Nhất giả lễ kính chư Phật Ba đời mười phương Phật, gồm trọn trong ba thời kỳ hiện tại, quá khứ, vị lai – Quá khứ của quá khứ; hiện tại của...
Nhất giả lễ kính chư Phật
Ba đời mười phương Phật, gồm trọn trong ba thời kỳ hiện tại, quá khứ, vị lai – Quá khứ của quá khứ; hiện tại của quá khứ và tương lai của quá khứ tức là hôm nay – Ngày hôm qua là quá khứ của hiện tại; hôm nay là hiện tại tiếp diễn và ngày mai tức là tương lai của hiện tại… – Vạn loại chúng sinh quần tụ vào nhau vô biên vô số, tất cả đều đang liên kết chuyển động không ngừng mà tâm thức con người đánh dấu những mức độ xảy ra gọi là thời gian – Cho nên thấy mỗi mỗi chúng sinh là mỗi mỗi vị Phật – Thiên vạn ức biến có vô lượng vị Phật ứng thân hóa hiện mười phương. Tuy vạn thiên bá ức chư Phật nhưng cũng chỉ đồng một Phật tánh thường trụ. Đặc tính siêu tuyệt của trí tuệ Phật Đà là thường hằng, bất biến, tự tại, giải thoát nên dù vô lượng vô biên mà vẫn không hai, không khác. Lễ kính chư Phật khắp mười phương pháp giới với chân tâm bình đẳng, vượt ra biên hạn không gian, thời gian không phân, không biệt để tiến vào cảnh giới của chư Phật.
Nhị giả xưng tán Như Lai
Khi nghe thấy một vị Phật, hay nghe thấy ngàn muôn vị Phật đều khởi phát lòng tin kính sức thậm thâm thắng hải thanh tịnh khôn cùng có công năng chuyển mê khai ngộ vượt thoát sinh tử luân hồi thoát ra tam giới mà hết lòng tán dương, khen ngợi, khuyến bảo mọi người cùng tôn kính tu hành theo đường giải thoát chư Như Lai không hề chán mỏi do diệu dụng siêu phàm của công phu vô trụ bất thủ của bản tâm mỗi chúng ta khi thể nhập tri kiến Phật Đà – Đời đời không lìa Phật – kiếp kiếp không lìa Phật, từ bi vô ngã như vũ trụ hư không.
Tam giả quảng tu cúng dường
Thể tánh vũ trụ vốn vô ngã – Phật tánh cũng không có mảy may vướng mắc, xao động – các ngươi phải tập sống với chân lý ấy mà mở rộng lòng ra, gặp thì cúng dường, gặp thời bố thí vì sự an vui của tất cả không toan tính, kiêng kỵ hay chấp thủ bất cứ một cái gì, nhất là phải tận diệt tâm phân biệt từ trong ý niệm – Hư không rộng bao nhiêu, tâm lớn chừng như vậy – Tịch diệt yên bao nhiêu – tam nghiệp cũng yên như vậy. Đây là con đường, là phương tiện, là cứu cánh đồng thể chất.
Tứ giả sám hối nghiệp chướng
Nếu đi vào Pháp giới phải chịu cảnh lửa bỏng dầu sôi, lửa bỏng dầu sôi là nơi hoa sen thành tựu Phật quả. Mai này các người gặp sự bất công, ngược đãi, ganh tỵ gian tham, đố kỵ xâm phạm… làm cho buồn khổ, phải biết đó là nghiệp chướng khi trước ta đã từng gieo trồng nay phải gặt lấy. Kíp mau quỳ xuống, gieo thân xuống mà sám hối nghiệp chướng đừng nên than van trách móc nữa mà phải nuôi lớn lòng từ ái bao dung, thứ lỗi cho những ai đã xúc phạm mình và tự nguyện đời đời kiếp kiếp không xúc phạm người khác – liên tục bố thí, liên tục cúng dường, thời thời hỷ xả cho lòng rỗng rang thanh tịnh, tâm thanh tịnh rồi thời tội nghiệp tiêu tan.
Ngũ giả tùy hỷ công đức
Cho dù có kẻ hại mình, có kẻ ghét mình, có kẻ tranh thắng hại mình thê thảm..nhưng khi nhìn thấy họ làm việc lành, gây tạo hạnh lành thì mình phải mở lòng hoan hỷ vui mừng, có khi là họ cầu danh mà làm việc lành thì cũng phải thấy ánh sáng lấp lóe nơi tâm của họ. Đừng tiếc lời khen ngợi, đừng tiếc công hỗ trợ để cho họ trọn vẹn lòng lành; tránh nhắc lại lỗi lầm để chừa đường cho họ quay lại chân tâm mà thống hối, cùng làm cho xã hội bớt điều xấu ác đi.
Lục giả thỉnh chuyển pháp luân
Hãy quỳ xuống cúi xin đức Phật, cúi xin chư Tôn Thạc đức vì thương chúng sinh mà chuyển Pháp luân – Pháp luân không chuyển thì đúng là thời mạt pháp! Hãy nhìn vào bản thân quán chiếu hôm nay lòng con có an tịnh hay chưa? Lòng con chưa định thì còn phải nhận chịu song gió xao động cuộc đời. Hãy thú nhận với lòng là con có còn nhìn người với tâm thành kiến hay bất bình đẳng hay chưa? Nếu còn nghĩ xấu về người thì nên quay về đóng ngũ căn lại mà tha thiết cầu xin “thỉnh chuyển pháp luân” tức là quay về với tự tính ban sơ nguyên thủy của ý niệm mà dẹp tan phiền não.
Thất giả thỉnh Phật trụ thế
Khi đức Thích Tôn tuyên bố nhập diệt, đại đức Ananda mắc phải mỗt lỗi lầm lớn là không tha thiết thỉnh Phật trụ thế. Còn gì vui hơn là đức Phật tại thế! Cho nên ngày nay trước chư Tôn Thạc Đức xuất hiện các điềm tịch diệt, chư Phật tử hãy thiết tha quỳ xuống đồng thanh ứng khẩu thỉnh Phật trụ thế, rồi lại thỉnh chuyển Pháp luân cho Phật Pháp miên trường vĩnh cửu với chúng sinh. Giống như sự tu học, đào tạo và huấn luyện làm sao cho liên tục không được gián đoạn, không được ngưng nghỉ, ngưng nghỉ là tự làm khô cạn đạo mạch luân truyền dù mai sau có gắng két nối thì cũng lắm tỳ vết khó phục hồi.
Bát giả thường tùy Phật học
Pháp luân thường chuyển không dứt mất là khi chúng ta tinh tấn học Phật tu trì – Đạo tâm chúng ta kiên cố thì đạo pháp không thể suy vi. Học ở chợ đời người ta khẩu thiệt thị phi mình mở lòng ra tha thứ; học ở xã hội sự bình tâm an trụ khi bị người ngược đãi, xúc phạm, chấp nhận mọi sự thử thách chướng ngại mà luyện thân tâm – Học ở trường học; học ở Đại học, hay học giữa vùng nhiễm ô; ngồi trong giảng đường hay ngồi bệt xuống đất với tâm cầu học thì chẳng có gì khác nhau. Gia đình Phật Tử thường tùy Phật học không câu nệ hoàn cảnh mới giữ gìn được Phật học chân truyền đến ngày nay.
Cửu giả hằng thuận chúng sanh
Nếu không thuận với chúng sanh chính trong tâm đã xây thành nghịch cảnh để đối kháng – Khi chung sống với bậc hiền thánh biết mình có duyên lành vạn đại; Lúc chung sống với ma vương ác thú đã biết chúng do sân si thành nghiệp… Muốn hàng phục người trước phải hàng phục mình: mở tâm từ bi, luyện hạnh nhẫn nhục, phật học giải không..Tin chắc lời Phật “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” – Muốn tất cả chúng sinh tương lai sẽ thành Phật trước phải độ tận chúng sinh nơi thân khẩu ý tự mình – Chúng sinh nơi mình đồng chứng thánh quả thời tất cả chúng sinh chắc chắn sẽ thành Phật – Do đó, vô ngại vô biên, bất chấp thời gian, không gian vạn loại mà mở tâm hằng thuận nguyện cứu độ khắp thảy chúng sanh.
Thập giả phổ giai hồi hướng
Bất cứ khi làm một việc gì đều tưởng nghĩ đến chúng sinh, bởi vì bản ngã của mỗi mỗi chúng ta vốn không có thật – Ta và chúng sinh đều là duyên sinh, đều là duyên hợp, thời thời khắc khắc phải nhắc nhở tự mình sống cho dung với chân lý ấy. Hồi hướng cho khắp cả chúng sinh vạn loại không phân biệt là phát tâm hỷ xả tận cùng, tận cùng của vô sở trụ của vũ trụ vô ngã – không trụ thì không cần chấp thủ - không chấp thủ thì không có gì để xả ly, từ đó hóa hiện bầu trời hùng vĩ của lầu gác Pháp thân đức Phật Tỳ Lô Giá Na. Nơi cuối cùng của Thiện Tài đồng tử đặt chân… trở về.
Đức Quảng
BÌNH LUẬN