BẠN CÓ MUỐN KHÔNG? Muốn gì…? Muốn ăn…muốn uống…muốn chơi…muốn đi…nói chung là muốn làm những gì mà mình muốn.Muốn chính là ước mơ, hoài bã...
BẠN CÓ MUỐN KHÔNG?
Muốn gì…? Muốn ăn…muốn uống…muốn chơi…muốn đi…nói chung là muốn làm những gì mà mình muốn.Muốn chính là ước mơ, hoài bão mà bắt buộc bạn phải có trước khi hành động tạo nghiệp. Muốn chính là sự xác định nhu cầu xác thực cần được thỏa mãn. Muốn còn chính là sự định hướng theo một mục đích rõ ràng…Cuộc sống thiếu ước mơ hoài bão, thiếu ước muốn chúng ta sẽ dò dẫm đi trong bất định…sẽ chẳng đi tới đâu, vì đơn giản một điều…thiếu một sự chọn con đường đi tới. Ví như bạn mơ làm ca sĩ…thì hãy cứ ước mơ đi, nhưng ước mơ đó phải được đặt để trên một thực tế rõ ràng, bạn có tố chất làm một ca sĩ không : đó là giọng hát, niềm đam mê, ý chí…nếu không ước muốn của bạn sẽ chỉ là “mơ hão” mà thôi. Không ai có quyền cấm chúng ta mơ ước, chỉ sợ chúng ta không có đủ tự tin ước mơ thôi. Như vậy muốn chính là tâm ý vậy, mà đã là tâm ý thì luôn tồn tại song song hai mặt, đó là ước muốn chánh, đối lại là ước muốn tà, và dĩ nhiên kết quả và hậu quả cũng từ đó mà có. Phàm làm việc gì thì cũng phải biết rằng mình muốn gì thì quả của nó sẽ theo hướng mình muốn. Muốn mà không làm thì mọi ước muốn đó chẳng có nghĩa gì do đó cần phải có làm hay không làm. Làm chính là dám vậy. Khi đó ước muốn sẽ là động lực của mọi hành động.
BẠN CÓ DÁM KHÔNG?
Dám gì…? Dám ăn, dám uống…dám chơi…nói chung dám làm mọi cái mình muốn. Dám chính là tạo tác của hành động qua thân, khẩu đưa tới một kết quả của ước muốn lành hay dữ tùy theo dám làm chánh hay tà. Do đó rất quan trọng trong ý thức của chữ “dám”. Người ta thường thách đố với nhau rằng…”này, anh có dám làm không?”…khi đó phải hiểu rằng đối với họ trước mặt phải là một thử thách khó khăn đòi hỏi họ phải vượt qua để đạt tới một kết quả tốt đẹp mà họ mong muốn, hoặc có thể là một ranh giới mà khi họ vi phạm nó sẽ đưa họ đến điều tệ hại nhất mà họ chẳng mong muốn bao giờ. Như vậy sự nhìn nhận vấn đề đúng sai và ý thức rõ ràng sẽ đưa đến dám hay không. Dám đương đầu với khó khăn để tìm ngọc trong đá, tìm mật trong hoa nhất nhất tinh cần như thế sẽ có ngày thấy được cái giá trị của ngọc đá và mật hoa như thế nào. Lúc đó giá trị về vật chất hình tướng không còn nữa mà thay vào đó là một ý chí hình thành trong tinh thần vô lượng giá. Ngọc cho dù kết tinh từ trong đá, mật chắt chiu từ trong hoa cũng không thể nào so sánh được. Điều gì làm nên tinh thần này, có phải chăng chữ “dám” . Dám là làm, mà làm thì phải chấp nhận thành bại…có thất bại thì mới có thành công. Nhưng dám làm mà thiếu ý thức và suy nghĩ kỹ càng thì đó là sự phiêu lưu mù quáng thường ít thấy giá trị nếu thành công, dễ nản lòng chẳng may thất bại. Làm sao để dám làm để dẫn đến thành công ? Đó là “Chịu”.
BẠN CÓ CHỊU KHÔNG?
Chịu gì…? Đó là chịu khó, chịu trách nhiệm và chịu thất bại. Chịu khó để khỏi phải bị khó chịu…chịu khó suy nghĩ, tư duy trước mọi hành động lời nói. Chịu khó học tập và chịu khó lắng nghe. Chịu khó khắc phục mọi khó khăn…Vậy chịu khó là sự tinh tấn vô ngã vô chấp thì đó mới là sự chịu khó hiệu quả đưa đến thành công ý nghĩa. Có trách nhiệm với mọi việc mình nói và làm đó là bản lĩnh tích cực chứng thực được bạn là người uy tín năng động như thế nào, tạo được niềm tin đối với mọi người xung quanh. Chịu trách nhiệm sẽ luôn chịu búa rìu dư luận hay chỉ trích từ mọi phía bằng sự lắng nghe không chấp thủ hay biên kiến. Người có trách nhiệm như vậy chắc hẳn sẽ là người mà bạn luôn muốn hợp tác trong công việc đúng không? Thất bại là một từ mà chẳng ai muốn nghe, thế nhưng nó lại là “mẹ thành công” một cách quan trọng như vậy…Sao thế nhỉ ? Đơn giản thôi! tuy là thất bại nhưng nó lại mang một điều như một chìa khóa mà ai cũng muốn biết, đó là “nguyên nhân thất bại”, chính điều này mới là cái duy nhất làm cho “thất bại” làm “mẹ của thành công”. Chịu thất bại không phải là sự buông súng đầu hàng trước mọi khó khăn, thử thách mà là sự xác định cho mình một tinh thần chấp nhận tích cực chẳng may chúng ta thất bại, để rồi sau thất bại đó chính nó làm tự mình đứng dậy đi tiếp với những bước chân vững chãi hơn mà chẳng bao giờ vấp ngã bởi những “hòn đá” vừa kịp dọn qua.
Tời đây thì bạn có thể nhìn lại đoạn đường mình đi qua, đang đi và sẽ tiếp tục đi…Bạn ơi! Bạn có “muốn” không? Bạn “dám” chứ và liệu bạn “chịu” được bao nhiêu nào? Chúng ta hãy cùng nhau nghiệm nhé. Tôi dám chắc rằng bạn sẽ thay đổi với tinh thần này đấy. Chúc các bạn luôn thành công.
Phước Nhẫn (từ gdptductam.com)
BÌNH LUẬN