Cuộc thi Tam Tạng Pháp Sư lần thứ 64 tại Miến Điện đã chính thức được khai mạc ngày 07/01/2012 và sẽ kết thúc sau hơn một tháng tộc chức. Cu...
Cuộc thi Tam Tạng Pháp Sư lần thứ 64 tại Miến Điện đã chính thức được khai mạc ngày 07/01/2012 và sẽ kết thúc sau hơn một tháng tộc chức. Cuộc thi lần thứ nhất vào năm 1949 do Chính Phủ tổ chức, sau đó duy trì hàng năm tại Mahāpāsāṇa - thắng tích nổi tiếng từng diễn ra Kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ 6 vào năm 1954.
Bước vào Hang đá Mahāpāsāṇa, bất kỳ ai cũng kính ngưỡng nghiêng mình hay đê đầu đảnh lễ trước khung cảnh thiêng liêng, trang trọng của cuộc thi, trước thành tựu về Pháp học đã và sẽ đạt được của Chư Tăng - thành phần Ban Giám Khảo gồm những vị TamTạng Pháp Sư trong các kỳ thi trước cùng các bậc Thầy tài giỏi, thành phần thí sinh dày công phấn đấu tu học bao năm qua.
Cuộc thi có tất cả hai kỳ: thi đọc và thi viết, phần nào cũng đầy khó khăn thử thách, đòi hỏi kiến thức sâu rộng, khả năng nhớ dai và chính xác. Hơn nữa, thời gian thi lại khá dài. Phần thi đọc bao gồm việc đọc thuộc lòng Tam Tạng kinh điển bằng tiếng Pāli dài 8026 trang, mỗi thí sinh có ba vị giám khảo ngồi xung quanh: 2 vị Tăng và 1 cư sĩ. Phần thi viết không kém phần cam go, gồm hơn một trăm quyển chánh kinh, các quyển chú giải, và phụ chú giải.
Theo thời khóa, chư Tăng tham dự cứ 3 ngày thi 1 ngày nghỉ, sáng thi từ 8 giờ đến 11 giờ, chiều từ 1 giờ đến 3 giờ. Cứ đến giờ thi, sau khi 3 tiếng khánh báo hiệu, tiếng Chư Tăng đọc tụng đồng loạt vang lên như hải triều âm, khiến người đến lễ bái hoan hỷ lạ thường và rất xúc động! Kết quả cuối cùng sẽ được công bố sau, đồng thời Chính phủ cũng tổ chức buổi lễ vô cùng trọng thể cung nghinh Chư Tăng trong ngày đạt danh hiệu Tam Tạng Pháp Sư.
Một vị Tăng có thể thi trong vài năm liên tục để hoàn tất ba Tạng kinh điển. Tính tới nay, nước Miến Điện đã có 11 vị Tam Tạng Pháp Sư. Vị đầu tiên chính là Cố đại lão Hòa thượng VicittasārābhivaÑsa hay còn gọi là Hòa thượng Mingun. Ngài được sách Kỷ lục thế giới (Guinness) ghi nhận thành tích: ‘đã tụng đọc 16000 trang kinh điển Phật giáo tại Rangoon, Miến Điện vào năm 1954’.
Nhìn những cố gắng vượt bậc không ngừng của Chư Tăng, Chính phủ, và Quý Phật tử Miến Điện trong việc duy trì và phát triển Phật Pháp, chúng ta thật sự cảm động, kính quý và ngưỡng mộ. Mong sao các kỳ thi như thế này được phổ biến và nhân rộng ở nhiều nước khác, ngõ hầu Phật Pháp mãi mãi trường tồn: ‘Buddhasasāsa ciraṃ tiṭṭhatu.’
Sādhu! Sādhu! Sādhu!
Định Phúc
BÌNH LUẬN