Tối qua ngày 19/10/2016 nhằm ngày 19 tháng 9 Bính Thân chùa Trấn Quốc (252 Ngô Gia Tự P.4 Q.10 Tp. HCM) đã tổ chức lễ vía Bồ Tát Quán Thế ...
Tối qua ngày 19/10/2016 nhằm ngày 19 tháng 9 Bính Thân chùa Trấn Quốc (252 Ngô Gia Tự P.4 Q.10 Tp. HCM) đã tổ chức lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm đồng thời làm lễ quy y cho quý vị Phật tử thuần thành. Chủ trì buổi lễ có Đại Đức Thích Giác Định, bác Tâm Hải Trần Văn Hà là gia trưởng đơn vị GĐPT Chánh Định miền Quảng Đức Sài Gòn, chị Diệu Quỳnh Dương Thị Mai là Liên Đoàn Trưởng nữ cùng đông đảo quý Phật tử và các em đoàn sinh GĐPT Chánh Định. Trong buổi lễ toàn thể quý vị Phật Tử đã cùng nhau đọc tụng phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa, đốt đèn hoa đăng và đi nhiễu vừa niệm danh hiệu Quán Thế Âm nhiều vòng quanh đại hùng bửu điện. Kết thúc buổi lễ, nhiều quý vị Phật tử ở lại đã dùng bữa cháo chay do đạo tràng của chùa Trấn Quốc khoản đãi.
Trong một năm có 3 ngày lễ vía Quán Âm tuần tự là các ngày 19/02 (đản sanh) ngày 19/06 (thành đạo) và ngày 19/09 (ngày xuất gia). Quán Thế Âm (Avalokitesvara) là vị Bồ Tát với hạnh nguyện lắng nghe tiếng kêu đau khổ của cuộc đời rồi tìm cách cứu giúp. .. Hình tượng ngày được mô tả trong kinh Pháp Hoa là một người nam nhưng khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam thì tôn tượng Bồ Tát hầu hết có giới tướng là nữ nhân được dân gian gọi là mẹ hiền Quán Thế Âm. Trong phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa có ghi lại Bồ Tát Quán Thế Âm có thể thị hiện thành nhiều ứng thân khác nhau để tùy nghi mà cứu độ chúng sinh.
Văn hóa dân gian Việt Nam thông qua hình thức tuồng chèo, truyên thơ có hình tượng Quán Âm Thị Kính được lưu truyền rất phổ biến. Theo tác giả Nguyễn Lang (Thiền Sư Thích Nhất Hạnh) sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, “Truyện thơ Quan Âm Thị Kính (bản Nôm) hiện chưa biết được sáng tác trong thời gian nào. Bản Việt ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911, gồm 788 câu lục bát và một lá thư Kính Tâm viết cho cha mẹ bằng văn biền ngẫu”. Cứ vào nội dung của truyện Quan Âm Thị Kính thì có thể đây là một dị bản của Phật giáo Cao Ly (Triều Tiên): “Thị Kính là con gái của nhà họ Mãng, quận Lũng Tài, thành Đại Bang, nước Cao Ly”. Tuy vậy, bối cảnh của câu chuyện Quan Âm Thị Kính liên quan mật thiết đến một ngôi chùa cổ ở miền Bắc nước ta, Pháp Vân tự (chùa Dâu, Bắc Ninh). Và Phật Bà chùa Dâu được xem là Phật Bà Quan Âm Thị Kính, “Xem trong cõi nước Nam ta/Chùa Vân có Đức Phật Bà Quan Âm”. Hình ảnh Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay, qua nhiều dị bản rất gần gũi và tương đồng với những câu chuyện về Quan Âm đồng tử và Quan Âm tống tử. Theo các nhà nghiên cứu, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng tượng hình tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ XVIII, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa.
Truyện thơ Quan Âm Nam Hải gồm 1.426 câu, được lưu truyền trong dân gian trước cả truyện Quan Âm Thị Kính. Theo Nguyễn Lang (sđd), truyện Quan Âm Nam Hải vốn xuất phát từ một vị Tăng đời Nguyên bên Trung Hoa. Tích này được lưu truyền trên đất Việt kể từ khoảng cuối thế kỷ XIV hay XV và được Việt hóa. Bản Nôm cổ nhất của truyện Quan Âm Nam Hải vẫn chưa biết được khắc vào thời đại nào. Bản Việt ngữ đầu tiên Quan Âm diễn ca của Huỳnh Tịnh Của, ấn hành năm 1897.
Theo dị bản Việt hóa thì Quan Âm Nam Hải vốn là Diệu Thiện, công chúa thứ ba (về sau gọi bà Chúa Ba) con vua Diệu Trang (Subhavyùha) ở nước Hưng Lâm (có thể thuộc Ấn Độ). Nàng từ bỏ cuộc sống xa hoa của cung đình, vượt qua mọi ngăn trở của vua cha, cương quyết vượt biển đến động Hương Tích (chùa Hương ngày nay) tu hành và chứng quả tại đây. Truyền thuyết cho rằng, sau khi đắc đạo, công chúa Diệu Thiện biến thành Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cứu độ hoàng tộc và muôn dân.
Sau đây là một số hình ảnh tiêu biểu của buổi lễ
Bài và ảnh Minh Triết
BÌNH LUẬN