Hàng năm vào ngày 17 tháng hai, trên khắp nước Tích Lan các tự viện đều long trọng tổ chức lễ kỵ ông Henry Steel Olcott, một anh hùng Phật t...
Hàng năm vào ngày 17 tháng hai, trên khắp nước Tích Lan các tự viện đều long trọng tổ chức lễ kỵ ông Henry Steel Olcott, một anh hùng Phật tử người Hoa Kỳ. Trong học đường trên khắp quốc gia này cũng tổ chức lễ kỷ niệm về Ông.
Các sử gia vô tư mô tả ông Henry Steel Olcott ( 1832-1907) như là một người khai sáng và làm chủ tịch Hội Linh Trí (Theosophical Society), một trong những hội Phật giáo (PG) đầu tiên ở Hoa Kỳ và ông cũng là một người đóng góp quan trọng đối với phong trào phục hưng PG cả ở Ấn Độ lẫn Tích Lan vào cuối thế kỷ thứ 19. Thiếu khách quan một chút, các nhà quan sát xếp ông vào vị trí trung tâm của lịch sử thiêng liêng. Một vị thủ tướng của Tích Lan từng ca ngợi Olcott như sau: "Đó là một trong những vị anh hùng đấu tranh cho nền độc lập của chúng ta và là một người tiên phong trong phong trào phục hưng nền văn hóa và tôn giáo ngày nay".
Cư sĩ Henry Steel Olcott và phu nhân bà Helena Petrovna Olcott - Blavatsky
Tại quê hương của mình, Olcott bị đối xử một cách thiếu tử tế. Tờ New York Times viết rằng suốt đời ông như là "một kẻ nổi loạn, một người mất hết lý trí, người mắc chứng bệnh điên vô hại, không thể chữa khỏi".
Xuất thân từ Thanh giáo, Henry Steel Olcott sinh năm 1832 trong một gia đình theo đạo Tin Lành ở Orange, bang New Jersey, Hoa Kỳ. Bỏ ngang đại học (nay là Đại học New York), Olcott đi lên miền Tây để lao theo những cuộc phiêu lưu tuổi trẻ. Tại Ohio,ở tuổi hai mươi, ông bỏ Tin Lành theo Thuyết Duy linh, chẳng bao lâu sau đó, ông tổ chức chống lại nhiều thứ như chống kỳ thị nô lệ, tổ chức cải cách nông nghiệp, đòi quyền phụ nữ, lập hội người kiêng rượu. Ông làm việc tại một trang trại thí nghiệm, phục vụ một thời ngắn trong quân đội, rồi có một lúc ông làm thanh tra trong một Ủy ban đặc biệt xem xét hồ sơ về vụ ám sát cố Tổng thống A. Lincoln (1809 - 1865). Nhưng cuối cùng ông đã trở về New York và sống bằng nghề viết báo, rồi làm luật sư trong ngành bảo hiểm. Vào năm 1874, trong khi viết một loạt bài về tinh thần vật chất hóa tại một trang trại thuộc vùng Chittenden, tiểu bang Vermont, ông đã gặp và kết hôn với bà Helena Petrovna Blavatsky, một thầy thuốc chuyên khoa về bệnh mắt người Nga. Một năm sau, ông và bà Blavatsky cùng sáng lập Hội LinhTrí (HLT), một tổ chức mà về sau đóng một vai trò chính giúp người Hoa Kỳ đến với Đạo Phật của phương Đông.
Năm 1879, ông và bà Blavatsky du lịch đến Ấn Độ. Sau đó họ quyết định viếng thăm Tích Lan. Họ đến Colombo vào ngày 16 tháng năm năm 1880. Rõ ràng danh tiếng của họ đã lan đến trước họ, vì họ được tiếp đón mà về sau này Olcott miêu tả lại như là một cuộc tiếp đón của Hoàng gia.
"Một đám đông chờ đợi chúng tôi và họ đồng thanh hô to "Sadhu, Sadhu" để chào đón chúng tôi. Một tấm vải trắng trải dài chờ cho chúng tôi bước tới một chiếc xe ngựa đã đợi sẵn và có hàng ngàn lá cờ vẫy chào chúng tôi".
Sau cuộc đón rước đó vào ngày 25 tháng năm, tại tu viện Wijananda ở Galle, Olcott và Blavatsky đảnh lễ trước một pho tượng Phật khổng lồ và tham dự lễ quy y Tam Bảo. Như vậy, hai vị này là người Hoa Kỳ và người Châu Âu đầu tiên công khai và trịnh trọng trở thành tín đồ theo Đạo Phật. Olcott giải thích tại sao ông theo Đạo Phật: "Nếu Đạo Phật chứa đựng một giáo thuyết độc đoán mà buộc chúng tôi phải chấp nhận, thì chúng tôi sẽ không thọ Tam quy ngũ giới và theo Đạo Phật trong mười phút. Đạo Phật của chúng ta do Đức Đạo Sư Thích Ca khai sáng, là Đạo của trí tuệ, là linh hồn của tất cả những tín ngưỡng thế giới cổ đại".
Trong chuyến viếng thăm đầu tiên này đến Tích Lan , Olcott đã thành lập được bảy chi nhánh thuộc HLT và một Hội Linh Trí Phật giáo ( Buddhist Theosophical Society) tại Colombo. Ông giải thích rõ ràng về mô hình công việc của ông làm ở Á Châu là tương tự như kiểu mẫu của Ky Tô giáo : "Người Ky Tô có hội truyền bá lời dạy của Chúa, thì tại sao chúng ta không lập hội để truyền bá lời Phật dạy ? ". Đứng trên lập trường đó, Olcott đã tiến hành xây dựng nhiều trường trung học PG và những "Sunday School" cho hội của ông. Sự khởi xướng của ông đã trở thành một cuộc vận động lâu dài và thành công cho nền giáo dục PG theo kiểu phương Tây tại Tích Lan.
Nhờ những thành tích này, Olcott và Blavatsky đã lưu lại Tích Lan danh hiệu như là những vị anh hùng dân tộc. Họ đã tiếp xúc và làm việc với một vị trưởng lão Phật giáo cao cấp và đạt được sự tin yêu của các ngài. Nhưng điều quan trọng hơn tất cả là Olcott và Blavatsky được hầu hết Phật tử Tích Lan kính trọng và biết ơn.
Olcott lập kế hoạch đến Ấn Độ năm 1879 sống một thời gian để nghiên cứu và học hỏi Ấn Độ giáo và PG từ các Đạo sư Đông phương rồi trở về Hoa Kỳ, nơi ông cống hiến quãng đời còn lại của mình để phát triển HLT. Nhưng kết quả và danh tiếng mà Olcott đạt được trong chuyến viếng thăm đầu tiên đến Tích Lan khiến ông phải đánh giá lại kế hoạch của mình. Lần hồi ông nhận ra rằng ông là một người thầy hơn là một học trò. Do đó ông cần làm nhiều việc để giúp đỡ cho Phật tử ở Tích Lan.
Lần thứ hai, Olcott đã trở lại Tích Lan vào tháng 4 năm 1881. Sau đó, ông cùng với trưởng lão Mohotivatte Gunananda, một người lãnh đạo giai đoạn đầu trong phong trào phục hưng PG tại Tích Lan. Họ đi qua các tỉnh phía Tây trong tám tháng trên một chiếc xe bò do Olcott thiết kế. Người Tích Lan khâm phục sự khéo léo và làm việc siêng năng của ông. Ông thành lập một ngân quỹ giáo dục quốc gia,viết và phân phát miễn phí kinh sách Phật.
Tuy nhiên, Olcott nhận ra rằng sự thờ ơ đáng kinh ngạc của người Tích Lan đối với PG. Đó là một sự phán đoán kỳ quặc của một người mới đổi đạo đến Á châu không phải dạy học mà để học hỏi. Nhưng thực tế đã khiến ông phải suy nghĩ về con đường phục hồi lại PG ở Tích Lan.
Chiến lược của ông là truyền bá lờ驠Phật dạy qua ngõ giáo dục. Ông tiến hành biên soạn quyển "Buddhist Catechism" (Phật Pháp vấn đáp) để làm giáo trình cho các trường học ở Tích Lan. Quyển sách nhanh chóng được phổ biến khắp Tích Lan và đến nay đã tái bản trên bốn mươi lần và được chuyển ngữ ra hai mươi thứ tiếng trên thế giới. Lần đầu tiên, sách được in bằng hai thứ tiếng Tích Lan và tiếng Anh vào ngày 24 tháng 7 năm 1881. Quyển sách gây được sự ảnh hưởng rất lớn trong quần chúng Tích Lan, đến nay nó vẫn được sử dụng như một giáo trình chính thức của nến giáo dục tại quốc gia này.
Chính ông Olcott đã mô tả Buddhism Catechism như là một "loại thuốc giải độc" cho các tín đồ đạo giáo khác. Chẳng hạn:
- Đức Phật có phải là Thượng đế không?
- Không, Ngài không phải là Thượng đế.
- Tín đồ Đạo Phật có chấp nhận thuyết vạn vật được hình thành từ hư vô bởi một Đấng tạo hóa không?
- Chúng tôi không tin vào phép màu, do đó chúng tôi phủ nhận sự tạo hóa và không thể chấp nhận quan điểm vạn vật được hình thành từ một Đấng nào
Trở lại Colombo vào ngày 18 tháng bảy năm 1882 trong chuyến viếng thăm lần thứ ba. Olcott khám phá ra rằng Hội PG Linh Trí và Hội Phục hưng PG ngưng hoạt động. Trong nỗ lực khôi phục lại hạt động của Hội. Ông Olcott hiến cúng 13.000 rupees cho Hội và thỉnh cầu chư tăng tham gia vào hoạt động, nhưng không có vị tăng nào chịu hoạt động. Cuối cùng ông quyết định làm việc một mình.
Phương hướng lần này là phát thuốc trị bệnh cho nhân dân Tích Lan. Ông tuyển mộ một số phật tử người Ấn và Tích Lan để làm việc cho đoàn. Từ năm 1882 đến 1883 đoàn chữa bệnh từ thiện của ông đã điều trị cho gần ba ngàn người . Danh tiếng của đoàn đã lan đi khắp nơi và nó đã trở thành là một gánh nặng cho ông. Và ông nhận ra rằng công việc này lần hồi đã đi xa mục đích truyền bá Phật pháp của mình, nên cuối năm 1883, ông tuyên bố ngưng hoạt dộng chữa bệnh từ thiện.
Olcott củng cố vai trò của mình như một nhà lãnh đạo phong trào phục hưng PG tại Tích Lan theo sau cuộc xung đột bi thảm giữa PG và Ky Tô giáo xảy ra vào ngày 25 tháng 3 năm 1883 ở Kotahela, một vùng của người Ky Tô giáo. Vào ngày hôm đó một đoàn Phật tử đi diễu hành qua vùng này để đến dự lễ khánh thành chùa Deepaduttama. Khi đoàn diễu hành xuất hiện trước ngôi nhà thờ Thiên Chúa, cách tu viện một vài dặm, thì chuông nhà thờ được gióng lên, lập tức chuông của các nhà thờ trong vùng đều vang lên. Như để đáp lại dấu hiệu, khoảng một ngàn người Ky Tô tràn xuống đường và tấn công đoàn diễu hành, tiếp đó là cuộc xô xát đổ máu. Nhà cầm quyền huy động đến hiện trường 80 cảnh sát, nhưng baton của họ không thể dẹp nổi gậy gộc và gạch đá của đám đông. Trong ba giờ hỗn chiến, một người chết và bốn mươi người khác bị thương.
Sau vụ này,頣ả PG và Ky Tô giáo cùng nhau ra tòa. Vô số những bằng chứng được đưa ra, nhưng cuối cùng Nhà cầm quyền đều bác bỏ tất cả lời buộc tội của đôi bên, vì thiếu những chứng cớ đáng tin cậy. Sau đó vụ án không được đưa ra xét xử. Hội PG Tích Lan đánh điện khẩn cho Olcott và ông đã đến Tích Lan vào ngày 27 tháng giêng năm 1884. Ông liền thành lập một Ủy Ban Bảo Vệ PG (The Buddhist Defense Committee), ông được chọn làm một thành viên danh dự và giao nhiệm vụ đến Anh Quốc đại diện cho PG Tích Lan để yêu cầu Chính phủ Anh xem xét và giải quyết các vấn đề còn tồn tại của Chính quyền thuộc địa của họ ở Tích Lan. Như vậy vai trò của Olcott là người trung gian giữa Đông và Tây đã trở nên rõ ràng, không chỉ cho PG mà còn cho Chính quyền thuộc địa.
Tháng tư năm 1884, ông Olcott đến Luân Đôn. Ông đã tiếp xúc và làm việc với ông Toàn quyền Tích Lan ông Longden về vụ xung đột giữa PG và TC tại Tích Lan. Sau khi xem xét hồ sơ của vụ việc, Toàn quyền Longden cho rằng nguyên nhân chính tạo ra cuộc xung đột đó là do sự phục hưng của PG. Sau đó ông Longden đã cử một phái đoàn đến Tích Lan để giải quyết vụ này.
Trong dịp này, Olcott đã đệ trình lên Chính phủ Anh một thỉnh nguyện thư với năm nguyện vọng của PG Tích Lan gồm: (1) Vụ xung đột giữa PG và TC phải được đưa ra xét xử; (2) Phật giáo phải được tự do trong mọi sinh hoạt tôn giáo; (3) Các ngày đại lễ của PG phải là ngày nghỉ của quốc gia; (4) Tất cả những hạn chế về nghi lễ của PG phải được loại bỏ; (5) Hộ khẩu của tăng sĩ phải được thành lập và vấn đề tồn tại đối với PG phải được giải quyết.
Chỉ hai điều trong năm nguyện vọng trên nhanh chóng được ban hành, và như vậy nhiệm vụ của ông đã thành công viên mãn. Người Tích Lan kết luận rằng việc Chính phủ Anh tuyên bố các ngày đại lễ của PG là ngày nghỉ của toàn dân, chủ yếu là nhờ vào lời thỉnh cầu của Olcott.
Dù được tuyên bố rằng Olcott đã khởi xướng phong trào phục hưng PG tại Tích Lan, mối liên hệ của ông với phong trào rất mật thiết như chính ông đã thừa nhận, không là người khởi đầu cũng không là người kết thúc, mà là một người tổ chức và là một người tiếp nối. Đó chính là Henry Steel Olcott, người đã đem lại quyền công dân cho người Phật tử, người tiên phong trong việc phục hưng và phát triển văn hóa, giáo dục và PG tại Tích Lan. Ông là một nhà hùng biện Phật tử, một nhà truyền bá PG và ông là một người môi giới văn hóa, với một chân đặt trong PG và một chân khác đặt trong HLT. Chính nhờ sự phối hợp sáng tạo từ hai nguồn này, cùng với sự ảnh hưởng nhiều đến lãnh vực khác, ông đã tạo ra một hình thức mới cho PG mà chúng được thịnh hành không những tại Tích Lan mà còn ở Hoa Kỳ nữa.
Năm 1889, ông cùng Thượng Tọa Susmangala, Tích Lan, phỏng theo sáu màu hào quang của Đức Phật (xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp của năm màu này), đã phác họa ra mẫu cờ Phật giáo. Về Ý nghĩa, ông phát biểu như sau : "Nó có thể được các Quốc gia Phật giáo chấp nhận như một Biểu tượng Quốc tế cho Tín ngưỡng của họ, giống như cây Thánh giá đối với Tín đồ Thiên chúa giáo ."
Lá cờ này được Tích Lan công nhận và treo tại các chùa ở nước này trong ngày lễ Phật Đản từ năm 1889, và 61 năm sau, tại Đại hội Phật giáo Thế giới lần đầu tiên, tổ chức tại Colombo, thủ đô Tích Lan, từ ngày 25/05/1950 đến 08/06/1950 có 26 nước tham dự, trong đó có Phái đoàn Phật giáo Việt Nam do Thượng tọa Thích Tố Liên, Trụ trì chùa Quán Sứ Hà Nội làm Đại biểu, Hội nghị đã thành lập Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhists), và chọn lá cờ Phật giáo Tích Lan làm cờ Phật giáo Thế giới.
Với những Công lao đóng góp cho Phật giáo Tích Lan nói riêng và Phật giáo Thế giới nói chung, Henry Steel Olcott được tôn lên làm Anh hùng Phật tử. Ông mất ngày 17/02/1907.
Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng Tổng hợp từ những tài liệu How the Swans came to the Lake, a narrative History of Buddhism in America ( 1992) &Tricycle : The Buddhist Review, Fall of 1996 - theo ĐPNN
BÌNH LUẬN