Từ ngày về lại sống ở Việt Nam, nếp sống mới cho tôi những kinh nghiệm mới. Mấy chục năm nay, tôi bị bịnh táo bón kinh niên và đã thể nghiệm...
Từ ngày về lại sống ở Việt Nam, nếp sống mới cho tôi những kinh nghiệm mới. Mấy chục năm nay, tôi bị bịnh táo bón kinh niên và đã thể nghiệm rất nhiều thứ thuốc nhuận trường bên Pháp. Tôi sống khoẻ mạnh nhưng lệ thuộc vào các thứ thuốc ấy. Nếu không uống trong một đôi ngày thì bịnh táo bón trở lại.
Về đây tôi gặp một Đông y sĩ . Khi nghe tôi bị bịnh táo bón kinh niên, ông cho tôi uống ba thang thuốc xổ độc. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng mười lăm ngày sau, không uống thuốc gì mà bịnh táo bón đã biến mất. Tôi sực nhớ lại dân tộc Việt Nam liên quan mật thiết đến thực vật. Tôi cũng nhớ có một nhà nghiên cứu phương Tây đã có nhận xét rằng đời sống người Việt Nam thiên về văn hóa thực vật (Les Viêtnamiens vivent dans la civilisation du végétal).
Mùa lạnh, người phương Tây mặc áo lông trừu, nhưng người Việt mặc áo bông. Lưỡi cày của nhiều nước phương Tây bằng kim khí, lười cày của ta thì bằng tre chuốt nhọn. Nhà cửa phương Tây xây dựng bằng bêton cốt sắt, nhà của quê ta thì bằng phên tre lợp lá, cột kèo đều bằng thân gỗ. Trước khi có điện thì phươngTây tìm khí đá hoặc dầu lửa làm đèn, chúng ta chỉ dùng đèn dầu phọng. Thuốc men trị bịnh người phương Tây thiên về hóa chất và khoáng chất, người Việt thì nghĩ đến thảo dược. Trong âm nhạc, cùng là loại sáo thì sáo của người phương Tây bằng kim loại, trong khi sáo ta thì bằng trúc. Dây đờn của phương Tây thì thường bằng gân trừu, gân bò hay là bằng sắt, thép, dây đờn của Việt Nam thời xưa là bằng tơ hay bằng tre tước ra. Trong cách ăn uống người phương Tây để ý đến cách dùng động vật hay khoáng chất thiên nhiên để làm món ăn ngon hơn. Người Việt nghiêng về thực vật nên gạo nếp, rau cỏ, gia vị được nghiên cứu rất nhiều.
Hải Thượng Lãn Ông vốn là một Y sĩ có biệt tài cũng đã để tâm nghiên cứu cả trăm loại rau cỏ, cây lá, tìm những loại thảo mộc nào ăn để phòng bệnh và loại nào ăn để chữa bệnh. Cũng nhờ vậy mà cách dùng măng, dùng nấm trong thức ăn Việt Nam rất dồi dào. Ngày đó, người Việt chỉ nghĩ là ngon miệng, không hại cho bộ tiêu hóa, lại dễ trồng, dễ nấu. Đâu ngờ ngày nay khoa học đã chứng minh nấm là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng không gây chứng xơ cứng động mạch và không làm tăng cholesterol trong máu như các loại thực phẩm nguồn gốc động vật. Nấm có nhiều yếu tố bổ ích cho sự dinh dưỡng, có thể phòng những bịnh nguy hiểm như ung thư chẳng hạn.
Nghĩ như thế nên từ khi trở về Việt nam, tôi lần lần xa khoáng chất và hóa chất trong thuốc men mà tìm đến những phương cách phòng và chữa bệnh bằng thảo dược. Trong cách ăn uống, tôi cũng xa lần những món ăn thuộc về động vật mà thường xuyên trong các bữa ăn có nhiều rau, củ, nấm và các loại ngũ cốc, đặc biệt là đậu nành, đậu hũ. Kết quả là tôi đã xuống cân, không béo phì mà sức đề kháng với bệnh tật và sức làm việc lại tăng lên.
Chưa ai có nghiên cứu tường tận về ảnh hưởng của cách ăn chay. Nhưng chúng ta đã thấy có rất nhiều nhà sư sống lâu mà tinh thần minh mẫn và trong số bạn hữu của tôi, có người chỉ ăn cơm gạo lức với muối mè mà sức khỏe thật tráng kiện, hoạt động và sáng tác không ngừng trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật, hội họa, điêu khắc, mỹ thuật.
Tôi nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm hơn nữa về cách ăn uống thường ngày. Bởi vì với xu hướng trở về với văn hóa thực vật, với những thức ăn thực vật thiên nhiên thì người dân mình có thể phòng và tránh nhiều bệnh hiểm nghèo ngày nay.
GSTS Trần Văn Khê
(st)
BÌNH LUẬN