Lịch sử nhân loại ghi nhận, cách đây gần 3000 năm, tại khu rừng Ưu-lâu-tần-loa, bên dòng sông Ni-liên-thiền ngoại ô thành Vương-xá, nước Ma-...
Lịch sử nhân loại ghi nhận, cách đây gần 3000 năm, tại khu rừng Ưu-lâu-tần-loa, bên dòng sông Ni-liên-thiền ngoại ô thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà (nay thuộc thị trấn Gaya, tiểu bang Birha, Ấn độ) có một con người với sức mạnh phi thường đã tự thân tìm ra chân lý giác ngộ, chấm dứt hoàn toàn tiến trình sinh tử luân hồi, vĩnh tận mọi trói buộc đau khổ do tham lam, sân hận và vô minh chi phối. Đó chính là đức Thế Tôn, Chính Đẳng giác, bậc thầy của trời người, Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Thời khắc thành đạo của ngài dưới cội cây Tất-bát-la xum xuê cành lá là sự kiện hy hữu, đánh dấu cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện bản thân, chiến thắng cả nội giới lẫn ngoại giới, mở ra kỷ nguyên bình đẳng, vị tha, hiểu biết và yên thương, đưa nhân loại tiến lên con đường an vui vĩnh cửu.
Công trình tâm linh mà đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như lai đã xây dựng chính là chân giá trị tuyệt đối bền vững với thời gian vô biên và không gian vô tận. Bằng trí tuệ của sự tỉnh thức và tình yêu thương chúng sinh không hạn lượng, người đã dành trọn 45 năm còn lại của cuộc đời 80 tuổi đi khắp nơi giáo hóa chúng sinh, thiết lập nên một xã hội an lành, bất bạo động, góp phần xua tan hận thù hẹp hòi ích kỷ, dựng xây nên tịnh độ nhân gian bằng chất liệu của sự vững chãi, vị tha bao dung và hòa hợp đoàn kết.
Với ý nghĩa cao cả ấy, tối ngày 26 tháng 01 năm 2015, nhằm ngày mùng 07 tháng 12 năm Giáp Ngọ, chùa Bằng (Linh Tiên tự) kết hợp cùng chùa Hoằng Pháp - thành phố Hồ Chí Minh trang nghiêm, thành kính tổ chức đêm hội hoa đăng kính mừng kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo PL2558 – DL2015 và kỉ niệm 17 năm ngày thành lập Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Trí Quảng - Phó chủ tịch HĐTS TW GHPGVN, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TW GHPGVN, bậc ân sư của Đạo tràng Pháp Hoa; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, trưởng ban tổ chức chương trình; Thượng tọa Thích Tiến Đạt - Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban Pháp chế TW GHPGVN, Phó trưởng BTS kiêm Chánh thư ký GHPGVN thủ đô Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Vân - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó ban thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương; Thượng tọa Thích Giác Hiệp - Uỷ viên HĐTS GHPGVN - Uỷ viên thường trực Ban Hoằng pháp TW GHPGVN; Đại đức Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS, Phó thư ký Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN cùng chư tôn đức Tăng Ni trong BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội, chư tôn đức Tăng Ni đến từ các tự viện, tịnh thất trong quận Hoàng Mai.
Về phía chính quyền có: Ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội nước CHXHCNVN; Ông Phạm Tất Thắng - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội nước CHXHCNVN; Ông Chu Mạnh Phúc – Thường vụ Quận ủy, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai; Ông Nguyễn Thế Hùng – Bí thư Đảng ủy phường Hoàng Liệt; Ông Nguyễn Đình Tuất – Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam phường Hoàng Liệt cùng quý vị đại diện các cơ quan, ban ngành sở tại và đông đảo nhân dân, tín đồ Phật tử thập phương và Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa các tỉnh thành miền Bắc cùng về tham dự.
Sau khi cung thỉnh chư tôn đức Tăng Ni quang lâm pháp tòa, đêm hội được chính thức bắt đầu với tiếng xướng kệ thỉnh chuông cúng dường Tam Bảo lắng đọng nhưng đầy thiêng liêng.
Ban nghi lễ cung thỉnh chư tôn đức quang lâm lễ đài để khai mạc đêm hội hoa đăng
Mở đầu chương trình là phần diễn văn khai mạc của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Trưởng Ban tổ chức đêm hội hoa đăng: “Nếu giờ phút đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa đã xảy ra những sự kiện khác thường như quả đất rung động, nhạc trời ngân vang, vườn Lâm-tỳ-ni trăm hoa đua nhau khoe sắc, hương thơm ngào ngạt khắp nơi, chim chóc ríu rít hoan ca hòa cùng với lòng người rộn rã để cùng đón Đấng cứu khổ chúng sinh xuất hiện, thì giây phút thành đạo của đức Bản sư cũng diễn ra không kém vẻ thiêng liêng mầu nhiệm và trọng đại nhất trong cõi đời, nhất là đối với loài người từ vô thủy đến vô chung, đó là sự kiện một Đấng giác ngộ xuất hiện.
“Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đây là một sự kiện trọng đại nhất, kỳ vĩ nhất, khó được và khó thấy nhất đã trở thành hiện thực. Bóng tối đêm trường bấy lâu nay vây phủ con người đã bị xua tan, ánh sáng của vầng thái dương xuất hiện. Thông điệp cứu khổ độ đời đã được ban ra từ một con người nay đã thành Phật, do nỗ lực tự thân, và sự hy sinh đầy gian lao thử thách chiến đấu và chiến thắng từ nội tâm đến ngoại cảnh, trải qua qua nhiều ngày nhiều tháng, giữa rừng sâu núi tuyết trong đơn độc cô liêu: đêm quên ngủ, ngày quên ăn, với đại hùng tâm và đại bi tâm, với chí nguyện độ sinh cao cả”
Với lòng thành kính thiết tha, hàng ngàn Phật tử cùng chư tôn đức đã thành kính hướng lên lễ đài làm lễ nguyện hương.
Và giây phút thiêng liêng nhất trong đêm lễ được hàng Phật tử tứ chúng đón chờ nhất, đó là thời khắc đón nhận ánh sáng trí tuệ từ bàn Phật của Hòa thượng Thích Trí Quảng. Cũng từ đó, ánh sáng được truyền qua cho chư Tôn đức như biểu hiện của sự hòa hợp, kế thừa và phát huy những giá trị của Phật giáo. Từ ánh sáng ấy, HT. Thích Bảo Nghiêm truyền đến cho hàng Phật tử, chính giây phút này trong không gian bao la tĩnh lặng, hàng ngàn người con Phật nhất tâm chí hướng, một lòng thanh tịnh đón nhận ánh sáng từ tình thương và sự che chở của quý Thầy truyền trao, như đón nhận lấy lý tưởng phụng sự, lý tưởng Hoằng pháp độ sinh của quý Thầy. Từng ngọn nến được thắp lên, những tâm hồn như ấm lại để hòa mình trong một khung cảnh lung linh huyền ảo. Ánh sáng ấm áp dần dần lan tỏa, ánh sáng của từ bi và trí tuệ dần rạng ngời giữa đêm đông u tịch, như phá tan đi màn đêm vô minh si ám, ánh sáng của sự giác ngộ đưa những người con Phật như trở về với bến đỗ tâm linh của chính mình, về với sự an lạc từ tận sâu tâm khảm trong tiếng nhạc thiền du dương, êm dịu.
Sau đó là lời đạo từ của Hòa thượng Thích Trí Quảng – Bậc ân sư của Đạo tràng Pháp Hoa. Ngài đã nhắc lại cho đại chúng về ý nghĩa quan trọng của sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, thông qua đó khuyến tấn mọi người hãy duy trì ngọn đèn tâm, nỗ lực tiến tu, giữ gìn cho ngọn đèn tâm của mình luôn sáng để xua tan đi u minh, xua tan đi những nỗi khổ niềm đau, áp dụng những giáo lý Đức Thế Tôn chỉ dạy vào cuộc sống thực tại.
"Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Kính thưa chư tôn đức Tăng Ni
Kính thưa quý vị khách quý cùng toàn thể Phật tử hiện diện trong Đạo tràng
Hôm nay, chúng ta quy tụ về đây để mừng ngày thành đạo của Đức Thích Ca Mâu Ni, và nhận được ánh sáng trí tuệ từ thành đạo của Ngài để soi sáng trở lại lòng mình và hành xử đúng với tinh thần người con Phật. Trước khi Đức Phật ra đời, lúc bấy giờ tại xứ Ấn Độ đã có đến 96 thứ đạo, đều tu hành bằng những phương cách khác nhau. Nhưng khi Ngài ra đời thì Ngài cũng thuận theo thế gian, học hết tất cả kinh điển của ngoại đạo. Với trí thông minh của Ngài, Ngài thấy đây chưa phải là chân lý. Cho nên quyết tâm đi tìm chân lý của cuộc sống muôn đời. Từ đó, Ngài mới dấn thân hành đạo. Chỗ nào có bậc danh tăng thì Ngài đều tới cầu học. Trong tất cả các vị đạo sư lúc ấy, có 2 vị được coi là ưu tú nhất của thời kì này. Đó là ông Aradakalama và ông Udraka-Ramaputra . Hai vị này có tu và có chứng thực. Cho nên tiếp xúc với hai vị này, tâm của Ngài được sáng lên một phần, ta gọi đó là Thành Đạo. Lúc đó, Ngài đi sâu vào thiền quán, trí tuệ của Ngài quan sát lên được 6 cõi trời dục và 18 cõi trời sắc. Sau đó Ngài tiếp tục tới học với Uất Đầu Lam Phất, Thì Ngài nhận ra được trên cõi trời sắc còn có cõi trời không. Đi cùng tột của kiến thức thời bấy giờ, Ngài thấy chưa phải là rốt ráo. Cho nên cuối cùng Ngài trở về cội Bồ Đề mà tư duy để đi sâu vào thiền quán. Lúc bấy giờ Ngài mới nhận ra được con người thật của mình, mà sau này Thiền tông gọi là Bản Lai Diện Mục. Con người thực của mình đó là Phật, cho nên Kinh Pháp Hoa gọi Đức Thích Ca là Cổ Phật Hiện Lại. Thành đạo tức là tìm được con người thực của chính mình, con người đó đã thấy được suốt 3 đời nhân quả: Túc mạng minh - Ngài biết rõ được tất cả các kiếp trong quá khứ, mình đã làm gì và đã trải qua những chặng đường khó khăn nguy hiểm như thế nào. Và kế theo Ngài quan sát hết tất cả mọi người, mọi loài trên thế gian thì Ngài thấy được mối liên quan giữa người và người, vật và người và giữa con người với thiên nhiên. Nó có sự gắn kết mà tồn tại ở trên thế gian này. Đó gọi là Pháp Giới. Cuối cùng, Ngài cũng thấy tất cả những hiện tượng hôm nay thì ở trong tương lai nó sẽ về đâu, cho nên suốt một đời hoằng hóa của Đức Thế Tôn, gặp những chuyện khó khăn, nguy hiểm cũng như gặp những điều thuận trong cuộc sống, Ngài đều vượt qua tất cả. CHo nên chúng ta tin tưởng sự Thành đạo của Đức Phật, đó là sự thật. Và từ đó, Ngài mới truyền ngọn đèn trí tuệ trong tâm mình tới tất cả chúng sinh hữu duyên. Ai có duyên với Đức Phật thì khi nhìn thấy Ngài chúng ta liền khởi tâm cung kính, khi nhìn thấy Ngài thì phiền não tan đi, khi nhìn thấy Ngài thì trí tuệ chúng ta bắt đầu phát triển. Đó tiêu biểu bằng ngọn đèn mà Trí Giả đại sư Ngài đã phát hiện ra được. Cho nên khi phát hiện ra được trí tuệ của Như Lai, Ngài mới nói với tất cả mọi người "Tôi thâm nhập vào hội Linh Sơn, tôi vẫn nghe được Đức Phật Thích Ca đang thuyết pháp" mặc dù Ngài sinh ra cách Đức Phật hơn 1000 năm. Đây là điểm quan trọng nhất mà người con Phật hôm nay chúng ta cần phải suy nghĩ và ứng dụng trong cuộc sống tu hành của mình. Sau đó, tới đời nhà Đường, lúc bấy giờ từ Nhật Bản có một vị cao tăng sang Trung Quốc để học Đạo, đó là ngài Tối Trừng. Khi sang Trung Quốc, Ngài mới tới đảnh lễ tôn tượng của Trí Giả Đại Sư ở chùa Quốc Thanh. Lúc bấy giờ tự nhiên Ngài cũng liền ngộ được yếu chỉ của Đạo mà ở đây chúng ta gọi là thành đạo. Như vậy, Đức Phật Thích Ca thành đạo, Trí Giả Đại Sư thành đạo, Tối Trừng thành đạo, trong 3 trường hợp này có khác nhau. Khi mà Ngài nhận được ánh sáng trí tuệ từ trong con người của Tổ Thiên Thai tỏa ra, lúc bấy giờ Ngài mới mồi ngọn đèn từ chùa này mang về Nhật Bản. Trên đường đi vượt qua trùng dương, kì lạ thay tất cả ngọn đèn ở trong thuyền đều tắt hết. Duy nhất, một ngọn đèn tiêu biểu cho định tâm của Ngài vẫn tồn tại. Và ngọn đèn đó mang về được đất Phù Tang, Ngài để lên ở trên núi Tỉ Duệ, và ngọn đèn ấy tới hôm nay hơn một ngàn năm nhưng mà vẫn còn thắp sáng. Cho nên, đây là điểm quan trọng, ta gọi là đèn tâm. Đèn sáp, đèn điện có thể tắt, nhưng niềm tin của chúng ta, đèn tâm của chúng ta được gắn liền với đạo hạnh, ngọn đèn này sẽ không bao giờ tắt. Có thể truyền từ người ngộ đạo trước tới người ngộ đạo sau, bước tiến dần theo con đường Đức Phật đã đi. Hôm nay chúng ta cách Đức Phật đã xa về thời gian, cũng cách Đức Phật xa về không gian, nhưng tất cả chúng ta đều hướng tâm về Đức Phật, thì chúng ta cũng có thể thâm nhập vào pháp hội của Đức Phật như tất cả các thầy tỳ kheo mà thân cận với Đức Phật trong thời Ngài còn tại thế. Lễ thành đạo hôm nay, lễ truyền đăng hôm nay, tôi tin tưởng mỗi người chúng ta đều sáng lên một phần tâm của mình, xua tan đi một phần vô minh bóng tối, để rồi chúng ta thấy được giá trị sống thật của cuộc đời này và hành xử đúng như là người con Phật. Cầu nguyện Đức Thế Tôn luôn gia hộ cho tất cả chúng ta, gia hộ cho Phật giáo Việt Nam luôn trường tồn hưng thịnh. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật".
Sau nghi thức xưng tán Phật, Thượng tọa Thích Tiến Đạt đã tuyên đọc ý nghĩa ngày đức Phật thành đạo.
Đạo thọ ngàn năm vẫn uy nghiêm
Linh sơn pháp hội vẫn một niềm
Tuệ giác bừng lên cùng vũ trụ
Pháp độ muôn loài mãi ân triêm
Buỗi lễ kết thúc với lời phát biểu cảm tạ của Đại đức Thích Chiếu Tuệ. Càng thập phần viên mãn hơn, khi lễ đài và tòa tháp Báo Ân bừng sáng bởi pháo hoa rực rỡ trong niềm hoan hỷ vô biên của toàn thể đại chúng. Ai nấy đều hướng lòng thành kính về Đấng Thế Tôn, đồng cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Sau đêm hội hoa đăng, Hòa thượng trụ trì cùng đại chúng đã lên niêm hương bạch Phật khai kinh, tụng kinh Pháp Hoa (thông tiêu truyền thống).
(Theo PTVN)
BÌNH LUẬN