Không phải tự nhiên ông bà mình nói “Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” mà bởi nụ cười mang lại nhiều giá trị mầu nhiệm cho thân và tâm nên n...
Không phải tự nhiên ông bà mình nói “Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” mà bởi nụ cười mang lại nhiều giá trị mầu nhiệm cho thân và tâm nên nếu ai thiếu vắng nụ cười sẽ “được” ví như hoa héo, như mùa đông…
Nhưng, cười cũng có lý lẽ và triết lý riêng của nó, không phải bao giờ cười cũng tốt, cũng mang lại giá trị đẹp. Bởi có “nụ cười là nước mắt khô”, có nụ cười làm người ta sợ bởi đằng sau nụ cười ấy là dã tâm, là sự đắc thắng của một ai đó, có nụ cười làm cho người khác đau nhói, uất ức đến chết...
Và cũng có những nụ cười là vô thức, nụ cười mà khi mình vô tình bắt gặp thì chỉ còn biết cúi xuống niệm thầm một câu “Nam mô A Di Đà Phật, tội nghiệp, tội nghiệp”. Tôi đã từng đi ngang qua những nụ cười vô thức như thế nơi những trại tâm thần, trung tâm xã hội mà cứ thấy lòng vấn vương, quặn đau...
Nụ cười của nàng Dae Jang Guem
Nụ cười là thuốc bổ. Thuốc bổ cho cả thân và tâm. Bởi thân khi ấy sẽ được biểu hiện bằng cái miệng xòe ra như một cánh hoa nở, hai gò má căng ra, trán cũng căng và người ta sẽ thấy một “bông hoa” trên khuôn mặt mình. Các nhà khoa học, bác sĩ, nhà tâm lý đều khẳng định với nhau rằng: cười nhiều sẽ giúp mình trẻ ra. Cười để trẻ ra, đó là tác dụng thiết thực nhất nơi thân, bởi có ai âu sầu mà trẻ bao giờ?
Còn tâm? Nụ cười, nếu loại trừ cái vô thức bởi nghiệp điên loạn và dụng tâm ác ý hoặc thất vọng của người cười thì hầu hết đều là sự biểu thị của niềm an vui. Nếu không có niềm an vui nơi tâm thì nụ cười sẽ không bao giờ có mặt, và đương nhiên nếu nó xuất hiện thì đó là một cái cười gượng gạo.
Cái cười có chất liệu của bằng an, của sự hiểu biết thì sẽ có khả năng mang đến cho người nhìn thấy nụ cười, nhận được nụ cười ấy niềm an vui, sự tin tưởng, gần gũi. Do vậy mình phải học cười hay là chế tác nụ cười có chất liệu như vậy để tặng cho những người mình thương yêu, cho những ai có duyên gặp mình trên dòng đời ngược xuôi, điên đảo.
Nụ cười có chất liệu bằng an là nụ cười xuất phát từ tâm hoan hỷ, từ sự chứng đạt lẽ vô thường và không bị sanh-diệt chi phối. Đó là nụ cười giải thoát mà ta vẫn thấy nơi tướng hảo của chư Phật, chư Bồ tát, và rõ nét nhất là “nụ cười Di Lặc”. Nụ cười của Ngài Di Lặc là nụ cười phát ra từ cái “bụng lớn” có khả năng dung chứa những việc khó dung. Vì sao lại có khả năng dung chứa ấy? Vì thấu triệt nhân quả, vì đã giải thoát khỏi những buộc ràng, và đương nhiên là tam độc (tham-sân-si) không có mặt nơi Ngài.
Khi lòng mình còn chứa đầy tham-sân-si thì mình loay hoay trong mớ lý luận chật hẹp của mình và ai nói gì, làm gì cũng đều là một cái tát tai đau điếng làm mình chẳng thể cười nổi.
Tôi đã ngộ ra điều này từ chính cái tâm nhỏ hẹp của mình, đã đặt ra quá nhiều nguyên tắc cho người và cho mình khi mà mình chưa phải là bậc thánh, khi năng lực của người có giới hạn. Tất nhiên, mục đích của việc “chấm điểm” và “phê bình” hoặc “tự phê bình” kia chính là xuất phát từ tình thương yêu, cầu toàn, hướng thượng… (đôi khi là từ cái tôi lúc nào cũng nghĩ mình đúng, muốn phán xét người khác).
Nhưng, dù là gì thì khi lòng mình bất an, nghĩa là nó đã có vấn đề, và vấn đề không bao giờ ngoài cái tham-sân-si vẫn còn to tướng trong mình, lúc nào cũng chờ cơ hội “đánh úp” mình một quả (mà nơi cõi Ta bà này nhiều “đất” sống cho tam độc lắm nên mình cứ thế mà khổ đau, mệt mỏi… tiến tới).
Nhận diện được điều này đã khó, nhưng càng khó hơn khi giữ được cái thấy này và ứng dụng nó vào trong cuộc sống, trong mọi cái đang diễn ra trong mình và xung quanh.
Một cơn đau răng cũng làm mình bực mình (vì mình tức con sâu răng, nhưng mình không thấy có lúc mình từng ăn kẹo mà không đánh răng, từng đánh gãy răng người khác) hoặc một lời, một từ có tính khiêu khích, chọc ghẹo của người cũng đã làm mình điên tiết (bởi mình không hề thấy có lúc mình đã hả hê giễu cợt người khác, làm cho họ đỏ mặt, tía tai hoặc mất mặt trước bao người…). V.v… những điều như thế, đại loại như thế đã làm mình không thể dung chứa và không có niềm vui nên nụ cười thường thiếu vắng!
Thầy mình trao cho mình bài thuốc để kiến tạo hạnh phúc, bằng an chỉ với một câu: “Thở và mỉm cười đi”. Câu này khi mới nghe mình cứ nghĩ là nó bình thường, dễ mà, có gì đâu, sao thầy lại nhắc. Nhưng khi thực tập, thấm cốt tủy của phương pháp “tiếp hiện” thì mình mới thấy nó dễ mà không dễ chút nào. Thở trước cười bởi hơi thở là chất liệu để duy trì sự sống của thân và cũng là cách để định tâm.
Khi đã biết cách thở, tức là thở có ý thức rồi thì hơi thở ấy sẽ giúp thân mình khỏe, tâm mình nhẹ, an định và tuệ giác phát sinh.
Khi có tuệ giác mình sẽ nhìn thấu triệt mọi biểu hiện nơi thân-tâm mình và người khác, nơi xã hội và đất mẹ thân thương này. Thấy như là chính nó, trong sự duyên sanh, duyên diệt nên mình sẽ không khổ đau vì một lời nói, vì thân bệnh, vì những cái tát bất ngờ hoặc có chủ ý của ai đó, của cuộc đời dành tặng mình. Bởi khi đó mình hiểu, dù là với ý niệm nào của việc làm, lời nói của người, của đời dành cho mình cũng đều là cơ hội để mình trải nghiệm, thực tập và đi tới.
Thấy và hành theo cái thấy này mình sẽ biết mỉm cười và cái cười của mình thật sự có chất liệu của an nhiên, giải thoát, tự tại và chắc chắn nụ cười ấy có sức mạnh chuyển hóa mọi đớn đau nơi thân và tâm của người khác. Tôi có niềm tin chân thật như vậy đó nên tôi nguyện sẽ không cười một cách hình thức và sẽ càng không cười bởi một niệm ác nào xuất hiện nơi tâm mình…
L.Đ.L.
(theo GNO)
Nụ cười rạng rỡ
Nụ cười đằm thắm
Cười mỉm
Cười thẹn thùng
tận cùng của niềm vui, nụ cười pha lẫn giọt nước mắt.
BÌNH LUẬN