Đường tu Phật có trăm vạn nẻo đường, đường nào đi cũng được, mục tiêu là đạt đến những gì muốn Tu. Đức Phật nói: Pháp bình đẳng không chia c...
Đường tu Phật có trăm vạn nẻo đường, đường nào đi cũng được, mục tiêu là đạt đến những gì muốn Tu. Đức Phật nói: Pháp bình đẳng không chia cao thấp, thuốc không tốt xấu, khỏi bệnh là hay. Lúc ban đầu Đức Phật giảng pháp theo phương pháp truyền miệng từ thầy đến trò.
Sau đó, lời dạy của Ngài được viết trên những chiếc lá và được kết lại và cất trong ba cái giỏ. Do đó ba cái giỏ này chính là cái nôi ban đầu để phân loại các bản viết tay nói về: Kinh tạng - Luật tạng - Luận tạng, sau khi Đức Phật viên tịch.
Tất cả con người ai cũng đều cầu mong được sống trong niềm hạnh phúc và vượt qua đau khổ. Do đó mục đích giáo hóa của Đức Phật là sự trợ giúp cho sự mong đợi này. Những gì đức Phật giảng dạy đều bắt nguồn từ cuộc sống và được giải thích qua nhiều cách.
Như vậy, mỗi người bắt đầu, sống trở lại ngay bây giờ và bây giờ đây thôi, bằng một cách nghiền ngẫm và thực hành nghiêm chỉnh. Thân ở đâu, tâm ở đó, là chỗ sống chân thật của mình.
Phật học thường được giới thiệu trong một cách thức giản tiện, qua sự phân định thành từng loại, để tỏ bày những thời điểm khác nhau trong các giai đoạn hoằng pháp của Ngài và Ngài luôn có cái nhìn bình đẳng cho người đang học Phật hay người chưa từng biết đến Phật học.
Nhờ sự phân định và cái nhìn bình đẳng này, mà việc học Phật có nhiều phương pháp khác nhau để thích nghi cho việc tu hành của mỗi người. Tiến trình tư tưởng Phật giáo là một tiến trình liên tục.
Muốn trở thành người con phật, nên tu tập và suy tư lâu dài không ngưng nghỉ. Phật học có rất nhiều thừa, như nắm bàn tay lại hay xòe bàn tay ra, vốn chỉ là một bàn tay. Giáo Pháp phổ biến nhất trong các thừa của Phật học là ngũ thừa. Đây là quá trình để đạt đến năm cảnh giới khác nhau. Nội dung của ngũ thừa gồm có :
- Nhân thừa là dựa vào tam quy ngũ giới mà tu tập
- Thiên thừa là dựa vào mười điều thiện mà tu tập
- Thanh Văn thừa là dựa vào tứ đế mà tu tập
- Duyên giác thừa là dựa vào mười hai nhân duyên mà tu tập
- Bồ tát thừa là dựa vào lục độ vạn hạnh mà tu tập.
Mỗi người tu thân, để đạt giác ngộ chỉ bằng tự lực, và giáo pháp của Đức Phật, vốn không phân lớn nhỏ. Việc phân định thành từng loại là do căn cơ và lòng người, nếu hiểu được như vậy thì đừng nên chấp vào văn tự.
Kính bút
TS Huệ Dân
(Trích trong Tinh Hoa Phật Học của TS Huệ Dân)
CĐO chú thích thêm
[*] Ngũ thừa là 5 cổ xe vận chuyển người vào bến bờ định hướng. Thừa có nghĩa là cái xe chuyên chở đưa người đi tới nơi chốn. Trong Phật giáo, thừa dùng chỉ cho giáo pháp để người tu đạt đến quả vị giải thoát. Theo trình độ và căn cơ của mỗi chúng sinh tu tập mà quả vị có cao thấp cũng đều do sức cố gắng là nhân đưa đến quả hiển nhiên.
BÌNH LUẬN