1. Còn nhớ, hồi học cấp ba, đang ngồi trong lớp, bỗng dì của thằng bạn học chung tất tả chạy vào xin cô cho cháu của mình về bởi vì “mẹ của ...
1. Còn nhớ, hồi học cấp ba, đang ngồi trong lớp, bỗng dì của thằng bạn học chung tất tả chạy vào xin cô cho cháu của mình về bởi vì “mẹ của nó bị đột tử”. Cả lớp sững sờ, thằng bạn chỉ kịp lắp bắp gọi “Mẹ!” rồi ngất lịm đi. Tôi cũng “chết sững” trên ghế!. Bởi mới hôm qua đây thôi, đi chợ, gặp mẹ của bạn, bác ấy còn vồn vã hỏi thăm: Cháu học nhiều lắm sao mà ốm dữ vậy? Năm nay cháu tính thi trường nào? Thi đậu rồi thì cháu ở đâu? Bác đang tính cho thằng Lộc thi vào trường Bách khoa….
Trong cái phút lặng người ấy, bất chợt, tôi nhận ra một điều; thì ra, khi còn sống, con người ta có thể dự định, chuẩn bị cho mình rất nhiều thứ, đến mức còn muốn gom cả sao trời để nhốt giữa lòng bàn tay nhỏ. Nhưng chỉ duy nhất một điều mà ta không thể nào tính toán trước được là ngày giờ nào mình sẽ ra đi! Và trong cuộc hành trình đơn độc ấy, mình sẽ mang theo được những cái gì hay đơn giản chỉ là “Ta đi về không cả nắm tay không”?
2. Tôi về thăm thiền viện trong một buổi chiều mưa tầm tã. Luống cuống chạy vào nhà khách, Sư cô tri khách đón tôi bằng một nụ cười niềm nở:
- Con ra thăm ai đây?
- Dạ, con thăm thầy trụ trì và Sư cô H.Đ.
Tôi nhận thấy sự ngạc nhiên pha lẫn bối rối trên gương mặt của Sư cô. Sau một phút im lặng, Sư cô nhìn tôi và bảo: “Cô H.Đ mất gần 49 ngày rồi, con không hay tin sao?”.
Gió lao xao. Bên ngoài trời vẫn mưa và lạnh. Vậy mà mồ hôi tôi chảy giọt giữa sống lưng…
Quỳ trước bàn thờ cô trong nhà Tổ, nhìn di ảnh của Sư cô mà thấy lòng đau nhói. Dường như, khi đứng trước nỗi đau quá lớn, những giọt nước mắt thường chảy ngược về tim. Quay quắt! Xót xa!
Một ký ức thật gần quay về chầm chậm trong tôi. Tôi không ngờ cái lần mình gặp Sư cô tại Sài Gòn hôm ấy lại là lần gặp gỡ sau cùng. Cô đứng trên lầu vẫy tay chào tạm biệt tôi cùng hai nhỏ bạn, kèm theo lời nhắn vói: “Mấy đứa đi đâu chơi cho vui, từ nhà lên đây xa, đừng nên về vội”.
Và hạ này nữa là đã tròn ba năm, Sư cô đi xa. Ba năm – khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để cho những niềm đau và nỗi nhớ được nguôi ngoai. Nhưng sao tôi, kẻ ở lại, vẫn ray rứt mãi không thôi… Bởi tôi đã nợ Sư cô một lời hứa.
… Lần ấy, khi Sư cô vào Sài Gòn chữa bệnh, tôi đã đến thăm. Trước khi về, tôi đã hứa với Sư cô rằng dịp Vu Lan tôi sẽ đến thiền viện thăm Sư cô. Cô cười, ánh mắt lấp lánh niềm vui: “Nhớ nhé!”. Vậy mà tôi đã quên (hay cố tình quên)! Công việc và những niềm vui với bạn bè đã kéo tôi đi. Tôi đã bỏ lại phía sau lưng mình lời hứa ấy…
Tôi không muốn… hay nói đúng hơn là không can đảm để xóa số điện thoại di động của Sư cô trong máy tôi. Dù rằng giờ đây, số điện thoại đó đâu còn là của cô nữa. Nhưng mỗi lần mở máy lên thấy tên Sư cô trong hàng danh bạ, tôi lại có cảm giác, Sư cô vẫn ở thật gần quanh tôi như mới hôm qua, hôm kia, hôm nào đó, tôi đang phiền não “quá cỡ”, chỉ cần một tin nhắn của tôi: “Đừng buồn nữa nhé! Nhìn trời mây, nghe chim hót… Quanh ta bình yên” và thế là lòng tôi dịu lại hẳn…
3. Tôi đang ở thiền viện, mẹ gọi điện thoại cho tôi. Sóng di động chập chờn, tôi nghe tiếng được, tiếng mất: “Thằng T. mới mất sáng nay, con có về đi đám không?”. Tôi lí nhí “Dạ”. Buông chiếc điện thoại, tôi ngồi phịch xuống chân Ni sư – Thầy tôi, như muốn tìm một điểm tựa: “Bạn con mất rồi!”…
Tôi về để tiễn đưa bạn, cố giữ cho mình một sự bình tâm trên gương mặt, những rõ ràng, tôi biết tâm tôi chẳng bình… Chỉ đến khi mẹ bạn ôm chặt tôi mà khóc: “Út xin lỗi, tại Út tất cả. Nếu Út không chia cắt hai đứa tụi con thì thằng T. đã không thất tình đến nỗi tự hủy hoại cuộc đời mình” thì tôi mới òa khóc. Khóc nức nở, khóc như chưa từng được khóc…
Ngày ấy, tôi và T. học chung với nhau. T. rất hiền còn tôi lại hay nhõng nhẽo. Và T. luôn là người phải gánh chịu những trận “nhõng nhẽo” quá quắt của tôi: khi thì phải gồng lưng ráng kềm chiếc xe đạp cho tôi tập chạy; lúc lại “cắn răng, nhắm mắt” trèo tuốt lên cao để hái cho tôi chùm phượng đỏ mà tôi thích… Bạn bè ghép đôi chúng tôi với nhau. Những khi ấy, T. thường im lặng mỉm cười còn tôi giả đò không nghe thấy. Cứ thế, chúng tôi đã cùng nhau lớn lên bên nhau đong đầy bao kỷ niệm của tuổi học trò hồn nhiên đầy mộng ước.
Nhưng rồi định mệnh, định mệnh đã đẩy chúng tôi xa nhau. Mối tình học trò đã không đủ sức mạnh trước cái Ngã quá lớn như tôi. Tôi giấu kín những nỗi buồn riêng tận đáy lòng, vẫn cố tỏ ra bình thản trước mặt mọi người và lạnh lùng mỗi khi gặp T.
Thời gian trôi qua, vết thương lòng lành lại. Nhiều khi tôi vẫn được nghe thông tin về T., thỉnh thoảng vẫn bắt gặp T. với những xe gạch nặng trĩu trên đường… Tôi vẫn thờ ơ (hay giả bộ thờ ơ) đến nao lòng.
… Giữa tiếng trống, kèn in ỏi, nhỏ em gái của T. thì thào vào tai tôi: “Anh hai thương chị đến chết”. Ừ thì… thương. Nhưng giờ đây, tất cả đã muộn màng cho bạn và cho tôi:
Đến khi tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi…
Tôi chạy về thiền viện, níu áo Thầy tôi và khóc. Nhìn tôi, Thầy mỉm cười thật nhẹ: “Thôi con. Duyên chỉ đến đó…”.
… Thầy vẫn thường dạy tôi, quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hãy sống với hiện tại bằng cái Tâm thanh tịnh. Tôi nghe và nhớ nhưng thực hành thì… vẫn là những “bàn thua” trông thấy. Tôi vẫn cứ phải ngậm ngùi, hối tiếc cho những chuyện đã qua!!! Có phải chăng tôi chưa thật sự sống hết lòng với hiện tại hay tại bài học Vô Thường “quá khó” học mãi vẫn không quen?! ■
Tiểu Trúc – theo VHPG Blog
BÌNH LUẬN