Bản tin Ngày An Viên trên Truyền hình An Viên tối ngày 23/7/2012 đã bắt đầu nói đến việc xây dựng lại chùa Hội Sơn, vừa mới bị hỏa hoạn. The...
Bản tin Ngày An Viên trên Truyền hình An Viên tối ngày 23/7/2012 đã bắt đầu nói đến việc xây dựng lại chùa Hội Sơn, vừa mới bị hỏa hoạn. Theo đó, vì chùa là di tích lịch sử văn hóa nên cần xin ý kiến của cơ quan văn hóa có chức năng. Bản tin kết thúc ở việc nói đến việc phục chế, nhưng cũng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
Nếu cơ quan văn hóa chức năng hỗ trợ kinh phí phục chế một di tích lịch sử văn hóa thì đó cũng là lựa chọn duy nhất, không có gì phải bàn luận. Nhưng nếu phía Phật giáo đảm nhận kinh phí trùng tu thì sao? Phục chế một ngôi chùa cổ với chính điện diện tích nhỏ, quy mô thế kỷ XVIII bằng gỗ quý, hoặc xây mới một ngôi chùa đồ sộ hơn bằng bê tông, có cùng một kinh phí, thì sẽ theo hướng giải quyết nào?
Phục chế cổ vật thì bao giờ cũng hết sức tốn kém, càng tốn kém hơn nữa nếu phải dùng gỗ quý như nguyên bản. Dù sao thì bản phục chế cũng không còn là cổ vật, mà chỉ là bản sao chép. Giá trị của nó cũng tới đó, không thể nào so sánh với bản nguyên gốc được.
Theo chúng tôi, nếu phải rơi vào tình huống cần chọn lựa một trong hai phương án thì nên thảo luận rộng rãi lấy ý kiến nhiều nguồn trước khi quyết định. Nếu Phật giáo chịu kinh phí trùng tu, và di tích lịch sử coi như không còn vì đã bị hỏa hoạn thiêu rụi, thì riêng tôi, tôi chọn phương án 2, xây mới với quy mô lớn.
Nếu phục chế, thì vẫn có thể khôi phục với kiến trúc cũ, nhưng chi phí lớn mà diện tích nhỏ. Điều tốn kém là hiển nhiên, mà bản sao chép thì giá trị cũng rất giới hạn. Việc hành đạo hôm nay cần một diện tích phù hợp với chùa ở thế kỷ XXI. Xây mới bằng bê tông, không dùng nhiều gỗ quý làm cột lớn như đối với chùa cũ, chi phí có thể thấp hơn với diện tích có thể rộng lớn hơn. Phục chế, chúng ta chỉ có được bản sao của cổ vật, không phải tìm lại được cổ vật đã bị cháy. Trong khi diện tích nhỏ hẹp của chùa cổ như thế kỷ trước đã không đáp ứng nhu cầu hành đạo hiện đại.
Chúng ta cũng cần chú ý đến khung cảnh và vị trí của chùa Hội Sơn. Đó là một triền đồi rất đẹp, nằm bên sông Đồng Nai cây cối xanh tươi, rất thích hợp cho một trung tâm tu học lớn của Phật giáo, dành cho cả tu sĩ lẫn Phật tử. Cảnh quan vừa có đồi, vừa là vườn cây, vừa là bến bên sông rộng như thế bây giờ rất hiếm. Tu học trong một khung cảnh nên thơ, đẹp đẽ, thanh tịnh như thế thì không gì bằng. Cho nên, thiết tưởng nên hướng về việc xây dựng ở đó một trung tâm tu học lớn.
Điều lưu ý thứ hai là vị trí. Chùa Hội Sơn nằm ở khoảng giữa 4 tỉnh thành kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là một vị trí trung tâm của khu vực, thuận tiện quy tụ Phật tử từ nhiều tỉnh. Cảnh đẹp, vị trí thuận tiện, cộng với không gian rộng rãi. Nếu thêm vào đó yếu tố cơ sở vật chất đầy đủ, hoàn thiện, Phật giáo chúng ta sẽ có thêm được một trung tâm tu học với nhiều mặt thuận lợi.
Bài viết này đương nhiên tán thành việc phục chế nếu có cơ quan văn hóa chức năng đảm nhiệm kinh phí. Nhưng nếu là tịnh tài do quyên góp cúng dường, phía Phật giáo đài thọ, thì nên coi trọng hơn những yêu cầu của việc hành đạo hôm nay.
Minh Thạnh
BÌNH LUẬN