Người mẹ tiễn con trai ra đến ngõ, lặng lẽ nhìn con đi về phía cuối con đường, kéo vạt khăn trùm đầu lau những giọt nước mắt lăn dài trên má...
Người mẹ tiễn con trai ra đến ngõ, lặng lẽ nhìn con đi về phía cuối con đường, kéo vạt khăn trùm đầu lau những giọt nước mắt lăn dài trên má. Người con trai trước khi rẽ sang con đường lớn, có lẽ linh cảm người mẹ vẫn đang dõi mắt theo bước chân mình ở phía nhà, quay lại vẫy tay chào mẹ, rồi hoà vào dòng người ở cuối con đường.
Gia đình đối diện có hai người con trai. Một ở với ba mẹ; một ở đâu đó khá xa và đôi ba tháng về thăm ba mẹ một lần. Một lần con trai trở về bà mẹ vui mừng, hạnh phúc; và khi con đi bà lại đứng trước cổng nhà lặng lẽ lau những giọt nước mắt như vậy. Không rõ là người con trai ở phía cuối con đường có biết được mẹ của mình đang khóc hay không, nhưng chắc hẳn anh cảm nhận được tình thương của người mẹ dành cho mình.
Cũng căn nhà đối diện ấy, tôi đã nhìn thấy những phụ nữ nghèo, để phụ hồ cho chồng, phải dẫn theo các con nhỏ vì có lẽ để ở nhà sẽ không có người trông nom. Những đứa trẻ nheo nhóc lẻo đẽo sau chân mẹ, khi mẹ bưng hồ vữa hay khuân gạch cho cha xây. Những lúc nghỉ ngơi, hay giờ ăn trưa, các chị ngồi ôm con, hôn hít lên những khuôn mặt đầy mũi dãi, rồi bón cho chúng những mẩu bánh nướng, những hạt cơm khô. Những đứa trẻ ôm lấy mẹ, như ôm lấy những gì vững chãi nhất, dù mẹ là người thuộc “phái yếu”, và hẳn là không hề nghĩ đến mẹ mình là cao sang hay thấp hèn trong cõi đời vốn có nhiều sự phân chia này.
Luật Manu, bộ luật quan trọng nhất của Bà-la-môn giáo, viết rằng “cha của họ (những người con gái) phải bảo vệ họ khi họ còn thơ ấu; chồng của họ phải bảo vệ họ khi tuổi còn trẻ, và con trai sẽ bảo vệ họ khi tuổi về già. Người phụ nữ không bao giờ thích hợp với việc (sống) độc lập.” Quan điểm này của Bà-la-môn giáo không khác với quan điểm “Tam tòng” của Khổng giáo: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.” (người con gái khi còn ở nhà phải theo cha, lúc lấy chồng phải theo chồng, và nếu chồng qua đời phải theo con trai).
“Con trai sẽ bảo vệ họ khi tuổi về già” và “nếu chồng qua đời phải theo con trai” được đặt ra như thể rằng người mẹ không thể sống được, hay không thể an toàn, nếu không có sự bảo vệ của con trai. Nhưng trong đời sống thực tế, những người con lại cần đến sự che chở, chia sẻ và bảo vệ của mẹ nhiều hơn là ngược lại. Tuổi thơ ta cần đến sự chở che của mẹ thì đã rõ rồi, như những đứa trẻ đầy mũi dãi lẻo đẽo theo mẹ hay ôm chặt lấy mẹ; nhưng khi khôn lớn, cũng chưa hẳn là ta không cần đến sự che chở của mẹ, có khi sự chở che là những giọt nước mắt lăn dài trên má khi tiễn con đi.
Người mẹ phải “theo” con, nhưng theo để bảo vệ che chở cho con, dõi theo những bước chân con trên đường đời nhiều chông gai và là điểm tựa bình yên cho con khi con vấp ngã. Những người anh của tôi, bao nhiêu chuyện buồn vui trong đời sống đều đem về “trút” hết lên mẹ; và với tình thương trời bể, mẹ là điểm tựa an ổn nhất cho các anh khi vấp ngã. Rồi thì mẹ vẫn là người che chở con, “bảo vệ” con, chứ con mấy khi che chở cho mẹ.
Đức Phật sống ở một nền văn hoá mà hình ảnh và địa vị của người nữ được phác vẻ và quy định bởi nam giới. Nhưng bất chấp sự ảnh hưởng sâu sắc chế độ gia trưởng, Ngài đã đề cao địa vị của nữ giới nói chung và vai trò của người mẹ nói riêng. Và địa vị của nữ giới được đưa lên cao nhất khi ở thiên chức làm mẹ.
Trong triết học Phật giáo, không có tình thương nào lớn hơn tình thương của một người mẹ dành cho con, và cũng không có sự hy sinh nào cao cả hơn sự hy sinh của người mẹ đối với con. Tình mẹ như vậy là biểu trưng cho tình thương và sự hy sinh: “Như mẹ hiền thương yêu con một/ Dám hy sinh bảo vệ cho con/ Với muôn loài ân cần không khác/ Lòng ái từ như biển như non.” (kinh Từ Bi, HT. Thiện Châu dịch).
Ở Trung Hoa truyền thống, hiếu đạo chính yếu được thể hiện qua mối quan hệ giữa cha và con trai. Trong khi đó Phật giáo ở Trung Hoa lại nhấn mạnh hiếu đạo bằng mối quan hệ giữa mẹ và con, và tình thương và sự hy sinh của mẹ dành cho con là một thâm ân phải đền đáp. Công ơn cha mẹ đều to lớn, tình thương của cha mẹ dành cho con đều sâu nặng, nhưng xây dựng hình ảnh hiếu đạo bằng việc nhấn mạnh quan hệ mẹ và con là gián tiếp chia sẽ những hy sinh và thiệt thòi của phụ nữ, và vượt lên trên những chi phối của quan niệm “gia trưởng” vốn thịnh hành ở khắp mọi xã hội cổ đại. Thêm nữa, nếu nhìn nhận một cách khách quan, mối liên hệ giữa mẹ và con thường gần gũi và mật thiết hơn mối liên hệ giữa cha và con; và ngay ở nơi hệ thống giáo dục gia đình hiện đại, cho dù cả cha và mẹ đều liên quan đến việc nuôi dạy con cái, thì người mẹ vẫn là nhân tố quyết định, theo dõi và hướng dẫn sự hoàn thiện sinh học và xã hội của một con người.
Mối liên hệ giữa mẹ và con là một mối liên hệ đặc biệt. Tâm lý học phát triển phương Tây nói với ta rằng vào lúc đầu không có một sự tách tách rời giữa mẹ và con. Khi đứa con đang phát triển bên trong bào thai, mẹ và con là một. Không có sự tách rời. Cả hai được nối kết về phương diện vật lý. Vì vậy khi đứa trẻ được sinh ra, nó thật sự không có bất cứ sự nhận thức nào về chính mình như là một thực thể tách ra khỏi mẹ của mình, hay thế giới xung quanh nó. Mọi thứ vẫn được nối kết. Nhận thức của chúng ta và căn cước cá nhân là không phải điều gì đó mà chúng ta sinh ra đã có. Nó là thứ chúng ta xây dựng qua thời gian, thông qua một tiến trình mà các nhà tâm lý gọi là sự tách rời và cá tính hoá. Margaret Hahler, một nhà tâm lý học, gọi tiến trình này là “sự sinh tâm lý của một đứa bé.”
Mẹ sinh chúng ta ra đời, chúng ta có một lần “sinh vật lý” và một quá trình dài “sinh tâm lý”. Nhưng cho dù chúng ta tách rời mẹ khi chào đời, và càng ngày càng rời xa hơn khi ta khôn lớn, thì ta vẫn mang trong mình dòng máu của mẹ và ta vẫn là một phần của mẹ, vì thế nên những vui buồn của ta cũng là những vui buồn của mẹ.
Câu chuyện cô Kisa Gotami ôm đứa con đã qua đời đi khắp nơi để tìm người có thể cứu con cô sống lại khiến ta xúc động về tình thương của một người mẹ dành cho con. Cô Kisa Gotami khi biết con mình đã chết, thấy một phần thân thể của mình đang lìa khỏi thân. Khi những gì quý giá nhất của mình, những gì thiết thân nhất với mình, mất đi, thì hẳn là rất khổ. Nhưng cô đã vượt qua nỗi khổ khi gặp được đức Phật và thấy rằng cái chết là một vấn đề chung, dù nó xảy ra sớm hay muộn, và người ta phải chấp nhận nó khi nó xảy đến với bản thân hay người thân. Tình thương của mẹ dành cho con là thâm sâu, và hẳn nhiên là khổ đau cũng sẽ vô cùng khi tình thương ấy không được đền đáp hay bị mất đi mà người ta thiếu sự quán chiếu. Và như vậy, người ta không những phải thương yêu, mà cũng phải học cách không bị tình thương làm cho đau khổ.
Nhưng từ những giọt nước mắt của người mẹ tiễn con, cái hôn thắm thiết của người mẹ nghèo dành cho những đứa con khốn khổ, người mẹ tội nghiệp ôm xác con đi khắp nơi với mong muốn tìm được người cứu sống con mình, lại cho thấy một vấn đề khác, rằng thương yêu và mong được thương yêu là một vấn đề phổ quát, và vì vậy người ta cần đem lại tình thương không chỉ cho người thân mà còn cho tha nhân; và người ta không chỉ chờ đợi đón nhận tình thương mà cũng phải khởi lòng thương yêu người khác.
Phật giáo xác định người mẹ lý tưởng là một tấm gương của tình thương phổ quát, là con đường Bồ-tát. Phật giáo Mật tông xem người mẹ không chỉ là tượng trưng của lòng từ bi mà cũng tượng trưng cho trí tuệ. Có từ bi và trí tuệ, người mẹ sẽ thương con nhưng cũng thương yêu mọi người. Sẽ không thương con theo cách mà khiến cho con không lớn lên nổi. Và dù thương con như biển như non, lại hiểu được bản chất thật của các pháp để có thể chấp nhận mất mát khi những gì yêu quý nhất của mình thoát khỏi vòng tay, như cô Kisa Gotami đã làm sau khi thấu hiểu được đạo./.
Nguyên Hiệp (theo Blog Sắc Không)
BÌNH LUẬN