Vì quá si tình Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh muốn ràng buộc duyên trần với hòa thượng, đã gây nên một kết cục...
Vì quá si tình Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh muốn ràng buộc duyên trần với hòa thượng, đã gây nên một kết cục đau lòng...
Cho đến nay, chùa Đại Giác, còn gọi là Đại Giác cổ tự hay chùa Phật lớn (có tượng Di đà lớn) thuộc ấp nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn lưu truyền giai thoại về một câu chuyện tình đơn phương bi ai nhất giữa công chúa thứ 3 của Vua Gia Long với nhà sư đầu tiên ở miền Nam được phong Quốc sư.
Chùa Đại Giác, còn gọi là Đại Giác cổ tự hay chùa Phật lớn (có tượng Di đà lớn), tọa lạc ở ấp nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).
Theo sử sách, Công chúa Ngọc Anh có nhan sắc chim sa cá lặn, nhưng lại nguyện không lấy chồng, mãi thành tâm ăn chay và tụng kinh niệm phật để cầu sự thái bình, thịnh trị cho triều đại nhà Nguyễn.
Còn Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành (không rõ năm sinh, quê quán) lúc bấy giờ thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 35. Do tư chất thông minh và phẩm hạnh nghiêm mật, được Vua Gia Long xuống sắc, triệu ra kinh đô Huế để giữ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ (1813-1823) và được cử làm pháp sư giảng thuyết Phật pháp trong nội cung.
Mối tình oan trái
Với vẻ ngoài ưa nhìn cùng trí thông mình, tài thuyết giảng Phật pháp truyền cảm, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành được đông đảo phật tử mến mộ và trong số này có Công chúa Ngọc Anh. Suốt những ngày theo học đạo, cô đã thầm yêu nhà sư và có ý định tìm mọi cách khiến nhà sư phá giới.
Để tránh duyên trần với nàng công chúa nhà Nguyễn, Thiền sư đã dùng Phật pháp ngày ngày giảng giải cho công chúa, với hi vọng cô sớm tỉnh ngộ mối tình oan trái này. Tuy nhiên, dường như điều gì càng cấm thì con người ta lại càng muốn có, công chúa thêm dấn sâu vào mối tình si đơn phương và thậm chí, còn xin Vua Minh Mạng cho kết duyên với vị con nhà Phật này.
Tuy nhiên, vào năm 1821, nhân Hoà thượng Phật Ý - Linh Nhạc viên tịch, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành viện cớ trở về chùa Từ Ân (Gia Định) chịu tang sư phụ, rồi ở lại luôn.
Sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong viết: Khi về đến chùa Từ Ân, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành có kể rằng, lúc hoằng hóa ở kinh đô Huế, có công chúa của Vua Gia Long, là đệ tử của ngài, thọ giới Bồ tát được ban pháp danh là Tế Minh, tự Thiên Nhựt có tình cảm luyến ái sâu đậm, muốn ràng buộc duyên tình với hòa thượng, nên hòa thượng phải tìm cách xin về Gia Định.
Kết cục thảm thương
Theo Bách Khoa toàn thư mở, tháng 10 năm Quý Mùi (1823), Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt nhận được tin Công chúa Ngọc Anh, theo lệnh vua Minh Mạng vào Gia Định để cúng dường chùa Từ Ân và Khải Tường. Tin đến bất ngờ làm nhà sư hết sức bối rối, lo âu.
Không nghĩ được phương cách nào để tránh sợi dây luyến ái, Thiền sư đến chùa Giác Lâm ở Phú Thọ để vấn kế với Thiền sư Viên Quang và nhận được lời khuyên là phải cố giữ tâm được bình thản và cứ sinh hoạt tự nhiên như mọi ngày.
Trong thời gian Công chúa ở chùa, mỗi sáng Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt đều phải đến hầu chuyện và cho đến một hôm, nhà sư bỗng dưng biến mất. Không biết nhà sư đi đâu mà dọ hỏi cũng không ai nói, Công chúa cứ nằm trầm tư, buồn bã không thiết cả việc ăn uống.
Thấy sức khỏe Công chúa ngày một sa sút, thị giả của nhà sư là sa di Mật Dĩnh sợ rằng, nếu Công chúa có mệnh hệ nào sẽ có hại cho chùa, nên đành phải tiết lộ là Thiền sư đã lên chùa Đại Giác ở Cù lao Phố để nhập thất hai năm.
Được tin này, Công chúa đã thông báo với quan trấn Gia Định lên chùa Đại Giác để cúng dường. Quan Tổng trấn cử phái đoàn hộ tống cô lên chùa Đại Giác. Sau khi đến chùa dâng lễ cúng dường và nhờ đưa đến tịnh thất của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt. Theo sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, trước cửa thất đóng kín của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt,
Công chúa quì xuống, lễ ba lễ và thưa rằng: "Đệ tử sắp hồi kinh nên đến đây xin hòa thượng cho diện kiến lần chót trước khi lên đường". Không nghe thấy tiếng trả lời, Công chúa lại nài nỉ: "Bạch Hòa thượng, nếu Hòa thượng không tiện ra tiếp, xin Hòa thượng cho con nhìn thấy bàn tay của Hòa thượng, đệ tử cũng hân hoan mà ra về...". Im lặng trong vài phút, Hòa thượng trong thất đưa một bàn tay ra cửa nhỏ, Công chúa vội ôm lấy bàn tay hôn nhẹ và khóc...
Sử sách chép, vào khuya đêm đó, trong khi mọi người đang an giấc, bỗng thấy lửa cháy rực ở tịnh thất của Thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt. Dù tận tình cứu hỏa, nhưng tịnh thất và xác thân Hòa thượng đã cháy tiêu. Còn Công chúa Ngọc Anh, do quá đau buồn, ngay hôm sau, đã uống độc dược quyên sinh tại hậu liêu chùa Đại Giác. Đó là ngày mồng 2 tháng 11 năm Quý Mùi (1823).
Theo Vĩnh Khang - Báo Đất Việt
BÌNH LUẬN