Nếu ai cũng hiểu và biết được cốt lõi của Đạo Phật thì khi đứng trước ảnh tượng của Đức Phật chúng ta như đang được soi tấm gương nhân các...
Nếu ai cũng hiểu và biết được cốt lõi của Đạo Phật thì khi đứng trước ảnh tượng của Đức Phật chúng ta như đang được soi tấm gương nhân cách của Ngài mà nỗ lực thực hiện những điều minh triết của Người.
Ước mong những đều tốt lành đến với bản thân và những người thân thương là một ước muốn tốt đẹp của tất cả con người trên trái đất.
Thế nhưng cầu xin khác với ước mong, hơn nữa nếu cầu xin mà ta không biết ta đang cầu xin ai? Trời, Đất, Phật, Thượng đế, Thần linh, thánh mẫu, vua, chúa …bởi vì trước khi cầu xin ta phải tìm hiểu kỹ những vị trên họ là nhân vật lịch sử, hay chỉ là huyền thoại, tín ngưỡng.
Nếu là nhân vật lịch sử thì có cầu xin họ cả ngày cũng không được gì nếu ta không biết đến nhân quả. Còn là nhân vật không có thật thì có cầu xin hoài thì ai cho ? họ còn không có thật thì làm sao họ ban phát, hay giáng họa được.
Cầu xin! tại sao ta phải cầu xin? Vì trước hết lòng ta bất an, không thanh thản, lo lắng, đau khổ, tham lam …Nhìn hàng vạn người đi xếp hàng xin giải hạn, cầu xin mỗi đầu năm về trong đó trước hết họ cầu xin:
- Khi mà mỗi ngày về, dù ở trong nhà hay ra ngoài đường, tối về nhìn thấy đủ mặt nhau thế là ngày hôm đó ta được bình an khi tai nạn giao thông đang từng ngày từng giờ diễn ra như trên chiến trường. Theo báo lao động chỉ có 9 ngày“(từ 9-17.2.2013), cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ TNGT, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm hơn 300 người chết, gần 400 người bị thương. Đặc biệt, có những ngày có tới hơn 60 người chết”. Nguyên nhân chủ yếu tới 70% do bia rượu.
- Khi mà đã về tới nhà nhưng do hàng xóm bất cẩn, hay do thiếu hiểu biết làm cháy nổ cũng làm cho ta thiệt mạng bất cứ lúc nào…
- Khi mà lương tâm con người bị thui chột vì muốn làm giầu nhanh chóng họ bất chấp tất cả để miễn sao có lời nhiều, vì vậy mà vệ sinh an toàn thực phẩm đã là mối nguy hiểm tiềm ẩn, nó giết chết ta dần dần từ từ. Nó làm hủy hoại cả những thế hệ mai sau…
- Khi mà trộm, cướp, lừa đảo hoành hành, trắng trợn giữa ban ngày làm cho mọi người lo âu, sợ hãi.
- Khi mà bạo lực gia đình, bạo lực học đường ngày một gia tăng và ngày càng tàn bạo hơn bao giờ hết.
- Khi mà nạn hiếp dâm ngay cả người thân với người thân trong gia đình cũng không tha…
- Khi mà việc coi mạng người như một con kiến, thích giết là giết, ngay cả với những đấng sinh thành hay ngay cả với con cháu, anh chị em, ruột thịt…
- Khi mà môi trường quanh ta đang đầy chất độc hại, ô nhiễm làm cho ta và những người thân thương ta mắc nhiễm đủ các loại bệnh.
- Khi mà thiên tai, hạn hán, lũ lụt, mưa bão, động đất…đang rình dập do mưa nắng thất thường của ông trời.
…….
Đó là do lòng ta lo lắng, bất ổn do những tác động bên ngoài mang tới là ta đi cầu xin sự che chở…
Còn khi lòng tham trong ta luôn trỗi dậy ta cũng đi cầu xin:
- Khi mà ta lười biếng không chịu học hành, nhưng lại muốn đỗ đạt, lại muốn có bằng cấp.
- Khi mà ta không đủ tài cũng không đủ đức ta lại muốn thăng quan, tiến chức.
- Khi mà ta không có nội lực và năng lực, nhưng ta lại muốn làm giầu nhanh chóng bằng bất cứ giá nào.
- Khi mà ta muốn có tình, muốn có tiền, muồn có nhà lầu xe hơi, muốn có một rồi lại có hai, có ba…
- Khi mà ta đòi ăn ngon, mặc đẹp mà ta không chịu học, không chịu làm lại cứ muốn có tất cả…
- Khi mà ta cứ thích lời dụng cửa quyền, chức vụ để tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt của công, của người khác để làm giầu cho ta …
….
Tóm lại: cuối cùng thì tất cả cũng tới trên 90 % do con người gây ra nỗi bất an và lòng ham muốn mà thôi. Này nhé:
Nếu ta không uống rượu thì ta đâu có phóng nhanh vượt ấu, ta đâu có lơ mơ khi điều khiển giao thông, để gây họa cho chính mình và cho người khác. Vì rượu, vì chất kích thích mà đã có bao nhiêu thảm họa đã xẩy ra, không ai còn đếm được nổi nữa. Vì rượu, vì chất kích thích mà bao ngàn bi kịch: đói nghèo, hiếp dâm, trộm cắp, cướp của, giết người …làm hủy hoại biết bao ngàn gia đình và hủy hoại cả thế hệ mai sau.
Nếu ta không xây dựng những bộ phim, những trò chơi game online đầy bạo lực và khiêu dâm thì tệ nạn xã hội và nạn bạo lực học đường đâu có tăng nhanh và tàn bạo đến như thế.
Nếu ta không ngu dốt, hay bất cẩn để mà hại chính cả nhà mình rồi hại cả nhà hàng xóm, láng giềng.
Nếu ta không tham làm giầu nhanh chóng thì ta đâu có sản xuất hàng giả, giả từ cà phê, từ sữa, từ thuốc, rượu… từ miếng ăn, nước uống…cái gì cũng độc hại, làm cho căn bệnh ung thư, bệnh lan y, quái lạ ngày càng nhiều…
Nếu ta không lợi dụng chức quyền, để hành dân, để chiếm đoạt của nhà nước, của dân thì đất nước đâu có bị kiệt quệ vì nạn tham nhũng, dân đâu có nghèo, bao nhiêu người phải thất học, phải thất nghiệp, bao nhiêu người không có tiền khám chữa bệnh, bao nhiêu cầu cống, đường xá không được xây dựng. Cuộc sống của bao nhiêu vạn người bị ảnh hưởng.
Nếu ta không tàn phá rừng, không tàn phá đất đai, ta khai thác tài nguyên khôn ngoan hơn thì lũ lụt, hạn hán, bão tố, sóng thần, động đất đâu có càng ngày càng tàn khốc đến thế. Trái đất này đâu có lo bị hủy diệt do chính bàn tay con người.
Nếu ta có lòng từ bi, biết yêu thương, kính trong mạnh sống của con người cũng như các loài vật thì ta đâu có đánh người nói chi đến giết người.
Nếu ta….
Vậy là nơi nào còn nhiều người đi cầu xin thì nơi đó lòng người còn bất an, xã hội bất ổn, lòng người còn tham đắm và con người còn chưa hiểu họ đang cầu xin ai, cầu xin cái gì? mặc dù họ đang chắp tay cầu xin Đức Phật, nhưng họ lại không hiểu gì về Phật. Bởi vì, cốt tủy của đạo Phật “Người Phật tử quy y đức Phật không phải hy vọng được Ngài cứu giúp bằng chính sự tịnh hóa của Ngài. Đức Phật không khi nào bảo đảm như thế. Việc tẩy sạch các ô nhiễm của chúng sinh không ở trong quyền hạn của một bậc Giác ngộ. Không ai có thể làm cho kẻ khác thanh tịnh hay nhiễm ô.” Chính Đức Phật cũng khẳng định có ba điều Đức Phật không thể làm được, trong đó có điều quan trọng nhất là: “ Đức Phật có thể giúp chúng sinh chuyển các nghiệp khổ đau nhưng không thể chuyển nghiệp xấu của chúng sinh đã đến lúc chín mồi.”
Nếu các chúng sinh không tích phước, không làm việc lành, toàn làm việc xấu. Chỉ mỗi việc khi đi hành hương về đất Phật, ngay cả những người không theo đạo Phật khi nhìn thấy những hình ảnh hết sức phảm cảm mà báo trí đã phản ánh bao nhiêu năm qua, về việc người đến cửa Phật mà ngồi ăn nhậu thịt thú rừng hay giả thịt thú rừng, lại còn nâng bia rượu nhậu nhẹt, hò hét thì làm sao Phật nào còn độ được mà cầu với xin? thà đừng đi chùa cứ ở nhà lại còn đỡ hơn là đi mà với cái tâm phản cảm đến thế.
Năm 2012 có 24 ngàn bản Ấn của đền Trần được phát, năm 2013 là 50 ngàn bản Ấn được phát năm 2014 sẽ là …? Theo giáo sư Nguyễn Văn Huy “Chắc chắn đấy không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần. Đây chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình” . Vậy mà từ quan chức đến dân đen, từ người có học, đến người không có học, ai ai cũng muốn xô đẩy, giành giật nhau xin cho bằng được với hy vọng được thăng quan tiến chức.
Nếu làm quan theo đúng tinh thần là làm đầy tớ cho dân, vì dân thì sẽ rất khổ chứ, hà cớ gì mà mọi người ai ai cũng thích làm quan đến thế? Như vậy chứng tỏ làm quan bây giờ là rất sướng, lắm bổng lộc, nhiều kẻ dạ thưa, bẩm, trình báo, cứ được làm quan là đổi đời cho cả nhà, cả họ. Điều này đã gây ra một hệ lụy rất xấu cho xã hội, cho cả một thế hệ khi họ nghĩ về Quan và mong muốn được làm Quan.
Không tích phước, không làm việc lành, không dấn thân phục sự cho xã hội, cho cộng đồng, cho người thân, không thương yêu, chia sẻ, cảm thông trước những người kém may mắn hay bất hạnh hơn mình, vô cảm trước nỗi đau của người khác. Ta làm bao nhiêu việc xấu xa, tội lỗi… Ta chỉ biết cho ta thì ai có thể ban cho phước báu? ai có thể độ được cho ta? Ai có thể ban cho ta được niềm vui? Ai có thể phù hộ, che chở cho ta? Ai cho ta được giải thoát ?Khi những nhân xấu ta đã gieo, quả đã được trổ và chín mồi khi đó ta mới chạy vội đến chùa cầu xin đức Phật giải hạn cho ta thì có đến bao nhiêu Đức Phật cũng chịu. Có loại hạt gieo trồng thì trổ quả sau vài ngày, vài tháng, vài năm, nhưng cũng có loại chục năm, vài chục năm hay kiếp sau mới trổ… vì vậy mà định luật nhân quả, cốt lõi của đạo Phật không bao giờ sai “ gieo nhân gì gặt quả đó”. Cho nên, nếu ta đã chót gieo quả xấu mà không tích cực nỗ lực sửa chữa sai lầm, làm việc thiện, tích góp công đức để tích cực chuyển nghiệp xấu ta đã gieo, để đến khi quả chín mồi mới chạy đến cửa Phật mà lậy mà xin. Xin không được ta quay ra “ Phật không thiêng, ngôi chùa này không thiêng” thế là ta bỏ Phật, bỏ chùa, ta đã từ bỏ một lợi lạc vô cùng uổng phí.
Nếu ai cũng hiểu và biết được cốt lõi của Đạo Phật thì khi đứng trước ảnh tượng của Đức Phật chúng ta như đang được soi tấm gương nhân cách của Ngài mà nỗ lực thực hiện những điều minh triết của Người. Khi đã thực hiện làm được nhiều điều phước đức lớn nhất của đời người nên( Kinh Phước Đức) làm thì tâm ta đã an lạc rồi. Nếu ta biết thế nào là vừa đủ thì ta đã không gây nên bao đau thương cho người khác, ta đã an ổn tâm ta thì ta đâu cần phải cầu xin gì nữa. Cầu xin chỉ còn là vọng niệm, vọng tưởng… mà thôi.
Đi chùa, đi hành hương mà chỉ cầu xin và nhậu bia rượu với thịt, lỗi này tại khách hành hương một phần, tại Phật tử một phần nhưng phần còn lại là tại các chùa, các Tăng Ni không chịu giảng pháp và GHPG không thể nói là không có trách nhiệm.
Nếu không có cầu thì làm sao có cung, nếu ai cũng biết đi chùa mà ăn nhậu, thịt các thú rừng, hay các loại thịt thì chỉ chuốc thêm nghiệp sát càng nặng thì ai còn dám ăn? Vậy ai sẽ là người giảng cho họ hiểu nghiệp là gì? người mang quá nhiều nghiệp sát sẽ chịu hậu quả thế nào? ai sẽ là người gieo lòng từ bi vào trái tim họ?... Đức Phật nói về nghiệp sát như thế nào? ở cuốn kinh nào? dâng sao giải hạn có phải là của đạo Phật? Đức Phật có phải là người ban phát phúc hay giáng họa...? chắc chắn rằng đó phải là các Vị Tăng Ni rồi.
Nếu như các Tăng Ni nào đó có quan niệm rằng những điều trên đã có hàng ngàn băng đĩa, hàng ngàn cuốn kinh, sách giảng dậy rồi, chỉ cần vài ba ngàn đồng thì nghe cả ngày…thì đó lại là một điều rất đáng tiếc nữa. Nếu như trong lúc hàng vạn người đang ngồi tran cả xuống đường, đang thành kính chắp tay cầu xin Đức Phật giải hạn, giá như lúc đó có những màn hình rộng, có hệ thống loa truyền thông có một vị Tăng, Ni nổi tiếng có học hàm, học vị, có phẩm hạnh thuyết giảng chỉ 20-30 phút những điều cốt tủy của đạo Phật về định luật nhân quả thì có phải lợi lạc gấp bao nhiêu là truyền thông qua băng dĩa, khi họ chớm hiểu về đạo Phật họ mới tìm nghe lại các băng đĩa, kinh sách để hiểu được nhiều hơn, kỹ hơn, họ mới khám phá đạo Phật. Từ đó họ mới thấy đạo Phật là khoa học chứ không phải chỉ là tôn giáo tín ngưỡng. Đức Phật không ban phước, cũng không dáng họa, Đức Phật chỉ hướng dẫn cho con người chuyển hóa khổ đau, diệt trừ khổ đau mang lại an lạc cho mọi người.
Bằng chứng cho thấy nơi nào có giảng pháp, nơi nào các Tăng Ni có tài, có tâm hoằng pháp mạnh thì nơi đó rất ít người đi lễ để cầu xin. Họ hoàn toàn đi lễ chùa với mục đích đi làm Tài thí cho các chùa ở vùng sâu, vùng xa vào đầu năm. Tới 85% các chùa tại TP – HCM đều tổ chức đi lễ 10 chùa đầu năm tại các chùa ở miền Đông hoặc miền Tây( sát tết thì đi làm từ thiện mang các phần quà để chung tay cùng xã hội lo cái tết cho người nghèo ở các vùng sâu vùng xa). Đón tiếp họ là những bữa cơm chay rất ngon, tuyệt nhiên không hề có đồ mặn, cũng không có ngôi chùa nào phải xây nơi đốt vàng mã như các chùa phía Bắc( vì không có ai mang vàng mã đến chùa) Nét đẹp này của các chùa, các Phật tử tại Sài Gòn đã có từ rất nhiều năm, đã mang lại cho các Phật tử an lành và vui hơn vì họ đã đang thực tập tu. Họ đang tu các pháp bố thí để họ có được phước báu vì thế họ đâu cần cầu xin gì nhiều ngoài “Cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nơi nơi an cư lập nghiệp…” và “ Nguyện mang công đức này hướng về tâm tất cả…”
Vậy chúng ta có chiến lược gì? khi cần phải hướng cho hàng triệu người khách hành hương, hay cả những người Phật tử mà chưa bao giờ được nghe một bài giảng về cốt lõi của đạo Phật. Họ đang chập chững đến với đạo Phật bằng phương tiện tín ngưỡng, mê tín này. Khi họ đẽ đến rồi, ta cần phải dẹp bỏ các phương tiện của những người này để họ đến với đạo Phật cốt lõi, đạo Phật lịch sử, trả lại sự trong sạch cho đạo Phật, chỉ có như vậy họ mới thực sự được an lạc đó mới là mục đích và trách nhiệm của chúng ta.
Nếu chúng ta không làm gì mà chỉ nhìn thấy trên triệu người đi chùa, năm sau tăng hơn năm trước, ta cộng luôn lượng người này vào số lượng tín đồ Phật giáo đã được thống kê và ta cho rằng Phật giáo các tỉnh phía Bắc phát triển thì quả thật đây sẽ là một nỗi buồn, không phải là một niềm vui cho Phật giáo nước nhà.
Sài Gòn tháng 1 năm Quí Tỵ
Giác Hạnh Hoa (theo ĐPNN)
BÌNH LUẬN