Tiết mục văn nghệ cúng dường Phật đản của đơn vị GĐPT Đức Huệ, 2006 (Ảnh: Lưu Ly) I. Thăm dò: - Mục đích : Biết mức độ người nhiệt ...
Tiết mục văn nghệ cúng dường Phật đản của đơn vị GĐPT Đức Huệ, 2006 (Ảnh: Lưu Ly)
I. Thăm dò:
- Mục đích: Biết mức độ người nhiệt tình, tạo định kiến tổ chức.
- Ta sẽ có thêm nhận định rộng rãi hơn, bổ sung vốn sống về tổ chức.
- Tìm người trình bày ý định (Đối tượng: các Đoàn trưởng, Đoàn phó, Gia trưởng, Bảo trợ, quý thầy, Uỷ viên Văn nghệ).
- Có thể có ý ngược lại hoặc những trở ngại xung quanh cần tránh.
- Biết được những điều người trước vấp phải, những người hiện tại cùng thích.
- Nếu số người thuận nhiều: Gợi ý, bàn bạc, phân công từng đoàn lãnh trách nhiệm các mục: Ca vũ, hoạt cảnh kịch, ảo thuật, ngâm thơ.
- Bàn bạc khái quát: nơi diễn, sàn diễn, phông màn, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, nhạc công, tài chánh.
- Đồng thời mời người có khả năng, nhiệt tình, uy tín thành lập Ban tổ chức, gồm: 1 trưởng ban, 1 thư ký và nhiều người khác, mỗi người phụ trách chuyên biệt.
II. Chuẩn bị:
Ban tổ chức trước mắt tiến hành:
- Đến gặp Uỷ viên Văn nghệ (UVVN) để báo cáo, trình bày nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị mình về đêm diễn văn nghệ sắp tới.
- Nếu cần, mời UVVN đến giúp sức (nên mời).
- Xác định tính chất đêm diễn: Rộng rãi, phục vụ lễ, chủ đề.
- Phổ biến, phân công cụ thể: Đoàn nào tập tiết mục gì, nhóm nào, địa điểm tập, xin phép địa điểm tập, cử người chủ nhiệm từng đoàn, từng nhóm tập.
- Nhắc nhở, vận động, thăm các điểm tập, đánh giá, nhìn thấy, tìm hiểu. Nên hỗn trợ những gì cần thiết để có hiệu quả hơn như: dụng cụ tập luyện (đạo cụ), nhạc công, nhạc cụ, nhờ người có chuyên môn,…
- Kế hoạch giải khát, bồi dưỡng.
- Vận động tạo nguồn kinh tế cho cuộc văn nghệ.
- Nếu đơn vị không có điều kiện thiết bị cho buổi trình diễn thì BTC liên hệ, thăm dò mượn của các đơn vị bạn, các dịch vụ cho thuê.
- Khi quá trình tập dợt: nội dung, chất lượng, số lượng, BTC đánh giá hình thành khoảng 2/3 dự kiến thì:
+ Dự kiến chương trình.
+ Lập bản tóm lượt nội dung.
* Ấn định:
1. Thời gian: Ngày giờ công diễn (Vào dịp nào: Phật Đản, Vu Lan)
2. Địa điểm: sân chùa, hội trường, đoàn quán, rạp hát nào? Tên gì? Địa chỉ? Sàn diễn lộ thiên hay quy mô?
3. Chủ đề: có chủ đề hay không? Phục vụ lễ gì? (Chu niên, Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo…)
4. Mục đích: cúng dường, bán vé gây quỹ Gia đình, ủng hộ nạn nhân thiên tai…
Thư trình xin phép Ban Hướng dẫn, trong thư phải nêu rõ bốn mục trên và kèm theo bản chương trình có nội dung từng tiết mục. Hồ sơ xin phép này lập thành 04 tập gởi đến: Ban Hướng dẫn, chính quyền, Giáo hội địa phương nơi trình diễn, lưu Gia đình.
Sau khi được giấy phép, sao 03 bản gởi: chùa (sân bãi, rạp hát) nơi diễn, Giáo hội địa phương, chính quyền.
III. Chuẩn bị bước 2:
- Giấy mời: Soạn thảo, in ấn giấy mời: Giáo hội, các cấp liên đới GĐPT, chính quyền, quan khách, ân nhân, phụ huynh đoàn sinh. Những người thân thiết có khả năng trình diễn được nhiều người mến mộ (là cựu huynh trưởng, cựu đoàn sinh càng tốt) đến xem góp ý. Đồng thời trao đổi trước với họ mỗi người chuẩn bị một tiết mục có chất đạo Phật, tình Lam, quê hương, mẹ hiền,… sẵn sàng ứng cứu nếu có đột biến.
- Sàn diễn: Ở hội trường, rạp hát thường có sẵn sàn diễn. Những nơi chưa có sàn diễn thì phải cùng nhau tìm cách thực hiện sàn diễn và hoàn tất trước khi diễn ít nhất 1 ngày. Sàn diễn kích thước khoảng 8x5m (rộng hơn càng tốt), mặt sàn lộ thiên, cao tối thiểu 1m20, tối đa 1m40. Diễn lộ thiên phải chuẩn bị vòng đai lực lượng trật tự. Sân diễn và ghế cho quan khách ngồi.
- Phông màn: Ở hội trường, rạp hát thường có sẵn phông màn. Ở lộ thiên, nếu điều kiện hạn hẹp cần có phông hậu màu trắng hoặc màu nhạt, căng thật phẳng. Hai bên có hai buông vải hoặc khung vải (cánh gà) màu sậm, thân phông lấn vào phía giữa sàn và trước khoảng 1m20 để kín được phía hậu đài và có lối cho diễn viên ra vào.
- Trang trí: Tuỳ theo hoạ sĩ, nhưng thông thường dùng tấm băng trên phông hậu hoặc trên sàn diễn ghi dòng chữ đêm văn nghệ liên quan đến ngày lễ (Chu niên, Phật Đản, Vu Lan…) và đơn vị tổ chức. Hoặc cũng nội dung ấy mà trang trí trên phông hậu.
- Ánh sáng: phải lắp đặt hệ thống ánh sáng đủ lực, phải có chuyên môn phụ trách kỹ thuật (để tránh sự cố xảy ra) và vài chuyên viên nghệ thuật ánh sáng (nhận lệnh của đạo diễn từ lúc tổng dợt đến tổng duyệt và suốt buổi trình diễn chính thức).
Yêu cầu:
1. Phía trước:
— 4 đèn trên tiền sảnh soi vào sàn diễn,
— 2-4 đèn trên tiền sảnh soi ra khán giả
— 2 đèn tầm nhìn hai bên rọi vào sàn diễn,
— 4 đèn dưới tiền sảnh (trên mặt sàn) rọi vào sàn diễn,
— Hệ thống đèn ngũ sắc (tối thiếu phải có đèn màu thủ công),
— 1 quả châu treo trên cao và bộ đèn soi quả châu.
2. Hậu sàn:
— 2 đèn tuýp trắng (huỳnh quang),
— 3 đèn tuýp màu (xanh, đỏ, vàng).
3. Đèn POLO:
Đèn rọi ống kính tròn khẩu độ co giãn, đèn này thường đặt trước sàn diễn, từ phía khản giả rọi về, dùng để hướng dẫn khán giả nhìn vào chi tiết cần thiết, tôn những hình tượng cao quý, đặc biệt…
Tất cả hệ thống đèn này đều có táp lô, công tắt riêng từng bộ, từng bóng.
4. Nếu có điều kiện dùng những kỹ xảo càng tốt.
- Âm thanh: đây là phần quan trọng của đêm trình diễn văn nghệ, do đó cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng và phải có chuyên viên kỹ thuật sử dụng.
Yêu cầu:
1. Âm thanh chuẩn, tầm xa cuối sân bãi nghe rõ ràng, không bị các âm thanh vặt lấn.
2. Micro: tối thiếu 07 cái, hoạt động cùng lúc suốt chương trình. 02 cái hậu đài để điều khiển chương trình và MC, 05 cái trên sàn diễn (nếu có kịch phải dùng micro gắn cổ áo, nếu không có phải dùng micro treo kéo di động).
3. Dự bị tối thiểu 3 chỗ cắm âm thanh đàn.
Nhạc cụ:
- Tối thiểu phải có một đàn phím (organ) và buộc phải phụ trợ 2 guita (một tân, một cổ).
- Ngoài ra, nếu có điều kiện hơn thì trang bị: kèn, trống nhạc, đàn tranh…
- Nhạc công: nếu huynh trưởng và đoàn sinh trong đơn vị biết sử dụng nhạc cụ thì tốt. Nếu không phải nhờ các đơn vị bạn hay những người quen giúp đỡ (bao nhiêu cây đàn tối thiểu phải có bấy nhiêu nhạc công). Nhạc công phải nương theo khả năng trình diễn của diễn viên cây nhà lá vườn.
Kịch bản điều khiển chương trình: Phần này do tổng đạo diễn hoặc người đã từng làm. Tổng đạo diễn là người điều khiển toàn bộ buổi trình diễn văn nghệ như: trang trí, thiết kế âm thanh ánh sáng, nhạc công, kỹ thuật, hậu đài, quay phim, nhiếp ảnh, MC, chương trình, tiết mục. Sau khi lập kịch bản điều khiển chương trình thì chiết ra bản Chương trình trình diễn (chỉ ghi tiết mục và đơn vị trình diễn theo thứ tự). Rồi sao ra phát cho mỗi đơn vị tham gia trình diễn một bản. Niêm yết vài bản tại phòng hoá trang, hậu đài, âm thanh, ánh sáng.
Dẫn chương trình: (MC là người dẫn chương trình văn nghệ chứ không phải điều khiển toàn bộ buổi trình diễn) tuỳ theo điều kiện nhân sự, tìm chọn 1-2 người dẫn chương trình.
Những người dẫn chương trình nên mặc lễ phục GĐPT, nói rõ ràng, tính cách linh hoạt nhưng gây được niềm tin, cảm mến của khán giả, biết ứng xử những trường hợp đột biến. Nếu buổi trình diễn tổ chức quy mô, tất cả các tiết mục buộc phải sắp xếp tuần tự để tôn rõ ngôn ngữ chủ đề thì MC phải mặc sắc phục theo yêu cầu của tổng đạo diễn.
MC trước hết là nhận kịch bản điều khiển chương trình của người điều khiển khiển chương trình (tổng đạo diễn), nghe những hướng dẫn khái quát của tổng đạo diễn. Từ đó nghiên cứu kịch bản, tập nói theo âm điệu, yêu cầu nội dung: chỗ nào nói to, rõ, chỗ nào xuống giọng, nhanh chậm… rồi tập dáng điệu, nét mặt, vị trí đi đứng. Sau đó gặp tổng đạo diễn trao đổi, thêm bớt… và tập dợt để đi vào chung nhất.
Quản đốc: là những người sát cánh với tổng đạo diễn, MC và các đoàn nhóm, tiết mục sắp diễn (tối thiểu phải có 2 người). Quản đốc nắm vững chương trình văn nghệ theo thứ tự, giúp đỡ, đôn đốc các tiết mục sao cho bảo đảm kịp thời theo chương trình một cách sinh động mà dường như người ngoài không biết việc mình làm.
Giải khát và ăn sau buổi diễn: (nên có nhưng tuỳ khả năng)
* Lưu ý:
- Tất cả những trang thiết bị hợp đồng các dịch vụ phải có cả chuyên viên kỹ thuật, giao hẳn phần lắp ráp, điều khiển phục vụ, thu dọn, chuyên chở, bảo quản.
- Hợp đồng có văn bản cụ thể, rõ ràng: số lượng, chất lượng. Yêu cầu lắp đặt hoàn chình trước giờ khai mạc một tiếng đồng hồ.
- Những vật dụng mượn của đơn vị bạn, người quen thân cũng phải có bản ghi chép rõ ràng, hai bên cùng nhau ký tên. Tuy nhiên việc mượn phải có kế hoạch, phân công điều khiển, bảo quản, giao tế sao cho đắc nhân tâm.
- Chuẩn bị phòng ốc, phương tiện, dụng cụ núp mưa, che mua cho trang thiết bị, lực lượng diễn viên, ban tổ chức… Đề phòng chạm điện, cháy. Mượn dự phòng máy phát điện.
- Văn nghệ đại diện cho nhiều bộ môn: văn học, nghệ thuật. Tuy văn nghệ trình diễn nghiêng về văn nghệ động nhưng phải đạt sự dạng của nó. Tối thiểu phải có đủ bốn loại hình: ca, múa, nhạc, kịch. Nếu chỉ múa và hát thì chỉ giới thiệu là buổi ca múa mừng hoặc cúng dường.
IV. Tổng duyệt:
- Ấn định rồi thông báo ngày giờ, địa điểm tổng duyệt trước ngày công diễn 2 tuần để đủ thời gian chỉnh sửa, chải chuốt các tiết mục chưa đạt.
- Việc tổng duyệt, tất cả mọi người trong cuộc phải chuẩn bị mọi thứ, mọi việc bằng tinh thần trách nhiệm như công diễn.
- Mời Ban Huynh trưởng Gia đình, Thầy Trụ trì, UVVN, đại diện Ban Hướng dẫn đến phê duyệt. Lãnh hội hướng dẫn chuyên môn của Ban Hướngd.
- Nhắc nhở các đoàn, nhóm, tiết mục bổ sung những thứ còn thiếu, chải chuốt, nâng cấp từng tiết mục.
- Nhờ những người có chuyên môn bám sát giúp đỡ.
- Thông báo ngày, giờ, địa điểm công diễn.
V. Khai mạc:
- Có chương trình riêng.
- Chuẩn bị: Giáo kỳ, Sen Trắng kỳ, băng đĩa nhạc chào cờ, bái hát rước Thầy (cử người sử dụng máy hát cho khớp với nghi lễ).
- Mời người có chức vụ cao nhất của đơn vị đọc lời khai mạc (thưa trình trước một tuần để viết lời khai mạc).
- Không nên khai mạc sớm quá sẽ cập rập, trễ quá khán giả buồn chán (nếu diễn buổi tối thì 19 giờ 30 là vừa).
VI. Giai đoạn kết thúc:
- Giao tiếp nhận vài lời góp ý ban đầu rồi tiễn đưa ân nhân, bạn thân thiết mời đến ứng cứu.
- Huy động lực lượng thu dọn ngay, kiểm tra số lượng, chất lượng toàn bộ vật dụng, nhân sự tạm đưa vào chỗ an toàn.
- Ban tổ chức họp sơ khai kiểm điểm, rút ưu khuyết điểm ngay sau khi buổi trình diễn kết thúc và thông báo một hoặc vài ngày sau tổ chức buổi họp chính thức tổng kết.
- Liên hoan nhẹ sau khi hoàn tất công việc trước khi chia tay.
• Lục Thiện Hoa | 2006
BÌNH LUẬN