Đà Lạt thường được biết đến với những nhà thờ, lầu chuông, ngọn tháp cao vút trên đỉnh có bóng dáng của chú gà trống Gô-loa. Bên cạnh những...
Đà Lạt thường được biết đến với những nhà thờ, lầu chuông, ngọn tháp cao vút trên đỉnh có bóng dáng của chú gà trống Gô-loa. Bên cạnh những kiến trúc chủ đạo mang đậm màu sắc phương Tây, Đà Lạt cũng còn có hàng chục ngôi chùa thấp thoáng dưới tán rừng thông. Nằm trong hệ thống gần 50 ngôi chùa ở phố núi, dãy chùa Tàu trên đường Khe Sanh là điểm nhấn văn hóa người Hoa trong quá trình hòa nhập với cuộc sống cao nguyên.
Gọi là chùa Tàu vì đây là những ngôi chùa gắn liền với người Hoa. Cả thảy có 4 ngôi chùa trên đoạn đường chừng 0,5km, đều tọa lạc trên mấy triền đồi hai bên phủ đầy thông xanh. Phần lớn các chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ XX do Tăng Ni, Phật tử người Hoa lập nên, chịu ảnh hưởng của hệ phái Hoa tông truyền thống. So với các chùa khác ở Đà Lạt, chùa Tàu có đặc điểm riêng quy mô vừa phải, thường là nằm trên đồi thông; số lượng sư Tăng không nhiều; các trụ trì chính thức đều ở thành phố Hồ Chí Minh; kiến trúc chưa thật sự nổi bật. Tuy nhiên chính sự góp mặt của những ngôi chùa này trên mảnh đất xứ ngàn hoa đã có ý nghĩa.
Chùa Bảo Quang là ngôi chùa đầu tiên du khách có thể ghé thăm khi từ phố vào. Chùa được sư Thích Ninh Hùng là đệ tử phái Tào Động, khai sơn vào năm 1968 trên một ngọn đồi nhỏ. Bước qua cổng tam quan, tượng Đức Phật Di Lặc bằng đá trắng đứng án ngữ lối vào chùa. Mấy chục bậc thang chia làm ba tầng dẫn vào chánh điện. Một góc tường nhỏ có tượng Phật Thích Ca đang thuyết pháp cho Tăng chúng cũng bằng đá trắng. Khu vực chính của chùa không lớn chia làm hai phần gồm chánh điện và nơi ở của chư Tăng. Chùa thờ Đức Phật Thích-ca, bên phải thờ Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, bên trái thờ ngài Địa Tạng Bồ-tát. Hai bên tường treo phù điêu 18 vị La hán. Hiện tại chùa do sư Thích Chấn Giác là người Hoa trụ trì.
Đi thêm khoảng 200m nữa, tịnh xá Phước Đức khiêm tốn nằm trong một con hẻm bên đồi dốc. Chùa theo dòng Tham Thiền Tổ sư, tông phái duy nhất trong hệ thống chùa Tàu ở Đà Lạt. Đây là ngôi chùa có khuôn viên nhỏ nhất, xây dựng muộn nhất trong số các ngôi chùa Tàu. Tịnh xá được một Phật tử người Phúc Kiến là bà Huệ Tính dùng tài sản riêng lập nên trước năm 1975. Sau bà xuất gia rồi mất, hiện còn bảo tháp thờ bà trong khuôn viên tịnh xá. Điện thờ có hai tầng, chánh điện là tầng trên, tầng còn lại là hậu điện thờ các hương linh Phật tử. Chánh điện thờ Phật Thích-ca ở giữa, hai bên là ngài Quán Thế Âm Bồ-tát và Địa Tạng Bồ-tát, được bài trí trên hai chiếc bàn nhỏ. Trước khi mất, bà Huệ Tính ủy thác sư Duy Trấn trụ trì nhưng hiện nay tịnh xá chỉ được trông coi bởi một vị đệ tử.
Cạnh tịnh xá Phước Đức là chùa Minh Nguyệt do ông Cửu Quyền, người Tiều, lập nên vào hồi thập ký 60. Chùa không có su, chỉ có những cư sĩ nam nữ thay nhau giữ chùa. Cư sĩ ở đây mặc áo đen, ăn chay trường và tụng kinh theo thời khóa hàng ngày. Hiện chùa có bà Ý là người Hoa đã tu ở chùa từ ngày khai sơn đến nay. Mặt tiền nổi bật bởi hai quả hồ lô đỏ cao một mét nằm trước sân chùa. Chùa phân ra hai phần chánh điện và hậu điện riêng biệt. Chánh điện khá rộng, phía trước có một chiếc đỉnh lớn bằng đá sa thạch. Trong điện, ở giữa thờ Quán Thế Âm Bồ-tát, bên phải thờ Bồ-tát Thiên Tôn Lý Đạo Minh, bên trái thờ Tổ sư Tống Thuyền, phía sau điện thờ Tế Công. Các tượng đều có kích thước lớn, mạ đồng và để trong lồng kính. Đặc biệt, dưới tượng Quán Thế Âm Bồ-tát có hai cây đèn Dược sư rất lớn, trên khắc họa hàng trăm vị sư.
Chùa Thiên Vương Cổ Sát nằm ở vị trí cuối cùng trên một ngọn đồi lớn. Chùa có quy mô lớn nhất và cũng được xây dựng đầu tiên vào năm 1958. Lúc đầu chùa dựng bằng gỗ, tre, lợp bằng mái tôn. Sau này,vào năm 1989, chùa được tu sửa lại và có hình dáng như bây giờ. Cổng chùa có hai vị hộ pháp khá lớn là Bắc Phương Đa Văn Thiên Vương và Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương. Chù có ba tượng Phật quý bằng gỗ có mùi thơm do Hòa thượng Thích Thọ Giã mang từ Hồng Kông về. Ba tượng đều được đặt trong chánh điện. Ở giữa là tượng Phật A-di-đà, bên phải là Quán Thế Âm Bồ-tát, bên trái là Đại Thế Chí Bồ-tát. Mỗi tượng cao 4m, nặng 1,5 tấn được xem là bảo vật trấn tự của Thiên Vương Cổ Sát. Hiện chùa do sư Thích Truyền Cường trụ trì. Chùa đã được đưa vào tuyến tham quan du lịch, mỗi ngày đón hàng trăm khách thập phương gần xa đến vãn cảnh.
Dãy chùa Tàu là nét độc đáo của Đà Lạt. Nếu có dịp đến phố núi, sau khi tham quan các danh thắng nổi tiếng, hãy một lần ghé thăm chùa Tàu. Mỗi ngôi chùa có một dáng vẻ riêng, tạo nên chút gì đó trang nghiêm của xứ Phật hòa vào nét thơ mộng của những rừng thông góp phần làm đa dạng thêm cho truyền thống văn hóa cao nguyên Lang Biang.
Vũ Trường Giang theo Tạp chí VHPG số 83
BÌNH LUẬN