Sự trưởng thành của mỗi người tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đó là môi trường giáo dục của gia đình, môi trường giáo dục ở nhà trường, môi tr...
Sự trưởng thành của mỗi người tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đó là môi trường giáo dục của gia đình, môi trường giáo dục ở nhà trường, môi trường sống của xã hội và sự tự ý thức, tự rèn luyện của cá nhân, hay nói cách khác là sự tự giáo dục của mỗi cá nhân. Chính những yếu tố này kết thành nhân cách con người. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến môi trường giáo dục của gia đình, trong đó, muốn nhấn mạnh đến vai trò của cha mẹ, tình thương yêu và sự dạy dỗ của cha mẹ đối với sự hình thành và phát triển nhân cách đạo đức của người con.
Thương yêu, nuôi nấng và dạy bảo con cái là bổn phận, là trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ, và đấy cũng là niềm hạnh phúc lớn, là nghĩa vụ thiêng liêng của cha và của mẹ. Nếu người con không được lớn lên trong sự thương yêu, dạy bảo của cha mẹ thì đa phần là bị lệch lạc về nhân cách, bị khiếm khuyết về nhiều thứ, do vậy mà những người con ấy thường khó trở thành người hoàn thiện. Cây cỏ, nếu được chăm sóc tốt thì mới phát triển tốt, nếu không được chăm bón thì cũng bị èo ọp, huống gì con người.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt, chăm sóc và giáo dục con cái nên người thì mới tạo ra được một xã hội tốt, một xã hội lành mạnh. Để phát triển xã hội thì phải đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục và đào tạo con người. Trong đó, không thể xem thường việc giáo dục con em trong mỗi gia đình. Môi trường gia đình có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách của mỗi người, nhất là sự ảnh hưởng từ phía cha mẹ. Tình thương yêu và sư chăm sóc của cha mẹ là hai dưỡng chất quan trọng để người con trưởng thành. Lối sống và nhân cách đạo đức của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến người con, vì con cái thường nhìn vào cha mẹ và bắt chước theo. Chính vì vậy mà người dân Việt Nam chúng ta đã đúc kết thành những câu ca dao rất sâu sắc:
Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.
Một thực trạng đáng buồn là trong xã hội hiện tại, ngày càng nhiều những kẻ phạm pháp là trẻ vị thành niên và thanh niên mới lớn, đối tượng phạm tội đang ngày càng trẻ hóa. Theo số liệu thống kê tội phạm học của Viện Tâm lý học, trẻ em phạm pháp có nguồn gốc gia đình làm nghề kinh doanh bất hợp pháp chiếm 51,94%; gia đình có người phạm tội hình sự chiếm 40%; 30% trẻ phạm tội có bố, mẹ hoặc cả hai nghiện hút. Có trường hợp bố mẹ trực tiếp đẩy con ra đường, xúi giục chúng làm những điều bất chính khiến trẻ bỏ nhà đi hoang, sống bụi, trộm cắp, tỉ lệ trẻ vị thành niên có hành vi trộm cắp tài sản đồng phạm với bố mẹ là 5%. Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, lối sống vô đạo đức và thậm chí có cả những hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hòa, hay đánh chửi nhau, đánh bạc, nghiện rượu, nghiện ma túy, buôn lậu, trộm cắp... khiến một số em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dẫn tới đồng lõa với hành vi phạm pháp. Sự lơ là, thiếu thời gian dành cho con cái, không quan tâm đến việc giáo dục, chăm sóc con cũng là một trong những nguyên nhân khiến con trẻ dễ bị hư hỏng. Hiện nay, một số bậc cha mẹ suốt ngày dành thời gian cho công việc, cho giao tế và các hoạt động bên ngoài xã hội, rất hiếm có thời gian dành cho gia đình, cho con cái; để bù đắp lại sự thiếu hụt ấy, họ cho con nhiều tiền, tặng cho con những món quà đắt tiền, hoặc là đáp ứng những đòi hỏi, những yêu cầu về tiện nghi vật chất, về tiền bạc của con cái một cách dễ dàng, đẩy trách nhiệm chăm sóc và giáo dục con cho bảo mẫu, hoặc cho nhà trường. Những người con như thế quả thật không may mắn. Mặc dù về tiền bạc, về các tiện nghi vật chất thì các em đó không thua kém ai, nhưng lại thiếu tình thương yêu và sư chăm sóc của cha mẹ. Thiếu sự chăm sóc, định hướng của cha mẹ, lại có nhiều tiền, nhiều tiện nghi vật chất nên các em dễ bị người xấu lợi dụng, dễ bị rủ rê theo các thói hư tật xấu, dễ đi vào con đường tội lỗi. Chính vì thế, các bậc cha mẹ phải dành thời gian chăm sóc con cái mình, phải làm những tấm gương mẫu mực về nhân cách đạo đức để con cái noi theo. Sinh con mà không nuôi dạy con là một tội lớn của các bậc làm cha làm mẹ.
Cha và mẹ đảm trách những vai trò khác nhau và có sự ảnh hưởng khác nhau trong từng giai đoạn phát triển của con cái. Ở Việt Nam chúng ta, người bố thường đảm trách vai trò trụ cột kinh tế của gia đình, cho nên thời gian dành cho gia đình, chăm sóc và gần gũi con cái không nhiều, nhiệm vụ chăm sóc con cái chủ yếu là do người mẹ đảm trách, cho nên dân gian ta mới có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn vai trò của người cha trong sự giáo dục, định hướng cho sự phát triển nhân cách của người con. Người mẹ thì thường chăm sóc cho con từ miếng cơm, tấm áo, thương yêu và vỗ về con, quan tâm đến những điều nhỏ nhặt nhất của con, đem đến cho con cảm giác của sự yên bình và êm ấm, cho nên mới có danh xưng là “từ mẫu”. Còn người cha thì thường chơi đùa với con lúc con còn nhỏ, kiên nhẫn trả lời những câu hỏi tò mò khám phá thế giới xung quanh của con trẻ; khi con lớn dần lên, người cha thể hiện sự nghiêm nghị, chính chắn trong khi dạy bảo con, định hướng cho con trong những vấn đề của cuộc sống và đứng ra giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống, tương lai, sự nghiệp của con; cha đem đến cho con cảm giác của sự an toàn, khuôn phép, cho nên người cha được gọi là “nghiêm phụ”. Nhờ vào tình thương yêu và sự nghiêm nghị, chính chắn của mẹ và của cha mà người con lớn lên được cân bằng về mặt tâm sinh lý, chính chắn về nhân cách đạo đức. Nếu thiếu một trong hai thì người con dễ bị lệch lạc trong sự phát triển, nhất là về mặt tâm lý.
Tuy nhiên, cả cha và mẹ đều có một điểm chung, cả hai đều rất thương yêu con, quan tâm, lo lắng cho con, đều mong muốn con trưởng thành, có nhân cách đạo đức tốt, có năng lực để đảm trách nhiệm vụ trong gia đình và cống hiến cho xã hội. Nhưng cách biểu hiện sự thương yêu và chăm sóc của cha và của mẹ đối với con không hoàn toàn giống nhau. Sự thể hiện của mẹ thì thường dễ biết hơn, dễ cảm nhận hơn, bởi mẹ thường biểu hiện thông qua những cử chỉ âu yếm, những lời nói yêu thương, những sự quan tâm, chăm sóc trong các sinh hoạt hàng ngày của con. Còn đối với cha, đôi khi cha không thể hiện qua những lời nói yêu thương, những cử chỉ âu yếm, mà thường tỏ ra nghiêm nghị, cứng rắn, cho nên nếu người con hời hợt thì có thể cho rằng cha không thương yêu mình, không chăm sóc mình rồi thầm trách cha; không biết rằng cha vắt kiệt sức lực để lo miếng cơm, manh áo cho gia đình, cha hằng đêm thao thức để nghĩ cách làm kinh tế nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế và đầy đủ các tiện nghi trong cuộc sống của gia đình, của con cái; rồi những lúc con hoạn nạn, ốm đau, cha phải chạy ngược chay xuôi, lo lắng trăm bề để chữa chạy cho con... Nếu không có tình thương thì làm sao người cha có thể hy sinh nhiều đến vậy?
Cha mẹ luôn thương yêu con, lo cho con, hy sinh tất cả vì con mà không hề tính toán thiệt hơn, không hề than thân trách phận. Cho nên, mỗi mùa Vu lan đến, những vần thơ về ân tình của cha và của mẹ lại được nhiều người nhắc đến, được bạn bè, người thân chuyển tải, sẻ chia trên mạng internet. Chẳng hạn như những vần thơ dành cho cha sau đây:
Cha giành hết mọi đắng cay
Cho con vị ngọt những ngày ấu thơ
Cha giành đỉnh núi mấy mờ
Cho con đường rộng bây giờ con đi.và cho mẹ:
Mẹ cho con tất cả
Hết quảng đời tuổi xanh
Cả thương yêu dịu ngọt
Rộng hơn biển trời xanh.
Chính từ tình thương yêu, từ tình phụ tử và mẫu tử thiêng liêng mà cha mẹ nuôi con khôn lớn. Chính từ tình thương yêu mà cha mẹ đã làm tất cả vì con, lo cho tương lai của con, vun đắp cho hạnh phúc, ấm êm của con. Chính tình thương còn là một dưỡng chất quan trọng để nươi lớn tâm hồn con. Cũng từ tình thương ấy mà người con lớn lên biết thương yêu, quan tâm đến người khác, có lòng nhân từ, khoan dung. Nếu người con lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương yêu của cha và của mẹ, của người thân thì người đó thường rất dễ trở thành những người tàn nhẫn, lòng đầy thù hận, oán trách và căm hờn, và những người như thế thường rất dễ trở thành những thành phần bất hảo trong xã hội.
Tình thương yêu và sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ quan trọng đối với người con như thế, cho nên những ai có cha và có mẹ, được sống trong tình thương yêu, sự chăm sóc của cha mẹ là một diễm phúc lớn, hãy biết trân trọng và nâng niu! Và những ai đã là cha, là mẹ mà chưa dành nhiều thời gian cho con, để chăm sóc, dạy bảo con, để thương yêu con đúng mực thì hãy điều chỉnh cho phù hợp để nuôi day con cho tốt, để sau này không phải xót xa, ân hận, để không trở thành người mang tội.
Minh Nguyên
Nguồn: Nguyệt san Giác Ngộ, số 197 (số Vu Lan), tháng 8-2012
BÌNH LUẬN