đãi, ca tụng hay chỉ trích, tán thán hay phỉ báng, của bất kỳ nhân vật thân hay sơ nào… Cùng tử đối trước Phật tượng. Tháo giày bước vào khu vực trải chiếu. Chân không. Hai bàn tay không. Đầu óc rỗng không. Đức Phật mỉm cười.
Nếu thực là người ngồi đó, như hơn hai nghìn năm trăm năm trước, ta sẽ làm gì, nói gì, hỏi một câu gì? Trình bày về những kiến văn và sở tri của ta? Hỏi những điều ta còn nghi vấn? Hay là buông bỏ tất cả mọi suy nghĩ, nói năng, chỉ im lặng và sụp lạy với niềm tôn kính? Nếu thực là người ngồi đó, phải chăng người sẽ nhìn, sẽ quan sát nhất cử nhất động của ta, lắng nghe tiếng thở và giọng nói của ta? Người sẽ đoán biết ta muốn nói những gì và che giấu những gì. Người sẽ nghe ra những gì ta không nói hết. Người sẽ thấu đạt những gì ta nghĩ và những gì ta tưởng là không thể nghĩ đến... Đối với một bậc giác ngộ như thế, quả tình là chẳng có gì đáng phải nói. Và hạnh phúc thay, khi được im lặng ngồi xuống bên cạnh một kẻ thấu suốt cả tâm tư, trí tuệ, hành nghiệp, nỗi khổ đau và niềm an lạc tự tâm của mình. Ta sẽ được ngồi với cảm giác yên bình, gần gũi và tràn ngập niềm yêu thương. Ta sẽ không bị thúc bách phải nói hay hỏi một điều gì.
Gã cùng tử ngồi xuống. Đức Phật mỉm cười.
Hai ngàn năm trăm năm trước, trong tám mươi năm người có mặt trên đời và chu du hóa độ, không biết con đang trôi giạt nơi nao? Không nhớ lúc ấy con đã từng diện kiến người hay không? Có thể là qua kiếp sống của một sinh vật nhỏ bé nào đó, như con kiến, con bọ, con thằn lằn. Hay là một con nai lơ đễnh nhai cỏ ven suối. Hay một con chim mải mê đuổi theo tiếng gọi của bầy đàn. Hay đã từng là một sa môn lười biếng, chểnh mảng việc tu tập. Hay là một cư sĩ lãng mạn, vừa siêng học đạo lý mà cũng vừa cuồng nhiệt theo đuổi những cuộc tình diễm ảo gió trăng. Hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua rồi, người đã hóa thân, phân thân khắp phương xứ, cứu độ hằng sa chúng sinh; trong khi con vẫn còn là kẻ cùng tử lang thang, đi vào nẻo đạo thì không chịu nổi sự gò bó, khuôn khổ, bước vào cuộc đời thì chẳng giống ai… Suy nghĩ thì không thực tế, hành động thì lừng khừng không quyết liệt, lời nói thì lặp bặp chẳng trôi. Dường như lúc nào cũng muốn thụt lùi, hoặc đi quanh. Dù rằng đã có lúc con giốc cả sinh mệnh của mình vào con đường giải thoát, giác ngộ; nhưng những nỗ lực ấy, chỉ bùng lên trong nhất thời, chẳng bao giờ bền bĩ, liên tục. Con không thể nào là một con người tinh tấn, chuyên cần, kiên trì. Con không bao giờ thích cái gì vuông tròn, thẳng tắp, đều đặn, lặp đi lặp lại… Con người của con là như thế, người nghĩ xem, ngoài những gì người đã từng giảng dạy, như tám thánh đạo, bảy phần bồ-đề, năm căn, năm lực, bốn chánh cần, bốn như ý túc, bốn niệm xứ… có con đường nào thích hợp cho con đi chăng? Đức Phật mỉm cười.
Ngước nhìn dung nhan từ phụ. Người im lặng. Cùng tử im lặng. Ánh mắt người nhìn xuống, chứa chan lòng từ. Môi cười của người tỏa niềm hoan hỷ. Ánh mắt ấy, nụ cười ấy, chưa bao giờ cùng tử bắt gặp trên cuộc đời. Trong cái nhìn của người, dường như tất cả đều là một thể. Cùng tử ngay tức khắc, nhận ra cái điều mà người từng dạy; ngay tức khắc, thấy mình chính là người, chẳng khác. Lòng trần u mê bất chợt như một khối băng tan chảy dưới ánh mặt trời. Ta là Phật đã thành, con là Phật sẽ thành. Vâng, điều này con đã từng học, và đã từng nói với người khác. Nhưng bây giờ, ngay phút giây này, con mới trực thức được nó như thế nào. Nó không phải là điều có thể bàn nói. Chính từ sự trực thức này mà môi cười của người mở ra. Đức Phật mỉm cười.
Cùng tử sụp lạy. Đêm thiêng bừng tỏa niềm vui của một lữ hành lang thang. Nơi đây, giây phút này, có thể được dừng chân, có thể được ngồi xuống với lòng an tịnh. Một lạy này, kính lạy tất cả chư Phật. Nhất thân phục hiện sát trần thân. Nhất nhất biến lễ sát trần Phật. Một thân hiện thành vô lượng thân. Mỗi thân cùng lúc đảnh lễ hằng hà sa số chư Phật ở khắp tam thiên giới. Một lạy này, con lạy pháp thân vô tướng của người. Nguyện cho tất cả chúng sanh thành tựu được Phật thân, chứng đắc pháp vô tướng. Thân Phật không phải là thân Phật, mới đúng là thân Phật. Pháp thân vô tướng mới đúng là chân thực tướng. Một lạy này, con lạy tất cả chúng sanh, tất cả những vị Phật tương lai trong khắp mười phương, ba cõi. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Chẳng một ai, chẳng một sinh vật hữu hình hay vô hình nào mà chẳng đáng tôn trọng. Đức Phật mỉm cười.
Cùng tử rời điện Phật Ngọc, trở về căn phòng tối om bên hông chánh điện, đánh một giấc ngủ an lành của một đứa con đi hoang trở về ngôi nhà êm ấm.
Những cơn ho rũ rượi kéo theo hắn suốt những ngày đầu năm khi xuống núi để về với đời thường khổ, bệnh. Vài ngày sau, có buổi lễ cung tiễn Phật Ngọc rời tu viện. Nghe nói buổi lễ diễn ra khá cảm động. Nhiều người đã khóc. Cùng tử không đến dự. Nhưng hắn vẫn còn nhớ như in, ánh mắt và nụ cười từ bi dường như chỉ thấy một lần trong suốt một đời người.
Vĩnh Hảo
(Theo Thư Viện Hoa Sen)
BÌNH LUẬN