Thật tình cờ, tất cả chúng đều diễn ra vào tháng 10…. Lễ hội luôn là một nét văn hóa, dịp sinh hoạt gắn kết cộng đồng của mọi dân tộc, mọi...
Thật tình cờ, tất cả chúng đều diễn ra vào tháng 10….
Lễ hội luôn là một nét văn hóa, dịp sinh hoạt gắn kết cộng đồng của mọi dân tộc, mọi quốc gia. Chúng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, độc đáo, thể hiện bản sắc của từng vùng miền nơi diễn ra. Chúng ta cùng chu du tới những vùng đất khác nhau, thưởng ngoạn 4 lễ hội kỳ lạ có một không hai trên thế giới.
1. Lễ hội ăn chay ở Phuket
Mặc dù là lễ hội thuần chay nhưng nó không phải là một lễ hội Phật giáo. Lễ hội Lễ ăn chay ở Phuket là một trong những lễ hội đầy màu sắc và... khủng khiếp nhất trên thế giới. Nó xuất phát từ niềm tin của xứ Trung Hoa về việc ăn chay vào tháng 9 âm lịch sẽ mang lại nhiều điều tốt lành, bình an cho tâm trí con người. Vì thế, nó diễn ra suốt 9 ngày trong tháng 10.
Điểm kinh dị nhất trong “Lễ hội ăn chay” đó là không chỉ duy trì việc không ăn thịt, uống rượu mà nhiều người cuồng tín còn tự thực hiện những hành động hành xác bởi họ tin đó là cách kết nối với thần linh và được bề trên bảo vệ.
Hầu hết họ đều sử dụng dao, xiên hoặc bất cứ vật gì nhọn và xuyên qua má của mình. Tuy nhiên, đây lại là một hành động cực kỳ nguy hiểm, riêng trong thời gian lễ hội năm 2011, đã có tới 74 người bị thương và 1 người tử vong vì hành động nói trên. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về lễ hội ăn chay ở Phuket
2. Lễ hội đua vịt nhựa
Ở thành phố Stuttgart của Đức, cứ vào độ tháng 10, cư dân địa phương lại cùng nhau tổ chức một lễ hội kỳ quái và đầy ngộ nghĩnh: hội đua vịt nhựa. Hàng năm, có từ 1999 - 7.000 thí sinh vịt nhựa tham gia, tương đương với số lượng chủ nhân là 1/3 dân số thành phố.
Mỗi người đều mang đến cuộc đua một chú vịt nhựa của trẻ con, thường là màu vàng, thậm chí có thể thuê để thi nếu thích. Dưới mỗi chú vịt này đều phải gắn một miếng kim loại nhỏ, phòng trường hợp vịt bị lật vì nước lớn. Kèm theo đó là thẻ tên của chủ nhân được gắn vào mỗi “vận động viên”
Cuộc đua diễn ra vào giữa ngày, tổ chức trên dòng sông Neckar. Hành trình kéo dài từ Alleenbrücke đển Neckabrücke với luật chơi đơn giản: con vịt nào về đích trước thì chủ nhân của nó dành chiến thắng.
Mặc dù là đua vịt nhựa nhưng người dân địa phương rất hào hứng, cổ vũ nồng nhiệt dọc hai bên bờ sông. Người thắng cuộc sẽ dành giải thưởng lên tới 10.000 euro (khoảng 270 triệu VNĐ).
3. Hội chợ lạc đà Pushkar
Hàng năm, tại thị trấn Pushkar thuộc bang Rajasthan, Ấn Độ tổ chức một lễ hội lớn, kéo dài 5 ngày. Đây được coi là một những lễ hội lạc đà lớn nhất thế giới.
Nhưng thực chất, đây mang tính hội chợ nhiều hơn bởi người ta đến đây để mua, bán lạc đà. Trung bình, các thương nhân mang tới Pushkar hàng ngàn con từ khắp mọi nơi, từ lạc đà chở hàng, lạc đà đua tới lạc đà dùng trong các buổi diễu hành lớn…
Dù mang tính chất thương mại cao nhưng lễ hội luôn thu hút được rất đông khách du lịch tham gia, bởi con lạc đà được mang đến đây trong những bộ quần áo sặc sỡ, đẹp đẽ không thua gì con người cả.
Ngoài ra, các nhà tổ chức còn thường xuyên tổ chức những cuộc thi như “đọ ria mép”, “cuộc chiến cô dâu”… nhằm tăng thêm không khí hội chợ.
4. Lễ hội ánh sáng Diwali
Một lễ hội khác cũng diễn ra ở đất nước Ấn Độ ấy là lễ Diwali - nét đặc trưng của người theo đạo Hindu. “Diwali” được rút gọn từ “Deepavali” có nghĩa là chùm đèn. Người Ấn tin rằng, đó là thứ ánh sáng biểu tượng cho chiến thắng giữa cái thiện trước cái ác.
Lễ Diwali diễn ra trong 5 ngày. Trong những ngày ấy, khắp đường phố về đêm sẽ ngập tràn ánh sáng của đèn, nến, pháo hoa… tạo nên không khí lung linh và huyền ảo.
Đặc biệt, ở mỗi nơi lễ Diwali lại mang một màu sắc riêng. Ở Bắc Ấn Độ, đây là dịp người dân tưởng nhớ vua Rama, ở Gujarat, Diwali lại tôn vinh nữ thần giàu có Lakshmi trong khi người Bengal lại coi đó là lúc tôn kính nữ thần Kali.
theo Kênh 14
BÌNH LUẬN