Uống trà không giống như ngồi café hay nhâm nhi vài ly bia, cốc rượu cùng với anh em bằng hữu. Tự dọn cho mình một góc tĩnh lặng tâm hồn g...
Uống trà không giống như ngồi café hay nhâm nhi vài ly bia, cốc rượu cùng với anh em bằng hữu. Tự dọn cho mình một góc tĩnh lặng tâm hồn giữa một không gian duy cảm, xa lạ với khái niệm phù phiếm và không bị ràng buộc bởi những hiệu ứng cuộc sống đây là thần thái của những cuộc trà sớm. Thưởng trà là một hình thức định thần, bên tách trà đầu ngày, ta có được một cảm giác bình yên và thực sự thanh thản đi vào một ngày mới bằng những bước tự tin.
Tôi là một người nghiện trà, hay đúng hơn là nghiện không gian trà, nhất là những cuộc trà sớm. Tuy không rành lắm về triết lý và nghệ thuật trà đạo nổi tiếng của người Nhật Bản, cách uống trà cầu kỳ của người Trung Hoa, hay những cách chơi trà của cụ Nguyễn Tuân, cụ Vũ Bằng và nhiều tao nhân mặc khách khác, nhưng tôi cũng có xem qua một ít sách vỡ , tài liệu và cả những trang văn nổi tiếng viết về trà. Dù vậy, tôi vẫn cứ tin rằng mỗi người có cách thưởng trà rất riêng của họ nếu không muốn nói rằng mỗi cuộc trà đều mang đậm phong cách cá nhân.
Tôi biết cảm nhận cái thi vị của không gian trà vào mỗi khuya từ những ngày còn là cậu bé cắp sách đến trường tiểu học. Ngày ấy gia đình tôi sống ở nông thôn. Mà ở nhà quê bao giờ ngày cũng đến sớm hơn ở phố. Hôm nào cũng vậy, cứ độ gà canh tư vào khoãng ba giờ rưỡi sáng là ông ngoại tôi bắt đầu thời công phu. Ông chậm rãi rửa mặt, chỉnh trang cẩn thận rồi lên đèn nhang và đảnh lễ Phật. Chắc là không muốn phiền giấc của những người trong nhà nên tiếng chuông, mõ và thời kinh Phật của ông cũng khẽ khàng như sợ làm thức giấc màng đêm còn dày đặc trước hiên nhà, nơi có hàng hoa huệ trắng dăm tháng nở đôi lần, hào phóng thả hương vào bất tận cõi sương khuya. Tôi như một chú tiểu ngoan đạo và tâm kính sư thầy, nhưng không phải cặm cụi quét lá bồ đề mà mỗi khuya tôi dậy theo ông để học bài. Ông bảo thời khắc ấy đầu óc con người đã được quang quẽ sau một giấc ngủ dài nên sẽ trống trải để đón nhận một cách dễ chịu nhất những suy tư cùng những tình cảm tốt đẹp mà chỉ có thể nảy sinh bất chợt vào những sớm tinh sương.
Và bao giờ cũng vậy, sau buổi công phu và lễ Phật là cuộc trà. Ông là người “thưởng trà độc ngã”. Một mình nhóm bếp, thổi lửa, bắc ấm. Trong thời gian đợi nước sôi, ông lặng lẽ súc bình, cọ tách. Ông thao tác công việc một cách đều đặn và chậm rãi, không biết có phải ông đang tiêu xài cho hết màn đêm còn nhờ nhờ ngoài hiên hay là ông đang nâng niu cái thời khắc bình yên hiếm có của một ngày mới. Đã nhiều lần tôi ngõ ý làm giúp ông một vài việc vặc như thổi lửa, bày bộ đồ trà chẳng hạn nhưng ông không cho, không phải vì sợ tôi làm vỡ mà nhiều lần ông bảo với tôi rằng thưởng trà là một ý thích cá nhân, khách trà sẽ có cảm giác thú vị khi được tự tay chuẩn bị và sắp sữa cuộc trà. Vả lại tính ông không muốn làm phiền bất cứ ai kể cả con cháu vì những nhu cầu riêng tư. Nhớ có lần cả nhà hốt hoảng vì ông về trễ bất thường khi dự một đám tụng kinh cầu an của một thân chủ làng bên. Sau đó mới biết ông cuốc bộ đoạn đường gần mười cây số vì không chịu lên chiếc xe do con ngựa già gầy guộc kéo. Và từ đó ông có thói quen không đi xe xích lô hoặc xe bò hay xe ngựa. Ông là người thích sự bình yên và sống lặng lẽ. Trong những cuộc trà sớm của ông chỉ có tiếng ấm reo réo rắt, tiếng nước sôi giục giã, tiếng rót trà thong thả vào tách. Xong đâu đấy ông lặng lẽ ngồi xếp bằng lên chiếc chõng tre, một đầu gối co lên, người tựa vào vách phiên thong thả chiêu từng ngụm nhỏ. Một tinh mơ đang chờ đầu ngõ. Ngoài kia im ắng quá, bên thềm thi thoảng chỉ có tiếng xào xạo của điếu thuốc rê ông đang quấn và những sợi khói thuốc lãng đãng trong hương trà. Dường như ông đang độc thoại bằng cách bấm đốt ngón tay. Còn bao lâu nữa thì đến mùa gió bấc, lúa bà-rên gạo đỏ chắc đã mẩy bông. Phải rồi, cuối tháng chín, cuối thu là lúc những sợi gió bấc se se quấn quýt cùng đám ngọn đậu ván đang trườn lên khắp bờ giậu mà khoe cùng lũ ong bầu những chùm hoa trăng trắng đầu tiên. Lại một tách trà và thêm một lần bấm đốt ngón tay! Còn bao lâu nữa thì đến ngày giỗ chạp. Rồi những người bạn già nua ai còn ai mất. Không biết mùa lũ năm nay đám rẩy bên sông bồi lở thế nào…
Và từ đó trong miền nhớ của tôi đã lưu cửu một không gian trà sớm. Sau này, khi đã hiểu ông hơn, tôi càng thêm yêu những cuộc trà, quý vô cùng những giây phút được rỗng lòng mà nhớ nhớ quên quên, mà buồn vui với ngày xưa và khao khát với ngày sau. Chén trà đầu ngày như một cái cớ để người ta định tâm mà sắp đặt và chọn lựa cách ứng xử với cuộc sống dù chỉ vẻn vẹn trong hai mươi tư giờ đồng hồ. Nhưng như vậy cũng đã là quý và đáng được trân trọng! Áp lực mưu sinh là gánh nặng không dễ gì trút bỏ đã đành nhưng một khi khát vọng tốt đẹp của con người biến thành tham vọng, ta nhìn ta mà tưởng tha nhân, lúc bấy giờ tưởng không nơi đâu bình yên bằng một không gian trà sớm cùng sự lan tỏa thâm trầm của những chén trà.
Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhất trản trà
Đấy là một cách chơi tao nhã. Nhưng nếu chỉ đơn thuần ca ngợi thú ăn chơi chắc người xưa chẳng phải bận tâm mà hạ bút như vậy. Mà đâu cứ phải câu nệ vào việc bày đặt trang trọng và hình thức. Một làn hương nguyệt quế bên thềm tưởng đã rất nhàm chán, một màn sương nhờ nhờ còn ngái ngủ vào một sớm chớm đông, một ngỏ nhỏ tuềnh toàng làm lối đi về của mười khuôn mặt láng giềng, một vuông sân chừng dăm bảy mét vuông gì đó. Rồi, một bộ bình tích như không còn có thể cũ kỹ hơn, một chỗ ngồi trước hiên nhà quá đỗi thân quen…Trà sớm rồi đó!
Thế là trà mà không phải café hay một cuộc vui nào khác. Trà đấy. Một cuộc chơi với lặng lẽ.
Bùi Diệp (theo Tạp chí VHPG)
BÌNH LUẬN