Hôm qua, 24-2, khi các phương tiện truyền thông lan tin về vụ cháy nổ làm chết 10 người và bị thương một số người khác ở khu vực dân cư thuộ...
Hôm qua, 24-2, khi các phương tiện truyền thông lan tin về vụ cháy nổ làm chết 10 người và bị thương một số người khác ở khu vực dân cư thuộc hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TP.HCM - đối diện chùa Vĩnh Nghiêm) đã làm không ít người bàng hoàng, thương cảm.
Cuộc sống thật mong manh, vô thường! Một anh bạn cùng nghề báo, theo dõi suýt sao vụ việc nhắn tin cho người viết kèm theo cái thở dài thườn thượt qua điện thoại. Không hiếm khi để ta có thể nhận ra vô thường, bất trắc vốn dĩ rình rập mình và những người xung quanh, nhất là trong thời buổi tai nạn giao thông xảy ra mỗi ngày, đâu đâu cũng có thể trở thành “điểm nóng”.
Hiện trường vụ tai nạn cháy nổ gây chết 10 người ở hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa hôm qua, 24-2 - Ảnh: TTO
Nhưng, nhận ra vô thường, thấy những bất trắc rồi thì sao nữa? Thì sẽ kịp thốt lên một câu “tội nghiệp quá” để sẻ chia hay sẽ lại đánh một dấu đen vào tâm mình để thêm lo sợ và bất an? Đó cũng là điều mình gửi gắm tới bạn và cũng là điều tự vấn chính mình. Liệu, mình có đủ vững chãi để bình an mà đón lấy những bất trắc khi nó xảy đến với mình hay mình chỉ có lý thuyết suông trong những giáo lý mình tích cóp được từ việc học Phật mà thôi?
Có câu nói rằng “lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi” (của Goethe) để đề cao thực làm và nhắc nhở những người “nói được mà làm không được”.
Rõ ràng, ta thật sự dễ dàng nói một câu “cuộc sống là vô thường” nhưng ta khó nhận diện và sống với vô thường một cách “sát nghĩa”. Bởi, bao phen ta đã trầy trật với những đổi thay, đã từng khổ đau cùng cực với mất mát và từng vui say quên đất trời với những thành tựu nho nhỏ…
Rồi những lo lắng, sợ hãi về những mất mát vốn dĩ rất bình thường của cuộc đời cũng đã bao phen đè bẹp ta, làm ta cạn kiệt sức sống, đau đớn bước qua những ngày-tháng lẽ ra ta có thể sống bình yên, vô lo, hạnh phúc. Thiếu sự quán niệm và nhận diện vô thường, nhận diện những bất trắc có thể xảy tới với mình bất cứ lúc nào thì ta sẽ dễ dàng ngã quỵ trước giông bão cuộc đời, sức chịu đựng của ta sẽ mong manh hơn nhiều so với những người có sự chuẩn bị đầy đủ và đúng đắn về nó.
Người chưa bao giờ nghĩ rằng bệnh tật và mất mát có thể đến với mình thì sẽ dễ xay xẩm, mất phương hướng khi những điều đó biểu hiện. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà những người học Phật lại có tâm thế bình yên, vững chãi trước cuộc sống, học và hành được đạo lý vô thường để bước qua và đi tới. Đó là bởi người Phật tử đã thấm nhuần giáo lý bốn sự thật (Tứ diệu đế) ngay từ buổi đầu, sơ cơ học Phật, nghĩa là đã thấy rõ khổ đế cũng như những nguyên nhân dẫn tới khổ ấy mà sám hối, đoạn những nguyên nhân (ác nghiệp, ái dục… đưa tới khổ).
Tùy sự học và hành trì mà sự thong dong sẽ được biểu hiện trong tâm thức cũng như trong đời sống người con Phật, để một lúc nào đó, đối mặt với bất trắc, vô thường nơi chính mình ta đều có thể nhanh chóng thăng bằng mà đứng dậy rồi vượt qua. Đó là điều người viết thực chứng từ chính thầy, bạn đồng tu của mình!
Còn với những nỗi khổ, bất trắc từ người khác, chúng sinh khác thì ta không quên khởi lên lòng từ bi, dẫu không trực tiếp giúp được người thì cũng có thể dừng lại trong chốc lát hoặc dành một khoản thời gian trong thời kinh, nơi phút giây hồi hướng mà cầu nguyện cho họ sớm vượt qua những nỗi khổ niềm đau, những mất mát kinh hoàng…
Đồng thời, cũng là cầu nguyện cho những người chết uổng (hoạnh tử) được có duyên lành nghe kinh kệ, duyên theo tiếng niệm Phật mà hồi quy Tam bảo, sanh vào cõi lành. Âu, đó cũng là cách gieo cấy vào vườn tâm mình hạt giống thương yêu, hiểu biết, cũng là gieo hạt giống sẻ chia để một mai ta gặp bất trắc người khác sẽ chia sẻ với ta trong tình thương đồng loại một cách vô tư, một cách chân thành…
Chúc Thiệu (theo GNO)
BÌNH LUẬN