Vào ngày 8 tháng Sáu năm 2011, tại Viện Garrison ở thôn Garrison thuộc thị trấn Philipstown, hạt Putnam, bang New York, Hoa Kỳ, đã có tới 23...
Vào ngày 8 tháng Sáu năm 2011, tại Viện Garrison ở thôn Garrison thuộc thị trấn Philipstown, hạt Putnam, bang New York, Hoa Kỳ, đã có tới 230 vị giáo thọ Phật giáo thuộc nhiều cơ sở Phật giáo khác nhau trên khắp vùng Bắc Mỹ về tham dự một cuộc hội nghị bàn về tương lai của việc hành trì Phật pháp ở Bắc Mỹ. Tiếp theo cuộc hội nghị này, có một câu hỏi đã được nêu ra cho 11 vị tham dự viên. Câu hỏi đó như sau:
Phật giáo có quá nhiều giáo phái khác biệt. Một số người còn có thể nói rằng đó là những truyền thống khác nhau đại biểu cho những tôn giáo khác nhau. Điều gì là sợi chỉ xuyên suốt của Phật giáo đã mang quý vị đến với nhau?
Dưới đây là các câu trả lời của 11 vị giáo thọ thuộc 11 cơ sở hành trì Phật giáo khác nhau ở Bắc Mỹ.
1. Jack Kornfield, Spirit Rock Meditation Center
Thầy tôi, ngài Afahn Buddhadasa, thường nói về “Phật thừa”, cỗ xe của Phật. Tất cả chúng tôi đều là con Phật, trao truyền giáo pháp tỉnh giác và từ bi. Ở phương Tây, chúng tôi đang tiến đến chỗ hiểu biết về nhau, chúng tôi đang tiến đến chỗ vượt qua tư tưởng bộ phái. Chẳng một ai trong chúng tôi có thể làm được tất cả mọi chuyện – hành trì trong đời sống tự viện, tích cực hoạt động trong lĩnh vực xã hội, thực hiện các công trình về môi sinh – cho nên tất cả chúng tôi đều có một chỗ trong một đạo tràng rộng lớn chứa đựng tất cả mọi người.
2. John Makransky, Foundation for Active Compassion
Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang đến với nhau, có phần là để cùng nhau tìm hiểu kỹ càng việc làm thế nào khám phá được nơi nương tựa vững chắc sâu xa trong Phật pháp giữa cái thế giới hiện đại của chúng ta, làm thế nào để những thế hệ tương lai cũng có thể làm được như thế, và làm thế nào để từ cái nơi nương tựa đáng tin cậy ấy mang lại được những đáp ứng có tính sáng tạo cho những đau khổ và những nhu cầu sâu sắc của thời đại chúng ta.
3. Joseph Golstein, Insight Meditation Society
Sợi chỉ xuyên suốt của Phật giáo: một sự hiểu biết về luật nhân quả – rằng những hành động có tác ý luôn luôn mang lại những hậu quả – và một sự hiểu biết rằng việc cắt đứt sự bám víu của chúng ta vào khái niệm về ngã chính là nền tảng của sự tự do và của hành động mang lòng từ.
4. Shinzen Young, Vipassana Support International
Giảm trừ đau khổ, nâng cao thành tựu, cải thiện hành vi, hiểu biết chính mình, và nuôi dưỡng các hoạt động yêu thương thông qua việc trau dồi Tỉnh Giác (được định nghĩa là năng lực tập trung, sự sáng tỏ của các giác quan, và tinh thần hỷ xả kết hợp với nhau): đó chính là điều cốt lõi chung đoàn kết mọi truyền thống Phật giáo.
5. Myokei Caine-Barrett, Shonin, Myoken Temple
Tôi đã đến để tìm kiếm sự thống nhất ở Tam bảo. Tôi đã thất vọng phát hiện ra rằng cộng đồng “tỉnh giác” vẫn chưa thể bắc cầu để nối khoảng cách của các sự khác biệt; và hơn nữa, nhu cầu sống còn này vẫn chưa phải là mối quan tâm chủ yếu.
6. Acharya Judy Lief, Shambhala
Giữa những người mang các vết xăm trên thân thể và những người tóc bạc, giữa những nhà cải cách và những người theo truyền thống, vẫn có một sợi chỉ xuyên suốt: một lòng ham thích đối với pháp, một sự quan tâm về việc cộng tác, và một sự ham muốn giảng dạy từ những điều thiết yếu ở một hình thái liên quan đến những nhu cầu cấp bách của xã hội đương đại.
7. Pat Enkyo O’Hara, The Village Zendo
Vô thường: Điều đó giống như tất cả chúng ta đang xuôi dòng sông trên cùng một con tàu, chỉ vào dải đất ven bờ đang di chuyển: này là tuổi trẻ, này là sự khác biệt, này là trách nhiệm xã hội, này là khoa học về não bộ, này là hệ thống giảng pháp bằng phương tiện điện tử, này là sự thông thái của phương Tây. Thế rồi chúng ta nhận ra rằng chính con tàu cũng đang di chuyển vậy.
8. Gina Sharpe, New York lnsight Meditation Center
Vấn đề khổ đau và việc chấm dứt khổ đau liên quan đến toàn thể loài người cho dù họ có là Phật tử hay không, bất kể thuộc dòng pháp hay truyền thống nào, vượt ngoài mọi khác biệt, và kết chặt chúng tôi lại với nhau một cách không thể nào thay đổi được. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ càng xem làm thế nào chúng ta hiểu được và giảng dạy được giáo pháp sâu sắc này.
9. Noah Levine, Against The Stream Buddhist Meditation Society
Nỗi đau khổ và lòng từ trước nỗi đau khổ. Thành phần có ý nghĩa nhất và đẹp đẽ nhất vào thời gian chúng tôi tập hợp với nhau tại Hội nghị các vị Giác thọ trong năm nay là khi tất cả chúng tôi cùng tham dự một buổi thực tập về việc trở nên minh bạch và cởi mở trước những nỗi đau khổ của kiếp người, trong quá khứ và trong hiện tại. Lòng từ đã hiện diện trong ánh mắt của tất cả các vị giáo thọ có mặt tại đấy. Một lần nữa, tình thương yêu lại cứu rỗi thế giới này.
10. Ven. Bhikkhu Bodhi, Bodhi Monastery và Chuang Yen Monastery
Dường như sợi chỉ xuyên suốt của sự thống nhất ít có liên quan đến việc là một người Phật tử hơn là việc nhận được một bức thư mời, những ranh giới phân chia ít có liên quan đến việc phân biệt giữa “các tông phái” với “các dòng truyền thừa” hơn là sự phân biệt giữa những người tạo ra sự thích nghi, các nhà hiện đại hóa, những người theo truyền thống và những người chấp nhận mọi khuynh hướng. Ít nhất cũng chẳng có ai hành động như thể họ là người biết tất cả mọi câu trả lời. Mỗi người dường như đều sẵn sàng học hỏi từ người khác và xem xét những quan điểm thay thế trong một không khí hữu nghị và tương kính.
11. Larry Yang, East Bay Meditation Center
Có lẽ điều đã mang chúng tôi đến gần nhau có liên quan đến lời dạy của Đức Phật, “Ta dạy một điều và chỉ một điều mà thôi: sự khổ và việc chấm dứt nỗi khổ”. Vẫn có một khuynh hướng phổ quát như vậy. Tuy nhiên, trong khi “Phật giáo” có thể có những khác biệt, những cộng đồng “Phật tử” ở phương Tây vẫn chưa phản ánh sự khác biệt đó trong những kinh nghiệm đa văn hóa của chúng ta.
Nguồn: Tricycle số mùa Thu 2011 – theo VHPG Blog
Chú thích của người dịch:
1. Jack Kornfiel đã giảng dạy về thiền định trên khắp thế giới từ năm 1974, là người thành lập lnsight Meditation Society và Spirit Rock Meditation Center. Spirit Rock Meditation Center là một cơ sở Phật giáo ở hạt Woodacre, bang California.
2. John Makransky là Lạt – ma của Phật giáo Tây Tạng. Ông hiện là giáo thọ của Foundation for Active Compassion, có trụ sở tại bang Vermont, Hoa Kỳ.
3. Joseph Goldstein đã được biết tới như một người có thẩm quyền về thiền Minh Sát, tham gia thành lập Bare Center for Buddhist Studies, hiện là một vị giáo thọ của lnsight Meditation Center, một cơ sở tôn giáo phi lợi nhuận hiện có trụ sở ở Bare, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.
4. Shinzen Young là một Tăng sĩ thuộc truyền thống Tịnh độ Chân tông của Nhật Bản nhưng lại chuyên về Vipassana vốn thuộc truyền thống Nguyên thủy. Ông sáng lập Vipassana Support lnternational có trụ sở tại Burlington, Ontario, Canada.
5. Myokei Caine- Barrett là nữ tu sĩ thuộc Nhật Liên tông, Nhật Bản, hiện hành đạo tại Myoken Temple ở Houston, Texas và hoằng pháp giữa những người bị giam giữ trong hệ thống trại giam của bang Texas.
6. Judy Lief tu theo Mật tông, hiện hành đạo và hoằng pháp tại Shambhala Meditation Center, một tổ chức có tới 165 chi nhánh ở nhiều nơi trên thế giới. Shambhala là tiếng Tây Tạng chỉ một cõi an lạc, tương tự Tịnh độ trong Tịnh độ tông.
7. Pat Enkyo O’Hara là một tu sĩ thuộc dòng thiền Tào Động, Nhật Bản, hiện giảng dạy về thiền cho những người bị dương tính với HIV. Trụ sở của bà hiện ở New York City.
8. Gina Sharpe được huấn luyện để trở thành giáo thọ tại Spirit Rock Meditation Center, bà tham gia thành lập New York lnsight Meditation Center rồi phụ trách việc giảng dạy thiền định tại đó. Bà hiện phục vụ cho nhiều tổ chức phi lợi nhuận.
9. Noah Levine là thành viên của Prison Dharma Network chuyên giúp đỡ phạm nhân trong các trại giam bằng phương pháp thiền định và tâm lý trị liệu. Against The Stream Buddhist Meditation Society được Noah Levine thành lập vào tháng Hai năm 2008 ở Melrose, Los Angeles, California.
10. Tỳ kheo Bodhi là một tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy, thụ giới tại Sri Lanka; hiện giảng dạy tại New York và New Jersey, nổi tiếng với rất nhiều trước tác quan trọng. Ông hiện là vị giáo thọ chính tại Bodhi Monastery ở New Jersey và Chuang Yen Monastery ở New York.
11. Larry Yang đã thọ giới và hành trì với tư cách một tu sĩ Nguyên thủy dưới sự hướng dẫn của một vị thầy Thái Lan là Ajahn Tong. East Bay Meditation Center được khai trương hồi tháng Giêng năm 2007 tại Oakland, California, Hoa Kỳ, là một cơ sở tôn giáo phục vụ nhiều cộng đồng trong khu vực.■
BÌNH LUẬN