Sau khi đăng tải bài viết “ Vì sao tăng sĩ xài… hàng hiệu! ” bài viết đã nhận được hơn 30 bình luận. Đã có rất nhiều Phật tử chia sẻ, đồng t...
Sau khi đăng tải bài viết “Vì sao tăng sĩ xài… hàng hiệu!” bài viết đã nhận được hơn 30 bình luận. Đã có rất nhiều Phật tử chia sẻ, đồng tình hoặc phản đối góc nhìn của người viết. Bài viết này sẽ đặt lại vấn đề tăng sĩ xài hàng hiệu trở lại ở một góc nhìn khác.
Với cương vị là một Phật tử tại gia, hộ trì Tam Bảo, cư sĩ Minh Mẫn (Hóc Môn - TPHCM) đã chia sẻ thêm về việc vì sao người tu hành lại dùng đồ hiệu: “Vấn đề "nhạy cảm" mà bài báo vừa nêu ra, lâu nay luôn được Chư Tôn Đức của Phật giáo phê phán và Phật tử chúng tôi phản ánh khá nhiều”.
Người Phật tử đến chùa vì nhu cầu tâm linh chứ không vì tình cảm riêng nên đừng làm hư người xuất gia còn trẻ (ảnh internet - minh họa)
Việc các Tăng/Ni xài hoang phí không đúng với hạnh xuất gia nhà Phật thường rơi vào phần lớn là những người trẻ tuổi.
Tại sao sư trẻ thường đua đòi và sai phạm giới luật? Cư sĩ Minh Mẫn cho rằng: "Bản chất thanh niên thường là vậy, nhưng khi vào chùa, được thầy cho thế phát xuất gia, không được giáo dục kỹ về giới luật, vì thế tội này do thầy Bổn sư phải chịu trách nhiệm".
Tuy nhiên, có những vị vừa xuống tóc vài hôm đã xa thầy đi học hay bỏ thầy đi chùa khác nên khi đó chưa được giáo dục đúng mức. Vì thế có thể thấy Phật giáo hơi lỏng lẻo khâu đào tạo đệ tử.
Kế đến, rất nhiều sư giả, tự cạo đầu mặc áo để kiếm cơm, tấp vào ngôi chùa nào đó xin tá túc một thời gian, quen biết Phật tử, bắt đầu lợi dụng đức tin quần chúng mà hưởng thụ. Trường hợp này, Giáo hội vẫn chưa có cách xác minh và xử lý nghiêm ngặt.
Chính vì thế mới có nhiều lý do để những vị mặc áo nhà chùa sống ngoài giới luật, ngoài tăng phong đạo cách của Phật giáo.
Một điều nữa đó là Phật giáo, một tôn giáo quá tự do, tự giác, tự ngộ, không ai kiểm soát ai, là mảnh đất mầu mỡ cho "các loại cỏ gai mọc lấn cây ăn trái".
Hiến chương, giáo luật cũng chỉ có giá trị trên mặt văn bản; còn đời sống tu sĩ lại có giá trị qua tác phong, cuộc sống thực trong xã hội hiện nay.
Chỉ còn một cách là Phật tử phải sáng suốt cúng dường có trí tuệ, biết phân biệt vị tu thật tu giả, tu chân chánh hay không chân chánh mà thôi. Cúng dường cho chư Tăng/Ni sao cho vừa đủ nhu cầu với vật dụng tương đối cần thiết và không xa xỉ. Không cúng dường vì cảm tình nếu chưa hiểu rõ quá trình tu tập của một Tăng sĩ còn trẻ.
Người Phật tử đến chùa vì nhu cầu tâm linh chứ không vì tình cảm riêng, nên đừng làm hư chư Tăng trẻ, chỉ yêu cầu chư Tăng/Ni thể hiện phong cách xứng đáng là người "xuất thế tục gia" để làm nơi nương tựa đức tin cho quần chúng.
Phật giáo là của mọi người, người thầy phải đến, sống hòa hợp, thanh đạm với mọi chúng sanh, không phải sống theo kiểu trưởng giả giàu sang mà xa cách người nghèo.
Vấn đề người tu sử dụng hàng sang, hiện đại, tôi cho rằng cũng tùy theo hoàn cảnh kinh tế xã hội và điều kiện, nơi chốn của người tu đang ở để xét. Ở các nước phương Tây, Chư Tăng/Ni sử dụng xe ô tô để đi lại là việc bình thường. Vì ở các nước này, xe máy là hiếm có, nên không thể bảo người tu chỉ được đi xe máy.
Hay như với các bậc Trưởng thượng của Phật giáo, thường xuyên phải đi các công tác Phật sự xa. Bên cạnh đó, tuổi của các vị này đã lớn không thể cho rằng chỉ được đi xe máy hay tự lái phương tiện mà đi hoằng pháp.
Chính vì thế, việc các Phật tử thấy các vị tu hành sử dụng hàng sang, xịn thì cũng nên nhìn rõ hoàn cảnh, vị trí của người tu để mà nhận định. Chúng ta cần phải hiểu rằng, các vật dụng được người tu sử dụng để tu học và thực hiện các công việc Phật sự phù hợp thì cũng có thể chấp nhận.
Còn đối với những vị nào mà vì lợi dụng tịnh tài tịnh vật của Phật tử cúng dường để phục vụ cho bản thân, chạy đua với người đời thì thật sự là nên xét lại.
Đại đức Thích Minh Trí (Trụ trì chùa Phúc Lâm – Biên Hòa, Đồng Nai).
Hoài Lương (ghi) (theo BEE)
BÌNH LUẬN