Sau khi truyền thông Phật giáo đăng tải bài viết: “Hình ảnh “không đẹp” với người tu trên facebook”, cộng đồng dân cư mạng và giới phật tử ...
Sau khi truyền thông Phật giáo đăng tải bài viết: “Hình ảnh “không đẹp” với người tu trên facebook”, cộng đồng dân cư mạng và giới phật tử xuất hiện nhiều suy nghĩ.
Những hình ảnh không đẹp mắt với người tu trên facebook
Rất nhiều những comment không mấy thiện cảm, những thái độ bức xúc, thậm chí tẩy chay… đã dành cho chủ nhân của những bức ảnh trên. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực từ các bức ảnh không chỉ gây giảm thiểu lòng tin từ giới Phật tử nói riêng mà còn gây ngộ nhận cho không ít quần chúng nhân dân nói chung.
Chắc hẳn những chú điệu, các vị Tăng sĩ trẻ của chúng ta chỉ đơn thuần suy nghĩ Facebook là thế giới riêng của mình, mình có quyền tha hồ quăng, ném lên đó những xúc cảm gai góc, những hành động buông tuồng phóng túng của thân, tâm mà không sợ bị ai ngăn đón, kiểm soát. Và việc làm thiếu ý thức của mình đã gây nên hậu quả là sự phẫn nộ của rất nhiều con người.
Không biết chủ nhân của những bức hình trên Facebook kia có giật mình thảng thốt, hay cảm thấy hổ thẹn với lương tâm mình khi hè về hàng ngàn các bạn thanh niên, nam nữ tranh thủ khoảng thời gian nghỉ hè ít ỏi đã rủ nhau lên chùa tham gia các khóa tu tập dưới sự hướng dẫn của quý Thầy, quý Cô.
Trong khi từ Bắc chí Nam hàng ngàn Tăng, Ni đã, đang “y Pháp, y Luật, y Phật sở chế” thúc liễm thân tâm, trau dồi Tam vô lậu học, thực hành pháp An cư kiết hạ để tăng trưởng công đức thì các Tăng sĩ, các chú tiểu không học, chẳng tu, sử dụng thời gian bất hợp pháp để chìm đắm, bỏ bê thân, tâm mình trong những trò vui phù du hư ảo.
Vấn đề ở đây đặt ra là trách nhiệm của các bậc Huynh trưởng, công tác quản lý nhân sự tại các trú xứ mà các vị Tăng sĩ, các chú tiểu đó đang tu, học.
Người xuất gia quý ở chỗ: “Hành như phong, lập như tùng, tọa như chung, ngọa như cung” - đi nhẹ như gió thổi, mây bay, đứng trang nghiêm, uy vũ như cây tùng, cây bách giữa rừng, ngồi vững vàng, chắc chắn như chuông đồng đúc, nằm nghỉ co mình như cánh cung.
Liệu khi nhìn vào hàng hoạt các hình ảnh phản cảm nằm, ngồi ngả nghiêng trên Facebook như thế thử hỏi người đời học được gì từ uy nghi tế hạnh của người xuất gia?...
Với một nơi ăn, chốn ở luộm thuộm như vậy thì vai trò của các vị trưởng chúng, các vị quản chúng (người thầy quản lý trong chùa - PV) ở đâu? trong khi đây đang là thời gian An cư kiết hạ.
Có nên tăng cường thêm công tác quản lý giáo dục Tăng sự hay không? (ảnh minh họa - nguồn internet)
Người xưa từng dạy: “giáo bất nghiêm Sư chi đọa, dưỡng bất giáo Phụ chi quá”. Đã đến lúc chúng ta không thể buông lỏng công tác quản lý nhân sự tại các chốn Tổ đình, Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất…
Chúng ta cần phải có các biện pháp giáo dục cứng rắn cùng việc tác động đến ý thức hệ của những người tu trẻ mới xuất gia, các chú tiểu mới tập sự nơi cửa chùa; nhằm giúp họ quản lý quỹ thời gian tu tập một cách hiệu quả.
Thời đại ngày nay được gọi là thời đại thông tin bùng nổ, bất cứ một sự kiện, một thông tin nào dù nhỏ chỉ cần một cú click chuột là cả thế giới đều biết. Do vậy, để tránh những sai lầm đáng tiếc gây hậu quả nghiêm trọng như vụ việc trên, thì việc tăng cường quản lý giáo dục Tăng sự là việc quan thiết hơn bao giờ hết.
Nhật Mai – theo BEE
(Nghiên cứu sinh Phật học tại Ấn Độ)
BÌNH LUẬN