Thông tin mới nhất từ các trang mạng cho hay ngày hôm qua 14/11/2012 Đại Đức Thích Tâm Mẫn đã nhất bộ nhất bái đến Yên Tử – Suối Tắm . Nh...
Thông tin mới nhất từ các trang mạng cho hay ngày hôm qua 14/11/2012 Đại Đức Thích Tâm Mẫn đã nhất bộ nhất bái đến Yên Tử – Suối Tắm. Như vậy chỉ còn vài km nữa hành trình nhất bộ nhất bái sẽ kết thúc. Sau hơn 3 năm hành trì “nhất bộ nhất bái” từ chùa Hoằng Pháp (TPHCM), đến nay Đại đức Thích Tâm Mẫn đã đến Yên Tử (Quảng Ninh) .
Tại địa phận này, hiện tượng tắc nghẽn giao thông đã không còn. Đoàn “tháp tùng” thầy Tâm Mẫn bây giờ phải đeo thẻ ra vào do Ban Quản lý Yên Tử cấp (địa phận này nằm trong khu quản lý di tích Yên Tử), với đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, quê quán, năm sinh... Tại đây, phía sau thầy vẫn có rất đông Phật tử đi theo, mọi người đều trang nghiêm, thành kính và nhất tâm niệm Phật.
Hình ảnh Đại Đức Thích Tâm Mẫn ở Suối Tắm – Yên Tử
Đại đức Thích Tâm Mẫn.hành lễ
Đoàn người tháp tùng
Đeo thẻ BQL Yên Tử cấp
Rất trật tự đi theo hành lễ
Thắng cảnh Suối Tắm – Yên Tử
Được biết Chùa Suối Tắm nằm trên quốc lộ 18A vào Yên Tử chừng 2km, qua dốc Cửa Ngăn, từ Bến xe Suối Tắm nhìn xuống. Chùa Suối Tắm nhìn bên dòng nước trong xanh dưới bóng cây đa đại thụ. Chùa tọa lạc trên thế đất đầu rùa (quy), là con vật đứng thứ 3 trong tứ linh (long, ly, quy, phượng) nên rất thiêng. Xưa kia chùa chỉ là ngôi miếu nhỏ thờ Nguyệt Nga công chúa, em gái Quận he Nguyễn Hữu Cầu - lãnh tụ nông dân khởi nghĩa ở thế kỷ thứ XVIII.
Nguyệt Nga công chúa nổi tiếng là người tiết hạnh, lại lập công lớn. Bà mất khi còn rất trẻ. Cảm phục trước đức hạnh của bà, nhà sư Linh Nhâm - trụ trì chùa Cầm Thực lập miếu thờ. Thời nhà Nguyễn, bà được sắc phong là Phúc Đẳng Thần, trấn giữ đường vào cõi Phật.
Xưa nơi đây là một cánh rừng bát ngát. Dân quanh vùng đi rừng đốn củi, lấy tre gỗ về dựng nhà, vào những ngày hè nóng bức thường xuống suối này tắm rửa trước khi rời cửa rừng. Kỳ lạ thay nước suối nơi đây như một nguồn sinh lực của đất trời giúp người ta quên đi mọi nhọc nhằn sau thời gian lao động vất vả. Suối mang tên Suối Tắm từ đấy và nơi thờ Phúc Đẳng Thần Nguyệt Nga công chúa mang tên suối nay là chùa Suối Tắm.
Đầu thế kỷ XX, nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi mở lò khai thác than ở khu vực này, có lẽ được sự phù trợ của Phúc Đẳng Thần nên làm ăn phát đạt. Để tạ ơn, ông cùng vợ cho dựng lại ngôi miếu to đẹp hơn, mái uốn vòng cung, trần mái bằng bê tông, quanh tường và trần được nghệ nhân trang trí bằng các bức tranh màu sắc rực rỡ (nay quét vôi ve che phủ, chỉ còn dấu tích). Miếu Suối Tắm được xây dựng theo phong cách lăng tẩm thời Nguyễn.
Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Cầm Thực bị hỏa hoạn, toàn bộ chuông, tượng pháp, đồ tế khí được phật tử chuyển về miếu này lập ban thờ Phật ở chính điện (tam bảo). Trước miếu thờ Thần, sau thờ Phật (tiền Thánh hậu Phật). Miếu thờ Nguyệt Nga công chúa mặc nhiên trở thành chùa Suối Tắm ngày nay. Với dốc Cửa Ngăn, chùa Suối Tắm là ngưỡng cửa ngăn cách giữa trần gian và cảnh Phật.
Qua dốc Cửa Ngăn, vào chùa Suối Tắm, Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận viết:
Miếu nhỏ thờ công chúa Nguyệt Nga
Linh thiêng phúc địa lập miếu Bà
Trấn giữ cửa rừng linh Sơn Tử
Bòng thơm đại trắng một đời hoa.
(Miếu nhỏ - Hoàng Quang Thuận)
Ngày 21 tháng 11 năm 2008, tức ngày 24 tháng 10 năm Mậu Tý, Ban Quản lý các di tích trọng điểm Quảng Ninh long trọng tổ chức lễ khởi công tôn tạo chùa theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Người Áo Lam tổng hợp
BÌNH LUẬN