1. Niềm tin: - “Đừng tin tưởng một điều gì vì văn phong. Đừng tin tưởng điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều ...
1. Niềm tin:
- “Đừng tin tưởng một điều gì vì văn phong. Đừng tin tưởng điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nhắc đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của Thánh nhân, đừng tin tưởng vào điều gì do ta tưởng tượng và lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng một điều gì chỉ vin vào uy tín của các thầy dạy mình . Chỉ tin tưởng cái gì mà chính mình đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, là có lợi cho mình và kẻ khác. Chỉ có cái đó mới là mục đích tối hậu, thăng hoa cho con người và cuộc đời, các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn." (Sakya Muni Buddha Anguttara Nikaya I.188)
- “Như người không có tay, tuy đến núi báu, không lấy được gì; cũng vậy người không có lòng tin, dầu gặp Tam Bảo cũng không đạt được lợi ích gì”. (Kinh Tâm Địa Quán)
- “Như người có tay, vào trong núi báu, tự do lấy ngọc; người có lòng tin cũng vậy, vào trong Phật Pháp, tự do lấy của báu vô lậu”. (Kinh Hoa Nghiêm)
2. Sức mạnh
- Ta phải có thái độ của đàn voi lâm trận, mạnh tiến giữa rừng gươm đao, giáo mác, bình tĩnh hứng lấy những nỗi chua cay của cuộc đời và thản nhiên vững bước trên đường Đạo (Lời Đức Phật dạy cho Tôn giả A-Nan)
- Khi cảm thấy hoang mang, mất tự tin, hãy nghĩ ngay đến tiềm năng tuyệt vời được sinh làm thân con người, tấm thân ấy chỉ ước mong được nẩy nở. Vì thế, hãy nhìn vào kho tàng quý giá đó đang được cất giữ trong ta để tìm lấy nguồn hạnh phúc : hân hoan là một sức mạnh, hãy khơi động và chăm lo cho xúc cảm ấy (HH Dalai Lama)
3. Tự do và giải thoát:
- Có lắm người đòi hỏi tự do, mong cầu giải thoát, mà cứ đòi hỏi nơi kẻ khác, mong cầu nơi bề trên, hoặc đôi khi chà đạp tự do của người khác để mình được tự do - những điều này thật là việc mò trăng đáy giếng, bắt bóng trên không, không có kết quả. Để đạt được tự do và giải thoát, qúy Phật tử nên trông cậy vào mình, tranh đấu với mình, tự dứt sạch những bệnh ghiền, những phiền não, và lấy giáo lý của đạo Phật làm tiêu chuẩn. Không ai cởi mở được cho ta, chúng ta phải tự cởi mở lấy. (Lời dạy HT Thích Thanh Từ)
4. Mục đích tôn giáo
- Mục đích của các tôn giáo không phải kiến tạo Chùa cao Phật lớn, Thánh đường nguy nga, tăng thêm số lượng tín đồ… mà tôn giáo chỉ đến với loài người để hướng dẫn họ đến với ánh sáng và hạnh phúc. Mỗi tôn giáo trên thế giới, dù có nhiều quan điểm khác nhau về triết thuyết của họ, nhưng trước và trên hết vẫn là những lời dạy làm giảm bớt lòng ích kỷ và làm lớn mạnh tình thương yêu nhau. Không may, có quá nhiều người đã nhân danh tôn giáo rồi gây ra những cuộc chiến tranh hơn là giải quyết chúng. (Dalai Lama)
5. Khẩu nghiệp
- Đức Phật bảo A Nan: “Người sanh thế gian, tai họa sanh từ miệng, nên phải giữ miệng lắm hơn đề phòng lửa dữ; lửa dữ đốt cháy của thế gian, miệng dữ đốt cháy của bảy bậc thánh. Tất cả chúng sanh họa từ miệng sanh ra, nên biết miệng là dao búa giết thân vậy”. (Kinh Báo Ân)
- Nói ác, mắng chửi, kiêu mạn khinh người. Các điều ác ấy khởi ra là ganh ghét oán hận sanh ngay. Nói lời khiêm tốn, tôn kính người, bỏ oán, nhẫn ác, là ganh ghét, oán hận tự dứt. Là người sanh ở đời, búa tại trong miệng, sở dĩ giết thân do lời nói dữ.
- Khen kẻ ác, được kẻ ác khen lại, hai bên đều là ác. Ưa dùng miệng đấu nhau, về sau đôi bên đều không yên.
- Nên đừng nói lời cộc cằn, nói phải sợ quả báo, đưa lời ác đi, tai họa trả lại, dao gậy đến thân. Thốt ra lời nói lành, như đánh chuông khánh, thân không nghị luận, suốt đời an vui. (Kinh Pháp Cú)
- Phật dạy: bỏ hai lưỡi, không có ác tâm phá hoại, khiến cho những người tranh đấu ly tán, được hòa hiệp lại. Và bỏ lời nói ác khẩu thô bạo cộc cằn biết nó là hại mình hại người nên xa lìa. (Kinh Hoa Nghiêm)
- Lắm lời nhiều lẽ thì người ta sợ tránh, lời hai lưỡi đâm thọc là thứ nhất. Người nào bỏ nói hai lưỡi, người ấy đời nầy hưởng được quả báo tốt, bè bạn, bà con, anh em, vợ con và tôi tớ thảy đều gần gũi thuận hòa, vững vàng chắc chắn không ai phá hoại được. (Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ)
6. Đối trị sân hận
- Do quán năm nghĩa để dứt lòng giận dữ:
- Quán tất cả chúng sanh từ nhiều kiếp đến nay, đối với ta đã có ân huệ
- Quán tất cả chúng sanh thường tiêu diệt từng mỗi niệm
- Quán có pháp mà không có chúng sanh thì đâu có năng tổn và sở tổn.
- Quán tất cả chúng sanh đều đã chịu khổ, sao lại làm cho khổ thêm
- Quán tất cả chúng sanh là con mình, làm sao sanh tâm tổn hại được (Luận Nhiếp Đại Thừa)
- Nếu người nào có thể hoàn thành được 10 sự kiện này, phải biết người ấy đã tu được hạnh nhẫn nhục.
- Quán cái ta và tướng mạo của ta,
- Quán nghĩ chủng tánh,
- Phá từ kiêu mạn,
- Ai đến chẳng trả thù,
- Quán tướng vô thường,
- Tu từ bi,
- Tâm chẳng buông lung,
- Bỏ các việc đói khát khổ vui,
- Dứt trừ giận dữ,
- Tu tập trí huệ (Kinh Đại Bảo Tích)
- Hãy cám ơn kẻ thù của ta, họ là những vị thầy lớn nhất cho ta. Họ tập ta đương đầu với khổ đau và giúp ta phát huy sự nhẫn nhục, lòng rộng lượng và từ bi, nhưng không chờ đợi bất cứ một sự hồi đáp nào. (HH Dalai Lama)
7. Tha Thứ
- Khi có kẻ nào làm ta tổn thương, đừng do dự một chút nào cả, hãy tha thứ cho họ. Vì khi biết nghĩ đến những gì đang kích động họ và đưa họ đến những hành vi ấy, ta sẽ hiểu chính đấy là những khổ đau mà họ đang phải gánh chịu, không phải họ quyết tâm và cố tình làm ta thương tổn và gây thiệt hại cho ta. Tha thứ là một một phương cách xử sự tích cực dựa vào sự suy nghĩ, không phải là một hành động bỏ qua. Tha thứ là một hành động ý thức, căn cứ trên sự hiểu biết và chấp nhận hiện trạng thực tế của những cảnh huống xảy ra cho ta. (HH Dalai Lama)
8. Bố Thí
-Hãy bố thí cho kẻ khác, không mong đợi sự hồi đáp và cũng không tính toán gì hết; bố thí để tìm lấy sự sung sướng và để yêu thương, chính đấy là cách tạo ra những phúc hạnh lớn lao nhất. Đạo đức chính là những gì căn cứ trên lòng quyết tâm giúp đỡ kẻ khác. (HH Dalai Lama)
Thích Trí Giải (st)
BÌNH LUẬN