Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp lễ hội lớn nhất trong năm tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, .... Nhiều cộng ...
Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp lễ hội lớn nhất trong năm tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, .... Nhiều cộng đồng trên thế giới đang rộn ràng chuẩn bị đón mừng Tết con Rồng theo lịch Âm.
Tùy theo phong tục, văn hoá của từng quốc gia, từng nơi lại ăn mừng những ngày đầu tiên của năm mới theo cách riêng.
Hong Kong, kinh đô ánh sáng của châu Á những ngày này tràn ngập không khí lễ hội xen lẫn hương vị cổ truyền và màu sắc hiện đại. Như mọi năm, tối mùng Một Tết, người dân Hồng Kông lại nô nức đi xem lễ diễu hành, có sự tham gia của ban nhạc, các vũ công và không thể thiếu đội múa lân rộn ràng, rực rỡ. Trong 90 phút, lộ trình của đoàn diễu hành gần như không thay đổi qua các năm, chỉ có đích đến của mỗi năm là thay đổi. Năm nay, điểm dừng chân cuối cùng của đoàn diễu hành là khách sạn Sheraton.
Trong dịp này, Hong Kong mới có nhiều hoạt động độc đáo chỉ có trong dịp Tết. Đó là lễ mở màn mùa đua ngựa tại Sân đua Sha Tin có sức chứa hơn 80.000 khán giả. Đây được coi là một hoạt động truyền thống ở vùng đất mà môn thể thao này được đa số dân chúng quan tâm.
Với dân số người Hoa chiếm số đông, Tết Nguyên đán cũng được tổ chức rất long trọng tại Singapore. Ngay từ những ngày trước Tết, không khí Tết đã tràn ngập trên các đường phố của Đảo quốc Sư tử, với đèn lồng đỏ, hình rồng bay phượng múa được treo khắp nơi. Các buổi biểu diễn múa lân diễn ra khắp nơi từ trước Tết, khuấy động không khí náo nức trên từng góc phố. Điểm nhấn đáng chú ý nhất của ngày Tết ở Singapore là lễ diễu hành nổi tiếng Chinggay của các khối mô hình cùng sự tham gia của các vũ công, võ sư, ảo thuật gia diễn ra ngay trước Tòa thị chính. Từ năm 1972, sau khi Chính phủ Singapore ban bố lệnh cấm bắn pháo hoa, Chingay đã trở thành hoạt động sôi nổi, rực rỡ và thu hút nhất ở quốc đảo này trong dịp năm mới.
Tết của cộng đồng người châu Á, đặc biệt là cộng đồng người Hoa - tại những quốc gia không kỷ niệm dịp lễ hội này cũng rất phong phú.
Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, con đường Yaowarat là khu phố Tàu sầm uất và năng động nhất. Yaowarat trong dịp này ngập tràn không khí rộn ràng, với đỏ và vàng là hai màu trang trí chủ đạo. Các quầy bán các món ăn truyền thống Trung Quốc trong dịp Tết lúc nào cũng tập nấp người mua. Tết ở đây cũng có pháo hoa, múa lân, biểu diễn ca nhạc và các loại hình nghệ thuật khác.
Thành phố San Francisco của Mỹ là nơi tập trung người gốc Á đông và lâu đời nhất. Bước qua cánh cửa đỏ đặc trưng dẫn vào khu phố Tàu ở đại lộ chính, đến khu phố Stockton, du khách sẽ ngỡ mình vừa đặt chân lên một vùng miền nào đó ở Trung Quốc. Đây chính là khu sinh hoạt cộng đồng lớn nhất và mang đậm màu sắc Á Đông nhất. Tết ở đây kéo dài, từ vài tuần trước Tết đến hết Rằm tháng Giêng. Và đặc sắc nhất trong các hoạt động ngày Tết vẫn là lễ diễu hành - múa lân mừng năm mới. Đây được đánh giá là một trong những lễ diễu hành hoành tráng nhất thế giới, được truyền hình trực tiếp trên nhiều kênh quốc tế. Kết thúc đoàn diễu hành luôn là đội múa Rồng vàng dài tới hơn 60m.
Khu phố Tàu ở Manhattan, New York, Mỹ cũng là điểm đến rất hấp dẫn trong dịp Tết. Lễ mừng năm mới ở đây chính thức bắt đầu với màn bắn pháo hoa rực rỡ, mở đầu cho hàng loạt các hoạt động rộn ràng như múa lân, biểu diễn văn nghệ. Điểm đặc biệt tại đây là các hoạt động đón Tết được tổ chức phân khu vực, mỗi khu phố sẽ diễn ra một hoạt động đặc trưng riêng, không trùng lặp về thời gian.
Thủ đô Paris của Pháp là một trong những nơi tập trung đông người châu Á nhất ở châu Âu. Cách thức ăn mừng ngày Tết Á Đông ở thành phố này không quá rộn ràng, náo nhiệt nhưng tràn ngập sắc màu.
Những cành đào được bán trên khắp các đường phố Hà Nội. Đào, quất hay mai là những loại cây, loại hoa không thể thiếu trong mỗi dịp Tết âm lịch của người Việt Nam. Ảnh: AFP
Một chiếc đèn lồng hình đầu rồng được treo bán tại chợ đồ trang trí nhân dịp năm mới ở Hà Nội hôm 17/1. Người Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết âm lịch cổ truyền Nhâm Thìn trong tuần tới. Ảnh: AFP
Một bé trai đứng xếp hàng cùng người thân để mua vé tàu tại nhà ga đường sắt Bắc Kinh. Hàng chục triệu người Trung Quốc sẽ di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau để về quê ăn Tết. Ảnh: AFP
Các hành khách Trung Quốc ngồi chờ tới giờ tàu chạy. Tàu hỏa là phương tiện được nhiều người Trung Quốc lựa chọn để về quê ăn Tết do giá vé tương đối rẻ. Ảnh: AFP
Các công nhân Trung Quốc đang lắp đặt một chiếc đèn lồng hình con rồng, để chuẩn bị cho hội chợ đèn lồng nhân năm con rồng tại thành phố Toại Ninh, thuộc tỉnh miền tây nam Tứ Xuyên. Ảnh: AFP
Một người đàn ông mang theo những túi quà Tết bước đi vội vã tới chốt kiểm soát an ninh tại ga đường sắt Bắc Kinh. Sắm quà Tết biếu gia đình và bạn bè là một nét văn hóa thường thấy trong mỗi dịp Tết âm lịch của người Trung Quốc. Ảnh: China Daily
Một người đàn ông Indonesia cầu khấn trong một ngôi chùa ở thủ đô Jakarta, Indonesia, hôm 16/1. Ảnh: AFP
Em bé người Indonesia ngắm nhìn chiếc đèn lồng hình con rồng khổng lồ được trang trí tại một trung tâm mua sắm ở Jakarta hôm 15/1. Tại Indonesia cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác có một cộn đồng người Hoa đông đảo. Ảnh: AFP
Chiếc đèn lồng hình con rồng được trang trí bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng tại chùa Fo Guang Shan Dong ở làng Jenjarom, cách thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia khoảng 50 km về phía tây nam. Ảnh: AFP
Các thợ lặn biểu diễn màn múa rồng trong một bể cá lớn. Đây là một phần trong lễ chào đón năm mới theo lịch âm ở trung tâm Thế giới Đại dương Siam ở thủ đô Bangkok của Thái Lan. Ảnh: AFP
Một người thợ đang xếp những cây hương lớn để chuẩn bị cho lễ mừng năm mới âm lịch ở thủ phủ Medan, tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia. Ảnh: AP
Một người đàn ông khấn trước bệ thờ trong một ngôi đền được trang hoàng bằng rất nhiều đèn lồng màu đỏ tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Ảnh: EPA
Những người khách bộ hành ngắm nhìn một con rồng lớn được đặt trên một con phố ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Một người đàn ông ngước nhìn những vật trang trí dành cho dịp Tết âm lịch được bày bán tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: AP
Người dân thành phố thủ phủ Nam Kinh của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đi dạo trên một con phố được trang hoàng bằng nhiều đèn lồng đỏ gần đền thờ Khổng Tử. Ảnh: Xinhua/Zuma Press
Các vũ công biểu diễn trong một lễ diễu hành được tổ chức để chào đón năm mới âm lịch sắp đến tại thành phố Solo, tỉnh Trung Java, Indonesia. Ảnh: AP
Một cụ già thắp hương khấn vái tại một ngôi đền ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Ảnh: AFP
Một cậu bé nhìn ngắm những hình nộm mặc trang phục năm mới được bày bán bên ngoài một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: AP
Những chiếc đèn lồng đỏ được treo trên nhiều cây trong một công viên ở Bắc Kinh. Việc treo đèn được coi là để mang lại nhiều vận may. Ảnh: EPA
Người dân đứng xem một hình rồng lớn được trưng bày tại Dự Viên, Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AP
Một người đàn ông đang xếp những chiếc đèn lồng tại một ngôi chùa Phật giáo ở thủ phủ Denpasar trên đảo Bali, Indonesia. Hòn đảo du lịch nổi tiếng này có phần lớn dân số theo đạo Hindu. Ảnh: AFP
Những người bán hàng tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Jakarta, Indonesia, cùng tạo dáng để chụp ảnh kỷ niệm, với cảnh nền phía sau mang đầy không khí của Tết âm lịch sắp tới. Ảnh: AFP
Bảo Linh (tổng hợp)
(theo vef.vn)
BÌNH LUẬN