Ăn uống thế nào để khỏe mạnh? Đây là vấn đề và nhu cầu trọng tâm của người dân Hoa Kỳ hiện nay, khi mà béo phì và các bệnh liên quan đến béo...
Ăn uống thế nào để khỏe mạnh? Đây là vấn đề và nhu cầu trọng tâm của người dân Hoa Kỳ hiện nay, khi mà béo phì và các bệnh liên quan đến béo phì ảnh hưởng nghiêm trọng đến đại đa số người dân đất nước này.
Năm qua, các lĩnh vực ngành nghề phục vụ giảm cân (weight loss industry) của Hoa Kỳ thu vào đến 64 tỉ đô-la. Đã đến lúc chúng ta cần tái kết nối với cơ thể của chính mình để nhận biết cơ thể chúng ta thật sự mong muốn điều gì. Điều này không chỉ dừng lại ở việc học cách ăn uống như thế nào cho khỏe mạnh mà còn là học cách ăn uống và sống trong chánh niệm.
Bạn trẻ Âu châu tới Làng Mai (Pháp) thực tập chánh niệm - trong ảnh: lấy thức ăn trong giờ thực tập tại khóa tu mùa hè
Chánh niệm là chú trọng vào hành động trong hiện tại, không phán xét và chỉ tập trung nhận thức vào đối tượng hiện tại đó. Để đạt được sự thay đổi này (cụ thể là giúp giảm cân) thì việc nhìn sâu vào bên trong, tức chánh niệm, có thể mang lại hiệu quả thật sự.
Hãy đọc câu này thật chậm rãi: Cách chúng ta ăn phản ánh một cách trực tiếp cách chúng ta đang sống. Cách ta tương tác với thức ăn cũng cho thấy cách ta nuôi dưỡng các mối quan hệ, cách ta làm việc và cách ta cảm nhận về chính bản thân mình.
Nói cách khác, thực phẩm là để nuôi dưỡng cơ thể và tâm hồn. Những gì đang xảy ra trong xã hội hiện tại của chúng ta thật sự khác biệt với ý niệm này. Chúng ta ăn khi đang di chuyển, hấp thụ thức ăn nhanh và dành rất ít thời gian để nấu nướng. Hiện tại, theo một thống kê, người dân Hoa Kỳ chỉ dành ra khoảng 27 phút để chuẩn bị thực phẩm và 4 phút để dọn rửa. Cách đây vài năm, trong một chương trình truyền hình của Jamie Oliver, học sinh đã nhầm lẫn cà chua với khoai tây, cà tím với trái lê.
Việc ăn uống trở nên không được bền vững vì không được tích hợp vào trong cảm xúc và thiếu sự kết nối sâu sắc với thực phẩm. Đã đến lúc cần bắt đầu nhìn vào sự liên hệ một cách đầy đủ với việc ăn uống, chúng ta cảm nhận thế nào khi ăn loại thực phẩm nào đó, tại sao ta ăn vào những thời gian nhất định, đói bụng tác động thế nào đến cơ thể ta.
Có thể bắt đầu quy trình nhận thức thực phẩm mới bằng những bước nhỏ sau đây:
1 - Ăn từng chút một trong chánh niệm
Chọn một món nào đó có thể ăn hết trong 4-5 lần cắn. Hãy tập trung và tưởng tượng đây là lần đầu tiên trong đời bạn ăn loại thực thẩm này. Tập trung toàn bộ vào mẩu thực phẩm đó: nhìn hình dạng, màu sắc, ngửi. Quán tưởng người trồng ra (nguyên liệu) thực phẩm này, được sản xuất thế nào và làm thế nào đến được tay bạn.
Sau đó, nhắm mắt và tập trung nhai, nuốt. Chú ý đến lưỡi, răng và nước bọt trong miệng. Mũi bạn đang ngửi thấy mùi gì? Quan trọng nhất là bạn cảm thấy ra sao. Bạn có cho rằng thứ mình đang ăn không lành mạnh? Bạn có đang nhận xét về nó, bạn có nghĩ là thực phẩm này sẽ đi vào cơ thể mình như thế nào?
Trải nghiệm nhỏ này tạo ra sự thay đổi lớn trong tâm bạn. Sau trải nghiệm này, hãy luôn làm như thế khi bạn ăn cơm, uống cà-phê hay khi ở cùng gia đình.
2 - Tự nấu ăn thường xuyên hơn
Khi nấu nướng, hãy chú ý đến cảm giác khi cắt, gọt. Bạn cảm thấy vui vẻ hay khó chịu khi nấu ăn, bữa ăn này có ý nghĩa thế nào với bạn và các thành viên trong gia đình? Lắng nghe các âm thanh khi nấu.
Sự tiêu hóa bắt đầu ngay từ trong suy nghĩ. Hãy nghĩ điều gì xảy ra khi bạn chuẩn bị bữa ăn một cách có ý thức, cùng ngồi ăn và chia sẻ với người xung quanh. Dần dần, điều này sẽ làm cho bữa ăn gia đình lúc nào cũng ngon miệng.
3 - Hãy bỏ những thói quen ăn uống cũ và ăn bằng cảm xúc mới
Có thể bạn sẽ nhớ đến món ăn nào đó, cách ăn món đó với những ai đó, trong hoàn cảnh nào đó và với cảm xúc nào đó. Cảm xúc là điều sẽ lôi kéo bạn trở lại điều cũ. Cái mới lúc đầu có thể mang đến cảm giác lạ lẫm so với những điều đã xảy ra trước đây nhưng hãy tập trung vào những gì trước mắt mình.
4 - Hãy học cách thiền
Cũng giống như chánh niệm, thiền cũng giúp kiểm soát stress. Về phương diện ăn uống, các phản hồi đối với stress có thể giúp ích hoặc cản trở khả năng tiêu hóa của cơ thể.
Hãy thay đổi thói quen ăn uống bằng cách nhận thức giá trị mang lại của việc làm này. Chánh niệm trong ăn uống và trong cách sống giúp ta khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy lắng nghe trực giác sâu thẳm bên trong bạn. Cơ thể chúng ta là một đền đài, đền đài của trí tuệ và sự hiểu biết. Hãy trò chuyện với bản thân mình, những gì được truyền thông bên trong rất tuyệt vời.
Trần Trọng Hiếu
(Theo Eden Kozlowski, Huffington Post)
BÌNH LUẬN