Cuộc sống là vô vàn những đối diện và trải nghiệm. Ai cũng đã từng có những hạnh phúc, cả những khổ đau, sầu não về những gì đã qua, suy tư ...
Cuộc sống là vô vàn những đối diện và trải nghiệm. Ai cũng đã từng có những hạnh phúc, cả những khổ đau, sầu não về những gì đã qua, suy tư về những điều sắp tới. Có những hạnh phúc trước mắt mà làm sao để nhớ mà không quên ngó ngàng đến. Tôi đã bị những điều phiền não vô thức cuốn trôi đi như thế … Như một duyên may, tôi được dịp biết đến khóa tu 2 ngày do thầy Thích Viên Ngộ chủ trì và tổ chức, đưa mọi người đến gần với thiên nhiên, biển cả bao la, tạm thoát khỏi vòng xoáy của cuộc sống đô thị chật chội. Giúp mỗi người, nhất là những bạn trẻ nhận ra giá trị của “tỉnh thức”, hơi thở và bản thân mình, vẫn còn nhiều điều tốt đẹp cần khám phá rồi lắng nghe: “Thảnh thơi trong ràng buộc”. Đó cũng chính là tên gọi và ý nghĩa của khóa tu lần này.
Đến với buổi tập trung tại ngã 4 Hàng Xanh (gần chùa Phước Viên) lúc 6h30’ cùng chị bạn tên Diệp Anh đã giới thiệu chuyến đi đến với tôi. Bước lên xe và tôi chọn cho mình một vị trí gần cuối. Xe khá rộng với sức chứa 50 người. Đoàn chúng tôi hầu hết là giới doanh nghiệp trẻ, có một số bạn là sinh viên hoạt động trong các nhóm từ thiện nhỏ. Có nhiều bạn được Thầy Viên Ngộ hỗ trợ kinh phí trong chuyến đi này vì không có điều kiện như mọi người.
Khoảng gần 8h, chúng tôi di chuyển đến Tổ đình Phước Viên, một ngôi chùa khá trang nghiêm cổ kính với ngôi chánh điện, tháp Tam Thế, cổng Tam Quan, nhà Tăng, ấy là thành quả gian lao của Quý Hòa thượng và nhiều Phật tử trong việc duy trì và phát triển chùa. Hằng năm, vào các dịp lễ lớn như rằm tháng tư, rằm tháng bảy, chùa đều có tổ đức cắm trại và đêm văn nghệ cho đồng bào Phật tử, trước hết là góp phần làm cho ngày lễ Phật giáo càng thêm khởi sắc, thứ nữa là khích lệ và hướng dẫn cho thế hệ thanh thiếu niên Phật tử giới trẻ có cơ duyên tiếp xúc và học hỏi Phật pháp.
Đây là lần đầu tiên tôi có dịp biết đến Tổ đình Phước Viên, nên không bỏ qua dịp xuống xe và cùng mọi người vào chánh điện lạy Phật dưới sự hướng dẫn của Thầy Viên Ngộ. Vậy là người ở Thành phố Hồ Chí Minh, người ở Biên Hòa, đã cùng gặp nhau và cùng lên xe chính thức khởi hành đi xã Tân Phước – thị xã Lagi – tỉnh Bình Thuận.
Sau khi ổn định chỗ ngồi trên xe, mỗi người chúng tôi được Thầy phát cho 1 tờ giấy bài hát “an lòng”.Tôi gọi như vậy vì mỗi khi cùng nhau cất tiếng hát chung, những lời bài hát rất đơn giản, rất bình thường đi thẳng vào trong suy nghĩ, vào trong tình cảm trắc ẩn của mỗi người, mà ta không hề có sự nghi ngờ gì về cái thiện, cái tâm, như soi sáng tâm hồn mình.
Chúng tôi đã cùng hợp ca, đã cùng bắt đầu hòa hợp bằng những bài hát, một cách dễ dàng đến với nhau, một khởi đầu cho chuyến thật quá đỗi an lành, thảnh thơi.
Tầm 11h30’ chúng tôi đã đến điểm tập kết ờ thị xã Lagi. Ý thức được đây là tu tập, không phải du lịch nên tôi cũng chuẩn bị tinh thần sẽ ở tập thể phòng to thật to có nhiều người. Nhưng không phải, Thầy đã bố trí và sắp xếp chổ ngủ nghỉ sạch sẽ và hợp lí nhất. Nữ được tách ra ở 1 dãy nhà trọ nhỏ, mỗi phòng có 4 người, điện nước đầy đủ. Còn Nam thì ở dãy nhà kế bên.
Chỗ trưa nay chúng tôi khất thực được gọi là Chòi Mây Trắng ở bên kia đường cách tầm 30m. Chòi Mây Trắng nằm len lỏi sau khu vườn điều mát mẻ và xum xuê, Thầy cho dựng nên mái tôn và đất xi-măng, chúng ta có thể cùng nhau ngồi ở đó ăn giữa thiên nhiên và gió trời. Thầy đã liên hệ người nấu để sẵn thức ăn chay ở trên 1 bàn gần ngoài hiên nhà phía trước. Chúng tôi lần lượt xếp hàng để lấy cơm. Ai ăn bao nhiêu thì tự lấy bấy nhiêu trong phần cơm của mình. Chúng tôi không dọn ra để tất cả ăn chung vì tránh tình trạng thừa mứa thức ăn và không thể dùng lại được. Tôi được hiểu rằng: mỗi người phải tự chịu trách nhiệm phần thức ăn mà mình đã xới.
Nâng bát không
Tay nâng chiếc bát không
Tôi biết rằng trưa nay
Tôi có đủ may mắn
Để có bát cơm đầyQuá đường là nghi thức truyền thống của Phật giáo, hành giả quán niệm về năm phép quán trước khi ăn, và dĩ nhiên không được nói chuyện trong lúc thọ thực. Phật dạy ta khi ăn nên duy trì chánh niệm, để ý tới thức ăn và tăng thân bao quanh mà đừng suy nghĩ vẩn vơ về quá khứ hoặc tương lai. Đại chúng nghe tiếng chuông nhiếp tâm thực tập năm quán:
Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác của nhiều người.
Xin nguyện sống trong chánh niệm và lòng biết để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.
Xin nhớ ngăn ngừa những tật xấu, nhất là tật ăn uống không có chừng mực.
Chỉ xin ăn những thức có tác dụng nuôi dưỡng và ngăn ngừa tật bệnh.
Vì muốn nuôi lớn tình huynh đệ và thành tựu chí nguyện độ đời nên chúng con xin thọ nhận thức ăn này.
Sau khi nghe 3 tiếng gõ chuông của thầy Viên Ngộ và nghe đọc năm quán, chúng tôi bắt đầu dùng cơm. Tôi biết có nhiều bạn sẽ thấy hơi không thoải mái với việc ăn trong chánh niệm như thế này, đúng rằng ở nhà, chúng ta thường vừa ăn vừa xem tivi, vừa đọc báo hay cùng nhau nói chuyện rôm rả. Còn ở đây, chúng tôi lặng lẽ quan sát thức ăn và chậm rãi ăn trong sự tỉnh thức, biết rõ mình đang ăn cơm. Chỉ đơn giản như vậy thôi, mà các bạn trẻ đã lần đầu đã hiểu được sự quý giá sâu sắc của bữa khất thực Quá đường mang lại.
Sau bữa trưa, mọi người được trải nghiệm “Buông Thư”. Hai từ này đều có thể gắn vào chữ “thả” phía sau để dễ hiểu hơn. Mình được hiểu như là phút nghỉ trưa thật sự, thong dong cõi lòng, không nghĩ chuyện quá khứ, tương lai. Hiện tại ta đang rất thảnh thơi, thư thả càng buông tất cả để hòa quyện vào sự nghỉ ngơi của thân tâm. Chúng tôi cùng nằm sát bên nhau, mỗi người có một khoảng không gian nhất định và trật tự, cùng buông thư với sự hướng dẫn của Sư cô Huệ Hưng:
Nằm ngửa thoải mái, hai cánh tay buông xuôi. Thư giãn toàn thân. Ý thức tới sàn nhà hay nệm giường dưới lưng và cảm nhận sự tiếp xúc giữa lưng với sàn nhà hay nệm. Để cho thân chìm xuống.
Bây giờ hãy chú ý đến hơi thở vào, ra. Theo dõi hơi thở và chú ý đến sự phồng, xẹp của bụng.
Thở vào... thở ra... Ta thấy toàn thân nhẹ... như một cánh bèo trôi trên mặt nước...
Không cần đi đâu... Không cần làm gì... Ta tự do như mây bay...
Chú ý tới hơi thở... về sự phồng xẹp của bụng.
Theo dõi hơi thở...
Tôi chưa từng được Buông Thư , tiếng đọc trầm nhẹ của Sư cô khiến tôi như chìm nhẹ vào không gian, chỉ còn tâm này ở lại với thân này, lắng nghe từng hơi thở và nhịp đập từng thớ thịt, con tim. Một sự nhẹ nhàng như bay bổng, ta hòa quyện vào chính thân thể ta, để hiểu rằng nó cần được nghỉ ngơi, buông mình và thư giãn. Ta ôm ấp từng bộ phận của cơ thể, gửi tình thương, lòng biết ơn và quan tâm chăm sóc theo từng hơi thở vào, ra.
Sau giờ buông thư, kế đến chúng tôi được lắng nghe buổi Pháp Thoại của thầy Viên Ngộ. Những câu hỏi mà trong lòng chúng tôi thắc mắc, Thầy đã chia sẻ cặn kẽ về câu “Thảnh thơi trong ràng buộc” rằng:
Nhu yếu của con người là mong sao cho đời sống của mình luôn luôn được thảnh thơi, an vui và hạnh phúc. Để đạt được mục đích đó, con người cần phải cố gắng, nỗ lực suy tính và vạch ra nhiều phương cách nhằm đáp ứng thỏa mãn các nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ít ai có thể thực hiện được điều này, vì mỗi khi trong tâm ta vẫn còn hiện hữu sự tham vọng cầu toàn và cố tránh né những gì bất như ý xảy ra, thì đỉnh cao của thảnh thơi và hạnh phúc sẽ vắng mặt, ẩn tàng. Do vậy, để được tự tại, thảnh thơi trong mối liên hệ chằng chịt đó là vấn đề không phải ai ai cũng có thể thực hiện được, đòi hỏi chúng ta phải thường trực quán niệm, soi chiếu thân tâm mình và hoàn cảnh đương tại, mới có thể thoát ra khỏi mọi xiềng xích giam giữ của bản ngã tham sân si.
Tôi biết rằng khi quay trở về cuộc sống xã hội, lần nữa chúng tôi phải đối diện với những điều Thầy Viên Ngộ đã nói, vậy liệu có thể thoát khỏi xiềng xích của ràng buộc hay không, chúng tôi có được thảnh thơi hay không. Thầy còn chia sẽ, chúng tôi phải biết “tê tê”, là viết tắt của hai từ “tt”, nghĩa là “tỉnh thức”. Mỗi bản thân chúng ta, luôn luôn phải lắng nghe hơi thở của chính mình, để hiểu được có những điều tự nhiên là thế, chúng tôi không nên cố gắng thay đổi, mà chỉ cần cảm nhận một cách sâu sắc những gì đang diễn ra. Như vậy thân tâm mới hợp nhất, lúc nào cũng được nhắc nhở trong sự “tỉnh thức”. Sẽ luôn được an vui dù có bao điều vây quanh giữa xã hội xô bồ.
Sau buổi Pháp Thoại, chúng tôi tiếp tục được trải nghiệm khai mở kiến thức về Thiền Xông Hơi của anh Nguyễn Văn Tứ. Với tâm nguyện được góp sức chung tay đẩy lùi bệnh tật, bảo vệ sức khỏe con người và thêm những điều lợi ích đến với xã hội, anh Tứ đã mang những sáng tạo của mình về Lều Xông Hơi để ứng dụng chữa bệnh miễn phí cho cộng đồng. Anh là một người có tâm huyết, qua cách anh trình bày những phương pháp mà anh tự nghiên cứu, đó là cả một công trình và cái tâm.
Chiều, 4h, chúng tôi sẽ cùng nhau về với biển, ra đến biển. Đây là một buổi pinic đúng nghĩa. Chúng tôi mang theo thức ăn rồi bày ra trên bãi cát, mỗi người một việc sắp xếp nồi, chén, dĩa, bếp, bàn, ghế …, rồi cũng như khất thực, phần ai nấy lấy cho vào tô của mình. Chỉ khác một tí là chúng tôi tha hồ muốn ngồi đâu thì ngôi, rải rác trên khắp bờ biển Lagi.
Có nhóm tụm 5, tụm 7, có nhóm ngồi vòng tròn, điển hình là quý Thầy và Sư cô thì vẫn ăn trong chánh niệm. Tôi chọn cho mình một góc riêng gần đó, gần với khóm lửa trại hình tam giác mà các anh trong đoàn vừa dựng lên. Tôi quyết định ăn trong chánh niệm vì tôi thích những phút giây như vậy, tôi cảm thấy hạnh phúc và thư thả khi tập trung làm điều đơn giản, như là ăn.
Có lẽ tất cả ai có mặt trong buổi pinic “Thảnh thơi trong ràng buộc” đều không quên hình ảnh mặt trời dần tắt lịm. Ánh hoàng hôn cuối cùng trên biển, trước khi vụt tắt đã để lại một sắc màu đỏ cam cùng những làn mây được tô họa trên nền trời một cách lạ lùng. Như một bức tranh hoàng hôn liên tục chuyển đổi sắc thái và đi theo cảm nhận riêng biệt của mỗi người chúng ta. Chung qui, tất cả chúng tôi đều tập trung ngắm hoàng hôn và cùng hứng thú trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng, mỗi buổi chiều, đều là như vậy đó, hiếm khi nào chúng ta nhận ra những khoảng khắc đẹp luôn hiện hữu chung quanh.
6h chiều, buổi ăn kết thúc. Chúng tôi tiếp tục quây quần bên nhau thành vòng tròn có cái tâm ở giữa là đống lửa to ban nãy vất vả dựng nên. Mọi người cùng ngồi bên nhau và sẽ hát những khúc ca trầm lắng, được hòa nhịp tiếng đàn ghi-ta của thầy Viên Ngộ và ánh đèn soi sáng nhiệt tình trong đêm của em Minh (cameraman), người quay phim giờ là anh Tứ. Chúng tôi lại có dịp ngân nga nhịp điệu, lại cùng nhau nguyện chảy “như một dòng sông” chứ không làm “hạt nước nhỏ”.
Tiếp tục dưới ánh lửa bập bùng, chúng tôi dưới sự hướng dẫn của anh Hà, cùng nhau chơi trò chơi tập thể, về sự vượt qua nỗi sợ và đại đoàn kết.
Kết thúc trò chơi, ai nấy cũng đều rất vui vẻ, hoan hỉ, cảm thấy thực sự được vui được chơi hết mình và xích gần nhau hơn. Ban đầu tưởng chừng như không ai quen ai, qua 1 ngày cùng nhau lắng nghe, cùng nhau học hỏi nhiều điều, chúng ta hòa nhịp đập hơn.
Ngày thứ hai của “Thảnh thơi trong ràng buộc”, ngày 21 tháng 04 năm 2013.
Sáng 4h30’, cái giờ mà nếu ở phố xá thành thị, người ta đang ngon giấc nhất, thì chính là giờ chúng tôi “thức tỉnh”. Tôi gọi là “thức tỉnh” vì khi mở mắt tôi biết mình sẽ có hạnh phúc, những thảnh thơi. Chúng tôi cùng nhau đi bộ từ nhà nghỉ đến bãi biển, cũng con đường tối qua được đi xe buýt, giờ là đi bộ, để cảm nhận khí trời xung quanh thay đổi như thế nào.
5h00’ chúng tôi đã ra đến biển. Bình minh nhuộm một màu xám nhạt nhẹ nhàng thay cho màu đen huyền của đêm. Vẫn còn đọng lại sắc xám vì mặt trời vẫn chưa kịp hé lộ. Chúng tôi sẽ ngồi trên bãi cát, mặt hướng ra biển, cùng nhau nhắm mắt và bắt đầu Thiền. Trong không gian tĩnh lặng, chúng tôi lắng nghe từng tiếng, từng nhịp của sóng ngoài kia, sóng vỗ rì rào, sóng vỗ lần lần, lần đến cả tâm người, thân ta đây, tâm ra vẫn hiển hiện quanh đây.
Và cũng thật giản đơn,
Đừng nghĩ chuyện quá khứ,
Đừng toan tính tương lai,
Hiện tại thật nhiệm màu,
Quay trở về hơi thở.
Sau khi ngồi Thiền mười lăm phút, chúng tôi tiếp tục hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc lắng đọng cùng biển, chúng tôi bắt đầu “Thiền hành”. Hành là đi, nghĩa là vừa đi vừa Thiền. Đi dọc bãi biển, không miên man vướng bận. Hòa nhịp vào bàn chân khẽ chạm cát trắng, ta cứ thấy xào xạt dưới chân mình, rồi bước đi ung dung, lại vẫn là tiếng sóng bên tai. Chân ta đi, tai ta lắng nghe, mắt ta quan sát mỗi bước đi. Có khi ngừng lại để cùng nhau cảm nhận rõ hơn về biển cả bao la ngoài xa kia, hoặc đồi dương ở phía sau. Mỗi người chúng ta đều có một sợi dây liên kết với nhau, với cuộc sống và với cả thế giới xung quanh!
Buổi Thiền đã xong, ai cũng cảm thấy hạnh phúc dâng trào, năng lượng tràn đầy. Thế là chúng tôi đổ xô ra biển chụp hình và cùng nhau tắm biển, thật là thích. Các bạn trẻ lúc nào cũng căng phồng nhiệt huyết. Tiếp tục rủ nhau chơi trò chơi tập thể ngay sát bờ biển, những trò chơi cùng nhau rất vui vẻ, không phân biệt lứa tuổi hay bất cừ điều khác, chỉ cần vui cùng nhau là được.
Đến 9h, chúng tôi lại được ngồi cùng nhau, mỗi người đều có thể đặt câu hỏi, gọi là buổi Vấn Đáp về những thắc mắc trong lòng mỗi người liên quan đến sự bình an, thảnh thơi hay ràng buộc của cuộc sống, làm cách nào để hóa giải những điều phiền muộn như vậy. Tôi đã từng được khuyên “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Tôi luôn muốn lắng nghe nhiều hơn, vì tôi cảm thấy khó mà ngộ ra được những lẽ thường nhưng sâu sắc của Phật giáo. Thói quen muốn được thỏa mãn những mong muốn, sở hữu những gì mình ưa thích, luôn là sợi dây trói buộc vô hình nếu như ta bất chấp tất cả không nhận ra nó. Thường chúng ta luôn sinh ý niệm “làm thế nào để có tự do và hạnh phúc ngay trong cuộc đời này”, chính ý niệm đó là điều mà nếu không được sẽ mãi băn khăn. Chúng ta chỉ cần đi theo quy luật của dòng chảy.
Cũng như thầy Viên Ngộ chia sẻ lời mẹ dạy: “Con ơi khi làm việc gì thì phải có ý, có tứ nghe con!”. Ta nên trân trọng và chú tâm hơn vào công việc đang làm. Có ý tức là chúng ta phải để hết tâm ý vào những gì mình đang tiếp xúc. Có tứ, tức là quan sát sự việc diễn ra đó một cách rõ ràng, tường tận và trung thực. Như vậy, “có ý, có tứ” là thân và tâm phải hoàn toàn hiện hữu bên nhau, đồng thời trọn vẹn những gì đang xảy ra ở giây phút hiện tại. Nhờ đó ta dễ dàng làm chủ được chính mình và bình thản trước những đổi thay của nhân tình thế thái.
Nhiều bạn trong khóa tu đã có những câu hỏi, những thắc mắc với mong muốn thông suốt cõi lòng hơn. Các quý Thầy và quý Sư cô đã trả lời một cách nhẹ nhàng, chân tình và cụ thể với những gì mà Thế Tôn đã giảng dạy.
Tôi cũng có một vài câu hỏi chất chứa, nhưng sau một hồi chờ đợi, những câu hỏi của tôi cũng chính là những câu hỏi mà các bạn hỏi trước đều đã đặt ra. Tôi cảm thấy hăng hái hơn cho tất cả phương pháp mà quý Thầy và Sư cô giải đáp. Chúng tôi tin rằng, chúng tôi đã được học nhiều hơn về cuộc sống này, vốn dĩ là như thế, đừng nên quá đòi hòi, quá mong muốn, tạo lòng tham sân si mà tự ràng buộc cõi lòng mình. Hãy cứ thảnh thơi giữa ràng buộc, là thành thơi dù xã hội và chung quanh có thay đổi như thế nào. Đó là một lẽ của hai từ “tỉnh thức” mà thầy Viên Ngộ luôn muốn chia sẻ cùng chúng tôi.
Những câu hỏi cứ dường như muốn tuôn ra bất tận, nhưng thời gian có hạn. Chúng tôi tạm gác lại những thắc mắc, hi vọng khóa tu tới sẽ còn tiếp. Sắp đến giờ khất thực buổi trưa. Xong bữa trưa vẫn với thức ăn chay đáng trân quý và cũng rất ngon. Chúng tôi được phép ngơi nghỉ tự do.
14h30 là buổi Trà đạo cuối cùng của chuyến đi.
Tôi thích uống trà, và hôm nay chúng tôi được thưởng thức Trà đạo. Vừa ngồi bên nhau uống trà, chúng tôi vừa được sẻ chia cho nhau những cảm xúc, suy nghĩ của mình với chuyến đi với khóa tu “Thảnh thơi trong ràng buộc”.
Tôi mượn một dòng trích dẫn trong quyển “Hạnh phúc tùy cách nhìn” của Thầy Viên Ngộc để nói về trà đạo:
Trà thơm một chén nâng trên tay
Ý lặng hòa chung cảnh hiện bày
Hương trà tỏa ngát tâm tỏ rạng
Thâm sâu trà đạo ở nơi đây.
Từng ngụm trà được uống cạn, và cũng từng dòng sẻ chia được giải bày. Những bạn trẻ đều có những bất ngờ trước chuyến đi cũng là khóa tu đầu tiên mà các bạn trải nghiệm, các bạn mong muốn lần sau sẽ được đi nữa và cũng muốn bạn bè của mình được san sẻ hạnh phúc, tham gia cùng. Những bạn đang là nhân viên văn phòng hay phải bươn chải thì cảm giác thoải mái hơn, khỏe khoắn hơn vì đã trải qua sự thư thái mà khóa tu mang lại. Thay vì những chuyến du lịch khác cũng rất thoải mái nhưng đều mệt lữ khi trở về, khác hẳn.
Lần lượt, lần lượt từng người đều nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình. Chúng tôi đã hòa làm tiếng nói chung rằng đây là một chuyến đi bổ ích và hoàn toàn có được sự thong dong ở cõi tâm hồn. Dù chưa ngộ ra được nhiều điều sâu xa, nhưng mỗi chúng ta, đã học được nhiều điều lạ, hay. Chẳng hạn như “có ý có tứ”, “tỉnh thức”, “vẻ đẹp của cơn giận”…
Riêng bản thân tôi, tôi cảm thấy mình đã được trở lại đường ray (tàu lửa) của Phật giáo sau một thời gian dài phải “lang thang” cõi lòng ngoài xã hội đầy cám dỗ kia. Khóa tu là một duyên may để lần nữa tôi trở lại nhìn nhận bản thân mình, nhìn nhận những chân giá trị của cuộc sống mà dù ở ngoài kia, cố gắng mãi tôi vẫn không thoát ra được.
Chúng con vô cùng biết ơn đến quý Thầy, quý sư cô đã tổ chức khóa tu THẢNH THƠI TRONG RÀNG BUỘC hết sức tràn đầy ý nghĩa, giúp cho chúng con tạo dựng nếp sống an vui và hạnh phúc ngay trong cuộc đời này.
Sài Gòn, ngày 24/04/2013
Nguyễn Thị Kim Phụng
BÌNH LUẬN