Hơn 900 học giả, các nhà lãnh đạo Phật giáo và các Phật tử từ 46 quốc gia hôm chủ nhật (27-11) đã bắt đầu thảo luận về giáo lý của Đức Phật,...
Hơn 900 học giả, các nhà lãnh đạo Phật giáo và các Phật tử từ 46 quốc gia hôm chủ nhật (27-11) đã bắt đầu thảo luận về giáo lý của Đức Phật, nhân kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật thành đạo tại Đại hội Phật giáo toàn cầu kéo dài bốn ngày ở Ấn Độ.
Địa điểm tổ chức là tại khách sạn Ashok, quy tụ các nhà sư và các vị Lạt Ma cao cấp từ 46 quốc gia như Nepal, Việt Nam, Hàn Quốc, Mông Cổ, Lào, Campuchia, Sri Lanka, Bhutan và Đức, …
Quanh cảnh Đại hội - Ảnh: Chí Giác Thông
Trong một thông điệp được phát trên truyền hình, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, người sẽ đến dự hội nghị vào ngày 30-11 tới, cho biết trong diễn văn của mình: "Có nhiều cơ hội cho Phật tử đến với nhau và thảo luận về các vấn đề hai bên cùng quan tâm”.
"Đại hội đã mang đến một cơ hội thật cần thiết và quan trọng. Bây giờ và trong tương lai, chúng ta cần khuyến khích, thúc đẩy trao đổi sự hiểu biết và kinh nghiệm giữa các truyền thống Phật giáo và cải thiện sự giao tiếp giữa chúng ta" - Đức Đạt Lai Lạt Ma nói.
Phát biểu tại Đại hội, Hòa thượng Lala Lobzang, Chủ tịch Hội truyền giáo Asoka, cho biết: "Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Phật giáo, các Phật tử và học giả từ khắp nơi trên thế giới tập trung về đây, nơi quê hương của Đức Phật”.
Ngài nói: "Thế giới đang đối phó với một cuộc khủng hoảng - cụ thể là bạo lực, đạo đức bị xuống cấp và suy thoái kinh tế, môi trường sống bị ô nhiễm, sự bất hòa trong các cộng đồng và giữa các quốc gia”.
"Chúng ta sẽ thảo luận về cách thúc đẩy hòa bình thế giới, tìm cách để đối phó với cuộc khủng hoảng xã hội và sự phát triển của khu vực hành hương Phật giáo giữa Kushinagar và Varanasi (bang Uttar Pradesh)”.
Ngài Chủ tịch Hội truyền giáo Asoka giải thích lí do vì sao lại tổ chức Đại hội tại Ấn Độ: "Phật tử trên toàn thế giới đã thống nhất Đại hội nên tổ chức ở Ấn Độ vì đây là quê hương của Đức Phật”.
Ngài cho biết Đại hội đã quy tụ tất cả đại diện của các tông phái Phật giáo.
Đại hội bắt đầu bằng lễ cầu nguyện bằng ngôn ngữ Pali và Sanskrit truyền thống và lời chào mừng các đại biểu bởi Lạt ma Gaden Tripa Rizong Setrul Rinpoche, nhà lãnh đạo Hội truyền giáo Asoka.
Buổi sáng là thời gian dành cho việc giới thiệu các đoàn đại biểu đến dự Đại hội.
Các đại biểu đã dâng hoa tại đài tưởng niệm Mahatma Gandhi tại Rajghat vào khoảng 1g30 chiều.
Một phiên họp đặc biệt vào buổi chiều với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Phật giáo tối cao, người đứng đầu các đoàn đại biểu, đại diện của các giáo phái Phật giáo nhằm thảo luận về việc hình thành một liên minh Phật giáo quốc tế.
Chương trình làm việc của ngày được kết thúc với một chương trình văn hóa tại Hotel Lalit vào buổi tối. Đại hội tiếp tục bàn về vấn đề môi trường vào ngày thứ hai (28-11).
Trong những ngày tới, Đại hội sẽ tổ chức các phiên họp quan trọng về việc bảo tồn và phát triển Phật giáo như một phương thuốc chữa trị chứng lo âu và trầm cảm, các vấn đề về đạo đức và các giá trị liên quan đến Phật giáo trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Phật giáo với các vấn đề chính trị, xã hội, xung đột và bạo lực sẽ là nội dung trọng tâm của các cuộc thảo luận vào 29-11.
Vào 30-11, Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ chủ trì một buổi lễ cầu nguyện chung giữa đại diện các tôn giáo như Phật giáo, Bahai giáo, Kitô giáo, Hindu giáo, Hồi giáo, đạo Jain, Do Thái giáo và đạo Sikh.
Văn Công Hưng (Theo IANS)
BÌNH LUẬN