Thi ca phải chăng là tiếng hát của con người từ muôn thuở đến muôn nơi trên mặt đất? Tiếng hát ấy đã bay dậy rung ngân qua cung bậc nhân s...
Thi ca phải chăng là tiếng hát của con người từ muôn thuở đến muôn nơi trên mặt đất? Tiếng hát ấy đã bay dậy rung ngân qua cung bậc nhân sinh vừa ngậm ngùi trầm thống vừa hùng tráng thênh thang, hòa quyện nhau trong cõi lòng chan chứa giữa mộng đời vĩnh cửu thiên thu.
Từ những cảm hứng diệu kỳ, nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã bước xuống dòng sông tâm thức lung linh tĩnh lặng mà Chèo Vỡ Sông Trăng1 trên con thuyền hồn phiêu nhiên qua khắp mọi miền biển rộng sông dài, rong chơi thong thả và ung dung nhàn hạ.
Đã tự bao giờ, người thi sĩ lên đường dấn mình vào cuộc khám phá cánh đồng vô tướng, khu rừng huyền mặc tâm linh. Chuyện ấy khác hẳn với chuyện chinh phục vũ trụ hay khai khẩn thiên nhiên. Bởi vì cảnh giới đó không thể chỉ trỏ, cầm nắm gì được mà chỉ âm thầm trực nhận, lặng lẽ thấy biết thôi, nên ghềnh và thác, núi và đèo ở đây là thác ghềnh của tâm chấp trước vào âm thanh, là đèo núi của tâm dính mắc vào sắc tướng. Cần phải vượt qua và vượt qua:
Qua sông bèn gọi con đò
Nôn nao lá rụng hai bờ sắc không
Qua sông giữa cuộc phiêu bồng
Mới hay trăm sự trăng lồng nước xuôi.
Khi thấy được mọi sự ở đời như trăng lồng trong bóng nước chảy trôi thì bao nhiêu trĩu nặng, oằn vai trong cõi người ta bỗng chốc tan biến và đương nhiên nhà thơ liền thấy nhẹ nhõm, cất bước tung tăng, chẳng còn chi nặng nề trầm trọng âu sầu:
Dẫu như mây hiện giữa trời
Chút tình trăng nước tạc lời làm vui
Mười phương gió cát bồi hồi
Mười phương hoa cỏ nụ cười mênh mông.
Có lẽ đó là nụ cười của Ma-ha Ca-diếp trong tích niêm hoa vi tiếu thuở nào trên tuyệt đỉnh Linh Sơn rờn mây trắng hay nụ cười vô sự của thiền sư xuống núi hoặc nụ cười của thi sĩ huy hoàng sáng tạo vô biên những phương trời thi ca bát ngát mênh mông:
Đạo tình nửa nhớ nửa quên
Chừ ta ở lại giữa miền bụi bay
Thơ còn mây trắng phương tây.
Thì lòng thi sĩ tháng ngày còn xanh.
Trên dặm trường sương gió ra đi, thi nhân ngây ngất sững sờ giữa quên và nhớ cũng như giữa có và không, giữa mộng và thực, giữa mê và ngộ… Hai trạng thái chỉ cách nhau kẽ tóc đường tơ, nhưng thực ra chẳng khác nhau gì cả mà hòa nhập tương dung tương tức, bất nhị tự thuở nào rồi:
Đạo đời một mối khôn phân
Tình thiên thu nọ mà gần mà xa
Dòng lên dòng xuống cũng là.
Đầu nguồn cuối biển sương pha mấy màu.
Mấy màu sương pha hỡi dòng đời suối đạo? Thôi chớ bận tâm, đừng có mơ màng mộng mị chi thêm nữa mà hãy bất động rỗng rang với lòng thanh thản an nhiên. Tuyệt diệu làm sao! Bước đi vô sở trú, vô sở cầu, vô sở đắc của Đạo và Thơ giữa ta-bà huyễn mộng phù du:
Ngàn xưa Đạo xuống thảo lư
Trăng vàng ghé đọc tương tư mấy mùa
Ngàn sau Thơ xuống hiên chùa
Chỉ nghe lá rụng gió lùa lạnh hiu.
Dìu dặt thần hồn giữa trăm miền quyến rũ đầy âm thanh và màu sắc mà nhà thơ chẳng mắc dính ràng buộc vào đâu cả vì đã giã từ, buông xả sạch trơn hết rồi. Đến nỗi bỏ luôn phồn hoa đô hội, trút hết mộng mị thị thành để đơn thân độc mã, một mình một bóng lặng lẽ âm thầm lên tận chốn non cao giữa rừng sâu rú thẳm cắt cỏ lợp tranh, trồng hoa vàng gầy trúc biếc, dựng lên cảnh thần tiên Huyền Không Sơn Thượng. Một cảnh giới diệu thường, phưởng phất ngợp đầy thiền vị thi ca giữa trời thơ đất mộng. Bồng tênh lênh láng lãng đãng sương mù và mây trắng chập chùng bay lượn suốt sớm trưa chiều tối phiêu diêu. Tiêu dao tiêu sái, nhàn nhã thưởng ngoạn trăng ngàn bàng bạc ngân nga:
Tạ từ xuôi ngược bể dâu
Tạ từ danh tướng sắc màu thế gian
Non sâu đã lặng tiếng đàn
Đêm đêm nguyệt trúc gió ngàn vô thanh.
Thanh thoát khinh an, thi nhân nhẹ nhàng lắng nghe cung đàn vô thanh vi vu vi vút vọng về. Để rồi, mỗi sớm tinh sương óng ả hay những buổi chiều tà hoang lương cô tịch, bình yên thả bước dạo vòng quanh qua nhịp cầu Lãm Thương dịu ngát hương sen rồi rong rêu qua hồ Thủy Nguyệt xanh ngần bóng núi trầm hùng, nhẹ mỉm cười với mấy vần thơ đung đưa thư pháp bên hiên am Mây Tía hay thỉnh thoảng, đôi khi cùng tâm sự với hoa vàng, trúc biếc lung linh huyền ảo dưới ánh trăng ngà long lanh lấp lánh:
Qua vườn thăm thảm cỏ xanh
Thăm câu lục bát thăm cành liễu trơ
Có khi trăng động mặt hồ
Bóng hồn lẫn với bóng thơ bồng bềnh.
Bềnh bồng thanh khí, thở cùng hồn thiêng sông núi thiên nhiên. Huyền Không Sơn Thượng gợi nhớ đến cảnh giới tuyệt vời Lô Sơn mà Tuệ Sỹ giới thiệu trong Tô Đông Pha – Những Phương Trời Viễn Mộng: “Lô Sơn hùng vĩ phiêu bồng nhưng u ẩn. Lòng núi giấu kín những tâm sự nghìn năm không nói, lòng núi ủ kín những cuộc đời trầm mặc, những thân thể khô gầy như hạc như trúc, những tâm hồn nguội lạnh như tro tàn mùa đông. Núi âm thầm cho gió ngàn gào thét cho mây trời vần vũ và những dòng thác từ trên tuyệt đỉnh cao mù đổ ào xuống. Lô Sơn đồng vọng một cõi thi ca bát ngát. Cõi thi ca trùng trùng điệp điệp những ẩn ngữ kỳ diệu2. Ẩn ngữ ấy được Minh Đức Triều Tâm Ảnh nhận biết là hơi thở trong vô biên và là nụ cười trong thực tại:
Chừ vô biên chỉ còn là hơi thở
Và nụ cười bất diệt khắp quanh đây
Đời đạo sĩ con còng già bỏ tổ
Hóa thân làm lau cỏ ngát đồi tây.
Ngày tháng phiêu nhiên, tuế nguyệt phiêu bồng mở ra bát ngát cõi thi ca lồng lộng để hồn thơ phiêu diêu sương khói vô vi, quên ta quên người, quên thân quên thế, quên mộng quên thực, quên hết xưa sau. Chỉ còn lại hương vị cô liêu với tình yêu thương không đối tượng mà chứa chan bao cảm mộ giao hòa:
Qua cầu bỏ bóng quên mình
Bóng bao nhiêu ảnh mê tình bấy nhiêu
Cỏ xanh liễu biếc yêu kiều
Thế thân sương khói phiêu diêu mấy bờ.
Trên ngõ về im lặng, nếu ngày xưa nhà thơ Phạm Thiên Thư có lần mơ ước một ngày nào đó sẽ lên núi rừng cao thẳm lập am mây bên động hoa vàng để tự do ca hát say sưa cho thoải mái:
Mai sau trời đất thái bình
Về lưng núi phượng một mình túy ca
Gây giàn thiên lý vàng hoa
Lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây3.
Thì hôm nay, Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã thực hiện được ước mơ đó một cách ngoạn mục như ý rồi.
Người thơ buông xuống; xả ly hết mọi danh lợi thị phi, ghét thương sướng khổ, hơn thua phải trái… để thể nghiệm niềm tự do tự tại ngay nơi bản thân và đã cảm ngộ vô ngần niềm tự tại tự do đó giữa nhật nguyệt thiên địa, mưa nắng gió trăng, cỏ hoa mây nước, sương ngàn núi biếc quyện hòa trên cung cầm vô sự, cung bậc Nhất Như:
Lối nhỏ qua cầu bóng thảo lư Vườn thơ vườn cỏ dáng khiêm từ Mấy mùa lặng lẽ màu thanh thủy Bao độ u nhàn nghĩa cổ thư
Trăng ghé hồ trăng không lại có
Gió xao cành gió thiệt rồi hư
Hốt nhiên tâm ý đàm hương quyện
Soi tỏ trời chiều một chữ Như.
Chữ Như của Minh Đức Triều Tâm Ảnh khiến cho sực nhớ lại chữ Như của Thiền sư Phước Hậu:
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lại đà quên hết
Chỉ giữ trên đầu một chữ Như.
Như thị như nhiên, như vầy như thế, như thơ như nhạc, như có như không, như kinh như kệ, như thật như huyễn… và Như chính là Không tánh, là chân lý tối hậu:
Bài kinh đi suốt cuộc đời
Đêm nghe gió nổi tiếng lời sạch không
Chừ đây một cõi phiêu bồng
Chỉ còn ta đứng mênh mông bóng mình
Muôn xưa bóng bọt đăng trình
Muôn sau bóng bọt tấp ghềnh chiêm bao.
Tâm Nhiên – Tạp chí VHPG số 160
(theo VHPG Blog)
Chú thích:
1. Thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Hội VHNT Thừa Thiên Huế xuất bản 1993.
2. Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha – Những Phương Trời Viễn Mộng. Nhà Xuất bản Văn Hóa Sài Gòn. Tái bản lần thứ 3. TP. HCM. 2008
3. Động Hoa Vàng – Thơ Phạm Thiên Thư (đoạn 96-100)
BÌNH LUẬN