Bài viết này ban đầu được thực hiện với mục đích dặn dò, hướng dẫn trước khi tham gia trại cho các trại sinh của trại bay Xá Lợi Phất GĐPT ...
Bài viết này ban đầu được thực hiện với mục đích dặn dò, hướng dẫn trước khi tham gia trại cho các trại sinh của trại bay Xá Lợi Phất GĐPT Chánh Định năm 2017. Nay mình biên soạn lại từ trải nghiệm của bản thân, các bạn leo núi chuyên nghiệp và các nguồn khác từ internet để chia sẻ lại với các anh chị em một chút kinh nghiệm trong thời gian chuẩn bị cũng như trong hành trình chinh phục một đỉnh núi (hiking).
Để phân biệt rõ giữa hiking và trekking thì anh chị em có thể tham khảo đoạn tóm tắt sau: “Cả hiking và trekking đều là hoạt động đi bộ đường dài, đi bộ leo núi, đi lên rừng, tuy nhiên hiking phần lớn đi trên đường mòn có sẵn hoặc đường nhựa, đường đã được làm, trong khi trekking lại được thực hiện trên nhiều bề mặt địa hình, có nhiều mạo hiểm và thử thách hơn. Bạn có thể hiking hay trekking trên quãng đường ngắn, trong một hoặc hai ngày, hay trên quãng đường dài trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng.”
Vậy để chuẩn bị cho một chuyến hiking có cắm trại qua đêm, cụ thể là chinh phục một đỉnh núi như Bà Đen (nóc nhà Nam Bộ) hay Chứa Chan (đỉnh cao nhất Đông Nam Bộ) mình có thể chia thành các nhóm công việc để chuẩn bị như sau:
1. Giấy tờ tùy thân
· Chứng minh nhân dân, bằng lái xe...
· Thẻ Bảo hiểm y tế.
· Tiền để chi dụng, thẻ ATM, thẻ tín dụng.
· Hợp đồng Bảo hiểm du lịch (nếu có) ...
2. Trang phục và đồ dùng cá nhân:
· Giày: nên sử dụng giày leo núi là tốt nhất, nhưng nếu không trang bị được thì sử dụng giày thể thao có độ bám tốt và vừa ôm chân. Không nên sử dụng giày bị mài mòn đế hay quá lỏng lẻo, không quá chật cũng không quá rộng sẽ bị phồng chân. Mẹo: để không bị hầm chân là sử dụng một miếng bông băng vệ sinh lót ở mặt trong đế giày, vừa êm vừa thoáng. Nên cắt ngắn móng chân, không để móng chân dài sẽ đỡ bị đau mũi chân khi xuống núi.
· Áo khoác: nên sử dụng áo khoác vải dù (hoặc loại vải ít thấm nước) mau khô, nhẹ. Không nên mặc áo khoác quá dày trong lúc đang leo, sẽ rất hầm và nóng, có thể mặc áo mưa giấy lúc trời mưa hoặc khi ngủ thay cho áo khoác cũng sẽ đỡ lạnh). Không nên sử dụng áo khoác vải nỉ khi thấm nước mưa, mồ hôi càng nặng thêm.
· Khăn thấm mồ hôi: nên sử dụng khăn nhẹ, nhanh khô như khăn rằn, khăn tubb... Không nên sử dụng khăn lông dày, thấm nước sẽ bị nặng giống như áo khoác nỉ. Kinh nghiệm: khi ra mồ hôi lúc đang leo nên thấm mồ hôi liên tục, lau sạch mồ hôi trên mặt, sẽ đỡ mệt hơn.
· Nón: nên sử dụng nón tứ ân hoặc nếu không có thì sử dụng nón rộng vành, mỏng, nhẹ sẽ rất đỡ khi đi dưới trời nắng cũng như khi gặp mưa sẽ không bị nước mưa hắt thẳng vào mặt. Không nên sử dụng nón quá dày, sẽ nặng khi thấm nước.
· Ống tay / áo dài tay: nên sử dụng áo dài tay mỏng hoặc ống tay dành cho các hoạt động thể thao, để thấm mồ hôi, tránh côn trùng, hạn chế trầy xước khi va quẹt vào gai, đá.
· Các vật dụng vệ sinh cá nhân: khăn giấy, bàn chải đánh răng, kem đánh răng… càng nhỏ càng tiện dụng càng tốt.
· Các đồ dùng cá nhân: đồ lót, vớ, dây nịt. Nếu được nên trang bị loại dây nịt vải và khóa nhựa...
· Các đồ dùng điện tử và công nghệ: pin sạc dự phòng, điện thoại, cáp sạc, máy ảnh... Nên có phương pháp chống nước như dùng túi khô hoặc túi zip cho các thiết bị này
· Găng tay: nên có găng tay vải loại dùng trong việc lao động chân tay, có các nốt cao su tăng độ bám dính. Khi gặp trời mưa đường trơn trợt hoặc có độ dốc cao cần phải sử dụng cả hai tay và hai chân để bám, trèo lúc này găng rất hữu dụng.
· Balo: nên sử dụng loại balo có khung cứng hoặc có khung xương trợ lực, nên có áo mưa cho balo (rain cover) vừa với kích cỡ balo hoặc phương pháp bảo vệ balo khỏi ướt khi vẫn đeo trên lưng và trời mưa. Kinh nghiệm: balo khi đã sắp xếp hết đồ đạc vào trong thì phải gài hết tất cả các khoá, siết thật chặt các dây tăng đơ mặt trước. Trước khi balo lên vai, thả lỏng các dây tăng đơ mặt lưng (ở quai vai, quai bụng…); khi balo lên vai – ngả người về phía trước và căn cho phần đệm dưới ở mặt lưng balo vừa với phần xương cụt (hoặc trên một chút) rồi mới siết các dây tăng đơ mặt lưng và quai sao cho balo ôm chặt vào người thành một khối thống nhất (điều này sẽ dễ hơn đối với các balo có đai trợ lực ở ngực, bụng).
3. Y tế:
· Băng cá nhân, băng cuộn, povidine, nước muối.
· Thuốc than (trị đau bụng), thuốc cảm.
· Tinh dầu xả (có tác dụng hạn chế côn trùng).
· Thuốc cá nhân, mình có bệnh gì thì mang theo thuốc đó…
4. Sinh tồn:
· Đèn pin: phải có đèn pin cá nhân, có viên pin dự phòng, độ sáng tốt, để dùng khi trời tối cũng như khi sinh hoạt trên núi. Tốt hơn nữa là trang bị được đèn đeo đầu và các loại đèn led usb (cắm vào pin sạc dự phòng).
· Lửa: phải có diêm - hộp quẹt, củi dầu hoặc mảnh cao su ruột xe để mồi lửa nhanh hơn khi nhóm bếp.
· Dây gút: phải có dây gút để thực hiện căng lều, thực hiện một số công trình trại hoặc cột những vật nhỏ linh tinh khi không thể nhét thêm vào ba lô.
· Dao: nên trang bị cho mình một con dao gấp cá nhân sẽ ứng dụng được vào rất nhiều việc: cắt đồ ăn, cắt dây. Nếu có loại dao to để phát quang đất trại càng tốt.
· Nước: nên có túi nước chuyên dụng gắn bên trong balo có vòi lòi ra ngoài để uống, nếu không trang bị được nên chia nhỏ nước thành các chai 0.5l để trong balo. Không nên sử dụng chai nước lớn loại 3l để trong balo sẽ dễ bị mất thăng bằng khi di chuyển.
· Lều: nếu đi nhóm nên chuẩn bị loại lều 4-6 người, trọng lượng cả bộ khoảng 3-4kg, có 02 lớp, chống thấm tốt phòng khi trời mưa hoặc sương đọng thấm vào trong lều (để chống thấm tốt cần phải căng lều đúng và đầy đủ).
· Võng: nếu không sử dụng lều mà hành trình có qua đêm thì sử dụng võng, tăng võng chống thấm nước.
· Lương thực: chuẩn bị các loại lương thực có thể chế biến nhanh hoặc chế biến sẵn tại nhà, gọn nhẹ, đầy đủ chất.
5. Thể lực:
· Chuẩn bị thể lực đầy đủ là rất cần thiết cho bản thân mỗi người, không chỉ vì chuyến leo núi mà còn vì sức khỏe để làm những việc khác trong cuộc sống.
· Trước khi hiking, để chuẩn bị thể lực có thể tập các bài tập như đạp xe, leo cầu thang, squad hoặc những bài tập làm tăng nhịp tim cho cơ thể quen với tình trạng nhịp tim tăng nhanh. Kinh nghiệm cho thấy khi leo núi, những bạn chưa quen thường bị tăng nhịp tim đột ngột dẫn đến choáng và dễ dẫn đến bỏ cuộc
· Nên ngủ sớm trước chuyến đi để sức khỏe được phục hồi đầy đủ vào sáng hôm sau.
6. Lưu ý:
· Không vứt chai lọ và rác lung tung khi sử dụng xong, nên mang lên gì thì mang xuống như vậy.
· Tất cả quần áo, đồng dùng nên bỏ vào bao nilon (hoặc túi khô – Dry Bag) cột kỹ phòng khi trời mưa sẽ không bị ướt.
· Có thể phân công việc chuẩn bị đồ cho từng cá nhân, chia sẻ hành trang với nhau cho tiết kiệm cân nặng.
Phần chuẩn bị sơ bộ là như vậy, tùy thuộc vào khoảng thời gian của chuyến đi mà gia giảm hoặc thay đổi cho phù hợp (có cắm trại qua đêm hay chỉ đi trong ngày), còn sau đây là một ít kinh nghiệm về di chuyển trong khi hiking:
6.1. Về di chuyển khi leo:
Việc di chuyển khi leo tùy thuộc vào thể trạng mỗi người, đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của mình anh chị em có thể tham khảo:
· Khi leo nên chia bước thật nhỏ, tức là không bước quá dài hoặc quá cao dễ dẫn đến nhanh mỏi hoặc tệ hơn là chuột rút. Khi đã bị chuột rút rồi sẽ dễ tái đi tái lại dẫn đến di chuyển chậm lại, khó khăn hơn. Chọn lựa những bậc đá gần mình nhất để bước, có thể bước theo hình zích zắc, không nhất thiết lúc nào cũng phải tiến về phía trước. Để chia bước nhỏ một cách hiệu quả nhất thì nên nhìn một quãng xa, không nên chỉ nhìn vào bước chân mình.
· Thở: theo kinh nghiệm của cá nhân mình nên hai bước hít vào một bước thở ra, tức là khi bước đều được thì sẽ thở theo bước chân của mình, hít hít thở, hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Việc giữ hơi thở đều rất quan trọng, khi ngừng lại nghỉ cũng nên giữ nhịp thở đó.
· Lên dốc / xuống dốc: nếu khi lên dốc những chỗ dốc quá cao thì nên sử dụng cả 2 tay để bám, bò để trợ lực cho đôi chân. Đừng bắt chân phải gánh hết sức nặng của mình và balo sẽ dễ dẫn đến căng cơ, chuột rút. Khi xuống dốc nếu nhắm chân không đủ dài để bước xuống được chỗ tiếp đất phía dưới thì chia nhỏ bước ra, đi hướng khác, hoặc nếu không có hướng khác thì dùng hai tay chịu lực lên đá đỡ thân mình cho chân xuống trước, không nên nhảy.
· Nghỉ ngắn: khi leo mệt, nghỉ ngắn là rất cần thiết. Nếu đuối chỉ nên đi khoảng năm sáu bước chân rồi nghỉ ngắn khoảng 30 giây tới một hai phút rồi đi tiếp. Không nên nghỉ quá lâu trừ khi có kế hoạch làm việc gì đó (ăn uống, vượt trạm). Khi nghỉ ngắn nên tiếp nước ngay cho cơ thể (uống ngụm nhỏ) và ăn những đồ ngọt gọn nhẹ như bánh kẹo, sẽ giúp hồi phục sức khỏe nhanh hơn.
· Tinh thần: tinh thần rất quan trọng trong chuyến đi. Nếu đi tập thể thì cần phải quan sát thể trạng lẫn nhau để có thể động viên và hỗ trợ kịp thời. Có thể thêm phần âm nhạc trong hành trình để tinh thần phấn chấn hơn. Trên hành trình các bạn nên dành thời gian để ngắm nhìn, lắng nghe, trò chuyện cùng nhau khi đó những muộn phiền hay lo lắng sẽ nên được bỏ lại phía sau để thật sự hòa mình vào thiên nhiên.
· Đội hình: nên phân chia bạn dẫn đường và bạn chốt đoàn (nên là bạn có sức khỏe tốt, thông thuộc địa hình) để tránh tình trạng bị rớt lại thành viên ở phía sau, và có thể thay phiên để hỗ trợ nhau tốt hơn.
6.2. Về đảm bảo an toàn:
· Người dẫn đoàn nhất thiết phải có sự tham khảo , tiền trạm trước về địa hình và thời tiết tại nơi sắp đi. Lưu những số điện thoại của tất cả các thành viên cũng như số cứu hộ để nhờ hỗ trợ khi cần.
· Trang bị những kiến thức và xử lý tình huống khi gặp những sinh vật có thể gây nguy hiểm như rắn, côn trùng…
Trên đây chỉ là phần lý thuyết cho một chuyến hiking, khi trải nghiệm thực tế, mỗi cá nhân sẽ tự rút ra được kinh nghiệm riêng cho bản thân mình. Chúc anh chị em và các bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất cho chuyến leo núi hay chinh phục một cung đường khó. Sự chuẩn bị tốt có thể giúp anh chị em đối phó và xử lý tốt những khó khăn, trở ngại hoặc sự cố trên hành trình, hạn chế được những rủi ro có thể xảy đến cho bản thân và đoàn.
MINH THIỆN
BÌNH LUẬN