Bản chất của mùa xuân là chuyển hóa. Nó có khả năng chuyển hóa đối với những gì đang có mặt nơi nó để nó trở thành mùa xuân cho chính nó, mà...
Bản chất của mùa xuân là chuyển hóa. Nó có khả năng chuyển hóa đối với những gì đang có mặt nơi nó để nó trở thành mùa xuân cho chính nó, mà không phải là mùa khác. Nó có bản chất chuyển hóa thời tiết của hai cực đoan đối lập của mùa đông và mùa hạ để tạo nên nét riêng cho chính nó, nhưng nó không hiện hữu đơn thuần, nó hiện hữu với đông và hạ, nên xuân không phải là nó, nhưng cũng không phải là khác nó.
Mùa đông cho ta và muôn loài nhiều mưa và lạnh; mùa hạ cho ta và muôn loài nhiều nắng và nóng. Mưa và nắng, nóng và lạnh đều là những cực đoan đối lập mà hai mùa đông và hạ, thường đem lại cho đời sống của chúng ta và muôn loài. Mưa nhiều hay lạnh nhiều; nắng nhiều hay nóng nhiều đều là những thời tiết cực đoan, chúng có tác dụng cản trở, tàn hoại và hủy diệt sự sống an lành, hơn là làm sinh khởi và bảo hòa sự sống cho tất cả chúng ta và muôn vật.
Mùa xuân đã tiếp nhận cái mưa và cái lạnh buốt cực đoan của mùa đông để chuyển hóa thành cái mưa nhẹ và cái lạnh thoáng. Xuân đã tiếp nhận cái nắng cục bộ và cái nóng phiến diện của mùa hạ, để chuyển hóa và biến nó trở thành chất liệu mới mẻ, nồng ấm và mát tươi để hiến tặng cho đời, mà không hề kể lể và đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào đối với muôn vật.
Đối với mùa hạ, xuân sinh ra trước không phải để làm anh, mà để tạo ra nguồn sinh lực cho hạ và cùng đồng hành với hạ, vừa cung cấp sức sống cho hạ, nhưng đồng thời cũng giúp cho hạ hóa giải những oi bức tự nội, để hạn chế năng lực đốt cháy và tiêu hủy sự sống của chính nó và muôn vật. Đối với mùa đông, xuân cũng đồng hành và tiếp diễn theo sau, không phải để làm em, mà để hứng chịu, ôm lấy và chia sẻ những cơn mưa gió, ngang ngược, phũ phàng, lạnh buốt của đông, khiến cho đông hoàn toàn không phải là những khối băng giá, lầm lì, vô tình ướp lạnh sự sống. Xuân tiếp diễn sau đông là để giúp cho muôn vật tái tạo sức sống, sau những tháng ngày bị đông đối xử tàn nhẫn và lạnh lùng.
Đối với hạ, xuân đồng hành, cộng sinh và đồng thời chấp nhận cho hạ phân hai, để thiêu đốt lên đời mình, trong những cuộc đuổi bắt săn tìm, được mất, hơn thua, thương yêu, giận dữ,… khiến cho những làn da non nẻo của xuân trở thành những làn da xạm nắng, rắn chắc, cứng cỏi, sần sùi, chạm trán và u đầu.
Đối với đông, có khi xuân bị bạc đãi và tấn công tàn nhẫn bởi những cơn mưa gió bão bùng, bởi những cái rét cay độc, bởi những cơn lạnh phũ phàng, nghiệt ngã, nhưng xuân vẫn chịu đựng, ôm lấy sức sống và tinh hoa của mình trong tận cùng gốc rễ, với những thân thể trơ trụi, trần truồng, đứng sừng sững giữa giá lạnh của trời đông.
Đối với thu, có gió mát, trăng thanh, có lá ngô đồng rơi đẹp, có măng trúc biếc, có hoa cúc vàng và bướm bay bên dậu, nhưng phía trước, xuân bị ngăn cách với thu bởi hạ và phía sau xuân lại bị ngăn cách với thu bởi đông.
Mặc dù là vậy, nhưng xuân luôn luôn đồng hành và cộng thông với hạ, thu và đông, không kể lể, không đài các, không vồn vã, không hèn mọn, không kiêu sa, mà chỉ một lòng, một dạ với tất cả những gì mà mình có thể chịu đựng, để tái tạo cái đẹp mà hiến dâng cho toàn thể.
Xuân là vậy, nên muôn vật đều thích và quí xuân, và hiến tặng cho xuân những gì tinh hoa của nó, mà không có bất cứ một sự hối tiếc nào, nhưng xuân chỉ hồn nhiên, bình lặng mỉm cười.
Ta tiếp xúc với mùa xuân là ta có cơ hội học hỏi khả năng chịu đựng, tiếp nhận và chuyển hóa một cách linh hoạt, sống động và thẳm sâu của nó, trong mọi hành hoạt thuận nghịch, để cùng với tất cả lớn lên trong lý tưởng trân quí và phụng sự muôn loài.
Ta tiếp xúc với mùa xuân không phải chỉ tiếp xúc với những thành quả của nó, mà phải biết tiếp xúc với những nhân duyên thuận nghịch tạo nên nó. Ta biết rằng, xuân đã từng tiếp nhận cuộc sống, từ những hoàn cảnh điêu tàn và từ những tấm lòng và hành xử cực đoan của đông và hạ.
Và ta tiếp xúc với một tâm hồn xuân là ta phải biết tiếp xúc từ những tâm thức điên đảo; từ những cách nhìn hay những ứng xử cục bộ và phiến diện của ta và của mọi người hay của muôn vật, rồi ta phải có khả năng biết chấp nhận sự thật của những cái ấy, để chuyển hóa chúng trở thành những chất liệu an hòa, nhằm tiến tới hiến dâng sự sống bình yên và tươi vui cho tất cả.
Biển cả hạnh phúc có khả năng hàm dung tất cả những ước muốn của con người và muôn vật. Nhưng, làm sao ta và muôn vật có thể về được và hội nhập với biển cả ấy, khi mà trong đời sống của ta và muôn vật có quá nhiều chất liệu cục bộ, phiến diện và cực đoan, và mọi hành xử hàng ngày của ta và muôn vật, đều đang bị trói buộc ngay nơi những chất liệu và những điều kiện nhất định và hạn chế ấy?
Ta có thể ngồi một cách yên lắng để nhìn mọi vật đang trôi chảy trên một dòng sông. Trên dòng sông ấy, một số vật đang bị mắc kẹt ở bên bờ nầy, có một số vật đang bị mắc kẹt ở bờ bên kia, có một số vật đang bị mắc kẹt ở gầm cầu và một số vật đang bị người ta vớt lên. Mọi vật không thể đi về được với biển cả rộng lớn là do chúng bị mắc kẹt bởi nhiều hình thức và nhiều điều kiện khác nhau, khi chúng đang trôi trên một dòng chảy.
Cũng vậy, ta ngồi thật yên lắng để nhìn một cách sâu sắc, những chủng tử, những ý niệm, những tác nghiệp biểu hiện và ẩn tàng ngày đêm đang vận hành nơi dòng sông tâm thức của ta. Những gì đang trôi chảy trên dòng sông tâm ấy, không đi về được với biển cả hạnh phúc và giác ngộ rộng lớn, là do chúng không bị mắc kẹt bởi những đối tượng bên nầy, thì chúng lại bị mắc kẹt bởi những đối tượng bên kia. Nếu chúng không bị mắc kẹt bởi những đối tượng bên nầy hay những đối tượng bên kia, thì chúng lại bị mắc kẹt bởi những nhận thức của chính nó. Và nếu chúng không bị mắc kẹt bởi những nhận thức của chính nó, thì chúng lại bị mắc kẹt bởi nhận thức do người khác vớt lên, giáo dục và trao truyền.
Do tâm thức ta bị những mắc kẹt như vậy, nên chính những mắc kẹt ấy tạo ra sóng mòi, làm chao đảo, ngữa nghiêng đời sống của ta, và đã ảnh hưởng đến những người khác, khiến cho ta và những người liên hệ, không đi về và thể nhập nhất như được với đại dương giác ngộ, an bình.
Mùa xuân của biển tâm rộng lớn là mùa xuân, mà tâm ta có khả năng biết ơn và chấp nhận sự thuận nghịch của cả bốn mùa, và chuyển hóa những nhận thức nhỏ nhoi, thấp kém, cạn cợt và phiến diện trong những thuận nghịch ấy, ngay nơi đời sống của ta, khiến chúng đều trở thành xuân bao la, xuyên suốt mọi thời gian và mọi không gian. Xuân ấy không còn là một mùa mà xuyên suốt mọi mùa; không còn là mùa xuân của năm tháng, mà là xuân xuyên suốt mọi thời gian và xuân ấy, không còn là xuân hiện hữu ở trong một chất điểm mà là toàn thể.
Tâm ta rộng lớn bao nhiêu, ta lại có khả năng chế tác mùa xuân cho ta và muôn vật bấy nhiêu; tâm ta có bao nhiêu phương tiện thiện xảo của trí, thì ta có bấy nhiêu khả năng tháo gỡ và chuyển hóa những vướng mắc thấp kém trong cuộc đời của ta và tạo nên xuân trong đời sống của ta bấy nhiêu.
Dẫu biết rằng, tùy theo tâm thức cao quí hay thấp kém, rộng hay hẹp, phước báo cạn hay dày mà mỗi người, mỗi loài sẽ cảm thọ mùa xuân khác nhau. Nhưng với đại nguyện của mùa xuân chuyển hóa, ta hãy nguyện cùng nhau buông bỏ những niềm vui ích kỷ, những bắt đuổi tầm thường, những hơn thua hư huyễn, những khen chê đưa đãi, phiếm phù để cùng nhau tạo thành nguyện lớn và dìu dắt nhau đi vào biển cả giác ngộ, để cho muôn loài đều hội nhập tâm xuân an bình.■
Thích Thái Hòa
Nguồn: Tập San Pháp Luân 78
BÌNH LUẬN