Tháng Bảy mùa thu còn chớm và bắt đầu những trận mưa ngâu, dù trời chỉ thoáng một chút heo mây nhè nhẹ. Ven đường những cánh phượng vỹ cuối ...
Tháng Bảy mùa thu còn chớm và bắt đầu những trận mưa ngâu, dù trời chỉ thoáng một chút heo mây nhè nhẹ. Ven đường những cánh phượng vỹ cuối cùng , đã mất đi màu hoa rực rỡ, tơi tả rơi rụng trên đôi bờ vai khô héo của cuộc đời. Mùa thu cũng là mùa trái cây chín rộ, ổi, sấu, xoài, chuối và cốm vòng ..bầy bán đầy trong những quán nước dọc đường, bên trong bà cụ nghiêng cánh liếp che mưa, đã thấy hồn run theo mùa ngâu, thứ mưa thập loại chúng sinh, thấp thoáng đầy bóng âm hồn, nhởn nhơ đợi chờ trần gian vong nhân xá tội.
'Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc' màu trời và nước mưa, mênh mông như dãi Ngân Hà, chứa đầy những giọt nước mắt, từ câu chuyện của cõi tiên, mà truyền thuyết cho là của Ngưu Lang và Chức Nữ, một chuyện tình ngàn đời chung thủy, khiến cho cả trần gian đều chung lòng ái mộ...
Mưa ấy, nước mắt ấy, ngoài những giọt mưa tình ái, còn là biển lệ trời thương của các trang hiếu tử, mà câu chuyện của Bồ Tát Mục Kiền Liên, xuống tận âm ty để tìm mẹ là bà Thanh Đề đang chịu cực hình vì tội buôn Thần bán Phật, khi còn sanh tiền. Nhờ tình mẫu tử thiên thu bất diệt, đã cảm động tới trời, nên mẹ ngài đã thoát khỏi cảnh A Tỳ địa ngục trầm luân, muôn đời vạn kiếp.
Lễ Vu Lan, Tết Trung Nguyên hay Ngày Rằm Tháng Bảy Xá Tội Vong Nhân..đều là những nghi thức cúng bái của nhà Phật. Phong tục này đã có từ mấy ngàn năm về trước và đến nay, vẫn còn được tồn tại một cách tốt đẹp, trang trọng hầu hết tại các nước Đông Phương theo tam giáo : Nho- Lão - Phật. Trong tâm cao siêu của ngày lễ này là để các tín đồ, vì trung tiên vong linh của tiền nhân, mà làm tròn đạo hiếu. Nghi thức Vu Lan Bồn (ULAMBANA) có nghĩa là Cửu Đàn Huyền, mang ý nghĩa cứu độ siêu vớt cho tất cả chúng sanh, vì tội lỗi tiền kiếp mà bị hành hạ khổ nhục trầm luân, treo ngược đầu tại các tầng địa ngục nơi âm phủ.
Theo hầu hết giáo lý của các tôn giáo thì nhân sinh lúc sống làm chuyện ác đức, lăng loàn, phản dân, hại nước, hại người, buôn trời bán thánh... lúc chết, kẻ đó phải sa vào dịa ngục, để đền lại các quả báo mà chính mình đã gieo trồng. Theo nhà Phật, cõi âm có tất cả 12 tầng hỏa ngục nhưng kinh khiếp nhất vẫn là Ngục A Tỳ, theo nguyên nghĩa của Phạn Ngữ, chỉ nơi chốn giam người, không bao giờ gián đoạn sự hành hạ. Ai đã bước vào đây rồi, thì đời đời kiếp, viễn miên không bao giờ được đầu thai trở lại kiếp người, từng phút giây phải chịu ngàn muôn hình phạt khổ đau, không bút mực nào tả được...
Sách Phật kể rằng Mục Kiền Liên Bồ Tát là đệ tử của Phật Tổ Như Lai, tuy đã đắc thành chánh quả nhưng ngài vốn là một hiếu tử, nên lòng vẫn xót xa đấu nhói, vì mẹ ruột là Thanh Đề, hiện đang bị quỷ sứ giam giữ hành tội tại ngục A Tỳ. Vậy nên, ngài đã khẩn cầu Đức Thế Tôn, cứu vớt mẹ mình khỏi vòng nghiệp chướng. Phật Tổ ưng chịu nhưng bắt Mục Liên khi xuống âm ty cứu mẹ, đồng thời cũng phải giải thoát cho các vong linh khác, đang bị giam giữa hành tội nơi địa ngục. Mục Liên đã nhờ bình bát và gậy phép của Phật Quan Âm để vượt qua các tầng địa ngục. Nhưng trên hết là do lòng hiếu tử đã làm cảm động tới Phật Trời, nên Bồ Tát chẳng những cứu được mẹ già mà còn giải thoát được những oan hồn uổng tử đang bị đọa đày nơi địa ngục. Nhân đó, Mục Liên xin mẹ thành tâm ăn năn sám hối, quyết lòng tu niệm để giải trừ nghiệp chướng tội lỗi đã trót gây ra. Nhờ vậy bà Thanh Đề sau này cũng đắc thành chánh quả...
Do ý nghĩa trên, hằng năm đúng vào ngày này, các tín đồ Phật Giáo đã lập hội Vu Lan Bồn. Vu Lan Bồn ngoài việc bầy tiệc chay cúng dường Tăng, Ni, còn cử hành thêm Thủy Lục Đạo Tràng và Phóng Diêm Khẩu, để bố thí cho các oan hồn uổng tử, không thân nhân cúng quẩy thừa tự.
Mưa ngâu muôn đời, năm nào cũng đầm đìa lặng lẽ. Chắc vì Chức Nữ-Ngưu Lang đã quá vui mừng đến rơi lệ? Hay vì tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân, ngày ma gặp người, nên ai cũng tủi buồn mà quên cười rộ?
BÌNH LUẬN