Cái thời mặc váy cánh sen của tôi không xưa lắm nhưng tính ra cũng gần 30 năm. Thời ấy phải cắt rau, chăn bò, bán bưng, hái mót dành dụm d...
Cái thời mặc váy cánh sen của tôi không xưa lắm nhưng tính ra cũng gần 30 năm. Thời ấy phải cắt rau, chăn bò, bán bưng, hái mót dành dụm dữ lắm mới sắm được bộ đoàn phục. Bởi vậy tôi ngóng trông cho mau tới chủ nhật để được mặc, để được đến chùa sinh hoạt. Ngày đêm gì cũng boong boong trên đoạn đường đi về 6 cây số trên chiếc xe đạp cổ xưa. Vui lắm, thích lắm vì được đến chùa lễ lạy, được học hỏi phân biệt tội phước, được múa ca, được thấy rõ về cuộc đời của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni…
Tôi nghỉ học sớm lắm, chỉ lớp năm thôi nên tôi bôn ba cuộc sống cũng sớm. Với tôi, đến chùa sinh hoạt là như thoát khỏi sự bon chen nặng nè của cuộc sống. Cái thời xưa đó sinh hoạt động lắm lớn nhỏ mấy chục người. Đêm sinh hoạt, hát bài ngắm trăng, sol đô… vui ơi là vui luôn. Rồi học gút, học may vá đồ, học kỹ năng sống, học Phật pháp, hoạt động thanh niên; học xong là chơi là sinh hoạt vòng tròn đã đời rồi mới kết dây ra về. Đến lúc tôi xếp lại bộ váy cánh sen thay vào chiếc áo đoàn và bộ áo dài. Thoắt cái 14 năm, năm 2008 tôi thọ cấp Tập, lúc ấy tôi đã có con (một đứa rưỡi) vì thời điểm ấy tôi đang mang đứa thứ hai. Vẫn áo dài gọn gàng quỳ dưới Tam Bảo thề nguyện sẽ trọn đời sống với lý tưởng lam và phụng sự đạo pháp… Tâm nguyện của tôi là nơi nào GĐPT cần là tôi sẽ đến không quản ngại xa xôi khó khăn.
Song cái khó khăn bây giờ là các em học quá nhiều ở trường, học thêm, học ngoại khóa, học chính khóa… Xã hội, nhà trường, phụ huynh đặt ra những tiêu chí buộc các em phải đạt được, nhào nặn các em thành một khối bột khô khốc. Vì thế việc đến chùa đã khó này càng khó hơn. Bên cạnh đó Huynh trưởng bây giờ cũng ít sát sao các em, chuyên môn về tâm lý giới tính bị bỏ qua. Đó là chưa kể quý Sư, Ni trụ trì nơi trú xứ đơn vị sinh hoạt đôi lúc cũng đưa ra những hoạt động không nằm trong chương trình và mục đích của GĐPT. Thời gian đầu các em cũng cố gắng tham gia có số lượng nhưng rồi các em quá mệt mỏi, nhàm chán và tâm lý sợ bị Thầy, Cô la, bị các anh chị phạt… Thế là niềm vui đã trở thành sự ngán ngẩm khi nào không biết, các em ở nhà vui hơn không sợ bị khó khăn la mắng, cũng không sợ phải chấp hành đúng ý người lớn nữa…
Nhiều đêm tôi suy nghĩ trăn trở tìm cách để dung hòa mọi thứ nhưng thấy sao mọi việc khó nay lại càng khó hơn. Các vị cao tăng, các vị tiền bối sáng lập đi trước đã chọn lọc những hoạt động cũng như các bài tu học của các em nhẹ nhàng uyển chuyển để huân tập các em về chùa, tin Phật, sống chân chánh. Làm được vậy là chúng ta đã thành công. Tôi nghĩ đào luyện các em trở thành phật tử chứ nào phải đào luyện tăng tài; các em là hàng Phật tử tại gia chứ không phải là tu sĩ xuất gia. Ví như cùng một hạt gạo nhưng chúng ta không thể nấu cháo mà dùng công thức của việc nấu cơm áp dụng phải không? Tùy vào căn cơ chúng sanh mà ngày xưa Đức Phật nói pháp, GĐPT cũng phải thế mà thôi.
Xã hội bây giờ cám dỗ đủ điều, tách rời các em ra khỏi sự cám dỗ đó là điều vô đã vô cùng khó khăn, thế nhưng mình đã vô tình tách biệt các em khỏi sự hiền hòa nơi cửa chùa bằng sự đòi hỏi của người lớn thì trách sao các em ngán đến chùa hơn ngày xưa. Có phải không các anh chị em?
Măng ai uốn lửa bao giờ
Lá non sao chịu nổi đời như tre
Diệu Lượng
BÌNH LUẬN