Từ thuở bé thơ, tôi đã được sống trong không khí ấm cúng của gia đình và sớm được gieo duyên với Phật pháp, và hình tượng của Đức Phật cũn...
Từ thuở bé thơ, tôi đã được sống trong không khí ấm cúng của gia đình và sớm được gieo duyên với Phật pháp, và hình tượng của Đức Phật cũng như hồng danh chư Phật đã đi vào lòng tôi ngay từ thuở bé thơ ấy.
Số là ở quê tôi có một ngôi chùa làng và giai đoạn ấy tổ chức Gia đình Phật tử ở chùa làng tôi phát triển rất mạnh. Hầu như con em gia đình nào theo đạo Phật hoặc cảm mến đạo Phật đều được cho đi sinh hoạt Gia đình Phật tử. Gia đình tôi cũng vậy. Các anh em của tôi đều được cha mẹ cho đi sinh hoạt Gia đình Phật tử, đều được cha mẹ sắm cho một bộ đồng phục của đoàn sinh Gia đình Phật tử. Cảm giác lần đầu tiên được mặc bộ đồng phục đoàn sinh Gia đình Phật tử để đi sinh hoạt vẫn còn như in trong tâm trí tôi. Mặc bộ đồng phục ấy vào, tôi cảm thấy mình như được lớn hơn, trưởng thành hơn, và đặc biệt là được hòa đồng hơn với bạn bè cùng trang lứa. Lúc ấy tôi mới 6 tuổi, các anh của tôi đi sinh hoạt Gia đình Phật tử và tôi thỉnh thoảng cũng được các anh dẫn theo. Vì còn nhỏ nên tôi không biết gì đến chuyện học tập, chỉ biết là thích đi chùa vì đến chùa được ca hát, được vui đùa và nhất là thỉnh thoảng được ăn trái cây, bánh kẹo, con nít mà! Một điều khá ấn tượng đối với tôi lúc ấy là pho tượng Phật thích ca khá lớn ngự trên cao ở trong chánh điện. Nét mặt hiền từ và đôi môi cười mỉm của Đức Phật tạo cho tôi cảm giác của sự bình yên, gần gũi và thân thiện. Ở nhà tôi cũng có thờ Phật, nhưng chỉ là bức ảnh ngài Di Đà bằng giấy bé bé xinh xinh. Mẹ tôi thường bảo tôi niệm “Nam mô A Di Đà Phật” thì Ngài sẽ phò hộ cho tôi được mạnh khỏe, bình an và học giỏi. Kể từ khi nghe mẹ nói như thế, mỗi khi nhìn thấy tượng Phật, tôi thường thầm niệm “Nam mô A Di Đà Phật”. Lúc ấy tôi không biết “Nam mô A Di Đà Phật” nghĩa là gì, vì mẹ không giải thích cụ thể, chỉ biết đại khái Phật Di Đà là một vị Phật thường gia hộ cho mọi người được bình an và cứu độ mọi người. Mỗi lần thầm niệm như thế, không biết Ngài có gia hộ cho tôi hay không, nhưng bản thân tôi cảm thấy bình an, không lo sợ.
Tôi đi sinh hoạt Gia đình Phật tử được hai, ba năm thì các anh của tôi và bạn bè lối xóm không hiểu sao lại không đi sinh hoạt nữa. Ở quê tôi vì là vùng thôn quê, ban ngày mọi người đều bận rộn đi làm các công việc đồng áng, nên Gia đình Phật tử chủ yếu sinh hoạt vào buổi tối. Ngặt một nỗi là nhà tôi ở trong một xóm nhỏ, cách con đường cái khoảng 500 mét. Mỗi khi đi sinh hoạt về, thường là khoảng 11g00 tối, lúc đi ngoài đường cái thì có rất nhiều người nên không có gì xảy ra, nhưng khi rẽ vào con đường xóm để về nhà thì tôi luôn chuẩn bị tinh thần để cắm đầu cắm cổ chạy một mạch về đến nhà vì cả con đường ấy chỉ có một mình tôi đi sinh hoạt, tôi phải chạy vì… sợ ma. Con đường xóm ấy rất vắng vẻ và âm u, nhà cửa thưa thớt, lại phải đi qua một ngôi nhà hoang và một nhà thờ họ. Nghe mọi người nói là trong ngôi nhà hoang và trong nhà thờ họ có nhiều ma, khiến tôi càng sợ hơn.
Một hôm, tôi nói với mẹ tôi về nỗi sợ ma mỗi khi đi sinh hoạt Gia đình Phật tử về. Mẹ bảo tôi rằng: “Những khi con đi đêm một mình và sợ ma như vậy, con hãy nắm chặt nắm tay lại, đi bình thường và thầm niệm “Nam mô A Di Đà Phật” chứ đừng có chạy. Khi con niệm Phật thì chư Phật sẽ bảo vệ cho con, ma quái sẽ không dám đến gần con, không dám làm hại con đâu”. Vâng theo lời mẹ, cứ mỗi khi đi đêm một mình, nhất là những khi đi sinh hoạt về khuya, thay vì cắm đầu cắm cổ chạy khi vừa chia tách mọi người để đi vào con đường xóm về nhà thì tôi tập đi bình thường, nắm chặt hai nắm tay lại và niệm thầm danh hiệu Phật “Nam mô A Di Đà Phật”, nếu còn cảm thấy sợ thì tôi niệm Phật ra tiếng. Và cứ thế, mỗi khi đi trong đêm tối thì tôi đều niệm Phật, và việc này trở thành một thói quen của tôi lúc nào không hay. Kết quả là tôi dần dần bớt sợ ma mỗi khi phải đi một mình trong đêm tối. Có được kết quả này có lẽ là nhờ sự gia hộ của chư Phật và quan trọng là do sự chú tâm của tôi vào câu niệm Phật, đi trong bóng đêm tôi không còn nghĩ đến các bóng ma, không có tưởng tượng ra cảnh ma hiện, ma dọa ghê rợn nữa, nên thấy yên tâm, không sợ sệt. Lúc đó tôi nghe mẹ chỉ bảo sao thì làm theo vậy chứ không một chút thắc mắc và cũng không có tìm hiểu là tại sao niệm Phật thì được bình an, không còn sợ sệt, hay tại sao phải nắm chặt nắm tay lại?
Lớn lên dần, tôi được học giáo lý. Nhờ sự dạy bảo của các anh chị huynh trưởng và sự tò mò tìm hiểu của cá nhân, tôi dần hiểu được ý nghĩa của danh hiệu A Di Đà Phật và lợi ích của việc niệm Phật. Tôi được biết rằng, Đức Phật A Di Đà là một vị Phật ở Tây phương Cực Lạc, Ngài phát nguyện cứu độ và tiếp dẫn tất cả chúng sanh về thế giới của Ngài. Ngài có lòng thương yêu vô hạn. Nếu ai trì niệm danh hiệu của Ngài thì hiện tại sẽ được Ngài và chư Phật, chư Bồ-tát gia hộ, thân nhẹ tâm an, tai qua nạn khỏi, gặp nhiều duyên may trong cuộc sống, khi mạng chung thì được chư Phật và chư Bồ-tát đến tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc. Tuy nhiên, có một điều mà đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu rõ, tại sao mẹ tôi lại bảo tôi nắm chặt hai nắm tay lại? Có lẽ đấy là kinh nghiệm dân gian, nắm lại như thế để có thêm dũng mãnh, nắm tay lại như thể là gồng mình lên để sẵn sàng đối phó với mọi hiểm nguy, để tăng thêm sự tự tin, bớt lo sợ.
Sau này, mỗi khi gặp điều gì đó lo sợ, có điều gì đó làm cho mình bất an, hồi hộp, lo lắng thì tôi đều niệm Phật. Khi đi học, mỗi khi đến giờ kiểm tra hoặc giờ thi, trong lúc ngồi chờ đợi nhận đề thi, thay vì ngồi nơm nớp lo sợ, bất an thì tôi thầm niệm Phật. Nhờ vậy mà tôi thấy yên tâm hơn, và làm bài tập trung hơn, cho nên cũng thường đạt được kết quả cao trong học tập.
Và cứ thế, câu Phật hiệu theo tôi lớn dần lên và cùng trên mọi nẻo đường đời. Những lúc buồn, lúc vui tôi đều thầm niệm danh hiệu Phật. Những lúc nãn lòng, những lúc hờn giận, tôi đều làm bạn với câu Phật hiệu. Nhờ niệm Phật, nhờ sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ-tát mà lòng tôi cảm thấy bình yên trước mọi thăng trầm của cuộc sống. Giờ thì tôi niệm Phật không phải vì sợ ma, mà là niệm Phật để lòng an vui, niệm Phật để chuyển hóa các ý niệm bất thiện, để chuyển hóa tâm thức của mình.
Như vậy là nhờ ý niệm ngây ngô của tuổi thơ, niệm Phật để được Phật bảo vệ, để không bị ma quỷ làm hại mà tôi niệm Phật, và rồi từ đó câu Phật hiệu đi vào tâm thức tôi, hiện hữu trong tâm trí tôi, trở thành điểm tựa tinh thần cho tôi, giúp cho tôi có thêm nghị lực, thêm niềm tin và sức mạnh để đối diện, vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Thiết nghĩ, đây là một sự phương tiện khéo léo mà mẹ tôi đã sử dụng để dạy bảo tôi, đưa tôi đến với đạo Phật, gieo hạt giống Phật, hạnh giống chân thiện mỹ vào tâm thức của tôi từ thuở thiếu thời. Do vậy, các bậc cha mẹ cũng có thể vận dụng những phương tiện khéo léo như thế để giáo dục con em mình, để gieo mần thiện vào tâm thức con em mình một cách nhẹ nhàng mà lại rất hiệu quả, không một chút ép buộc hay thúc bách.
Minh Nguyên (theo HMP)
BÌNH LUẬN