Món mứt là nét văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết. Mỗi năm chỉ có một lần, tự tay chuẩn bị cho gia đình mình những món mứt “homema...
Món mứt là nét văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết. Mỗi năm chỉ có một lần, tự tay chuẩn bị cho gia đình mình những món mứt “homemade” cũng thể hiện sự khéo léo, đảm đang của bà nội trợ. Không tốn kém là mấy mà lại có những mẻ mứt ngon. Mứt dừa, mứt bí, mứt gừng… đều được các gia đình ưa thích. Cảm giác khi cắt quả làm mứt, khi phơi khô, khi sên chảo… thấy cái Tết ấm áp đang tràn về.
Mức giá các loại mứt năm nay tăng đến chóng mặt, đa phần giá đều gấp đôi so với năm ngoái. Thêm nào đó, những thông tin về công nghệ làm mứt Tết vừa qua, thậm chí có cả giòi, bọ trong đó nên nhiều người đã không dám mua những loại mứt bán tràn lan. Kể cả mua ở cửa hàng có uy tín hay siêu thị thì người tiêu dùng cũng không hẳn yên tâm. “ Khuất mắt trông coi”; bụi bẩn đã đành, lại còn phẩm màu, hóa chất. Ăn không ngon, tốn kém mà hơn nữa lại có hại cho sức khỏe… Vậy nên mùa tết năm nay, thay vì đi mua những bịch mứt lớn nhỏ tại các cửa hàng hay siêu thị, nhiều người quyết định tự tay làm mứt.
Mỗi loại mứt cần những cách sơ chế và đun nấu riêng. Sau đây là những điều cơ bản trong kỹ thuật làm mứt giúp bạn có những món mứt ngon và đẹp mắt trong ngày Tết.
1. Cách làm chung cho các loại mứt:
Xác định lượng đường vừa đủ; cân nguyên liệu làm mứt sau khi đã qua sơ chế để xác định lượng đường cần dùng. Thường thì số đường sẽ bằng ¾ cân nặng của nguyên liệu chính. Bạn sẽ trộn đường vào nguyên liệu, để chúng tan.
Mỗi loại mứt cần những cách sơ chế và đun nấu riêng
…Cho món mứt “ướt”
- Luôn vắt thêm chanh hoặc giấm (acid) để đường kết tinh
- Xào mứt trên nhiệt độ trung bình cho tới khi tất cả các nguyên liệu đều khô lại
- Giảm dần nhiệt độ và tiếp tục đảo đều cho tới khi mứt “chín”
…Cho món mứt “khô”
- Luôn bảo đảm rằng thành phần chính không chứa acid.
- Xào mứt trên nhiệt độ trung bình cho tới khi mứt thật ráo
- Giảm nhiệt và xóc chảo mứt cho tới khi mứt ráo hoàn toàn và mỗi miếng mứt đều được phủ một lớp bụi đường mỏng.
2. Cách làm riêng từng loại mứt
MỨT DỨA
Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, để nguyên cả quả, nạo bằng bàn nạo mắt to
- Chắt bỏ bớt nước
- Cân dứa, cứ 2 dứa 1 đường hoặc gia giảm tùy khẩu vị.
- Cho đường vào dứa, một ít bột quế, bột hồi (ai không thích thì bỏ qua), đảo đều
- Cho vào lò vi sóng, quay chế độ HIGH khoảng 10 phút thì bỏ ra, đảo đều. Nếu thấy hơi khô thì cho thêm nước dứa vào
- Quay tiếp 10 phút nữa, lại bỏ ra đảo phát nữa. Nếu thấy mứt chuyển màu trong trong, ăn thử thấy dẻo, dai thì được. Nếu thấy khô thì cho thêm tí nước dứa nữa, quay thêm 1 phút là okie.
- Khi nguội nó sẽ đặc hơn.
MỨT DỪA
Nguyên liệu gồm dừa bánh tẻ (là dừa trung niên, không non không già), đường, Vani. Nếu muốn làm mứt dừa mầu xanh thì mua thêm lá dứa.
- Dừa cạo bỏ vỏ già, nạo sợi hoặc bào lát mỏng, ngâm vào nước
- Trần qua nước sôi, vớt ra để ráo
- Cho vào nồi, cứ 1 lớp dừa là 1 lớp đường
- Ngâm qua đêm
- Bắc nồi dừa lên sên cho đến khi đường cạn, kéo chỉ thì cho vani vào
- Đun nhỏ lửa cho đến khi đường kết tinh, bám đều miếng dừa là được.
- Để nguội hẳn, cho vào lọ kín
MỨT KHOAI LANG
Cũng là một món ăn quen thuộc dễ, làm, tương đối rẻ. Muốn làm mứt khoai lang thì phải chọn khoai lang bí ruột vàng, thơm, ăn có độ dẻo, bùi. Chọn khoai lang bí, ruột vàng, gọt vỏ. Khoai có thể cắt thành miếng dài vuông cạnh, cỡ ngón út hoặc cắt xéo ngang củ khoai thành lát dày khoảng l cm, rồi dùng ống xắn tròn, xắn khoét thành nhiều lỗ giữa lát khoai.
Nguyên liệu chuẩn cho 1 kg khoai:
- Pha mỗi lít nước với 20g vôi trắng, để qua đêm cho lắng trong, lấy phần nước lắng trong để ngâm khoai, nước phải ngập khoai hoàn toàn, ngâm qua 3 giờ, vớt ra xả lại nhiều lần nước lạnh cho thật sạch. Nước vôi có tác dụng làm giòn khoai.
- Cân lại khoai, cứ một cân khoai thì 800g đường cát trắng.
- Để làm mứt khoai cho đẹp, nếu cắt lát lớn, phải chăm từng miếng khoai một.
- Cho khoai, đường, 3 môi nước lạnh vào chảo, trộn nhẹ tay, để lửa thật nhỏ, khi đường tan hết và sôi nhẹ, gỡ tách liên tục đừng cho khoai dính nhau.
- Để khoai thấm đường cho đến khi thấy đường cạn gần hết, khi thấy đường bắt đầu đặc lại gắp từng miếng khoai trải thẳng thớm lên vỉ gác ngang chảo, để nguội miếng khoai.
- Nếu làm mứt lát lớn có thể gói mỗi miếng trong một miếng giấy nylon trắng hoặc cho vào lọ thủy tinh sạch, đậy kín.
MỨT CÀ CHUA
- Cà chua mua loại quả tươi, còn nguyên núm, dùng tăm xăm nhẹ quanh quả rồi ngâm trong nước muối khoảng 1 tiếng vớt ra.
- Hòa vôi, lấy nước trong ngâm cầ ngập nước để qua đem rồi xả nước lã cho sạch.
- Đun một nồi nước sôi, Quậy tan phèn chua thả cà chua vào chần nhanh vớt ra để ráo.
- Trút đường vào xoong cùng 1/2 bát nước (100ml) đun nhỏ lửa để đường tan chẩy, rưới thêm 3 muỗng cà phê nước cốt chanh, cho cà chua vào đun sôi liu riu khoảng 15 phút bắc xuống ngâm qua đêm.
- Đun nhỏ lửa tiếp cho tới lúc đường cạn gần hết, nước đường sánh sệt thì bắc xuống. Xếp cà chua vào sàng, phơi thêm một nắng cho ráo đường, (Nếu có lò sấy thì bỏ cà chua vào sấy cho se mặt là được).
- Yêu cầu quả cà chua còn nguyên hình, không nát, có màu đỏ đẹp, ăn không xác.
MỨT GỪNG DẺO
Gồm gừng non, trái dứa vừa chin, đường, muối.
- Gừng rửa sạch, gọt vỏ, bào mỏng, cắt sợi nhỏ ngâm nước muối 2 giờ, xả lại nước lạnh thật kỹ, vắt ráọ
- Dứa cắt miếng mỏng chung quanh chừa lõi, băm nhuyễn
- Cho gừng, dứa, đường vào nồi trộn đều để 3 giờ
- Bắc lên bếp sên trên lửa nhỏ, 5 phút trộn một lần để gừng không bị dính nồi, sên đến lúc thấy gừng dẻo là được, nất xuống để nguội, gói vào giấy, cho vào keo để chỗ mát.
MỨT KHẾ
Mứt khế thơm ngon và có thể bảo quản trong thời gian dài
Nguyên liệu:
- Khế chua xanh: 3000g
- Đường kính: 1000g
- Phèn chua: 10g
- Vani, Muối
Mứt khế có màu nâu, thơm mùi khế, vị ngọt, chua, còn nguyên miếng khế, hơi ướt
Cách làm
- Khế gọt vỏ khía, xẻ ra từng miếng dọc theo quả khế, gọt sơ vỏ xanh ở phía ngoài, ngâm khế vào thau nước muối khoảng 1 giờ, xả nước lạnh cho sạch muối.
- Cho đường và khế vào xoong, cho thêm một chút nước lạnh, đặt lên bếp rim, lúc đầu cho to lửa, sau bớt lửa khi đường cạn, thấy đường có dây khi nhúng đũa là được.
- Đem mứt xuống, cho vani vào, để mứt nguội cho vào lọ bảo quản kín.
Yêu cầu:
Mứt khế có màu nâu, thơm mùi khế, vị ngọt, chua, còn nguyên miếng khế, hơi ướt.
MỨT KHOAI MÔN
Khoai môn, đường, nước, dầu để chiên và một ít hành hoa cắt thật nhuyễn
- Khoai môn bào vỏ rửa sạch, lau khô, rồi cắt thành hình thỏi cỡ ngón trỏ hoặc cắt thành hình vuông như quân cờ cũng được. Cho dầu vào chảo đặt lên bếp chiên khoai cho chín, không chiên khoai quá vàng, khi chiên nên để lửa vừa. Khi khoai chín thì vặn to lửa để khoai không bị hút dầu, vớt khoai ra cho ráo dầu.
- Sau đó trút phần dầu chiên khoai ra tô, trong chảo còn dư tí xíu dầu thì cho hành hoa vào phi cho thơm rồi xúc hành ra ngoài chén.
- Tiếp đến cho nước và đường vô chảo, nấu đến khi đường bắt đầu keo lại thì cho khoai chiên và hành hoa phi vào, đảo cho đều tay, lúc này nên để lửa thiệt nhỏ.
- Đảo đến khi thấy đường gần khô và khoai rời ra không kết dính lại thì tắt lửa, tiếp tục đảo đều đến khi đường khô hoàn toàn.
- Phần ngoài miếng khoai môn thấm hết phần đường kết tinh trăng trắng là thành công. Cho mứt khoai môn ra ngoài để nguội là ăn được, có thể cho vào một chiếc lọ sạch đậy kín nắp, dùng chừng một tuần.
Món ăn này dùng với trà nóng, pha trà cho đậm một chút sẽ rất ngon.
BBT Chánh Đạt
(sưu tầm)
BÌNH LUẬN