Câu chuyện thứ 21 trong kinh Bách Dụ kể rằng có một người phụ nữ góa chồng, tuổi đã trung niên dù đã có một đứa con, nhưng vẫn cầu mong có t...
Câu chuyện thứ 21 trong kinh Bách Dụ kể rằng có một người phụ nữ góa chồng, tuổi đã trung niên dù đã có một đứa con, nhưng vẫn cầu mong có thêm đứa nữa.Biết được tâm nguyện của người phụ nữ này, một bà đồng tìm đến bảo chị ta phải cúng tế thần linh một cách trọng hậu; mà lễ vật thì không gì khác ngoài việc hiến dâng sinh mạng của đứa bé đang sống kia! Khi người phụ nữ ấy nghe lời bà đồng toan giết con mình thì có người bạn biết được liền quở trách “Sao chị lại ngu ngốc hàm hồ thế! Đứa con chưa sinh không biết có sinh được không mà lại đi giết đứa con còn sống!”.
Bao nhiêu đứa con đang dâng hiến chư Thiên?
Ngẫm lại chuyện hôm nay,chúng ta đang chứng kiến nhiều sự kiện không khác câu chuyện ngụ ngôn nói trên là mấy. Hãy thử nghĩ đếnnhững công trình thử điện. Ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vừa phải thừa nhận rằng đã đến lúc phải xem lại nếu không muốn nói là tạm dừng ngay các công trình thuỷ điện nhỏ:Có tới 90 nhà máy thuỷ điện huỷ hoại hàng nghìn hecta rừng nhưng chỉ mang lại một nguồn điện nhỏ nhoi bằng 2/3 một nhà máy nhiệt điện cỡ vừa. Theo số liệu do chính ông Bộ trưởng cho biết, riêng ở miền Trung và Tây Nguyên đã có đến 230 dự án thuỷ điện nhỏ và vừa (công xuất dưới 30mW), trong đó có 90 dự án đã triển khai, và 38 dự án sẽ phải thu hồi.
Chỉ mới có 90 nhà máy thuỷ điện mà miền Trung đã và đang phải hứng chịu lũ lụt điêu đứng trong suốt một năm qua; vậy nếu triển khai nốt 102 dự án còn lại chưa có lệnh thu hồi để đưa vào hoạt động thì tình trạng lũ lụt sẽ ra sao? Phải chăng đó là việc giết những “đứa con” đang có ở hình thức con sông , con suối để cầu cho được đứa con” điện”, thì cũng làm chết luôn cả những đứa con “ruộng đồng” đang canh tác? Đâu là cái giá phải trả cho 500mW thuỷ điện, trong khi chỉ riêng một nhà máy nhiệt điện ở Cà Mau, công suất đã là 750mW?Chưa kể là cứ tạo ra 1mW thuỷ điện thì phải hy sinh 10ha rừng và để có được 1.000 hecta đất làm thuỷ điện, phải san bằng từ 1.000ha đến 2.000ha đất ở thượng nguồn làm đường vận chuyển. Chúng ta không cần tranh luận có phải vì thế mà miền Trung đang phải đối đầu với đại hồng thuỷ nhiều hơn bao giờ, chỉ cần biết rằng hễ mất rừng thì việc giữ nước giảm lũ sẽ không còn hiệu quả nữa.
Có người lý luận rằng sẽ trồng rừng bù lại những gì đã mất. Chúng ta hãy nghe ông Lương Vĩnh Linh, Gíam đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin phát biểu khi trả lời đội tư vấn nước ngoài về việc trồng rừng trở lại:
Chỉ tay lên ngọn núi xanh mờ, ông nói,” Anh nhìn kia, từ dưới mặt đất trở lên đến hơn 30m là cả một hệ sinh thái vô cùng hoàn chỉnh, từ rêu địa y cho đến hàng chục, hàng trăm từng lớp giống loài động thực vật. Cả núi tiền cũng chả làm ra được dù chỉ vài mét vuông rừng nguyên sinh hay một thân cổ thụ nghìn năm tuổi, chứ đừng nói tới tiền tấn!”.
Người ta không thể lý giải tại sao chỉ vì công suất 12mW của nhà máy thuỷ điện “chẳng có gì quy mô “gì đáng kể như nhà máy Krông K’mar, lại đi phá cả 110ha rừng Chư Yang Sin.
Phát triển bằng mọi giá
Chúng ta đang trả giá cho sự phát triển , nhất là khi phát triển bằng mọi giá.Hiện chỉ số nitrogen và ammonia trong nguồn nước ở tất cả cửa sông thuộc lưu vực sông Đồng Nai đều vượt xa chỉ tiêu quốc gia cho phép về chất lượng nước loại A1, trong đó chỉ số COD ( che mical oxygen demand) đo được ở nhiều nơi có xu hướng tăng mạnh trên khắp cả nước, cụ thể là ở lưu vực sông Đồng Nai,tại những nơi như phà Bình Khánh, thôn Tam Hiệp, sông Soài Rạp. Theo Trung tâm Công nghệ Môi trương (ENTEC) thì lưu lượng nước thải công nghiệp tống ra lưu vực sông Đồng Nai là 2triệu m3/ngày đêm; đó là chưa kể hơn 2,7 triệu m3 nước thải sinh hoạt, trong đó có nước thải của hang loạt khu đô thị không qua xử lý được vô tư xả thẳng ra sông suối…
Hãy đọc một đoạn báo cáo:
“…Tổng lượng nước thải ô nhiễm xả thẳng ra các dòng sông thuộc lưu vực sông Đồng Nai đang ở mức báo động. Báo cáo hiện trạng môi trường của tỉnh Bình Dương cho thấy chỉ có 20% cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra còn có trển 38% khu công nghiệp xả nước thải trực tiếp ra các dòng sông vượt quy chuẩn cho phép.
Theo Tổng cục Môi trường, năm 2010 kết quả quan trắc cho thấy hiện trạng mặt nước sông Sài Gònvề chất N-NH4 có chỉ số luôn vượt ngưỡng tiêu chuẩn QCVN ở mức B1 nhiều lần; còn chỉ số BOD5 (nhóm chỉ tiêu đánh giá về mức độ ô nhiễm chất hữucơ của bề mặt nước ) nhiều khu vực tăng mạnh…”
Cần một câu trả lời thẳng thắn
Công luận đặt ravấn đề tại sao lại phải tổ chức những cuộc hội thảo bằng công quỹ để trấn an dư luận thay vì buộc các công ty thuỷ điện phải trả lời trước công luận vì “có ăn chịu”. Không thể chỉ biết hưởng lợi riêng mình mà bất chấp lợi ích cộng đồng! Tình hình lũ lụt, do đó, phải được phân tích, mổ xẻ vì nó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống dân chúng mà còn tác động xấu đến cả những cơ sở hạ tầng tốn kém khác như cầu đường; nghiêm trong hơn, lũ lụt luôn luôn đe dọa sinh mạng con người. Đây không chỉ là bài học hôm nay mà còn cho tương nai; vì thực tế cho thấy lụt bão sạt lở đã vượt qua khả năng dự báo và phòng ngừa nên rất cần một cuộc tổng rà soát mọi hiểm họa và kể cả những nguy cơ tiềm tàng. Hãy nhớ rằng’ Chúng ta không thể hữu ích với chính mình nếu chúng ta không hữu ích với mọi người. Chúng ta không thể chỉ hạnh phúc riêng mình mà không phụ thuộc vào mối quan hệ với những người quanh mình. Bất kỳ ai quan tâm đến lợi ích riêng thì cuối cùng cũng sẽ phải chịu đau khổ”. (Đạt- lai Lạt- ma). Đấy cũng là tình cảnh người phụ nữ cầu con mà lại giết con mình!
Nguyên Cẩn
(theo VHPG Blog)
BÌNH LUẬN