Trong Phật giáo có nhiều “Phật ngôn” rất nổi tiếng mà giá trị tư tưởng thực tiễn của nó vượt thắng mọi không gian thời gian. Tôi lấy ví dụ n...
Trong Phật giáo có nhiều “Phật ngôn” rất nổi tiếng mà giá trị tư tưởng thực tiễn của nó vượt thắng mọi không gian thời gian. Tôi lấy ví dụ như cách đây 2600 năm Đức Phật đã từng nói: “Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ giọt nước mắt cùng mặn” có lẽ đó là tuyên ngôn nhân quyền đầu tiên trên thế giới. Không dừng lại ở đó Đức Phật còn đi xa hơn rất nhiều, cái nhìn bình đẳng của Đức Phật không chỉ dừng lại ở con người mà phủ trùm tất cả các loài hữu tình khi Ngài tuyên bố trong kinh Pháp Hoa rằng: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” (Tạm dịch: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”).
Một trong những Phật ngôn tưởng chừng như phi lý nhất là câu: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Đây là một câu kinh trích từ “MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH”. Ma ha nghĩa là rộng lớn, Bát nhã là trí tuệ, Ba la mật là đáo bĩ ngạn (qua đến bờ bên kia); tức đây là kinh nói về trí tuệ rộng lớn có thể đưa người qua đến bờ bên kia, bờ giác ngộ. Toàn văn tâm kinh này có 260 chữ:
Bản phiên âm Hán Việt:
Quán Tự Tại Bồ tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức, vô nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thứ giới, vô vô minh diệc, vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.
Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y Bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát nhã ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết Bát nhã ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế Bồ đề Tát bà ha.
Bản dịch tiếng Việt
Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn. Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế. Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc. Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn. Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác. Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối. Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức là phải nói câu chú: Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế Bồ đề Tát bà ha. (3 lần)
Thực ra bộ Đại Bát Nhã có tới 600 quyển, MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH là một đoạn kinh rút ra những gì tinh yếu nhất của bộ Đại Bát Nhã này. Có người nói người nào thấu hiểu được ý nghĩa của đoạn kinh này thì có thể viết ra được không chỉ 600 mà là 6000 quyển. Điểm khó khăn là kinh này không phải để lý giải bởi vì ngay từ mở đầu đức Phật đã khẳng định “hành thâm bát nhã” tức là thực hành đến chỗ thâm sâu sẽ thấy nó đúng như vậy. Giảng giải và lý luận là để hiểu, nhưng cái hiểu vẫn có giới hạn riêng. Có một câu chuyện vui mà tôi muốn kể ra đây để minh họa cho ý này.
Có một người mù bẩm sinh. Hôm nọ nghe người bạn sáng mắt của mình nói: Cô gái kia đẹp quá có làn da trắng như tuyết! Người mù liên hỏi:
- Trắng như tuyết là thế nào?
- Tuyết hả, trắng như bông ấy.
- Bông trắng làm sao?
- Thì bông trắng giống mây.
- Thế mây trắng như thế nào?
…
Người mù nọ khi nghe đến một lúc nào đó thì dường như hiểu được rằng “màu trắng” nó như thế nào thông qua việc diễn tả sự vật hiện tượng. Kỳ thực ông ta chỉ biết qua hiện tượng, mà hiện tượng thì nhiều như cát sông Hằng, trong khi bản chất của “màu trắng” là gì chỉ có tự mình chứng nghiệm bằng cách “đơn giản nhất” và cũng “khó nhất” là “nhìn thấy nó”. Đọc đến đây chắc các bạn hiểu vì sao có thể viết ra 6000 quyển chỉ để giảng giải 260 chữ. Và cho dù bạn có đọc hết 6000 quyển kia đi chăng mà bạn không “hành” đến mức “thâm” thì cũng chả hiểu gì về “tâm kinh”.
Thế thực hành như thế nào để đạt được thâm sâu?
(còn tiếp)
Hồng Hòa Vi
BÌNH LUẬN