Ước gì tôi không phải làm phòng mạch, tôi sẽ nằm dài nghe nhạc, xem sách, và đi ngủ sớm, sáng dậy tập thể dục… “.Anh bạn bác sĩ, đồng nghiệp...
Ước gì tôi không phải làm phòng mạch, tôi sẽ nằm dài nghe nhạc, xem sách, và đi ngủ sớm, sáng dậy tập thể dục… “.Anh bạn bác sĩ, đồng nghiệp, thế hệ 5X của tôi vừa đứng lên vừa uống vội ly cà phê rồi xin phép về sớm cho kịp giờ khám bệnh ở phòng mạch. Ra trường năm 1978, nay anh đã là một bác sĩ khá “thành đạt”, chủ sở hữu một ngôi nhà ở quận 3, một ngôi nhà ở quận 7, vài miếng đất dự án ngoại thành, hàng ngày lái xe hơi đi làm… gặp bạn bè, lúc nào anh cũng vội vội vàng vàng, rất thích bàn chuyện xe hơi, nhà đất và cũng rất hay than vãn, nào là quá bận rộn, không có thời gian học thi lấy thêm bằng này bằng nọ, nào là vẫn chưa đủ tiền để sắm thêm cái này cái nọ… Anh là trưởng khoa của một bệnh viện lớn trong thành phố , làm việc tại bệnh viện từ 7g sáng đến 4g chiều, về nhà lại làm ngay tại phòng mạch đến 9g- 10g tối, phòng mạch anh chữa “bá bệnh”, từ chích ngừa uốn ván đến truyền dịch “phục hồi sức khỏe”, từ các bệnh tiêu hóa, bệnh tim mạch đến bệnh tiểu đường… mặc dù chuyên khoa của anh là bệnh truyền nhiễm, sốt rét! Gần đây, biết anh bị tiểu đường tôi khuyên anh tập thể dục nhiều hơn, anh phân trần: “tôi đã mua mấy loại máy tập thể dục để trong nhà nhưng làm việc xong thì mệt nhoài chả còn hơi sức đâu mà tập, chỉ có Chủ nhật, lâu lâu đi đánh tennis một lần, thế thôi!” anh tiếp “mình chỉ ráng làm thêm một thời gian nữa rồi sẽ nghỉ ngơi, sống cho ra sống!” . Tôi tự nhủ, với quỹ thời gian còn lại của những người thuộc thế hệ 5X như anh và tôi, lại mắc thêm bệnh tiểu đường chữa trị không đúng phương pháp, không biết anh còn khả năng để “sống cho ra sống” cho đến lúc quyết định nghỉ ngơi nữa hay không?
Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ của văn hóa tiêu dùng. Sự cạnh tranh giữa các công ty , các tập đoàn sản xuất, đã làm nảy sinh các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, thường không trung thực, liên tục tấn công người tiêu dùng trên tất cả các phương tiện truyền thông, từ trong nhà, nghe radio hoặc xem TV, xem báo… đến ngoài đường phố, với các bảng hiệu quảng cáo khổng lồ đập vào mắt người đi đường mọi lúc mọi nơi, kết quả đã tạo cho chúng ta một thói quen mua sắm và một nhu cầu giả tạo về các mặt hàng được quảng cáo.Lâu dần, một bộ phận lớn trong dân chúng sẽ tiêm nhiễm văn hóa tiêu thụ vật chất, tôn thờ của cải vật chất và sống theo quan điểm “càng có nhiều càng tốt, càng có nhiều càng hạnh phúc”. người ta mua sắm tích lũy của cải vô tội vạ, từ dày dép, túi sách, quần áo, điện thoại di động đến các loại xe gắn máy , xe hơi , nhà cửa biệt thự… và luôn cố gắng theo kịp những kiểu dáng, những “đời” mới nhất để được xem là sành điệu , để được kính nể và để được “hơn” những người khác quanh mình.
Quan hệ giữa người với người cũng căn cứ trên cơ sở vật chất của cải mà người ta sở hữu, mà người ta cho tặng nhau. Ai tặng ta nhiều thứ đắt tiền, ta sẽ thích họ, mang ơn họ, ai không đủ khả năng cho ta, ta sẽ coi thường và không muốn tiếp tục quan hệ, quên mất họ cũng là người như chúng ta. Tết năm rồi, khi được tôi lì xì 20 ngàn, đứa cháu của bạn tôi, mới 5 tuổi, tiu nghỉu: “ông lì xì cho cháu ít hơn chú D nhiều, làm sao đủ tiền mua được cây súng điện tử kiểu mới” rồi bỏ chạy đi không thèm cảm ơn. Cha mẹ cháu chỉ cười xòa, nói “thằng này thông minh, biết xài tiền sớm”.
Quay cuồng trong văn hóa tiêu thụ vật chất, mục tiêu sống của chúng ta sẽ luôn luôn phải là được sở hữu nhiều thứ hơn nữa. Để đủ khả năng mua sắm mọi thứ, chúng ta phải nai lưng ra làm việc, phải phấn đấu, phải ra sức cạnh tranh để đạt được những địa vị, quyền lực ngày càng cao hơn trong xã hội, để có thể gia tăng thu nhập, gia tăng khả năng “kiếm chác”. Chúng ta hy sinh hạnh phúc trong những giây phút hiện tại để miệt mài theo đuổi một viễn cảnh hạnh phúc hơn trong tương lai, nhưng thật kỳ lạ, chúng ta chẳng bao giờ cảm thấy đủ và chẳng bao giờ biết khi nào nên dừng lại. Ăn quá no, ta phải ngưng ăn để khỏi bị bội thực, uống quá nhiều rượu , ta phải ngưng uống để khỏi bị say, làm việc 40 giờ một tuần chưa làm chúng ta thỏa mãn, vậy thì tại sao không làm nhiều hơn để tăng thu nhập? còn trẻ, còn khỏe mà? để về già sẽ nghỉ ngơi cũng chưa muộn mà. Vô ý thức, chúng ta tự thuyết phục rằng sẽ cảm thấy thỏa mãn khi và chỉ khi các việc mà chúng ta theo đuổi đã hoàn tất, “tôi chưa thể hạnh phúc vào lúc này, ngay bây giờ, vì chưa có thời gian cho chuyện đó”. Đây chính là cách suy nghĩ sẽ làm cho chúng ta cạn kiệt sức lực và bất hạnh suốt đời.
Chúng ta quên mất rằng cuộc đời của chúng ta thật hết sức ngắn ngủi và chẳng có gì là vĩnh hằng, là bất biến. Hoa nở rồi cũng sẽ tàn, trăng tròn rồi trăng lại khuyết, thịnh suy biến đổi vô thường. Người đang giàu có sung túc, gặp bất trắc trở nên trắng tay. Người đang khỏe mạnh, sau một cơn bệnh nan y, phải nằm liệt giường liệt chiếu. Cũng có khi, đang khó khăn nghèo khổ, bỗng gặp may trở nên giàu có, đổi đời. Con người sống hôm nay chẳng thể biết chắc ngày mai sẽ thế nào, vậy tại sao không tìm cách sống hạnh phúc mỗi ngày, ngay bây giờ?
Chúng ta cũng quên mất rằng,quanh ta còn vô số những người cùng khổ cần nhường cơm sẽ áo,những người mà thu nhập hàng năm chưa bằng thu nhập một tuần của chúng ta,những người phải sống trong những điều kiện vô cùng khó khăn, không điện nước, xăng dầu, không trường học hay trạm y tế… một khi chúng ta gom góp,thu vén cho cá nhân theo triết lý “càng nhiều càng tốt”, chúng ta cũng đã lấy mất đi một phần của những người đáng được hưởng hơn chúng ta .Chúng ta tiêu tốn lãng phí năng lượng, điện nước xăng dầu trong khi thoải mái tiêu dùng, đồng thời,chúng ta cũng thải ra môt lượng lớn các chất thải độc hại cho mái nhà chung của chúng ta.
Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rằng vật chất sở hữu không phải là nhân tố quyết định hạnh phúc.Thật vậy,tại các nước phát triển ,mức thu nhập đầu người không ngừng tăng lên nhưng số thanh thiếu niên tự tử hàng năm lại tăng nhiều hơn trước và chỉ số hạnh phúc quốc gia cũng không tăng theo thu nhập.Trong khi một đất nước Bhu tan nhỏ bé,nằm kẹp giữa 2 anh khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc,chỉ có 700.000 dân với lối sống truyền thống cực kỳ giản đơn,tuy có thu nhập đầu người rất khiêm tốn nhưng chỉ số hạnh phúc quốc gia “gross national happiness”(GNH) index lại rất cao(The Washington Post).
Cạnh tranh,phấn đấu thăng tiến,tích lũy,không hoàn toàn xấu nếu biết thế nào là đủ và biết dừng lại đúng lúc để tìm cách chia sẻ cho người khác và để có thì giờ hưởng thụ hạnh phúc ngay trong từng giây,tưng phút,hiện tại. Muốn được như vậy,chúng ta chỉ còn cách đơn giản dị hóa cuộc sống hiện tại,loại bỏ bớt những gì không cần thiết,những nhiệm vụ,nhu cầu giả tạo, những thứ không đem lại một hạnh phúc thật sự,hạnh phúc “bên trong” mỗi con người chúng ta.Chúng ta không cần sống vì những lời tâng bốc,vì những của cải dư thừa mà hậu quả sẽ mang theo những rắc rối,lệ thuộc,biến chúng ta trở thành nô lệ của chúng.Triết học phương Đông có câu “người biết thế nào là đủ sẽ là người hạnh phúc”.
Cuộc sống giản đơn sẽ tháo bỏ cho chúng ta những gông cùm trách nhiệm do chính chúng ta tự đeo vào cổ, giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để sống với những người thân yêu,nhiều thời gian hơn để thư giãn và thưc hiện những điều mình yêu thích,nhiều thời gian hơn để chia sẻ giúp đỡ người khác.Quan niệm hạnh phúc với lối sống giản đơn không phải là vấn đề mới xuất hiện gần đây.Từ ngàn xưa,trong triết lý của đạo Phật, trong kinh Cựu ước của Thiên Chúa giáo,của LãoTử, đã có rất nhiều lời khuyên người ta phải biết sống giản đơn và hạnh phúc không phải do hoàn cảnh,vật chất quyết định mà chia sẻ mới chính là chìa khóa của hạnh phúc.
Chắc chắn, sống giản đơn sẽ hạnh phúc hơn!
Nguyễn Thi Anh
BÌNH LUẬN