Cứ đến chiều thứ bảy là thầy về quê, và sáng thứ hai vào lại trường. Điều này lúc đầu khiến nhiều người thắc mắc, xầm xì, nhưng sau thì chẳn...
Cứ đến chiều thứ bảy là thầy về quê, và sáng thứ hai vào lại trường. Điều này lúc đầu khiến nhiều người thắc mắc, xầm xì, nhưng sau thì chẳng còn ai bận tâm đến. Việc gì cũng vậy, dù có hơi khác thường, nhưng lập đi lập lại nhiều lần thì rồi cũng hoá quen. Có khi không phải nó trở thành việc bình thường, và cũng không phải vì người người ta chấp nhận nó, nhưng do chẳng ai hơi đâu đi nghĩ chuyện người khác hoài, thành ra im lặng kiểu “việc ai nấy biết!”
Nhưng mỗi tuần thầy về quê một lần theo lịch trình đó sao cho là chuyện khác thường? Đúng là không có gì khác thường nếu thầy đang học ở một ngôi trường nào đó không phải trường Phật học, nơi các tăng sinh luôn hạn chế việc đi ra ngoài và về thăm nhà, trừ trường hợp có việc cần. Ban đầu, thấy thầy về nhà hoài như vậy tôi rất ngạc nhiên, nghĩ không hiểu sao thầy lại quyến luyến gia đình đến vậy, và sao ban giám hiệu cũng như thầy quản chúng lại dễ dãi với thầy như vậy. Nhưng về sau khi hiểu được nguyên do, tôi mới thông cảm, nhưng cũng lại nghĩ, giá thầy đừng xuất gia thì tốt hơn!
Quê thầy cách trường 70 km đường bộ. Trước khi đi tu, thầy là một lơ xe có máu mặt trong vùng. Thầy có vợ và bốn đứa con, đứa đầu học lớp 8 và đứa út học mẫu giáo. Biết vợ của thầy đang làm rẫy, nuôi bốn đứa con nhỏ, tôi thật sự không hiểu được động cơ khiến thầy đi tu! Và cũng chính vì cái “gia duyên” đó nên cứ cuối tuần thầy phải về quê giúp việc cho vợ và cũng coi ngó mấy đứa con nhỏ (!).
Ở trường, các tăng sinh được xếp thành các tổ để thay phiên nhau làm những công việc hàng ngày như tụng kinh, quét tước, nấu cơm, đi chợ… Tôi và thầy được xếp chung một tổ và thầy là tổ trưởng, do vì thầy lớn tuổi. Nhưng dù thầy là tổ trưởng, nhưng lời nói của thầy không có trọng lượng gì mấy với các tổ viên, bởi do thầy không chu toàn trong vai trò của mình, và cũng bởi thầy thường vi phạm các nội quy của nhà trường, do những thói quen mà thầy đã tiêm nhiễm khi còn sống đời thế tục. Nhưng nói chung, thầy là người dễ tính, và xem ra không quá “dữ dằn” như cái quá khứ mà thầy từng trãi.
Tôi có về quê thầy chơi một lần, nhân lần thầy về thăm nhà theo lịch trình thường lệ. Vì đi chuyến xe trưa nên khi đến nhà thầy thì trời bắt đầu xế chiều. Xe dừng ở quốc lộ 1A, và từ đó vào nhà thầy độ chừng 1 km. Thầy và tôi vừa bước xuống xe thì đã nghe tiếng xì xào của mấy anh thanh niên đang ngồi ở quán nước, “bữa này về thăm vợ còn dẫn theo đàn em” (!). Đứa con gái út của thầy, đang đứng trước cổng trường mẫu giáo, thấy thầy về thì chạy đến, không biểu lộ sự vui mừng mà chỉ nói, “ba cho con tiền mua bánh đi.” Thầy nhìn tôi, cười, và cho con bé một ít tiền. Tôi tảng lờ nhìn đi nơi khác, nghe ngậm ngùi!
Tôi và thầy đi về nhà, không, phải nói là về chùa mới đúng - chùa của ba thầy. Phải gọi nó là chùa vì trên cổng vào phía trước có tấm bảng ghi rằng nó là chùa. Còn để xét đến những yếu tố cần thiết để tạo nên một ngôi chùa thì nơi này lại không thể. Trong cái được gọi là chùa này, cũng có thờ Phật, có đại hồng chung, có kinh sách…và có cả thầy tu nữa, nói chung là đủ Phật-Pháp-Tăng, nhưng chung chạ với những thứ đó còn có vợ con cháu chắt, những sinh hoạt rộn ràng nếp sống thế tục.
Ba của thầy là một vị “thượng toạ”, trông phương phi, đẹp lão. Nhưng mẹ của thầy, tương phản, là một bà cụ ốm yếu, lam lũ. Ở quê thầy, các tăng sĩ hầu hết đều có vợ con, và công việc chính của các thầy là cầu siêu, cầu an và cúng đám. Giá trị của một tăng sĩ ở đây không vượt ra khỏi phạm vi đó. Và chùa chiền, phần lớn không phải là nơi để các Phật tử tụ hội về tu tập, mà đơn giản chỉ là nơi dành cho thầy và gia đình của thầy ở, để lo các công việc cúng đám ma chay.
Thầy đưa tôi lên rẫy chơi, nơi vợ của thầy đang hái hạt điều ở đó. Chị làm việc ở đó cùng với mẹ chồng, tức là mẹ của thầy. Hai vợ chồng gặp nhau, họ bàn về vụ mùa thu hoạch hạt điều, giá cả cao thấp, những dự định cho vụ trồng trọt sắp đến. Họ bàn bạc say sưa, quên đi sự có mặt của tôi. Ngồi nói chuyện khá lâu, nhưng tôi không thấy được mặt chị, vì chị trùm mặt kín mít, nhưng nghe giọng nói thì biết chị chưa đến nỗi quá già. Còn mẹ của thầy thì cứ than ngắn thở dài, về việc con bò nghé tự dưng chết quay cách đó không lâu, về việc nằm mơ thấy thèm đầu vịt chắm nước mắm, mà theo bà đó là điềm báo không còn sống được bao lâu. Tôi thấy buồn (thầy tu không nên buồn!), bỏ đi dạo vườn, hái mấy trái điều nhâm nhi. Mùi vị chát ngắt. Nắng chiều nhạt màu trên những tàn điều rập rạp, gió rào rạt xôn xao, nghe nhoi nhói một điều gì đó mơ hồ!
Mẹ và vợ của thầy tối không về nhà. Họ ở lại trên rẫy, ở đó có một chiếc lều nhỏ dành cho họ. Mặt trời khuất dạng, tôi và thầy về chùa dùng cơm tối. Bữa cơm dọn riêng hai nơi. Tôi và thầy dùng cơm chay, ăn riêng trong nhà. Còn vợ chồng người em của thầy cùng mấy đứa nhỏ, dùng cơm mặn, dọn ăn ở trước hiên. Hôm đó, ba của thầy đi vắng. Nếu có ở nhà, không biết ông sẽ ngồi vào mâm nào!
Trong cái cảnh chập choạng tranh tối tranh sáng nửa đời nửa đạo ấy, mọi con người ở đây đều trở nên kỳ lạ. Vợ chồng người em của thầy, trông nền nếp, nhưng thái độ rất dè dặt, có lẽ do sự hiện diện của tôi. Mấy đứa nhỏ chỉ tụ lại trong bữa ăn, xong, tản ra và biến mất tiêu. Sau bữa ăn, thầy ngồi trò chuyện với tôi một chặp rồi đi đánh chuông. Tôi thấy đầu óc trống rỗng, hụt hẫng khi nghe mấy câu kệ thỉnh chuông, “Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới, thiết vi u ám tất giai văn, văn trần thanh tịnh chứng viên thông…. Văn chung thanh phiền não khinh, trí huệ trưởng bồ đề sanh…”.
Màn đêm mênh mông rũ xuống. Ngôi chùa im lìm, khuất lấp trong bóng đêm! Tối, tôi đi ngũ sớm. Sáng hôm sau dậy sớm nhưng không lên chùa tụng kinh. Chiều, tôi và thầy vào lại trường. Tôi không biết thấy có vương vấn gì khi vào lại trường hay không, nhìn bên ngoài thì thấy không có gì khác; trạng thái lúc về cũng như khi đi vẫn điềm nhiên. Còn tôi sau lần đi này, cứ tự hỏi, thầy ấy đi tu để làm gì nhỉ?!
Thích Nguyên Hiệp
BÌNH LUẬN