Từ ngàn xưa, những tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào trong lòng của mọi người dân Á Đông chúng ta. Nam thì phải có “Tam cương – Ngũ thường ”...
Từ ngàn xưa, những tư tưởng Nho giáo đã ăn sâu vào trong lòng của mọi người dân Á Đông chúng ta. Nam thì phải có “Tam cương – Ngũ thường ”, nữ thì phải có “Tam tòng – Tứ đức ”, tất cả đều đã trở thành thước đo về đạo đức và phẩm hạnh của mọi người nam – nữ trong xã hội.
Bất cứ người con gái nào khi chuẩn bị “xuất giá” về nhà chồng đều phải trang bị cho mình một số kiến thức, một số hành trang như là những kinh nghiệm về cuộc sống hôn nhân, về bí quyết gìn giữ gia đình hạnh phúc và tạo được mối quan hệ tốt với mọi thành viên trong gia đình nhà chồng… Những vấn đề ấy tưởng chừng dễ dàng nhưng quả thật đó là một vấn đề đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực và tấm lòng của người phụ nữ. Người vợ nào cũng muốn khi về bên chồng sẽ trở thành một người con dâu thảo với cha me chồng, trở thành người vợ đảm đang và trở thành một người mẹ hiền của con cái. Đó là ước mong của những người phụ nữ, những người vợ.
Phật Giáo chủ trương tu tập để giải thoát khỏi lưới tham ái, cắt đứt mọi sự ràng buộc để tiến đến cái hạnh phúc cao thượng hơn, đó chính là níp–bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó Thế Tôn Ngài vẫn có những lời khuyên, những lời dạy cho các đệ tử tại gia của mình về những phận sự, những việc nên làm trong đời sống thế tục. Đó chính là cái thiết thực của lời Phật dạy để áp dụng vào trong đời sống cá nhân và trong các mối quan hệ cộng đồng.
Và sau đây, chúng ta hãy lắng nghe những lời dạy của Bậc Giác Ngộ đối với những người phụ nữ sắp về nhà chồng đã được ghi lại trong kinh tạng như sau:
Một thời, khi đức thế tôn trú tại Jātiyāvana ở Bhaddiya, cháu trai của chủ ngân khố Meṇḍaka là gia chủ Uggaha đã thỉnh đức phật và ba vị tỳ kheo nữa về tại tư gia để trai tăng cúng dường. Sau khi thọ trai xong, ông ta mới bạch với thế tôn rằng:
– Những đứa con gái này của con, bạch Thế Tôn, sẽ đi về nhà chồng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới chúng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy khuyên dạy chúng, để chúng được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Rồi Thế Tôn nói với các người con gái ấy:
– Này các thiếu nữ, các Con hãy học tập như sau: "Ðối với những người chồng nào, mẹ cha cho các con, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên, đối với vị ấy, chúng ta sẽ thức dậy trước, chúng ta sẽ đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Những ai, chồng ta kính trọng, như mẹ, cha, Sa–môn, Bà–la–môn, chúng ta sẽ tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường và khi họ đến, chúng ta sẽ dâng hiến họ chỗ ngồi và nước." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có những công nghiệp trong nhà, hoặc thuộc về len vải hay vải bông, ở đây, chúng ta sẽ phải thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẽ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình". Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.
Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng, và sẽ gìn giữ để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại". Như vậy, này các Thiếu nữ, các con cần phải học tập. Thành tựu năm pháp này, này các Thiếu nữ, người đàn bà, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên có thân khả ái .
Trong mỗi một xã hội, mỗi một dân tộc, mỗi mộ quốc độ và tùy theo thời đại, những chuẩn mực về vai trò của người vợ đối với gia đình chồng tuy có thể khác nhau nhưng những gì mà Đấng Đại Bi đã giảng dạy về chuẩn mực của người vợ hiền – dâu thảo vẫn có giá trị theo năm tháng thời gian. Người phụ nữ, khi sinh ra đã mang trên mình một sứ mạng thiêng liêng và trách nhiệm cao cả để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, vì những hoàn cảnh và tùy vào nghiệp nên đôi khi chúng ta sẽ gặp phải những người vợ không được như mong muốn. Đức Phật đã đưa ra một loạt hình ảnh mẫu về những người vợ, xem đó là thước đo để chọn lựa và đánh giá phẩm hạnh của người vợ hiền – dâu thảo.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvavatthī, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Rồi Thế Tôn đắp y, vào buổi sáng, cầm y bát, đi đến trú xứ của Anāthapiṇḍika; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Lúc bấy giờ, trong trú xứ của gia chủ Anāthapiṇḍika có nhiều người nói cao tiếng, nói lớn tiếng. Rồi Anāthapiṇḍika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anāthapiṇḍika đang ngồi xuống một bên:
– Này Gia chủ, vì sao trong nhà của Ông lại có nhiều người nói cao tiếng, nói lớn tiếng như những người đánh cá đang giành giựt cá?
– Bạch Thế Tôn, có nàng dâu Sujātā giàu có đến đây từ một gia đình giàu có. Nàng không vâng lời mẹ chồng, không vâng lời cha chồng, không vâng lời chồng, cũng không cung kính, không tôn trọng, không lễ bái, không cúng dường Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn cho gọi nàng dâu Sujātā:
– Hãy đến đây Sujātā!
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Nàng dâu Sujātā vâng đáp Thế Tôn, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với nàng dâu Sujātā đang ngồi một bên:
– Này Sujātā có bảy loại vợ này cho người đàn ông. Thế nào là bảy? Vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ. Này Sujātā, có bảy loại vợ cho người đàn ông. Và con thuộc loại vợ nào?
– Bạch Thế Tôn, lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn, con không hiểu rõ ý nghĩa một cách rộng rãi. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho con để con có thể hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn.
– Vậy này Sujātā, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng.
Sujātā vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
Ai tâm bị uế nhiễm,
Không từ mẫn thương người,
Thích thú những người khác,
Khinh rẻ người chồng mình,
Bị mua chuộc bằng tiền,
Hăng say giết hại người,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ sát nhân.Còn hạng nữ nhân nào,
Tiêu xài tài sản chồng,
Do công nghiệp đem lại,
Hay thương nghiệp, nông nghiệp,
Do vậy, nếu muốn trộm,
Dầu có ít đi nữa,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ ăn trộm.Không ưa thích làm việc,
Biếng nhác, nhưng ăn nhiều,
Ác khẩu và bạo ác,
Phát ngôn lời khó chịu,
Mọi cố gắng của chồng,
Ðàn áp và chỉ huy,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi là vợ chủ nhân.Ai luôn luôn từ mẫn,
Có lòng thương xót người,
Săn sóc giúp đỡ chồng,
Như mẹ chăm sóc con,
Tài sản chồng cất chứa,
Biết hộ trì gìn giữ,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ như mẹ,Ai như người em gái,
Ðối xử với chị lớn,
Biết cung kính tôn trọng,
Ðối với người chồng mình,
Với tâm biết tàm quí,
Tùy thuận phục vụ chồng,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ như chị.Ai ở đời thấy chồng,
Tâm hoan hỷ vui vẻ,
Như người bạn tốt lành,
Ðã lâu từ xa về,
Sanh gia đình hiền đức,
Giữ giới, dạ trung thành,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ như bạn.Không tức giận, an tịnh,
Không sợ hình phạt, trượng,
Tâm tư không hiềm hận,
Nhẫn nhục đối với chồng,
Không phẫn nộ tức giận,
Tùy thuận lời chồng dạy,
Hạng người vợ như vậy,
Ðược gọi vợ nữ tỳ.Ở đời các hạng vợ,
Ðược gọi vợ sát nhân,
Kể cả vợ ăn trộm,
Và cả vợ chủ nhân,
Vợ ấy không giữ giới,
Ác khẩu và vô lễ
Khi thân hoại mạng chung,
Bị sanh vào địa ngục.Ở đời các hạng vợ,
Như mẹ, chị và bạn,
Và người vợ được gọi,
Là vợ như nữ tỳ,
An trú trên giới đức,
Khéo phòng hộ lâu ngày,
Khi thân hoại mạng chung,
Ðược sanh lên thiện thú.Này Sujātā, có bảy loại vợ này đối với người đàn ông. Con thuộc hạng người nào?
– Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, Thế Tôn hãy xem con là người vợ đối với chồng như người vợ nữ tỳ .
Qua đoạn giáo giới của Đức Phật dành cho nàng dâu Sujātā, chúng ta mới nhận thấy rằng Đức Phật Ngài rất tâm lý và rất tận tâm trong việc cải hóa hàng đệ tử của mình từ đời sống tâm linh cho đến đời sống gia đình và ngoài xã hội. Là người con Phật, chúng ta phải cố gắng học và hành theo lời của Ngài đã giảng dạy để đem đến cho tất cả chúng ta, bản thân mình và những người xung quanh được những điều an vui và hạnh phúc ./.
BÌNH LUẬN