Chẳng phải mỗi nụ cười mình cho đi đều nhận lại được một nụ cười. Trách sao được khi cuộc đời này vốn đã có hàng muôn lý do để cái gọi là ...
Chẳng phải mỗi nụ cười mình cho đi đều nhận lại được một nụ cười. Trách sao được khi cuộc đời này vốn đã có hàng muôn lý do để cái gọi là “nụ cười” của mình sẵn sàng trở thành số không hay một biểu tượng nào đó của sự nhạt nhẽo, vô duyên và lắm khi đáng ghét. Cười được thì cứ cười, đừng quá nặng nề với cho-nhận, ta-người…, đời sẽ vui hơn.
Hãy để mỗi ngày mới là một sự bắt đầu, với tất cả nhiệt tâm và tỉnh thức. Cái đã qua nào, cái chưa đến nào cũng không đáng để bớt đi dù chỉ một chút nhiệt tâm và tỉnh thức của hiện tại. Hãy đón nhận tất cả trong tâm thế chủ động, dù nỗi buồn hay niềm vui, dù thành công hay vấp ngã, dù khen, dù chê, dù được, dù mất…mọi thứ đều nhẹ nhàng cả thôi, sẽ không có gì để có thể nói là không thể chấp nhận được trong cuộc đời này.
Nếu không muốn bị hao tổn tinh thần thì đừng để tâm nhiều tới những tế toái, muộn phiền hằng ngày trong cuộc sống. Những ghanh ghét, nhỏ nhen; những trái tai, chướng mắt …mà mình tưởng sẽ chẳng là gì kia sẽ như cây đại thụ luôn tự hào không trốc gãy vì bão giông mà rốt cùng khô chết chỉ vì những con sâu bé nhỏ nhăm đục lõi cây. Những… vô số thứ rất nhỏ, gây chút muộn phiền cho mình trong cuộc đời này cũng như vậy, cẩn thận đừng để nó len lõi vào tâm.
Sẽ có lúc mình phải đối mặt với những chọn lựa, có thể là chọn lựa giữa những thứ mình đang có trong tầm tay, mà cũng có thể là giữa những cái mình đang có với một hứa hẹn nào đó… Chọn lựa nào rồi cũng phải có “hy sinh”, đừng làm kẻ tham lam muốn ôm trọn tất cả. Có khi mình phải tiêng tiếc một cái gì đó không được nằm trong sự chọn lựa của mình, hay mình không có quyền được chọn thêm nó. Cuộc sống là thế đó, một sự bất toàn mầu nhiệm chia đều cho tất cả mọi người. Phải cảm ơn sự bắt buộc chọn lựa, sự không trọn vẹn của cuộc sống đã cho chúng ta cái cảm nhận rằng khoảng đời phía trước, con đường phía trước là không vô nghĩa, bởi nơi đó hứa hẹn biết bao điều mình ước mong, và ít ra, nó là một chọn lựa của chính mình.
Cái quý giá nhất của đời sống con người là sự khoáng đạt và an bình của tâm hồn. Thật trống rỗng biết bao nếu mọi cố gắng của mình chỉ là sự chịu đựng để nhằm vào một tham vọng nào đó. Đã biết chết không đem theo được thứ gì mà cứ phải sống không vui vì những lợi, danh phù phiếm thì có đáng không? Giả như có, lại có niềm vui thì cũng nên có. Nhưng vì có, vì muốn có, hay vì người khác muốn mình có chút lợi, chút danh như họ nghĩ là tốt cho mình mà phải sống trong ghanh ghét, trong muộn phiền…, thì thà vứt bỏ tất cả, như thế sẽ tốt hơn chăng? Sống không vui, mọi thứ dẫu có cũng bằng không, chịu đựng để làm gì. Đừng tỏ ra cao cả rằng mình chỉ vì ai đó, cũng đừng tự cho mình quan trọng hơn người khác trong sự sống còn của số đông nào đó để rồi tự chuốc lấy khổ đau.
Thực ra thì không ai thương mình hơn chính mình nên tự mình trước phải thương lấy mình không có gì để nói là ích kỷ cả. Có lý nào lại nhân danh người khác để cố chịu khó với những thứ làm mình phiền muộn? Người khác muốn mình làm hay mình làm vì người khác, tất cả chẳng qua chỉ là những cái cớ để mình “danh chính ngôn thuận” mà theo danh, theo lợi thôi. Vậy nên, cái nội lực của mỗi người thể hiện nơi chỗ phải giữ cho được cái yên bình trong sâu thẳm lòng mình, phải không để cho bất kỳ ai, bất kỳ điều gì, với bất cứ lý do nào có thể làm xao động được cái góc bình yên đó của tâm hồn. Nào có gì trên đời này đáng để phải trả giá bằng niềm vui cuộc sống đâu!
Lắm lúc mình cứ luôn miệng than phiền lỗi lầm của nguời khác, cũng lắm lúc mình to tiếng tranh cãi đúng, sai về những chuyện chẳng đi tới đâu, rồi cũng lắm lúc mình lặng im đầy thách thức và khinh bạc khi có ai đó đụng chạm đến mình mà mình chẳng muốn…, con người mà. Cứ phải có ai đó để tâm sự, phải có ai đó để sẻ chia, phải có ai đó để tâng bốc lẫn nhau, thậm chí, phải có một thứ gì đó, một ai đó để mà lo lắng, để mà giận hờn, để mà cãi vả hay đổ lỗi nữa…, vậy nên cuộc đời này mới nảy sinh ra muôn thứ nhiễu phiền.
Hãy bình tâm mà âu lo cho chính mình đi. Mình chẳng phải là chân lý, cũng chẳng phải là nguồn sáng thì đâu cần phải phán xét đến lỗi phải của ai khác, ngoài mình! Nếu mỗi người đều chẳng tự thấy mình thì dẫu ai có cho là thấy, là hiểu người khác, liệu sẽ thay đổi được gì?
Rất có thể không có ai trên thế gian này hiểu mình (đôi khi cả chính mình nữa), nhưng nhất thiết, mỗi ngày mình phải dành vài thời khắc để thành thật với bản thân: thành thật thấy lỗi, thành thật sẻ chia và thành thật hứa hẹn…
Trang Châu
BÌNH LUẬN